Nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi trở lại huyện Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp lần thứ ba ngày 25.8.2010 để phát học bổng, nhưng lần này, chúng tôi không đi về phía tay phải sang cù lao Tây mà rẽ trái đến thị trấn Tràm Chim của huyện Tam Nông để thăm nhà thờ Thiên Phước, các cụm dân cư nghèo ở đây rồi vào khu bảo tồn thiên nhiên nữa.

Xem hình ảnh

Chương trình học bổng Bông Hồng Xanh 2010 – 2011

Năm học mới đã bắt đầu trên khắp đất Việt. Cũng như những bàn tay nhân ái và các tổ chức từ thiện khác, nhóm chúng tôi đã trao đến các bạn nhỏ học sinh những phần tiền học phí phần nào giúp các em bớt khó khăn để đến trường. Năm nay, tuy quí cha và quí ân nhân chung tay giúp sức không nhiều nhưng chúng tôi cũng đạt được một nửa yêu cầu của chương trình với 100 phần học phí cho ở Bình Phước, Suối Quýt (Long thành), Đồng Tháp, trường Lạc Long Quân quận Tân Bình và một vài em ở Long Khánh, quận Bình Tân.

Tại sao chúng tôi cứ đến Đồng Tháp để phát cho những học sinh quần chúng với số tiền nhỉnh hơn những nơi khác? Vì học sinh trường THCS Tân Phú huyện Thanh Bình này luôn có nguy cơ bỏ học, trường học ẩn trong vùng sâu, cơ sở vật chất nghèo nàn, học sinh suy dinh dưỡng so với tuổi, cha mẹ các em làm ruộng, làm mướn và tập giáo viên ở đây rất chân thành. Thầy hiệu trưởng thổ lộ: “Khi nhóm của cô báo rằng sẽ cho 30 phần thì có đến 100 sổ nghèo nộp lên văn phòng. Chúng tôi chọn lựa và nhờ các thầy cô đi thực tế, tức là đến nhà các em để biết rõ hoàn cảnh…”. Lòng chúng tôi xao xuyến, cứ ước gì mình là tỷ phú! Hôm nay có bốn em vắng mặt làm chúng tôi hơi buồn. Thầy dạy toán nói rằng: “Cô cứ yên tâm, chúng em sẽ trao tận tay các cháu, chắc mấy em đó mừng lắm!”

Nếu hằng năm tôi cứ được phát học bổng thế này thì sự nghiệp giáo dục của tôi là một hành trình dài đến cuối cuộc đời. Thật là vui! Nhưng hy vọng việc làm này trở thành tuyệt vời khi chân dung của chúa Kitô được lộ diện trong việc làm nhỏ bé của nhóm chúng tôi.

Sau ít phút trà nước thân tình, chúng tôi được quí thầy cô dẫn đường sang huyện Tam Nông để thăm nhà thờ Thiên Phước ở gần khu bảo tồn Tràm Chim.

Nhà thờ Thiên Phước ở thị trấn Tràm Chim

Xe vừa dừng ở cổng nhà thờ, chúng tôi đều nghĩ rằng nhà thờ khang trang và đẹp thế này thì giáo dân chắc cũng khá giả. Nhưng không, cha nói chúng tôi cứ đi thăm Tràm Chim, một vườn quốc gia bảo tồn thiên nhiên có nhiều loài chim, nhất là sếu đỏ trú ngụ, rồi khi dùng cơm trưa, cha con sẽ trò chuyện thêm.

Vườn quốc gia Tràm Chim Tam Nông nằm lọt thỏm giữa vùng đất trũng của Đồng Tháp Mười có diện tích tự nhiên là 7.612 ha, được chính thức công nhận là vườn quốc gia Tràm Chim từ năm 1999. Cảnh quan thiên nhiên đẹp vì có sông nước, rừng tràm xanh ngát, thực vật phong phú, có hàng chục loài cá, gần 200 loài chim. Vào mùa nước nổi, người ta thấy có sen, súng, lúa trời, củ năng, lác; các loài động vật như lươn, rắn, rùa, trăn; các loại cá đồng và chim như diệc, vịt trời, cồng cộc, trong đó có sếu đầu đỏ là loài quí hiếm.

Hằng năm, từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5 là lúc đàn sếu bay về Tràm Chin cư trú. Sếu kiếm ăn từ ếch nhái, côn trùng, củ năng mọc trên bãi đã cạn, sau đó chúng tìm đến các đầm nước để uống và tắm. Chúng bay lượn, múa hót lảnh lót. Đẹp nhất là nhìn chúng lúc hoàng hôn chiều tà.

Giờ đây, cái tên Tràm Chim đã quen thuộc ở trong nước và ngoài nước. Nhiều đoàn khách nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu và Tràm Chim trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Về Đồng Tháp, đến Tràm Chim Tam Nông để ngắm đàn sếu múa đôi, nghe rừng tràm xào xạc, chắc chắn người ta sẽ có những kỷ niệm về thiên nhiên thật khó quên.

Trong bữa cơm trưa đạm bạc có canh chua cá lóc, cha sở và quí ông biện nói với chúng tôi khá nhiều điều. Nhà thờ Thiên Phước trông khang trang như thế nhưng có năm giáo điểm - Phú Nông, Phú Hiệp, Phú Đức, Phú Cường A, Phú Cường B - mà giáo dân vừa nghèo vừa khốn khó trong việc giữ đạo. Khốn khó vì giáo điểm Phú Cường A phải dâng lễ trong nhà ông Bảy. Có năm giáo điểm thì chỉ có một nơi đã được xây còn lại đều dâng lễ ở nhà dân. Giáo điểm Phú Nông và Phú Cường A đã mua được nền, chỉ mong có điều kiện để xây.

Từ ngày thành lập giáo xứ đến nay có năm cha chánh xứ, các cha đều nhiệt thành trong việc truyền giáo là chăm lo cho giáo dân của năm giáo điểm như được cử hành phụng vụ Lời Chúa hàng tuần vào ngày Chúa nhật, dâng lễ hàng tháng, dạy giáo lý. Cha chánh xứ đương nhiệm Gioan B. Nguyễn Văn Học còn quan tâm giáo dục đức tin và văn hóa cho giới trẻ, thiếu nhi; đồng thời kết hợp với nhà trường để giúp đỡ học sinh. Hằng tháng, dựa vào kết quả học tập và hạnh kiểm do nhà trường cung cấp, giáo xứ kịp thời khen thưởng hoặc sửa dạy. Nhờ vậy, các em đã tiến bộ rất nhiều được xã hội (huyện, xã) nhìn nhận và lấy làm gương điển hình cho các địa phương khác.

Mùa Giáng Sinh và Phục Sinh cha mướn xe bốn bánh đón giáo dân ở các giáo điểm về nhà thờ chính dự lễ và cùng ăn bữa cơm thân ái. Thỉnh thoảng, giáo xứ cũng cho nhà nghèo gạo; tùy theo trường hợp mà giúp phương tiện sống như cho xuồng, lưới để đánh cá; một số hộ nhận xe đẩy để bán rau, thực phẩm tươi, tạp hóa…có người gọi đùa những xe đẩy đó là “chợ di động”!

Nghỉ trưa được một giờ đồng hồ, chúng tôi đi đến tận nhà học sinh nghèo phát cho các em. Vì chưa biết chỗ này ra sao nên chúng tôi chỉ giúp 10 phần để thăm dò. Sau đó, chúng tôi đi vào giáo điểm Phú Cường A để tận mắt nhìn thấy nơi dâng lễ tại nhà ông Bảy. Đúng là, nếu Chúa không sinh ra trong nghèo hèn thì không biết Ngài có chấp nhận hiện diện nơi này không?

Chúng tôi đang định lên ghe để đến giáo điểm Phú Cường B mà nghe nói cuộc sống của người dân rất khó khăn, thì trời đổ mưa to. Thế là đành ngồi ở cái sàn gỗ mà ăn dưa hấu rồi nghe quí ông biện kể chuyện về đời sống dân Đồng Tháp.

“Ở vùng này có sáu tháng đồng khô cỏ cháy, sáu tháng nước ngập trắng đồng. Khi nước sông Mêkông lên thì cũng gọi là mùa nước nổi, là “mùa cứu đói” cho người nghèo vì cứ nước lên là có cá. Nào là cá trạch, cá rô, cá lóc, cá linh là đặc sản vùng này.

Có thể nói huyện Tam Nông là nơi nghèo nhất của tỉnh Đồng Tháp vì đa số người dân làm ruộng, mà ở đây đất rất phèn, thu hoạch lúa không được nhiều, thậm chí có vụ mùa, gặt lúa về mà không có hạt! Còn lại số dân không có đất thì làm những việc như phụ hồ, làm mướn (nhổ cỏ, nhổ kiệu) và việc không tên như dũ rơm, ôm lúa, bắt chim, bắt ốc bươu vàng.

Dũ rơm là khi máy tuốt lúa thải ra những cọng rơm, rơm còn dính vài hạt lúa thì dũ ra, được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, gọi nôm na là mót lúa “tân thời”. Ôm lúa là ôm những bó lúa đưa vào máy tuốt lúa; những người không nghề nghiệp thì lội xuống ruộng bắt ốc bươu vàng (một loại ốc ăn hại lúa) bán cho mấy người nuôi cá băm ra cho cá tra cá lóc ăn. Bắt chim là một nghề không tên nhưng phải “biết nghề”, tức là phải lấy một con chim mồi,cho vào lưới để trên sân, rồi phải giả kêu tiếng con chim mồi, mấy con chim “dại khờ” kia mới sà xuống, lưới ụp vào. Lấy chim đổi gạo thì làm sao mà đủ ăn? Ngoài việc trồng lúa, người ta còn trồng thêm dưa hấu để ăn cho vui! Ngoài lúa và dưa hấu, ở đây chẳng trồng được gì nữa!”

Mưa tạnh, chúng tôi ra về, chỉ kịp chụp cho hai ông biện tấm hình đang đứng trên miếng đất cây mọc xanh um mà cha đã mua để làm nhà nguyện thay cái “nhà nguyện ông Bảy”. Dọc đường trời lại mưa làm ai cũng ướt như chuột lột. Mấy bát phở thơm ngon làm chúng tôi ấm lại.

Tạm biệt huyện Tam Nông có Tràm Chim đẹp hoang vắng, nhà Thiên Phước với năm giáo điểm vùng sâu. Hẹn một dịp khác trở lại chúng tôi sẽ nói về lược sử của giáo xứ và hành trình vào thăm bốn giáo điểm còn lại.

Về đến Sài Gòn là mười giờ đêm thế mà chúng tôi vẫn thấy trong người khỏe khoắn sau hành trình 200 km. Có phải đó là ơn Chúa ban cho chúng tôi khi sải những bước chân vào vùng sâu vùng xa đó?