VATICAN CITY (theo CNS) - Lên án cuộc tấn công vào các Kitô hữu không vũ trang ở Ai Cập, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nói rằng trong quá trình chuyển đổi qua thể chế dân chủ, tất cả các công dân và các tổ chức phải làm việc để đảm bảo quyền lợi của mọi sắc dân thiểu số.

Vào lúc kết thúc buổi tiếp kiến ​​chung hàng tuần ngày 12 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Benedict nói ngài "buồn sâu sắc" trước cái chết của ít nhất 26 người, hầu hết là Kitô hữu, khi đoàn người biểu tình ôn hòa bị các băng đảng tấn công, và sau đó một chiếc xe quân sự tăng tốc độ đâm vào và các sĩ quan bắn vào đám đông. Hàng trăm người đã bị thương.

Đức Thánh Cha cho biết nước Ai Cập đang trải qua một sự chuyển đổi sang chế độ dân chủ sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ vào tháng Hai, đã chịu "đau đớn" vì những mưu đồ tìm cách làm suy yếu sự sống chung hòa bình giữa các cộng đồng khác nhau."

Bảo vệ tinh thần hòa hợp và hợp tác là điều cần thiết cho một tương lai dân chủ thật sự, ngài nói.

Đức Thánh Cha yêu cầu người Công giáo cầu nguyện cho Ai Cập được "tận hưởng sự bình an thật sự dựa trên công lý và tôn trọng sự tự do và phẩm giá của mỗi người dân."

"Ngoài ra, tôi hỗ trợ những nỗ lực của chính quyền và của các tôn giáo đang mưu tìm một xã hội trong đó nhân quyền của mọi người - đặc biệt của các dân tộc thiểu số - được tôn trọng để mang lại lợi ích thống nhất cho quốc gia, "Đức Thánh Cha nói.

Kitô hữu chiếm khoảng 10% dân số Ai Cập, 90% là người Hồi giáo trong tổng số 82 triệu dân.

Đức Giám mục Camillo Ballin, tham dự buổi triều kiến, là đại diện tông tòa vùng Bắc Ả rập và là tổng thư ký của hội đồng các giám mục theo nghi lễ Latinh tại các nước Ả Rập, nói với tờ báo Vatican rằng các giám mục đang lo lắng về những thay đổi về âm điệu đang xảy ra ở các nước trong khu vực.

"Những Kitô hữu đang lo sợ. Tại Ai Cập cũng như tại các nước Iraq, Syria và Yemen, mọi người đang sống trong một bầu không khí căng thẳng liên tục.. Người Kitô hữu chúng tôi sống cận kề với bạo lực và cảm thấy thiếu thốn không được bảo vệ."

Đức Giám mục Adel Zaky, đại diện tông tòa của Alexandria, Ai Cập, cũng có mặt. Ngài nói với tờ báo rằng người Ai Cập cần nhiều lời cầu nguyện và nhiều sự khuyến khích từ cộng đồng quốc tế để có sự tôn trọng nhân quyền và sự bảo vệ các dân tộc thiểu số.

Ai Cập cũng cần phải tổ chức bầu cử, ngài nói. Cuộc bầu cử Hạ viện dự trù vào cuối tháng Mười là bước đầu tiên hướng tới sự chấm dứt chế độ quân sự. "Người ta không thể cai trị với bàn tay sắt", theo lời Đức Giám mục Zaky. "Bầu không khí bạo lực, dẫn đến việc đốt nhà thờ, những hành động bạo hành, đặc biệt là sự sát hại nhiều người vô tội, đã diễn ra một thời gian quá dài rồi."

Linh mục dòng Comboni, Cha Luciano Verdoscia, một nhà truyền giáo ở Ai Cập, cho biết rằng trong 40 năm qua, các chính phủ đã khai thác sự khác biệt giữa Kitô hữu và người Hồi giáo, đồng thời tiền bạc và ảnh hưởng từ các nhóm Hồi giáo bên ngoài đã thúc đẩy sự căng thẳng.

Tuy nhiên, Cha Verdoscia cho biết các nước phương Tây cũng chia sẻ một số lỗi lầm. "Tôi sợ rằng các chính phủ phương Tây đang đặt lợi ích kinh tế lên trên nhân quyền. Họ không có sức mạnh đạo đức để tố cáo sự phân biệt đối xử chống lại các dân tộc thiểu số ở Trung Đông," ngài nói với Fides, cơ quan thông tấn truyền giáo của Vatican.

Cha Rafic Greiche, phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo tại Ai Cập, nói với Đài phát thanh Vatican rằng sự thiếu hoạt động của chính phủ đóng góp một phần lỗi cho sự gia tăng bạo lực.

"Tất cả bắt nguồn từ sự thất bại của chính phủ đã không ban hành một đạo luật quy định việc xây dựng những nơi thờ tự, như nhà thờ Kitô giáo hoặc nhà thờ Hồi giáo, như họ đã hứa hẹn vài tháng trước đây," Cha Greiche nói. Những Kitô hữu đã biểu tình để đòi chấm dứt những vụ đốt phá nhà thờ do một số người chống đối với lý do việc xây dựng là bất hợp pháp.

Cha Greiche nói, "Lúc chế độ cũ của Mubarak còn tồn tại, cũng có vụ nhà thờ bị đốt nhưng các lực lượng an ninh luôn luôn được sử dụng để bảo vệ chúng tôi. Bây giờ thì ngay cả chính phủ cũng không thèm đếm xỉa tới (give a damn) những gì đang xảy ra."

Trong bài nói chuyện với khoảng 14.000 người tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã dùng Thánh Vịnh 126 để nói về niềm vui và lòng biết ơn và nhắc nhở các Kitô hữu phải có nghĩa vụ nhận ra những món quà mà Thiên Chúa đã ban cho để mà tạ ơn.

"Trong lời cầu nguyện, chúng ta phải thường xuyên hơn xem xét là như thế nào, trong các diễn biến của cuộc sống, Chúa đã bảo vệ, hướng dẫn và giúp đỡ chúng ta và chúng ta phải chúc tụng Ngài về những gì Ngài đã và đang ban cho chúng ta. Chúng ta phải chú ý nhiều hơn tới những điều tốt đẹp Chúa làm, chứ đừng chỉ luôn luôn chú ý vào các vấn đề và khó khăn - như thể chúng ta không muốn thấy những điều tốt đẹp đến từ Chúa," Đức Thánh Cha nói.