Chúa Nhật 25 Thường Niên A

Trong những năm gần đây hiện tượng đình công ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc ở các công ty xảy ra rất phổ biến, với tầm mức ngày càng lớn và nghiêm trọng. Nguyên nhân của vấn đề là do các ông chủ của các công ty này bóc lột, và đối xử với công nhân cách bất công quá lẽ. Phải làm việc vất vả, nhưng họ lại được các ông chủ của mình trả công quá bèo, không đủ sống. Báo chí còn đăng tải rất nhiều vụ: chủ của các công ti nước ngoài đối xử với các công nhân như những rô bốt, có khi còn nhục mạ xúc phạm đến thậm tệ, khiến công luận phải lên tiếng gay gắt.

Khác hẳn dung mạo những ông chủ bất nhân mà báo chí vẫn thường nêu danh, dụ ngôn trong Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta dung mạo một ông chủ nhân hậu và quảng đại trên cả tuyệt vời. Nhân hậu ở chổ ông đã thuê mời tất cả những ai mà ông gặp, cả những người thất nghiệp đến giờ thứ 11. Quảng đại ở chổ ông đã trả công quá sức lao động cho người làm muộn. Chẳng những thế ông còn nghĩ đến gia đình vợ con của họ nữa.

Người Do Thái thời Chúa Giêsu chia ngày thành 12 giờ. Ngày bắt đầu lúc mặt trời mọc và kết thúc lúc mặt trời lặn: 3 giờ là 9 giờ sáng - 6 giờ là 12 giờ trưa - 9 giờ là 3 giờ chiều - 11 giờ là 5 giờ chiều. Theo lệ thường công nhật sẽ chấm dứt lúc giờ thứ 12, tức là 6 giờ chiều. Những người làm từ giờ 11, tức 5 giờ chiều, họ chỉ làm việc 1 giờ là nghỉ. Trong khi đó người làm từ sáng, họ phải lao động 12 giờ. Vậy mà cuối ngày khi trả lương, ông chủ lại trả bắt đầu từ người sau hết là 1 đồng. Họ phản đối, họ trách móc vì họ bị hai thiệt thòi: kẻ khác làm 1 giờ mà họ 12 giờ; kẻ khác làm lúc trời đã mát mẻ, còn họ làm cả ngày dưới trời nắng gió nóng của miền Địa Trung Hải.

Có người nói rằng nếu ông chủ vườn nho không gọi thêm nhân công ở các giờ thứ 10 thứ 11, thì mọi chuyện sẽ bình thường, không có vấn đề gì xảy ra. Hoặc là khi trả cho người làm muộn, đừng cho những người làm sớm biết, chắc cuối ngày, sau khi lãnh lương, các nhân công ra về sẽ vui vẻ chào hỏi, cám ơn và hẹn mai đến làm việc tiếp trong bầu không khí vui tươi, thân ái. Thế nhưng vì có nhóm thợ được thuê vào muộn, họ làm ít giờ hơn, mà lại được trả lương cách công khai bằng với những người làm sớm nhất, nên có “đình công”, có giận hờn, ganh tỵ với những đồng nghiệp, và nhất là có sự đánh giá tiêu cực về ông chủ.

Thực tế cách cư xử của ông chủ có bất công quá không? Chắc hẳn là không. Bởi chưng ông trả đủ số tiền công mà ông đã thỏa thuận trước đó là 1 đồng. Như thế, hành động khác thường của ông chủ hoàn toàn không phải do ông ta cư xử bất công, trái lại là do ông ta quá tốt lành. Tốt lành vì ông không muốn cho ai phải thua thiệt sút kém. Ông muốn ai cũng may mắn, ai cũng có tiền về nuôi gia đình. Một đồng ông phát cho người làm giờ 11 không phải là đồng bạc của lẽ công bình. Đồng bạc ấy là đồng bạc của tình yêu thương.

Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn minh chứng rằng: trong cách thức hành động của mình, Thiên Chúa không đi theo những qui tắc lề luật của sự công bình hạn hẹp, khô cứng, Ngài chỉ thực thi theo sự tốt lành của mình, theo thúc đẩy bởi tình yêu của mình.

Ngài cũng mong muốn chúng ta hãy tránh xa thái độ hẹp hòi ghen tị, khi người khác may mắn hơn, tài đức hơn, hay giàu có hơn, xinh đẹp hơn mình…. Hãy bằng lòng với cái mình đang có và cố gắng phát triển nó lên. Ai cũng được Chúa ban cho những khả năng khác nhau: người 5 nén, người 2 nén, người 1 nén. Ngày ra trước mặt Chúa, Chúa không hỏi: con đã làm những gì, ông này hay bà nọ. Chúa chỉ hỏi về lòng yêu mến, mến Chúa và yêu người. Chính tình yêu trong công việc là thước đo mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta.

Những người thợ được thuê làm vườn nho vào những giờ khác nhau, đó là hình ảnh những người được mời vào Giáo hội qua Bí Tích Rửa Tội vào những tuổi đời khác nhau. Sống trong Giáo hội mọi người đều là con cái của Chúa, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Ai cũng được Thiên Chúa thương xót. Đã là thương xót thì không còn đứng trong ranh giới công bình, mà thuộc ranh giới yêu thương. Người trộm lành ở trên Núi Sọ là ví dụ điển hình của những kẻ được Chúa yêu thương gọi vào làm Vườn Nho giờ thứ 11.

Xin cho mỗi người chúng ta biết tín thác vào Thiên Chúa là ông Chủ Nhân Từ, là Người Cha bao dung, là Đấng đã từng hô to: “Ai không có tiền, cũng cứ đến mà mua bánh, mua nước mà dùng”. Xin cho chúng ta cũng biết quảng đại chia vui với những “người làm công giờ thứ 11” mà chúng ta vẫn gặp gỡ hằng ngày. Amen.