BAGHDAD - Lãnh tụ phe đối lập người Shia nổi tiếng nhất đã trở về sau hơn 23 năm sống lưu vong.

Giáo chủ (Ayatollah) Mohammed Baqr al-Hakim, người đứng đầu Hội Đồng Tối Cao Cách Mạng Hồi Giáo Iraq (SCIRI) đã vượt biên giới Iran trở về Iraq trong sự đón chào cuồng nhiệt sáng Thứ Bảy.

Chứng kiến cảnh tượng trên, phóng viên BBC Frank Gardner cho biết đã có hàng ngàn người ủng hộ đã ra đón vị Ayatollah.

Phong trào đấu tranh của Ayatollah Hakim có vẻ đang được theo dõi chặt chẽ bởi các quan chức Hoa Kỳ và Anh, những người quan ngại rằng ông này có thể sẽ thúc đẩy việc thành lập một quốc gia Hồi Giáo tại Iraq.

Trong những năm lưu vong, ông đã lãnh đạo một lực lượng dân quân vũ trang và kêu gọi hãy thay đổi chế độ Saddam Hussein bằng một chế độ chính trị thần quyền theo kiểu Iran.

Tuy nhiên, gần đây, vị giáo sĩ 63 tuổi này nói rằng ông ủng hộ một chính phủ liên minh được bầu lên một cách dân chủ tại Baghdad.

Ayatollah Hakim đã tới thành phố Basra ở phía nam, nơi ông sẽ diễn thuyết trước đám đông.

Hàng ngàn người Iraq theo phái Shia đã tụ tập tại sân vận động thành phố, vẫy những lá cờ màu xanh của đạo Hồi cùng những bích chương hình có hình vị giáo sĩ.

Nói trước đám đông tụ hợp tại Basra, giáo chủ al Hakim nói muốn một chính phủ độc lập, không do nước ngoài áp đặt, và một nhà nước hiện đại trên cơ sở các ý tưởng công lý và tự do của đạo Hồi.

Theo các thông tín viên tại Basra, sự trở về của giáo chủ Baqr al Hakim là cực kỳ quan trọng, vì ông ta từng là đối thủ không đội trời chung của Saddam Hussein, và nhiều tín đồ hồi giáo Shai coi ông là lãnh tụ tối cao của họ.

"Trong gia đình Hakim có rất nhiều người đã tử vì đạo", Mohammad Lamrayani, một trong những người ủng hộ ông nói với hãng thông tấn Reuters.

"Ông ấy xứng đáng được chúng tôi chào đón sau 23 năm sống xa quê. Mọi người dân Iraq nay đều có quyền quay trở về sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ".

Đoàn tuỳ tùng có vũ trang

Ayatollah đã không đặt chân lên mảnh đất quê nhà kể từ khi bắt đầu cuộc đời lưu vong năm 1980, tức là lúc bắt đầu cuộc chiến Iran - Iraq.

Ông được một đoàn tuỳ tùng có vũ trang chừng hơn 100 người hộ tống tại buổi lễ đón chào đặc biệt này.

Phóng viên BBC Jane Peel nói rằng các con đường dẫn tới sân vận động chật cứng những người muốn được chiêm ngưỡng vị lãnh đạo tinh thần lần đầu tiên trong 23 năm qua.

Dẫu cho Basra có đa số dân là người Shia nhưng nhiều người ở đây cảm thấy không hào hứng với ý tưởng có một nhà nước Hồi giáo.

Một số người cũng lo ngại về việc Ayatollah Hakim có những quan hệ với Iran.

Gần đây, đã có những đồn đoán quanh chuyện liệu ông sẽ tiếp tục lãnh đạo SCIRI hay sẽ trao lại quyền cho em trai là Abdulaziz Hakim.

Ông trở về, và với tư cách là phó tổng chỉ huy của SCIRI, nay đang tham dự vào việc đối thoại với các quan chức Hoa Kỳ quanh chuyện thành lập chính phủ Iraq lâm thời.

Sau đây, Ayatollah Hakim được trông đợi là sẽ từ Basra tới thành phố Najaf, miền đất thánh quan trọng nhất của cộng đồng Shia tại Iraq.

Vài nét về cá nhân Ayatollah Hakim

Năm nay 63 tuổi, ông sinh trưởng trong một trong những gia đình Shia có truyền thống nhất Iraq.

Cho mãi tới khi qua đời vào năm 1970, thân phụ của ông là nhà lãnh đạo tinh thần của cộng đồng Shia.

Ông tiếp tục truyền thống, tham gia vào một phong trào chính trị đối lập hoàn toàn với đảng Baath và đảng cộng sản.

Khi Đảng Baath siết chặt quyền lực tại Iraq hồi thập niên 1970, Ayatollah Hakim đã bị ngồi tù và bị tra tấn. Nhiều thành viên trong gia đình ông đã bị giết.

Sau khi xảy ra cuộc chiến giữa Iraq và Iran hồi năm 1980, ông bỏ chạy sang Iran và thành lập Hội Đồng Tối Cao Cách Mạng Hồi Giáo Iraq, gọi tắt là SCIRI, cùng với cánh quân sự là lữ đoàn Badr.

Lực lượng của ông sau đó đã tiến vào Basra trong cuộc nổi dậy bị thất bại của người Shia năm 1991.(bbc)