PHAN THIẾT - Rộn ràng trong bầu khí mừng Tết Trung Thu, tối 21.9.2010, Trường Khiếm Thị - Khuyết Tật Ánh Sáng tại Tân An, Hàm Tân, Phan Thiết đã diễn ra đêm văn nghệ “Vầng Trăng Yêu Thương” với sự biểu diễn nhiệt tình của tất cả các em học sinh khiếm thị- khuyết tật và các nữ tu giảng dạy trong trường. Đêm diễn thu hút hàng ngàn khán giả trong khu vực đến chung vui với các em. Buổi diễn thật ấn tượng và đọng lại nơi người xem niềm xúc động khi thấy cô trò trường Ánh Sáng cố gắng gởi đến mọi người thông điệp là người khuyết tật “tàn mà không phế”.

Xem hình ảnh

Biết là đêm trước Trung Thu Thành phố Phan Thiết sẽ rất vui và nhộp nhịp với lễ hội rước đèn và xe hoa khắp các phố, nhưng tôi đã quyết định rời thành phố về vùng quê Tân An để cùng vui với các em trường Khiếm Thị - Khuyết Tật Ánh Sáng theo lời rủ rê của một người bạn. Thú thật, cũng bởi tôi có chút tò mò không biết các em khiếm thị đón Trung Thu thế nào khi không thể nhìn thấy đèn hoa xanh đỏ? Nhưng tôi đã hoàn toàn bất ngờ khi đến đây, đêm văn nghệ đón Trung Thu của các em cũng “hoành tráng” không khác gì các chương trình văn nghệ khác. Có khác là sau mỗi tiết mục biểu diễn, khán giả vỗ tay tán thưởng rất to để các em khiếm thị biết được mình thể hiện vai diễn rất tốt.

Buổi diễn mở đầu với trống lân chào mừng quan khách. Hiện diện chung vui với trường có cha xứ Phước An, cha xứ Đồng Tiến, đại diện Caritas GP Phan Thiết, đại diện chính quyền, các ban ngành, các thầy cô giáo trường một số em khiếm thị đang học hội nhập, quý ân nhân, phụ huynh cùng hàng ngàn khán giả đến tham dự. Nữ tu Nguyễn Thị Thúy Đào, Hiệu trưởng, hay mặt Trường Khiếm Thị-Khuyết Tật Ánh Sáng chào mừng quan khách và khai mạc đêm văn nghệ “Vầng Trăng Yêu Thương”. Hai MC thật duyên dáng và thu hút với giọng chị nữ tu truyền cảm và giọng trẻ thơ trong trẻo dẫn khán giả vào từng tiết mục biểu diễn. Khán giả chăm chú lắng nghe giọng hát dễ thương của các em qua các tiết mục hợp ca và đơn ca. Những điệu múa và nhảy sôi động được các em thể hiện rất tự nhiên và nhuần nhuyễn khiến ai cũng thích thú. Đây là lần đầu tiên tôi dự một buổi diễn mà khán giả hồi hộp và quan tâm dõi theo từng bước chân của diễn viên, một cái vấp chân trên sân khấu cũng khiến mọi người xuýt xoa thương cảm.

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ cùng với một số chị hóa trang cho các em, tôi tháp tùng các diễn viên ra khu vực gần sân khấu. Tiếng trống lân khai mạc khiến các em hào hứng hẳn lên. Cậu bé ngồi gần đang vui vẻ vỗ tay theo nhịp trống, quay sang tôi em nói “Chị xem con lân màu đỏ nhảy đẹp chưa kìa !”. “Sao em biết con lân màu đỏ?”. “Dạ ! Nghe soeur nói. Em đọc sách thấy nói con lân thường màu đỏ, màu vàng”. Còn cô bé ngồi bên cạnh thì thỏ thẻ “Chị! Mấy bạn ngoài trường rước đèn vào nhà mình lúc nãy có nhiều đèn đẹp không? Đèn hình con gì vậy chị?”. Thế là tôi mô tả cho các em những gì tôi thấy liên quan đến Trung Thu trong khuôn viên trường. Cô bé chăm chú nghe rồi tắc lưỡi nói: “Chỉ được nghe kể và đọc về Tết Trung Thu trong sách, em ước ao một lần được thấy Trung Thu màu gì chị ạ !”. Chợt thấy cay cay sóng mũi, được nhìn ngắm vạn vật bằng đôi mắt của mình là một quà tặng vô giá của Chúa trao tặng mà tôi mấy khi ý thức để tạ ơn Chúa về điều này.

Câu nói của em làm tôi nhớ lại cuộc trò truyện với nữ tu Đặng Thị Thúy Phượng, phụ trách khối Khiếm thị của trường Ánh Sáng, chị cho biết có 12 em khiếm thị đang học hòa nhập tại các trường phổ thông. Các em rất tích cực học tập để tiếp thu kiến thức và theo kịp các bạn học sinh bình thường khác. Đặc biệt có những em đạt học sinh giỏi trong nhiều năm. Như em Nguyễn Thị Mỹ đang học lớp 7 trường THCS Tân An là học sinh giỏi 6 năm liền. Mỹ quê ở Nghệ An, nhà nghèo, bị mù bẩm sinh, được cha mẹ gởi vào đây ở với các chị từ bé. Em rất ham học, lại biết phụ các chị chăm sóc và dạy học cho các em nhỏ trong nhà. Ước mơ của em là được học Sư Phạm để trở về trường dạy các em có hoàn cảnh như mình. Chị Phượng tâm sự, các em phần đông là gia đình khó khăn nên đóng góp rất hạn chế. Các chị phải rất chật vật lo cho trường bởi ngoài tiền ăn và sinh hoạt phí cho các em, thì vấn đề sách giáo khoa chữ nổi là khoản không nhỏ. Các em học mỗi năm lên lớp, sách học phải giữ cực kỳ cẩn thận để cho em sau học nhưng cũng rất mau hư (do các em phải thương xuyên tiếp xúc bằng tay). Nhu cầu trường đang cần 10 bộ sách, mà giá mỗi bộ trên dưới 3,5 triệu đồng (phải đặt trước 1 năm ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Tp HCM mới có). Trường lại nằm ở vùng quê xa xôi nên ít người biết đến. Nhìn các em khao khát được học, được tìm hiểu về thế giới xung quanh mà không có điều kiện là điều các chị nặng lòng nhất.

“Chị về Phan Thiết rồi nhớ thỉnh thoảng đến thăm để kể chuyện Thành phố cho chúng em nghe nha! Ở đây chẳng mấy khi có người đến!”, một cô bé bịn rịn nắm tay tôi dặn dò khi biết sáng mai tôi đi sớm. Tôi chưa vội hứa với em, nhưng câu chuyện về ngôi Trường Khiếm Thị Ánh Sáng ở Tân An, nơi có những nữ tu Mến Thánh Giá Nha Trang đang âm thầm hy sinh phục vụ những học sinh khuyết tật với cả tấm lòng nhân ái và những em học sinh khiếm thị đang khao khát học hành mà còn thiếu phương tiện chắc chắn tôi sẽ chia sẻ với mọi người. Ước mong có những tấm lòng quảng đại cùng gánh chia nỗi lo lắng của các nữ tu vì tương lai các em.