ROMA - "Đối với tôi điều sau đây là rất quan trọng: trước khi quà tặng được trao, hãy bám lấy người trao ban; người trao ban thì quý hơn quà tặng. Vì vậy, chúng ta cũng vậy, vượt quá những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta cầu khẩn Ngài, món quà lớn nhất mà Ngài có thể ban cho chúng ta là tình bạn của Ngài, sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chính Chúa là kho tàng quý giá cần phải xin và luôn duy trì”, ĐTC Biển Đức XVI giải thích.

Đức Thánh Cha đã có cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư, ngày 14-12, lúc 10g30 trong Sảnh Đường Phaolô VI, với sự hiện diện của hàng ngàn du khách từ Ý và nhiều nơi trên thế giới.

ĐTC Biển Đức XVI tiếp tục bài giáo lý của Ngài về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, trong khuôn khổ của "trường học cầu nguyện" của Ngài - như người ta có thể gọi tên loạt bài giáo lý này -, khi Ngài bình giải việc Chúa chữa lành người vừa điếc vừa ngọng (Mc 7,32-37) và việc Chúa cho anh Ladarô sống lại (Ga 11,1-44).

Bài Giáo Lý của ĐTC Biển Đức XVI bằng tiếng Ý:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn suy tư về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu liên quan đến công tác phi thường của Ngài về chữa lành bệnh. Trong các sách Tin Mừng, người ta trình bày các tình huống khác nhau, trong đó Chúa Giêsu cầu nguyện trước công tác từ nhân chữa lành của Chúa Cha, khi Chúa Cha hành động qua Ngài. Một lần nữa, đây là một việc cầu nguyện chứng tỏ mối quan hệ độc đáo về nhận biết và hiệp thông với Chúa Cha, trong khi Chúa Giêsu tự mình liên quan với sự tham gia lớn lao vào nỗi khổ của bạn bè Ngài, chẳng hạn anh Ladarô và gia đình anh, hoặc nhiều người nghèo và người bệnh mà Ngài muốn giúp đỡ một cách cụ thể.

Một trường hợp đáng kể là người vừa điếc vừa ngọng (x. Mc 7,32-37). Trình thuật của thánh sử Máccô mà chúng ta vừa nghe, cho thấy rằng công việc chữa lành của Chúa Giêsu có liên quan đến mối quan hệ mạnh mẽ của Ngài với người lân cận - bệnh nhân - và với Chúa Cha. Quang cảnh của phép lạ được mô tả cẩn thận như sau: "Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra” (7, 33-34). Chúa Giêsu muốn rằng việc chữa lành diễn ra “tách biệt, xa cách đám đông”.

Điều này dường như không chỉ do thực tế là phép lạ phải được giữ bí mật đối với các người khác, để tránh cho người ta không đưa ra các giải thích hạn chế hoặc méo mó về con người Giêsu. Việc lựa chọn đưa người bệnh ra xa đám đông vào thời điểm chữa bệnh, Chúa Giêsu và người vừa điếc vừa ngọng đứng một mình, đến gần nhau bằng một mối tương quan đặc biệt. Bằng một cử chỉ, Chúa chạm vào tai và lưỡi của bệnh nhân, nghĩa là chạm vào nơi thương tật của ông ấy. Cường độ sự quan tâm của Chúa Giêsu cũng được biểu hiện bằng các tính năng khác thường của việc chữa bệnh: Ngài sử dụng ngón tay và thậm chí nước bọt của Ngài. Và sự việc thánh sử nêu ra lời độc đáo của Chúa Giêsu - "Ép-pha-tha" nghĩa là: “Hãy mở ra” - cũng nhấn mạnh tính cách đặc biệt của cảnh này.

Nhưng tâm điểm của trình thuật này, chính là sự việc rằng Chúa Giêsu, tại thời điểm thực hiện sự chữa lành, tìm kiếm trực tiếp mối quan hệ của Ngài với Chúa Cha. Quả thế, trình thuật nói rằng “Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng" (câu 34). Sự quan tâm đối với người bệnh, sự lo lắng của Ngài đối với người bệnh, được liên kết với một thái độ sâu sắc về việc cầu nguyện với Chúa Cha. Và sự phát ra tiếng rên được mô tả bằng một động từ, vốn cho thấy, trong Tân ước, sự khát vọng về một cái gì tốt đang còn thiếu (x. Rm 8,23). Toàn bộ trình thuật sau đó cho thấy rằng sự tham gia của con người Giêsu với bệnh nhân đã dẫn Ngài đến việc cầu nguyện.

Một lần nữa, mối quan hệ duy nhất của Ngài với Chúa Cha tuôn ra căn tính Người Con duy nhất của Chúa Cha. Trong Ngài, bởi chính Ngài, chính công việc chữa lành nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện. Không phải ngẫu nhiên mà lời bình luận kết luận của nhiều người sau phép lạ nhắc việc sự đánh giá của khởi đầu việc Tạo dựng ở đầu sách Sáng thế (St): "Ông ấy (Chúa Giêsu) làm việc gì cũng tốt đẹp cả”. Việc cầu nguyện đi một cách rõ ràng vào công việc chữa lành của Chúa Giêsu, bởi cái nhìn của Ngài hướng về Trời cao. Sức mạnh chữa lành người vừa điếc vừa ngọng chắc chắn được tạo ra bởi lòng từ bi của Ngài cho người ấy, nhưng nó xuất phát từ sự giúp đỡ của Chúa Cha. Hai mối quan hệ này gặp nhau: mối quan hệ nhân bản của lòng từ bi đối với con người đi vào mối quan hệ với Thiên Chúa, và trở thành một sự chữa lành.

Trong trình thuật của thánh Gioan (Ga) về anh Ladarô sống lại, năng động này được làm chứng với một sự rõ ràng lớn hơn nữa (x. Ga 11, 1-44). Ở đây cũng gắn bó với nhau, một bên là mối tương quan của Chúa Giêsu với một người bạn và sự đau khổ của người ấy, và một bên là mối quan hệ con thảo của Ngài với Chúa Cha. Sự tham gia nhân tính của Chúa Giêsu trong trình thuật về anh Ladarô có những đặc điểm riêng. Trong suốt trình thuật, người ta nhắc lại nhiều lần tình bạn của Ngài cho anh Ladarô, cũng như cho hai chị em Mácta và Maria. Chính Chúa Giêsu khẳng định: "Ladarô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây" (Ga 11,11).

Tình cảm chân thành của Ngài đối với một người bạn cũng được nhấn mạnh bởi hai chị em của anh Ladarô, cũng như của các người Do Thái (x. Ga 11,3; 11,36); tình cảm này được biểu lộ trong sự xúc động sâu xa của Chúa Giêsu trước nỗi đau buồn của Mácta và Maria, và tất cả các bạn bè của Ladarô, và nó làm cho Ngài thổn thức trong lòng và khóc – một cách rất là con người - khi Ngài đến gần ngôi mộ, "Thấy cô khóc, và những người Do thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: ”Các người để xác anh ấy ở đâu?” Họ trả lời: ”Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem.” Đức Giêsu liền khóc” (Ga 11,33-35).

Quan hệ bạn bè này, sự tham gia và cảm xúc của Chúa Giêsu trước nỗi đau của người thân và sự hiểu biết về anh Ladarô, được nối kết trong suốt trình thuật với một mối quan hệ liên tục và mãnh liệt với Chúa Cha. Ngay từ đầu, sự kiện này được đọc bởi Chúa Giêsu trong tương quan với căn tính và sứ mạng của Ngài, và với sự vinh quang đang chờ đợi Ngài. Khi biết tin anh Ladarô bị bệnh, Ngài đã bình luận: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11,4 ). Việc loan báo cái chết của người bạn cũng được Chúa Giêsu đón nhận với một đau khổ sâu sắc của con người, nhưng luôn rõ ràng qui chiếu với mối quan hệ với Thiên Chúa và với sứ mệnh được giao phó cho Ngài. Ngài nói: "Ladarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy” (Ga 11,14-15).

Thời điểm Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trước ngôi mộ là kết quả tự nhiên của toàn bộ trình thuật, được căng ra giữa tình bạn đối với anh Ladarô và mối quan hệ con thảo với Chúa Cha. Ở đây, một lần nữa, hai mối quan hệ đi chung với nhau: "Sau đó Đức Giêsu ngước mắt lên và nói: ”Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con” (Ga 11,41)": đó là hiến lễ tạ ơn. Câu này cho thấy rằng Chúa Giêsu đã không từ bỏ một giây cầu nguyện để xin cho anh Ladarô sống lại. Lời cầu nguyện liên tục đã tăng cường sự liên kết với một người bạn, và đồng thời, nó khẳng định quyết định của Chúa Giêsu ở lại trong sự hiệp thông với ý Chúa Cha, với kế hoạch yêu thương của Chúa Cha, trong đó bệnh tật và cái chết của anh Ladarô phải được coi là địa điểm tỏ lộ sự vinh hiển của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, khi đọc trình thuật này, mỗi người chúng ta được mời gọi hiểu rằng, trong lời cầu nguyện xin Chúa, chúng ta không nên mong đợi một sự thực hiện trực tiếp của những gì chúng ta cầu xin, của ý muốn chúng ta, nhưng tốt hơn chúng ta nên phó thác cho ý Chúa, bằng cách đọc mỗi sự kiện trong viễn tượng vinh quang của Chúa, kế hoạch tình yêu của Chúa, vốn thường là bí mật với chúng ta. Vì vậy, trong việc cầu nguyện của chúng ta, lời cầu xin, lời tạ ơn và lời cảm tạ phải tan chảy vào nhau, cả khi hình như Chúa không đáp trả các mong chờ cụ thể của chúng ta. Phó thác cho tình yêu Chúa, vốn đi trước và luôn đồng hành với ta, là một trong các thái độ cơ bản của cuộc đối thoại của chúng ta với Chúa.

Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhận xét như sau về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong trình thuật anh Ladarô sống lại: "Lời cầu nguyện đầy tâm tình tạ ơn của Ðức Giêsu dạy ta cách cầu xin: trước khi được nhận ơn, Ðức Giêsu đã gắn bó với Ðấng ban ơn, cũng là Ðấng ban chính mình qua các hồng ân. Ðấng ban ơn thì quý trọng hơn ơn được ban. Người là "kho báu" đích thực và lòng Chúa Con luôn hướng về Người. Hồng ân chỉ là điều "được ban thêm" (x. Mt 6, 21. 33) "(2604). Đối với tôi điều sau đây là rất quan trọng: trước khi quà tặng được trao, hãy bám lấy người trao ban; người trao ban thì quý hơn quà tặng. Vì vậy, chúng ta cũng vậy, vượt quá những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta cầu khẩn Ngài, món quà lớn nhất mà Ngài có thể ban cho chúng ta là tình bạn của Ngài, sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chính Chúa là kho tàng quý giá cần phải xin và luôn duy trì.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vào lúc người ta lấy đi phiến đá đậy hang mộ anh Ladarô, trình bày sau đó một sự phát triển đặc biệt và bất ngờ. Thật vậy, sau khi cảm tạ Chúa Cha, Ngài nói thêm: " Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con” (Ga 11, 42). Qua lời cầu nguyện của mình, Chúa Giêsu muốn dẫn đến đức tin, sự tin cậy hoàn toàn vào Chúa, vào ý Chúa, và Ngài muốn chứng tỏ rằng Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương thế giới và con người đến nỗi đã sai Con một của Chúa (x. Ga 3, 16), là Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa mang niềm hy vọng, và có thể đảo ngược các tình hình bất khả của con người. Như thế, lời cầu nguyện tin tưởng của một tín hữu là một chứng tá sống động của việc Chúa hiện hiện trong thế giới, quan tâm chăm sóc cho con người, hành động để thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa.

Hai lời cầu nguyện của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa suy niệm, đi kèm sự chữa lành một người vừa điếc vừa ngọng, và cho anh Ladarô sống lại, cho thấy sự liên kết sâu xa giữa mến Chúa và yêu người phải đi vào việc cầu nguyện của chúng ta. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và con người thật, sự quan tâm đến người khác - đặc biệt là nếu người ấy đang thiếu thốn và đau khổ -, sự việc xúc động trước nỗi đau đớn của một gia đình người bạn, dẫn chúng ta cầu xin với Chúa Cha, trong mối quan hệ cơ bản hướng dẫn cuộc sống của mình. Nhưng ngược lại: sự hiệp thông với Chúa Cha, sự đối thoại liên lỉ với Ngài, thúc đẩy Chúa Giêsu quan tâm, một cách độc đáo, các hoàn cảnh cụ thể của con người, để mang lại cho con người sự ủi an và tình yêu của Thiên Chúa. Mối quan hệ với người khác dẫn chúng ta đến mối quan hệ với Thiên Chúa, và mối quan hệ với Thiên Chúa dẫn chúng ta trở lại với mối quan hệ với tha nhân.

Anh chị em thân mến, lời cầu nguyện của chúng ta mở cửa cho Thiên Chúa, Đấng dạy chúng ta phải liên tục đi ra khỏi chính mình để có thể gần gũi với người khác, đặc biệt là trong thời gian thử thách và đau khổ, để mang lại cho họ sự ủi an, hy vọng và ánh sáng. Xin Chúa ban cho chúng ta có khả năng cầu nguyện liên tục mạnh mẽ, để tăng cường mối quan hệ cá nhân của chúng ta với Chúa Cha, mở lòng chúng ta cho nhu cầu của người bên cạnh chúng ta, và cảm nhận được vẻ đẹp của "các người con trong Người Con”, cùng với vô số anh em. Cám ơn anh chị em.

Tổng hợp giáo lý của ĐTC Biển Đức XVI bằng tiếng Pháp:

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta suy niệm về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong mối quan hệ của Ngài với việc chữa lành. Lời cầu nguyện này thực sự thể hiện mối quan hệ hiệp thông duy nhất của Ngài với Chúa Cha, trong khi Ngài bị đánh động bởi sự đau khổ của bạn bè, người nghèo và người bệnh, mà Ngài muốn giúp đỡ thực sự. Trong Tin Mừng theo thánh Máccô, trình tuật chữa lành người vừa điếc vừa ngọng là có ý nghĩa theo cách nhìn này. Chúa Giêsu đưa bệnh nhân ra khỏi đám đông và, với sự quan tâm lớn lao, Ngài dùng các ngón tay và nước bọt của mình, rồi Ngài nói: ""Ép-pha-tha" nghĩa là: “Hãy mở ra”. Đồng thời Ngài cầu xin Chúa Cha, chứng tỏ rằng sức mạnh chữa lành đến từ sự trợ giúp của Chúa Cha. Đó là tâm điểm của trình thuật này.

Cũng thế, trong Tin mừng theo thánh Gioan (Ga), trong sự sống lại của Ladarô, vừa có sự hiện diện của sự cảm thông sâu sắc của Chúa Giêsu đối với sự đau khổ của một người bạn, và sự hiệp thông con thảo của Ngài với Chúa Cha. Lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha để xin cho anh Ladarô sống lại, trong khi xác nhận quyết định của Ngài sống trong sự hiệp thông với ý Chúa Cha, cũng tăng cường mối quan hệ với người bạn của Ngài. Các trình thuật giúp chúng ta hiểu rằng trong lời cầu xin của chúng ta, chúng ta không nên chờ đợi sự thực hiện ý của ta, nhưng phải phó thác cho ý Chúa Cha. Ngay cả khi ý này thường là bí mật đối với chúng ta, chúng ta chắc chắn có tình yêu của Ngài cho chúng ta. Món quà lớn nhất mà Ngài có thể ban cho chúng ta là tình bạn của Ngài, sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chính Chúa là kho tàng quý giá cần phải xin và luôn duy trì.

Tôi chào các người hành hương nói tiếng Pháp, đặc biệt là phái đoàn đến từ New Caledonia, nhóm ở Nice và nhóm Thiên Chúa Ba Ngôi. Có một tương quan sâu xa giữa lòng mến Chúa và yêu người. Giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy quan tâm đến những người xung quanh chúng ta, đặc biệt là những người đau khổ. Hãy mang lại cho họ sự an ủi và niềm hy vọng, mà chúng ta tìm thấy trong Thiên Chúa. Chúc anh chị em chuẩn bị tốt cho lễ Giáng sinh! Tôi ban Phép lành Toà thánh cho anh chị em. (ZENIT.org 14-12-2011)