Vấn đề môi trường chi phối hội nghị các Giám mục Nhật và Hàn Quốc

Đối với hội nghị chung lần thứ 17, các Giám mục Công giáo của Nhật và Hàn Quốc đã lên kế hoạch họp tại Kanazawa, trong Giáo phận Nagoya ở miền trung đảo Honshu (Nhật), nhưng trận động đất ngày 11-3 và thảm họa tiếp theo của nó buộc các Giám mục dời chỗ họp đến Sendai, ngay trung tâm của khu vực Tohoku bị ảnh hưởng. Ngoài các vấn đề liên quan đến việc cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng, hội nghị giữa hai Hội đồng Giám mục chủ yếu tập trung vào các vấn đề môi trường.

Được khởi xướng từ năm 1995, và tổ chức luân phiên giữa hai nước, các cuộc họp hàng năm giữa các Giám mục Công giáo Hàn Quốc và Nhật là một phần của quá trình hòa giải giữa hai quốc gia, vốn chia sẻ chung một lịch sử cận đại vẫn được đánh dấu bởi chấn thương của thực dân và chiến tranh.

Trong những năm qua, các Giám mục đã thiết lập mối quan hệ tin cậy và chưa bao giờ ngần ngại nắm bắt các vấn đề nhạy cảm xã hội, chẳng hạn việc tiếp nhận người di cư (năm 2008) hoặc nạn tự tử (năm 2010), các trao đổi của các Ngài được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm của các Ngài trong một bối cảnh xã hội, vừa giống nhau một phần (một nền kinh tế phát triển), nhưng còn là môi trường tôn giáo hơi khác nhau (trong khi Thiên Chúa giáo có sự hiện diện mạnh mẽ tại Hàn Quốc, các Giáo hội Kitô giáo là một thiểu số rất nhỏ tại Nhật).

Năm nay, từ ngày 11 đến ngày 13-11, hai mươi Giám mục Hàn Quốc đã di chuyển đến Sendai để gặp gỡ mười bảy Giám mục Nhật. Do các hoàn cảnh cụ thể, thảm họa ngày 11-3 là trung tâm của các cuộc tranh luận. Các Giám mục Nhật đã cám ơn Giáo Hội Hàn Quốc vì sự hỗ trợ đem tới trong những ngày và những tuần lễ sau trận động đất, nhất là gửi nhiều người tình nguyện, nhưng hội nghị bàn bạc chủ yếu đến lập trường mà các Giám mục Nhật vừa chọn, khi các Ngài kêu gọi nước Nhật loại bỏ năng lượng hạt nhân. Quả thế, ngày 10-11, Giáo Hội Nhật đã yêu cầu chính phủ Nhật đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân trong nước, để cho thảm kịch bị tạo ra bởi tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa.

Các cuộc họp giữa hai Hội đồng Giám mục đều diễn ra kín, không phản ứng nào của các Giám mục Hàn Quốc về lập trường trên đây của các Giám mục Nhật được tiết lộ. Tuy nhiên, các Giám mục Hàn Quốc giải thích với Hội đồng Giám mục Nhật các lý do cho việc các Ngài phản đối dự án "Điều chỉnh bốn con sông", một chương trình lớn của chính phủ để nạo vét lòng của bốn con sông lớn ở Hàn Quốc, và xây dựng các đập và nhà máy thuỷ điện trên các sông ấy. Các người chống đối dự án này tố cáo các thiệt hại không thể đảo ngược đối với môi trường và hệ sinh thái của các sông, và người Công giáo, những người thuộc nhóm chống đối mạnh nhất cho dự án, đã lôi kéo được đại diện các tôn giáo khác cùng tham gia chống đối dự án với mình. Tuy nhiên, về vấn đề điện hạt nhân, các Giám mục Hàn Quốc đã không tham gia bàn bạc, trừ vài ngoại lệ.

Trước khi kết thúc hội nghị và chọn ngày họp cho hội nghị năm tới, vỗn sẽ diễn ra tại Hàn Quốc, các Giám mục hai nước đã nhất trí nói rằng cần tiếp tục trao đổi với nhau về các vấn đề môi trường, vì đây là các vấn đề ưu tiên chọn lựa của xã hội ở Nhật và ở Hàn Quốc.

Trong cả hai nước, phản ứng của các chính phủ cho sự kiện rằng hai nước phải nhập khẩu hầu như tất cả các nguồn năng lượng của họ là sự lựa chọn năng lượng hạt nhân dân sự. Hiện nay, tỉ lệ điện hạt nhân ở cả hai nước là gần như nhau: 33% ở Hàn Quốc (với 21 lò phản ứng đang hoạt động và năm lò đang được xây dựng) và 30% tại Nhật (trước tai nạn Fukushima, 54 lò phản ứng đang hoạt động).

Trong cả hai quốc gia, cho đến nay, phong trào chống điện hạt nhân là tương đối yếu (ngoài việc phản ứng mạnh mẽ của người dân địa phương Hàn Quốc trước các dự án xây dựng nhà máy điện mới, hoặc các trung tâm lưu trữ chất thải phóng xạ). Và ở cả hai nước, các nhà công nghiệp đã đầu tư rất nhiều để kiểm soát ngành công nghiệp hạt nhân, nhằm đề xuất các nhà máy của họ xuất khẩu điện.

Trong bối cảnh hậu tai nạn Fukushima, nơi mà sự chọn lựa điện hạt nhân đang trở nên ngày càng bị công luận chống đối, các Giám mục của Giáo Hội Nhật và Hàn Quốc muốn làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe. (Eglises d'Asie 15-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa