Phép lạ 2008

Hai năm về trước nhờ thiên thời địa lợi nhân hòa, ông Cao Quang Ánh (Cộng Hòa) đã thắng cử và trở thành Dân Biểu Liên Bang đại diện cho địa hạt 2 của tiểu bang Louisana và là một vị dân cử gốc Việt đầu tiên tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Ông đã đánh bại đối thủ của ông là Dân Biểu Liên Bang William Jefferson (Dân Chủ), người đã từng phục vụ chín nhiệm kỳ trong Hạ Viện, nhưng đánh mất sự tin tưởng và ủng hộ của cử tri vì tội tham nhũng. Tỉ lệ thắng cử của ông Ánh tương đối nhỏ hẹp 49.6% / 46.8%.

Sự toàn thắng của ông Cao Quang Ánh là một phép lạ như chính ông đã tâm sự với những người ủng hộ ông khi họ đến tham dự buổi tiếp tân gây quỹ tái tranh cử vào ngày 15-6 vừa qua trên chiếc thuyền lịch sử Sequoia trước đây dành cho các vị tổng thống Hoa Kỳ.

Quả thật đây là một phép lạ. Khoảng 61% cử tri trong địa hạt của DB Ánh là người Mỹ gốc Phi Châu và đối thủ của ông cũng là người Mỹ gốc Phi châu. Trong 10 cử tri ghi tên đi bầu có đến 7 người thuộc đảng Dân Chủ. Dân số gốc Việt chỉ chiếm có 3%. Trong cuôc bầu cử 2008, Tổng Thống Barack Obama đã đoạt được khoảng 75% số phiếu của địa hạt này.

Thử thách 2010

Cái may 2008 sẽ không còn tái diễn. Nhưng những thử thách trong 20 tháng vừa qua đã bộc lộ cho cử tri thấy tài, đức và khả năng lãnh đạo của DB Ánh. Kết quả cuộc thăm dò dư luận cử tri do chuyên viên Verne Kennedy, Chủ Tịch của công ty Market Research Insight, được thực hiện vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 đã làm kinh ngạc mọi người, kể cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa.

Theo cuộc thăm dò này, DB Ánh đánh bại ứng cử viên Dân Chủ hàng đầu DB tiểu bang Cedric Richmond với tỉ lệ 51% / 26%, một cách biệt rất lớn. Tỉ lệ này là 67% / 13% đối với khối cử tri da trắng, và 39% / 36% đối với khối cử tri da đen.

Cái gì làm thay đổi sự suy xét của cử tri gốc Phi Châu ở New Orleans? Theo chuyên viên thăm dò Kennedy, câu trả lời giản dị là những thành tích DB Ánh đã đạt được trong nhiệm kỳ đầu. Yếu tố quan trọng này đã làm sự khác biệt về chủng tộc trở thành thứ yếu. Hơn nữa, DB Ánh cũng thuộc về nhóm dân thiểu số như những người gốc Phi châu. Do đó những người này ủng hộ nhũng ứng cử viên thiểu số nhiều hơn so với những lần bầu cử trước đây.

Lousiana từng mang tiếng xấu vì vào nhiệm kỳ 1990-1992 đã bầu ra một dân biểu tiểu bang chủ trương kỳ thị chủng tộc, một lãnh tụ của Ku Klux Klan, David Duke. Sau gần hai thập niên Louisiana đã tiến bộ khá nhiều. Ngày nay tiểu bang này và cả nước Mỹ lần đầu tiên có một thống đốc gốc Ấn Độ là ông Bobby Jindal dầu tiên và một vị dân biểu gốc Việt Cao Quang Ánh.

DB Ánh trở thành một nhân vật nổi tiếng trong quận hạt của ông. Điều này rất đặc biệt đối những vị dân cử trong nhiệm kỳ đầu tiên. Khoảng 54% tổng số cử tri trong địa hạt 2 rất hài lòng về DB Ánh, chỉ có 9% không thuận. Trong khi đó, ứng cử viên Dân chủ hàng đầu Cedric Richmond tương đối không được biết đến nhiều. Ông Richmond chỉ đạt được 23% thuận so với 12% bất mãn.

DB Ánh làm việc rất nhiều. Ông thực sự ưu tư và biết nghe ngóng nguyện vọng của cử tri. Ông từng nhiều lần tuyên bố rằng ông không chú ý nhiều đến đảng phái. Đối với ông, điều quan trọng là phục vụ những người ông đại diện. Những vị dân cử trong cùng đảng gọi ông là một thành viên độc lập nhất của đảng Cộng Hòa.

Kết quả thăm dò dư luận cũng sẽ làm thay đổi chiến lược của Đảng Cộng Hòa. Trường hợp thành công của DB Cao Quang Ánh, một người thuộc đảng Cộng Hòa, những vẫn có thể làm việc chặt chẽ và hiệu quả với cử tri Dân Chủ gốc phi Châu.

Vào cuối tháng 8 này sẽ có một bầu cử sơ bộ của Đảng Dân Chủ ở New Orleans để chọn ứng cử viên ra tranh cử với đương kim Dân Biểu Cao Quang Ánh. Ông Cedric Richmond được xem là một ứng cử viên Dân Chủ hàng đầu trong cả bốn ứng cử viên muốn thử thách DB Ánh vào tháng 11 sắp tới. Nhưng xem ra ông Richmond không phải là một người “trong sạch”.

Thứ nhất, ông Richmond bị Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang Louisiana treo giấy phép hành nghề hai tháng vào năm 2008 vì khai gian địa chỉ chỗ ở để ra tranh cử. Quan tòa ra lệnh lấy tên của ông Richmond ra khỏi danh sách tranh cử vào Hội Đồng Thành Phố. Thứ hai, Ủy Ban Đạo Đức của Louisiana phán quyết rằng ông Richmond vi phạm luật lệ vì không khai báo việc làm với Sở Xã Hội. Hiện nay ông Richmond chờ đợi biện pháp chế tài của Ủy Ban Đạo Đức. Thứ ba, ông Richmond bị Ủy Ban Đạo Đức phạt $2,000 vì không khai báo đúng thời hạn về việc làm đại diện cho một số trường hợp bảo lãnh con nuôi trong khoảng thời gian 2004-2006.

Một bông sen trắng

Cử tri đã chán ngán về môi trường chính trị nhá nhem tại New Orleans từ thời William Jefferson, một người mà ông Richmond từng coi như là vị cố vấn của mình. Từ môi trường bùn lầy ấy, tự nhiên mọc lên một bông sen trắng là Cao Quang Ánh. Ông vừa là một chính trị gia, một nhà giáo dục, một người được đào tạo để phục vụ con người, một luật sư, và một người đấu tranh cho nhân quyền. Thử hỏi dân New Orleans sẽ tin cậy ai?

Dân biểu Cao Quanh Ánh. Nguồn ViendongTiểu sử của DB Cao Quang Ánh thật sự hấp dẫn người dân New Orleans và có lẽ cả nước Mỹ. Ông Ánh đến nước Mỹ tị nạn Cộng Sản vào năm 1975 lúc 8 tuổi. được gia đình cậu nuôi. Cha mẹ ở lại Việt Nam thành ra ông như một đứa trẻ mồ côi. Cha của ông, một cựu một sĩ quan của QLVNCH, lãnh án bẩy năm tù trong trại tập trung của CSVN mà chính quyền Hà Nội gọi là trại cải tạo. Mãi đến 1991, gia đình ông mới được đoàn tụ tại Hoa Kỳ. Sau khi học xong bằng cử nhân về ngành Vật Lý vào năm 1990, ông gia nhập Dòng Tên và học làm linh mục tại một chủng viện ở Louisiana. Ông tốt nghiệp bằng cao học triết tại Đại học Fordham ở New York vào năm 1995. Sau đó ông trở về New Orleans làm giảng viên môn triết học và đạo đức tại Đại Học Loyola. Trong thời gian này ông bỏ ý định trở thành linh mục để hoạt động cho công bình xã hội. Sau một thời gian làm việc tại Virginia, ông trở về New Orleans để học luật tại Trường luật Loyola và tiếp tục dạy môn triết học tại Loyola trong năm 1998. Ông tốt nghiệp tiến sĩ luật (Juris Doctorate) vào năm 2000. Sau khi làm việc với tổ hợp luật sư Waltzer & Associates một thời gian, ông trở thành luật sư của Boat People S.O.S. Vào năm 2002, ông mở văn phòng luật sư riêng. Cũng trong năm này, ông được mời làm một thành viên trong Hội đồng Cố vấn Quốc gia cho Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Từ một cậu bé tị nạn, sau 33 năm ông Cao Quang Ánh trở thành một vị dân biểu liên bang đại diện cho gần 2 triệu người Việt tại Hoa Kỳ. Mặc dù không cùng một khuynh hướng chính trị, Tổng Thống Barack Obama đã mời DB Cao Quang Anh và gia đình vào thăm White House trong những dịp đặc biệt. Không phải vị dân cử nào cũng có cơ hội như vậy. Đương kim Tổng Thống Hoa Kỳ không dấu diếm rằng ông có thiện cảm với DB Ánh. Ngược lại, DB Ánh đã ủng hộ lập trường của Tổng Thống Obama trong nhiều trường hợp.

Thành tích

Trận bão Katrina vào năm 2005 và tai nạn tràn dầu ở Vịnh Mexico vào năm nay thật là bất hạnh, nhưng đã là những cơ hội cho ông chứng tỏ khả năng lãnh đạo và tinh thần phục vụ đồng bào của ông. Kết quả của cuộc tham dò dư luận vào đầu tháng 6 cho thấy rằng đa số người dân tỏ ra hài lòng về những thành tích trong 20 tháng làm dân biểu vừa qua của ông.

Nhờ sự can thiệp hữu hiệu của ông với Federal Emergency Management Agency (FEMA), các nạn nhân của trận bão Katrina đã được bồi thường nhanh hơn và chương trình tái thiết được thực hiện mau chóng hơn. Nội bộ của Homeland Security Department đã được cải thiện.

Vào tháng 6 vừa qua, DB Cao Quang Ánh đã kêu gọi các đồng viện trong Hạ Viện gia tăng Quỹ Ủy Thác Trách Nhiệm Tràn Dầu (Oil Spill Trust Fund). Hiện nay giới hạn $75 triệu của quỹ này không đủ để bồi thường thiệi hại.

DB Ánh cũng đã cảnh báo rằng quyết định tạm ngưng khoan dầu dưới đáy biển sâu của chính quyền Obama nhắm cải thiện sự an toàn tại các dàn khoan dầu. Nhưng quyết định này có thể gây ra những hậu quả không lường trước vì có thể làm cho Louisiana mất 40,000 việc làm vào lúc mà nền kinh tế của tiểu bang bị đảo điên vì ảnh hưởng của vụ tràn dầu.

Cũng vào tháng 6 vừa qua, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật khẩn cấp để bảo đảm ngân quỹ cho Lực Lượng Phòng Vệ Duyên Hải và những cơ quan liên bang khác để đối phó với nạn tràn dầu BP. DB Cao Quang Ánh là một người đỡ đầu nguyên thủy cho một dự luật tương tự như Dự Luật S. 3473 đã được thông qua Thượng Viện và được trình lên Tổng Thống Obama để lấy chữ ký.

Dự luật này cho phép chính phủ Obama chuyển thêm tiền vào Ngân Quỹ Khẩn Cấp thuộc Ngân Quỹ Ủy Thác Dành Cho Nạn Tràn Dầu. Theo luật hiện hành, chính phủ chỉ có thể chuyển vào ngân quỹ không quá $150 triệu mỗi năm, nhưng hiện giờ trong năm nay, chính phủ đã sử dụng gần hết số tiền này vào việc dọn sạch dầu lan tràn trong Vịnh Mễ Tây Cơ.

Nhờ sự can thiệp của Dân Biểu Cao Quang Ánh, Chính Phủ liên Bang đã chấp thuận cho xây cất năm con đê còn lại trong sáu con đê làm bằng cát do tiểu bang Louisiana đề nghị để ngăn chặn dầu BP và Chính Phủ Obama đã chỉ thị BP trang trải phí tổn xây cất tất cả sáu con đê.

Cũng nhờ sự can thiệp của DB Ánh và một số đồng viện, những cơ sở thương mại nhỏ bị ảnh hưởng bởi vụ tràn dầu BP sẽ được cứu xét đặc biệt để được mượn tiền theo một biện pháp do DB Sheila Jackson-Lee (Texas) và DB Cao Quang Ánh (Louisiana) cùng đỡ đầu. Biện pháp này đã được Hạ Viện chấp thuận.

Vì là một người gốc Việt, nên DB Cao Quang Ánh đặc biệt lưu tâm đến cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ và các vấn đề liên quan đến Việt Nam. Trong một tài liệu do Văn phòng của ông phổ biến, DB Ánh đã thực hiện nhiều việc có ích lợi cho người Việt. Danh sách rất dài, chúng tôi chỉ đơn cử một vài thí dụ.

1. Thành lập Nhóm Đáp Ứng Cấp Thời để làm việc với các tổ chức bất vụ lợi nhằm giúp các nạn nhân bị thiệt hại vì vụ tràn dầu BP ở Vịnh Mễ Tây Cơ. Tổ chức Phiên Họp Bồi Thường để giúp các ngư phủ VN làm thủ tục xin bồi thường và các dịch vụ xã hội. Cung cấp 14 thông dịch viên lành nghề để trợ giúp thông dịch cho các cộng đồng thiểu số, trong đó có các ngư phủ gốc Việt. Thương lượng với Tòa Bạch Ốc để đòi có phần tiếng Việt trong các thông tin, nhờ vậy Trang Nhà www.restorethegulf.gov về vụ tràn dầu BP hiện có những thông tin bằng tiếng Việt trong số các ngôn ngữ được dùng.

2. Triệu tập cuộc điều trần trước Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos về Tự Do Tôn Giáo tại VN. Thuyết trình trước Ủy Ban về những vi phạm tự do tôn giáo tại VN trong hơn nửa thế kỷ qua. Kêu gọi cả hai ngành Hành Pháp và Lập Pháp đưa VN trở lại danh sách đáng lưu tâm (country of particular concern – CPC). Kêu gọi đưa VN trở lại hạng III (Tier III) vì những vi phạm Luật Buôn Người. Hiện nay, Bộ Ngoại Giao đã đưa VN xuống hạng II (Tier II Watch List).

3. Triệu tập Văn Phòng Đại Biểu Mậu Dịch (U.S. Trade Representative – USTR) để họ biết những quan tâm không chỉ đối với Luật Lao Động mà còn gắn liền với những vi phạm nhân quyền, nhất là cho ưu tiên miễn thuế cửa quan trong chương trình Quy Chế Ưu Đãi Tổng Quát Thuế Quan (Generalized System of Preferences – GSP) cho VN. Soạn văn thư gửi đến USTR, Bộ Lao Động và Bộ Ngoại Giao để nói lên những quan tâm về vấn đề này. Góp ý với USTR cho cuộc thương thảo mậu dịch Trans Pacific Partnership. Yêu cầu tất cả mọi thương ước phải được đặt trên sự tôn trọng nhân quyền và những qui ước Lao Động Quốc Tế.

4. Đồng bảo trợ Dự Luật Nhân Quyền cho Việt Nam 2009 với Dân Biểu Chris Smith. Luật này sẽ đặt điều kiện cho các viện trợ của Hoa Kỳ dựa trên thái độ của chính quyền VN đối với nhân quyền và tự do tôn giáo. Luật này sẽ ngăn không cho VN được hưởng Quy Chế Ưu Đãi Tổng Quát Thuế Quan (GSP) cho đến khi VN cải tổ Luật Lao Động. Hiện Dự Luật này đã được đưa vào Ủy Ban Ngọai Giao Hạ Viện.

Cử tri gốc Việt cần phải làm gi?

Hạ Viện Hoa Kỳ có 435 dân biểu. Trong đó hiện nay có 42 dân biểu gốc Phi Châu, 31 dân biểu gốc Do Thái và 25 dân biểu gốc Hispanic, Trong khi đó chỉ có 8 dân biểu gốc Á châu, kể cả Ông Cao Quang Ánh (Cộng Hòa, Louisana) và Bà Judy Chu (Dân Chủ, California) đắc cử vào Hạ Viện vào năm 2008, và Charles Djou (Cộng Hòa, Hawaii) vừa đắc cử vào tháng 5 vừa qua. Gốc Á châu bao gồm cả Nhật, Trung Hoa, Đại Hàn, Ấn Độ, Nam Dương, Việt Nam, Lào, Campuchia, Phi Luật Tân, Thái Lan v.v mà chỉ có 8 đại diện là quá ít ỏi.

Do đó, chúng ta cần ủng hộ những người gốc Việt và Á châu nói chung, dù là Dân Chủ hay Cộng Hòa, ra tranh cử vào Quốc Hội Hoa Kỳ để cộng đồng gốc Việt và Á châu có tiếng nói mạnh mẽ hơn và quyền lợi của người Mỹ gốc Á châu được bảo vệ nhiều hơn.

Chúng ta thử nhìn vào sức mạnh chính trị của người Mỹ gốc Do Thái. Họ có rất nhiều cơ sở thương mại, truyền thông lớn. Họ âm thầm đóng góp tiền bạc, vận động hành lang, đưa người vào Quốc Hội, khuyến khích con cháu học luật, khoa học chính trị, bang giao quốc tế, thương mại, tài chánh, ngân hàng… Họ bênh vực và giúp đỡ lẫn nhau để thăng tiến trong xã hội.

Kết quả là người Do Thái chỉ có 2.8 triệu dân, chiếm khoảng 1.2% tổng số dân của Hoa Kỳ, nhưng họ có tới 31 dân biểu và 13 thượng nghị sĩ trong Quốc Hội. Trong khi đó 4.4 triệu người gốc Á châu chỉ có 8 dân biểu liên bang và hơn 1.5 triệu người Việt ở Hoa Kỳ chỉ có duy nhất một Dân Biểu Cao Quang Ánh.

Tình trạng này cần được cải thiện bằng hành động của mỗi cử tri Việt Nam. Chúng ta hãy đóng góp và bỏ phiếu cho các ứng cử viên gốc Việt và Á châu có khả năng và tinh thần phục vụ xã hội. DB Ánh đã mở đường cho chúng ta vào Quốc Hội. Nếu ông được sự ủng hộ của tất cả gần 2 triệu người Việt trong cuộc bầu cử sắp tới, chắc chắn ông sẽ tiếp tục đại diện chúng ta tại toà nhà lập pháp Hoa Kỳ. Rất hi vọng chúng ta còn có thêm DB Trần Thái Văn (Cộng Hòa, California) cuối năm nay và DB Hubert Võ (Dân Chủ, Texas) vào năm 2012.

(Nguồn: © Nguyễn Quốc Khải, Đàn Chim Việt, http://www.danchimviet.com/archives/16316)