Khóa thường huấn Ban Chấp Hành Các Giáo Xứ GP. Phát Diệm

Khoảng một tháng trước, chúng tôi nhận được thông báo của cha xứ: Tòa Giám Mục sẽ tổ chức khóa thường huấn cho Ban Chấp Hành (BCH) các giáo xứ vào ngày 08 và 09/9/2011. Từ khi nhận được thông báo ấy, tôi lo thu xếp công việc, rồi chờ đợi. Và ngày ấy đã đến.

Trước đây tôi tham gia BCH giáo họ, không mấy khi có dịp về Tòa Giám Mục. Năm nay tôi được tham gia BCH giáo xứ, và đây là lần thứ hai trong năm tôi về Phát Diệm. Tuy giáo xứ chúng tôi chưa phải là xa nhất trong giáo phận, nhưng mỗi khi muốn về Tòa Giám Mục, chúng tôi phải đi hết hai giờ bằng xe gắn máy.

Xem hình khoá thường huấn

Chúng tôi khởi hành sớm, nên tới Tòa giám Mục cũng khá sớm. Còn ba mươi phút nữa Thánh lễ sẽ bắt đầu, nhưng quý chức cũng đã về đây khá đông, hầu hết đi bằng xe gắn máy. Một số vị ở gần chọn phương tiện di chuyển là xe đạp.

Một nhóm các chú trẻ hướng dẫn chúng tôi đưa xe vào nơi quy định, đó là bãi xe dã chiến, tạm thời, được quây lại bởi các dây mà bên trong chính là vườn nhãn và vải với thảm cỏ xanh làm mát “đế giày và bánh xe”.

Gần nơi gửi xe có một bàn đón tiếp. Chúng tôi ghi danh, đúng hơn là chúng tôi cho Ban Tổ Chức biết mình ở giáo xứ nào, có mấy người đi tham dự, có ở lại qua đêm không. Rồi chúng tôi nhận được tài liệu của khóa thường huấn. Đó là một tập sách khổ A5, bìa màu vàng, có tựa đề: KHÓA THƯỜNG HUẤN BAN CHẤP HÀNH GIÁO XỨ. Tài liệu dày 92 trang, in thời khóa biểu của hai ngày ở trang đầu, tiếp theo là mười đề tài mà chúng tôi sẽ được nghe các cha thuyết trình. Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn vào Nhà Thờ để chuẩn bị tham dự thánh lễ cử hành lúc 8 giờ 45 phút.

Trong Nhà Thờ, cha Trưởng Ban Giáo Dân đang hướng dẫn ổn định chỗ ngồi và thông báo chương trình ngày thứ nhất khóa thường huấn. Cộng đoàn tham dự phụng vụ hôm nay không đông như đại lễ. Chúng tôi được ưu tiên ngồi ở hàng ghế giữa lòng Nhà Thờ. Cũng có nhiều anh chị em giáo dân và đông nữ tu về đây hiệp dâng thánh lễ.

Sau những hướng dẫn cần thiết của cha Trưởng Ban, đàn nổi lên và Ca Đoàn bắt đầu hát bài Nhập Lễ. Tôi nhìn xuống phía cuối Nhà Thờ thấy đoàn đồng tế đang tiến lên từ phía Phương Đình. Thánh lễ do Đức Cha chủ sự, quý cha trong giáo phận cùng về đây đồng tế.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha nói về ý nghĩa của thánh lễ hôm nay. Tôi nghe và cảm nhận được ngay “ba trong một”: Thánh lễ hôm nay mừng sinh nhật Đức Mẹ; khai mạc khóa thường huấn BCH các giáo xứ; kỷ niệm hai năm thụ phong Giám mục của Đức Cha. Ngài xin lỗi cộng đoàn về những khiếm khuyết của bản thân và về những gì chưa làm được cho giáo phận trong hai năm qua. Chúng tôi ở xa, không mấy khi có dịp tham dự thánh lễ do Đức Cha chủ sự, càng không có dịp hiệp dâng thánh lễ kỷ niệm của ngài, vì thế tôi thực sự xúc động trước lời ngài nói và trong bầu khí thiêng thánh này.

Trong bài giảng, sau khi phân tích chương trình khôn ngoan của Chúa qua gia phả Chúa Giêsu, và lòng tin – yêu của Đức Mẹ dẫn đến tâm tình khiếm tốn vâng phục, cộng tác với ơn thánh để thánh ý Chúa được thực hiện, Đức Cha mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho ngài và cầu nguyện cho nhau để mọi người biết noi gương Đức Mẹ mà đặt trọn niềm tin nơi Chúa, để Ngài hoàn tất chương trình nơi mỗi người.

Trước khi thánh lễ kết thúc, cha Trưởng Ban Giáo Dân đã thay mặt cộng đoàn phụng vụ, đặc biệt là quý chức trong BCH, chúc mừng Đức Cha. “Hai năm qua, những hạt giống Đức Cha gieo trồng đang nảy mầm, trổ sinh, phát triển, hứa hẹn đơm hoa kết trái và đem lại mùa màng bội thu”, đó là một trong những cảm nhận mà cha Trưởng Ban đã bày tỏ. Một vị đại diện chúng tôi lên tặng hoa Đức Cha, thể hiện tấm lòng chân thành và yêu mến của chúng tôi đối với vị Cha Chung của giáo phận.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, đáp lời chúc mừng của cộng đoàn, Đức Cha nói ngắn gọn: “Tôi có ba ước mơ: 1- mọi người nên thánh; 2- mọi người đọc và sống Lời Chúa; 3- mọi người trong giáo phận đoàn kết, hiệp nhất, thương yêu nhau. Xin quý cha và anh chị em hiệp ý cầu nguyện để ước mơ của tôi được trở thành hiện thực”.

Sau khi lãnh nhận phép lành, chúng tôi di chuyển sang hội trường “Nhà Hát Nam Thanh” để chính thức bước vào khóa thường huấn.

Hội trường rộng rãi, thoáng mát, được trang trí đơn giản, trang nhã. Tấm phông màu xanh lá cây treo ngang sân khấu, phía trên gắn hai hàng chữ: KHÓA THƯỜNG HUẤN BAN CHẤP HÀNH GIÁO XỨ, và hàng chữ dưới: Phát Diệm, ngày 08-09/9/2011. Ngay trước sân khấu có một màn hình lớn để chiếu máy Project. Bàn của thuyết trình viên không đặt trên sân khấu. Có lẽ để tạo sự gần gũi mà Ban Tổ Chức đặt ngay trước cử tọa. Tiếp theo đó là dãy bàn dành cho quý cha – các thuyết trình viên. Liền sau đó là ghế dành cho cử tọa được kê ngay ngắn. Không kể gác, lòng Hội trường có thể kê được năm trăm ghế ngồi mà không gò bó. Tuy nhiên, hôm nay nhu cầu chỉ hơn một nửa, vì cha Trưởng Ban thông báo có 291/309 quý chức BCH về tham dự. Những người vắng mặt đều do sức khỏe không tốt.

Sau lời khai mạc vắn tắt của Đức Cha, chúng tôi được nghe bài thuyết trình đầu tiên và cũng là bài duy nhất của buổi sáng 08/8, với đề tài: Sứ Mệnh và Linh Đạo Giáo Dân, do cha Giuse Phạm Ngọc Khuê.

Chúng tôi dùng cơm trưa tại Tòa Giám Mục và do Tòa Giám Mục đài thọ. Hôm nay “ba trong một” nên bữa ăn rất thịnh soạn, có cả bia nữa. Sau bữa ăn, chúng tôi về phòng nghỉ ngơi để chuẩn bị cho buổi chiều.

13 giờ 30, chúng tôi trở lại Hội Trường. Sau một vài sinh hoạt khởi động, chúng tôi nghe thuyết trình đề tài thứ hai. Buổi chiều hôm nay có ba đề tài. Mỗi đề tài được trình bày 45 phút. Sau mỗi đề tài, giải lao 15 phút. Trong giờ giải lao chúng tôi tranh thủ ra ngắm Nhà Thờ Chính Tòa, kéo hơi thuốc, và trò chuyện với nhau. Phải thừa nhận là lâu lắm rồi chúng tôi không ngồi tập trung nghe liên tục như vậy, vì thế cũng thấy mệt.

Trong giờ giải lao sau đề tài thứ ba, một cha đến hỏi nhóm chúng tôi: “Có mệt lắm không các ông?” Một người trong nhóm chúng tôi thật thà: “Mệt thì cũng mệt, nhưng giải lao – nghỉ ngơi một chút là hết”. “Tôi nghe nói là: vác đất còn đỡ mệt hơn, đúng không?” “Không đến mức ấy đâu ạ. Vì chúng con phải tập trung nghe nên mệt, nhưng rồi hết ngay.”

Sau đề tài thứ tư, cha Trưởng Ban đúc kết, chúng tôi cầu nguyện – tạ ơn Chúa, và kết thúc ngày thứ nhất. Quý chức thuộc các giáo xứ phía trên hoặc gần đường sắt ở lại Tòa Giám Mục. Chung tôi ăn tối, đọc kinh tối tại Nhà Nguyện của Tòa Giám Mục, chuyện trò một lúc rồi buông màn.

Hôm sau, chúng tôi thức giấc lúc 4 giờ nhờ hồi chuông của Tòa Giám Mục, dự lễ sáng tại Nhà nguyện, và ăn điểm tâm chuẩn bị cho chương trình một ngày mới.

7 giờ 45, chúng tôi có mặt ở Hội trường. Trên sân khấu có hai màn hình máy Project, đặt hai bên. Sau ít phút ổn định, chúng tôi cầu nguyện chung, và chính thức bước vào chương trình ngày thứ hai bằng những lời huấn dụ của Đức Cha. Đúng hơn, đây là những lời khuyên, những lời tâm sự của vị Cha Chung. Ngài nhắc nhở chúng tôi hãy tin rằng chính Chúa đã mời gọi và trao trách nhiệm cho chúng tôi. Ngài cũng khuyên chúng tôi cố gắng hơn nữa để có đời sống nội tâm và lòng đạo đức. Bởi vì công việc chúng tôi đang làm là việc của Giáo Hội, trong chương trình của Chúa. Bởi thế cần phải có lòng đạo đức để kéo ơn Chúa xuống, và để Chúa hoàn thành chương trình của Ngài. Đức Cha cũng nhắc nhở chúng tôi phải có tinh thần Giáo hội bằng cách yêu mến Giáo Hội, ngay cả khi trong Giáo Hội có cái sai, có khuyết điểm; đồng thời phải có tinh thần chung, lo cho việc chung, nhắm tới lợi ích chung; biết sống tinh thần Phúc Âm, làm việc theo giáo huấn của Giáo Hội. Ngài cũng mời gọi chúng tôi hãy đem ra thực hành những gì thu nhận được trong khóa thường huấn này, với sự đồng thuận của cha xứ.

Ngày hôm nay có sáu đề tài, được chia đều cho buổi sáng và chiều. Trong giờ giải lao sau đề tài thứ năm, một cha trong nhóm thuyết trình đến hỏi vui chúng tôi: “Các ông có thu nhận được gì không?” Ông bạn thuộc giáo xứ Phát Vinh trả lời ngay: “Tốt quá đi chứ ạ. Cũng như khóa hướng dẫn sử dụng và điều chỉnh âm thanh, con thấy tốt lắm. Về nhà con mang sách ra áp dụng ngay và rất kết quả”. Nghe nói thế, tôi tò mò hỏi về khóa hướng dẫn sử dụng và điều chỉnh âm thanh, và được biết có hai khóa học. Khóa thứ nhất được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận (ngày 23 và 24 tháng Tám), do công ty Hoàng Huy đảm nhiệm và kỹ sư Trần Như Nội giảng dạy. Khóa học thứ hai được tổ chức tại giáo xứ Đồng Chưa (ngày 25 và 26 tháng Tám). Tôi cũng được biết khóa học ấy rất bổ ích và thiết thực cho những ai điều chỉnh âm thanh. Thảo nào hôm qua tôi nghe có nhiều người khen âm thanh Nhà Thờ Chính Tòa kỳ này khác hẳn, tròn tiếng và rõ ràng. Mà đúng thật, trong thánh lễ tôi nghe rõ từng lời của Đức Cha, từng lời của người đọc Sách Thánh. Tôi nghe rõ tiếng du dương của đàn và tiếng hát của Ca Đoàn. Nhờ vậy mà tôi sốt sắng tham dự thánh lễ.

Thấm thoát một ngày nữa trôi qua, chúng tôi đã được nghe đủ 10 bài thuyết trình. Tất cả đều thiết thực với chúng tôi. Có những điều chúng tôi đã biết, nhưng hôm nay được biết rõ hơn, đầy đủ hơn. Có những điều hoàn toàn mới mẻ, nhưng gần gũi (Truyền giáo, Bảo vệ sự sống v.v..). Có những điều dường như ai cũng biết, nhưng khi làm việc chung nó trở nên tế nhị, không ai dám nói, và hôm nay các Đấng đã nói thay cho chúng tôi. Chúng tôi không chỉ được nghe, nhưng còn có tài liệu để đọc và suy nghĩ thêm. Đó chính là cơ sở và là mẫu số chung để chúng tôi biết cách làm việc sao cho đem lại hiệu quả cao nhất và lợi ích lớn nhất cho giáo xứ và cộng đoàn.

Tôi hiểu rằng khóa thường huấn đã khép lại. Tuy nhiên, sau khi tổng kết , chúng tôi trở lại Nhà Thờ Chính Tòa để tạ ơn Chúa bằng giờ chầu Chúa Giêsu Thánh Thể do cha Trưởng Ban chủ sự. Tôi nhận thấy trên gian Cung Thánh, Đức Cha cũng đang quỳ chầu Chúa và tạ ơn Chúa cùng với chúng tôi. Trước khi ra về, một lần nữa chúng tôi được đón nhận tấm lòng hiền phụ của Đức Cha qua những lời nhắn nhủ và phép lành.

Tôi trở lại nơi gửi xe, quý chức lấy xe đã vãn. Gần đó vẫn còn tiếng trò chuyện của một cha với nhóm quý chức hai người nam và hai người nữ. Hình như họ thuộc giáo xứ Xích Thổ. Tôi nghe rõ tiếng của một trong bốn người nói rằng: “Khóa thường huấn rất bổ ích cho chúng con. Nếu kéo dài một tuần, chúng con cũng tham dự được”. Tôi cũng nghe thấy tiếng cười rất ròn của cha: “Nếu vậy, lần sau xin Đức Cha tổ chức một tuần”.

Xe đã nổ máy, nhưng chúng tôi chưa muốn ra về. Có gì đó đang giằng co trong chúng tôi: Vừa háo hức ra về với “lửa nhiệt thành” và kiến thức mới lĩnh hội được, vừa như nuối tiếc điều gì đó đang vuột mất. Chúng tôi đã về với trái tim của giáo phận để được hâm nóng tinh thần tông đồ, và cũng từ trái tim ấy chúng tôi được sai đi. Không biết từ khi nào, trong sâu thẳm tâm hồn tôi đã vang lên lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho những ước mơ của Đức Giám Mục chúng con trở thành hiện thực!” Và tôi luôn lặp đi lặp lại lời cầu nguyện ấy.

Nguyễn Lộc Bảo