Cuộc tấn công bằng bom làm nổ tung các công sở tại Phúc Châu của một nông dân bị mất nhà cửa ruộng đất đã không bị chỉ trích thì chớ lại được người dân ở Hoa Lục “nhiệt liệt hoan hô”, và so sánh với một anh hùng trong thập niên 1940.

Xe cộ bị thiêu hủy trong vụ đánh bom
Ba vụ nổ liên tiếp nhắm vào các cơ quan nhà nước đã làm rung chuyển thành phố Phúc Châu, phiá Nam tỉnh Giang Tây của Trung quốc vào sáng thứ Năm 26/05/2011 và gây thiệt mạng cho hai người (trong đó có thủ phạm) và làm bị thương ít nhất là 6 người khác.

Tân Hoa Xã cho biết thủ phạm gây ra ba vụ đánh bom này là ông Tiền Minh Kỳ (Qian Mingqi - 錢明奇), 52 tuổi, một nông dân căm phẫn chính quyền địa phương vì đã chiếm đoạt ruộng đất của mình và ủi sập một căn nhà mới xây của đương sự.

Một ngày trước khi xảy ra vụ nổ, ông Kỳ đã đưa ra một lời cảnh cáo trên blog của ông ta trong mạng lưới Internet Tân Lãng Vi Bác (Sina Weibo Blogs 新浪微博). Than thở rằng căn nhà của ông đã bị bọn cầm quyền tại địa phương ủi xập cách phi pháp, ông cho biết: “Tôi đã kiến nghị nhà nước trong 10 năm trời qua, nhưng không có kết quả gì cả. Bây giờ, tôi phải chọn một con đường thực sự ngoài ý muốn.”

Ông Kỳ đã đánh bom tại ba địa điểm khác nhau trong khoảng thời gian 9:18 đến 9:45 sáng. Vụ thứ nhất xảy ra tại bãi đậu xe trước văn phòng Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Phúc Châu. Vụ thứ hai xảy ra ngay bên trong công sở của ủy ban nhân dân phường Lâm Xuyên. Vụ thứ ba xảy ra tại bãi đậu xe trước văn phòng Kiểm Dịch Thực Phẩm tỉnh.

Trong vụ nổ tại bãi đậu xe trước văn phòng Viện Kiểm Sát Nhân Dân, một chiếc Volkswagen AG Santana bị phá hủy hoàn toàn. Tân Hoa Xã cho biết ít nhất 10 chiếc xe khác bị hư hại nghiêm trọng. Các cửa kính của Viện Kiểm Sát Nhân Dân bị vỡ tan nát đầy đường phố.

Vụ tấn công đã gây ra những tranh luận sôi nổi trên các trang mạng của Trung Hoa. Tin tức về vụ tấn công được truyền đi nhanh chóng mặc dù giới chức địa phương đã tìm mọi cách ngăn cản. Một nhà báo ở địa phương cho biết công an đã xóa các hình ảnh do người đi đường chụp được.

Tuy nhiên, những hình ảnh về vụ nổ bom này đã được nhanh chóng truyền đi trên mạng Internet với những hình ảnh đầu tiên là một cột khói bốc cao hình quả nấm và các xe hơi bị cháy.

Hàng ngàn người gia nhập mạng Tân Lãng Vi Bác đã đưa ra các lời nhận định trong đó đa số bày tỏ cảm tình với ông Tiền Minh Kỳ, so sánh ông với Đổng Tồn Thụy (Dong Cunrui - 董存瑞) một anh hùng cách mạng sinh năm 1929 và qua đời ngày 25/5/1948.

Tỉnh Giang Tây trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp đất đai giữa dân lành và bọn cán bộ địa phương. Năm ngoái đã có 3 người tự thiêu để phản đối nhà nước chiếm đất đai và ủi xập nhà cửa của họ.

Trong thông điệp cuối cùng của mình trên mạng Tân Lãng Vi Bác đưa lên lúc 1giờ sáng thứ Tư, ông Kỳ bày tỏ sự phẫn uất vì nhà nước đã ủi xập căn nhà mới xây của ông.

Vụ tấn công bằng bom của ông Tiền Minh Kỳ gây ra sự chú ý rộng rãi của dư luận vì xảy ra sát vào dịp kỷ niệm biến cố Thiên An Môn.

Biểu tượng phản kháng hào hùng của người dân Trung quốc
Cách đây 22 năm ngày mùng 4 tháng 6 năm 1989, Nhà Nước cộng sản Bắc Kinh đã ra lệnh cho quân đội tàn sát hàng ngàn sinh viên học sinh tại quảng trường Thiên An Môn, khi người trẻ biểu tình ôn hòa chống tham những, đòi dân chủ và cải cách đất nước.

Trong bài phỏng vấn dành cho hãng thông tin Asianews của Hiệp Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano, gọi tắt là PIME, ngày 1/6/2009 nhân kỷ niệm 20 năm biến cố Thiên An Môn, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nguyên Giám Mục Hồng Kông đã tuyên bố: ”Thật là điều đau buồn, khi thấy 20 năm đã qua rồi kể từ khi xảy ra vụ tàn sát đinh viên học sinh tại Thiên An Môn, mà chính quyền Bắc Kinh vẫn không thừa nhận sự sai lầm và tội phạm của mình..."

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân nổi tiếng là người can đảm tranh đấu cho dân chủ và các quyền tự do của con người. Ngài khẳng định rằng nguồn gốc thái độ khước từ nhận tội của chính quyền là chế độ độc tài đảng trị. Đã đến lúc phải thay đổi chế độ này.

Kể từ năm 1989, người dân Hồng Kông đã bắt đầu có một ý thức mới và sự nhậy cảm mới. Đức Hồng Y nói: ”Chúng tôi là người Trung Hoa và là thành phần của quốc gia này. Chúng tôi đã khóc và chia sẻ niềm đau của các người trẻ đã có can đảm đòi hỏi chính quyền cải cách quốc gia. Tôi còn nhớ tôi đã đọc hai bài diễn văn, và chúng tôi đã cử hành buổi lễ tưởng niệm các anh hùng Thiên An Môn tại quảng trường gần trường học. Tôi nhớ nhất là buổi tuần hành cầu nguyện của 1 triệu người dân Hồng Kông. Đó đã là một kinh nghiệm duy nhất không bao giờ có thể quên được. Và từ năm 1989 đến nay hàng năm cứ vào ngày mùng 4 tháng 6 người dân Hồng Kông lại tổ chức buổi canh thức cầu nguyện tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát tại Thiên An Môn.