Theo tin Zenit ngày 24 tháng 6, khi tiếp các tham dự viên cuộc họp của Liên Hội Trợ Giúp Các Giáo Hội Đông Phương diễn ra tại Vatican trong tuần qua, Đức Biển Đức cho hay phải đối xử với các Kitô hữu đang sống tại Trung Đông như các công dân, chứ không phải khách trú. Ngài thúc giục mọi người hiện diện “hãy làm mọi sự có thể làm được, kể cả việc can thiệp với các nhà cầm quyền công cộng mà qúi vị hiện đang giao dịch trên bình diện quốc tế, để bảo đảm cho các mục tử và tín hữu Chúa Kitô có thể ở lại Đông Phương nơi sinh trưởng của họ”.

Ngài nói thêm: “Đông Phương là quê hương trần gian của họ. Chính tại đó, họ được mời gọi phát huy sự thiện cho toàn thể nhân loại, không phân biệt ai. Mọi người tuyên xưng đức tin này phải được nhìn nhận là có phẩm giá bằng nhau và được hưởng tự do đích thật, nhờ thế sự hợp tác đại kết và liên tôn sẽ đem lại nhiều thành quả hơn”.

Đức Thánh Cha biểu lộ sự gần gũi của ngài với “những ai đang đau khổ và những ai đang cố gắng trốn thoát một cách tuyệt vọng, việc này chỉ làm gia tăng lượng người di cư thường là vô hy vọng”. Đức Biển Đức nói rằng ngài cầu xin “để người ta chịu thăm dò mọi hình thức trung gian có thể có, hòng chấm dứt được bạo lực và để sự hòa hợp xã hội và sự sống chung hoà bình được tái lập ở khắp nơi, cùng với sự tôn trọng quyền lợi của các cá nhân cũng như cộng đoàn”.

Ngài nói thêm: “Lời cầu xin và suy niệm sốt sắng sẽ giúp ta cùng một lúc đọc được các dấu chỉ của thời đại phát sinh từ thời gian khổ đau và nước mắt này: Xin Chúa lịch sử luôn qui hướng các dấu chỉ ấy về ích chung”.

Mùa xuân Ả Rập

Hôm thứ Ba, Đức Hồng Y Leonardo Sandri, bộ trưởng Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương, đã khai mạc cuộc hội nghị. Ngài kêu gọi phải tôn trọng phẩm giá và quyền lợi con người trong ngữ cảnh “Mùa Xuân Ả Rập”. Nhắc đến các cuộc nổi dậy chống chế độ diễn ra tại Trung Đông từ cuối năm vừa qua, Đức HY cho rằng đây là thời điểm của hy vọng và là cơ hội cho tiến bộ, nhưng ngài cũng sợ rằng việc kỳ thị chống Kitô hữu có thể sẽ gia tăng.

Ngài nói rằng: “Trong nhiều trường hợp, những động thái này trùng hợp với sơ đồ giá trị trong đức tin Kitô Giáo. Chắc chắn chúng ta ủng hộ sự thay đổi nào biết tôn trọng phẩm giá con người nhân bản, nhất là tôn trọng tự do tôn giáo, nhưng chúng ta cũng đứng về phía mọi người đang phải hứng chịu các hậu quả của những thay đổi này, vì khi chúng ta tuyên xưng các quyền này, thì cũng có nhiều đau khổ và bạo lực đem đến cái chết cho nhiều người”.