Ngày lễ của mẹ tại giáo phận Xuân Lộc

Vào Ngày Của Mẹ, 09/5/2010, từng đoàn, từng đoàn người trên những chiếc xe lớn từ 12 giáo hạt đổ về làm sân Tòa Giám Mục Xuân Lộc tươi đẹp vì những tà áo dài đủ màu sắc và rộn rã bước chân của những người mẹ. Hôm nay, thân mẫu của các linh mục, tu sĩ trong giáo phận đã về đây để mừng Ngày Của Mẹ do giới hiền mẫu Giáo phận tổ chức, http://www.youtube.com/watch?v=tzzoe6qiH68

Xem hình ngày lễ của Mẹ tại giáo phận Xuân Lộc

Trước giờ khai mạc, hội trường lớn của Tòa Giám Mục ồn ào vì tiếng cười tiếng nói. Dù vậy việc ổn định chỗ ngồi vẫn nhịp nhàng vì các bà cố được ngồi theo hạt của mình. Bầu khí của ngày hội lớn hôm nay thật trang trọng vì trên ngực các bà cố là một bông hồng màu đỏ, các chị hiền mẫu cũng đều mặc áo dài, làm cho nét mặt tươi tắn phúc hậu của tuổi trung niên hay nhăn nheo sạm nắng của các bà cố cũng vẫn đẹp.

Phần thuyết trình

Mở đầu ngày hội, cha đặc trách giới hiền mẫu của giáo phận Đa Minh Nguyễn Văn Tòng giới thiệu giáo sư Lê Đình Bảng trình bày đề tài “Hãy giữ lấy di sản văn hóa đức tin”. Trước khi đi sâu vào đề tài này, nhà thơ đã nói lên những cảm xúc của mình; đặc biệt là cảm xúc về người mẹ của chính ông. Đó là một người mẹ ao ước có con là linh mục nhưng Chúa đã rẽ lối cuộc đời của ông, để ông trở thành một nhà báo, một nhà thơ Công giáo với tất cả tâm huyết của một người yêu mến và phục vụ Giáo hội, trong tâm tình người giáo dân. Thế nên trong suy nghĩ của người mẹ thì bà không hài lòng nhưng từ góc nhìn của đức tin đó lại là điều tốt đẹp Chúa muốn cho cuộc đời ông.

Đi sâu vào kho tàng văn hóa Công giáo người dự được nghe những câu chuyện rất hay mà giáo sư dẫn lối vào chủ đề.

- Năm 2003, giáo sư Trần Văn Khê đã viết một bài trên báo Giác Ngộ “Đạo Phật đáng cứu rỗi đời tôi” mà trong đó, ông cho rằng chính tiếng chuông chùa và tiếng kinh kệ hằng ngày đã đi sâu vào đời ông.

- Năm 1947, Văn Cao đã viết được những bài ca nổi tiếng và chính nhạc sĩ thổ lộ rằng: “Từ bé tôi đã được nghe tiếng đàn dương cầm tại nhà thờ khiến trong con người tôi có được những cảm hứng để viết lên những tác phẩm âm nhạc đó.”

- Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã rong ruỗi khắp các làng quê để gom góp trên một ngàn câu hò trong kho tàng dân ca Nam bộ như là gia tài của mình.

- Ở làng quê ngày trước, mỗi độ vào tháng hoa, nhiều ngôi chùa biết rằng người Công giáo thường đi hái hoa dâng Đức Bà, nên họ mở cổng chùa hàm ý ai cần lấy hoa thì xin mời vào vì trong chùa rất nhiều hoa. Đến cuối tháng hoa, vào ngày giã hoa, nhà chùa trịnh trọng mang mấy mâm hoa sang nhà thờ xin dâng cũng để tỏ tình thâm giao. Một nét văn hóa tuyệt vời!

Tất cả những cái đó góp thành một nét văn hóa tôn giáo. Nhà thơ Lê Đình Bảng than phiền rằng: “Trong khi đó, Công giáo của chúng ta có cả một kho tàng thi ca văn hóa mà ông bà tổ tiên đã chuyển tải và sống đức tin bằng các loại hình văn hóa nghệ thuật mà cụ thể là dâng hoa, dâng hạt, ngắm đứng, ngắm nhân tài, than hang đá, ngắm lễ, những bài kinh biến thành thơ “Thiên đàng hỏa ngục hai bên”…nhưng chúng ta rất ít khi chú ý đến tài sản phi vật thể vốn có này.

Thậm chí những giá trị đạo đức gia đình có được từ trong việc đọc kinh tối cũng dần dần đánh mất khi bữa cơm gia đình bị phân rẽ vì cuộc sống đô thị, rồi ti-vi đánh cắp thời gian một cách tinh vi, sự thu hút của internet. Rồi nhiều nhà thờ khi tổ chức dâng hoa, không cho các em mặc áo dài mà cho mặc áo đầm và thay vì hát bài dâng hoa thì lại hát “liên khúc thánh ca”. Như thế, tất cả các vốn quí này có mai một theo dòng thời gian không?

Gần một giờ đồng hồ nói chuyện, sau cùng nhà thơ đề nghị chúng ta đừng coi thường quá khứ và có tinh thần giáo dục cũng như phục hồi những giá trị cũ, vốn là ngọn lửa nhỏ ấm áp trong việc rao giảng Tin Mừng với hồn nghệ thuật thi ca Công giáo.

Phần nói chuyện trở nên sinh động khi hai bà cố và một chị hiền mẫu lên ngâm minh họa làm phần nói chuyện thêm sinh động, http://www.youtube.com/watch?v=SOySkQ0A0zU và http://www.youtube.com/watch?v=_3Z4WLQT9Mw

Đức Giám mục nói chuyện với các bà cố

Sau ít phút giải lao, Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã nói chuyện với các bà cố một cách thân tình, thân tình vì những điều Đức cha nói đến rất thực tế. Đức cha cho rằng, ngày nay nếu muốn chiếm đoạt con người thì người ta lôi kéo con người về phía của mình bằng cách gieo rắc, thống lĩnh, không chế tư tưởng. Hiện tại, chúng ta đang sống trong một xã hội có khá nhiều tờ báo, có nhiều đài phát thanh, nhiều kênh truyền hình…nhưng chưa có tờ báo nào rao truyền đức tin Công giáo; chưa có một đài phát thanh hay đài truyền hình nào phục vụ cho công việc rao giảng Tin Mừng. Các môi trường sống đạo ngày càng nhỏ đi trong khi môi trường xã hội ngày càng bành trướng.

Cách đây mấy chục năm, chính các bà cố đang ngồi trước mặt tôi đây đã giáo dục con cái, truyền bá đức tin cho thế hệ trẻ bằng cách sống đạo đức đơn sơ của mình, thế nên giáo hội Công giáo Việt Nam trù phú ơn gọi, có nhiều người trẻ ý thức hy sinh phục vụ Giáo hội. Các bà mẹ là những con đê ngăn dòng nước lũ cuốn chực trôi những điều tốt đẹp trong cái nôi gia đình; nếu để những kẽ hở nhỏ thì nước sẽ thấm vào, lâu ngày đê bị bở, sức mạnh của nước sẽ ào vào phá vỡ đê một cách dễ dàng. Thế nên, Hội Thánh và mỗi người phải có cách thế của mình để chống trả những cơn nước lũ thế gian.

Thế hệ nào cũng vậy, bao giờ các linh mục tu sĩ cũng là những con người yếu đuối mỏng giòn vì thế lời cầu nguyện rất cần thiết. Trong đời thường, có nhiều người thấy khuyết điểm của các linh mục thì kêu lên Đức Cha; tôi nghĩ rằng, đôi khi Đức cha cũng khó xử, có những sự việc nếu cầu cứu đến các bà cố thì tốt nhất.

Riêng gia đình các ông bà cố lại càng phải đạo đức gương mẫu trong đời sống, đừng vì một chút vật chất mà tranh chấp, kiện tụng mà đánh mất hình ảnh đẹp, là gia đình thánh thiện giữa nhiều gia đình chung quanh.

Sau cùng Đức cha đã nói lời tuyên dương các ông bà cố đã sinh con, dâng hiến con mình cho Giáo hội, lại luôn là những mẫu gương sáng chói trong đời sống và giúp các con của mình hoàn thành nhiệm vụ. Thật sự Giáo hội luôn hãnh diện vì các linh mục, tu sĩ có cha mẹ như vậy.

Thánh lễ đồng tế

Thánh lễ đồng tế được cử hành ngay tại hội trường lớn mà các bà cố đang tham dự, do Đức cha phụ tá chủ sự, cùng đồng tế có Đức ông Vinh Sơn Tú và quí cha.

Hôm nay, các bà cố cùng tham dự một thánh lễ, cùng nghe một bài giảng, cùng chung một tiệc thánh và cùng vui một tiệc mừng. Các bà được hiểu rằng, thế giới xung quanh lúc nào cũng có biến động, căng thẳng đang ngấm ngầm phá hoại con người chúng ta, từ đây khiến chúng ta khát khao bình an. Nhưng người Công giáo đi tìm thứ bình an bắt nguồn từ Thiên Chúa vì cách thức ban bình an của Chúa Giêsu khác với cách thức đem bình an của con người.

Chúa không đem bình an theo nhãn quan của nhân loại mà phải có từ một hành trình trong nỗ lực của bản thân. Đây là cuộc chiến đấu cam go từ ngoại cảnh lẫn nội tâm, nghĩa là phải sống và hành động trong yêu thương. Hơn nữa, chỉ trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần mới thực sự có được bình an vì Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất.

Các bà cố là những người trao ban bình an và hạnh phúc cho người khác, có đúng không? Thưa đúng, vì bà trao ban bình an cho con cái; bàn tay linh mục, tu sĩ của con bà lại đem bình an hạnh phúc đến cho nhiều người khác. Tại sao bà được cao trọng như vậy? Thưa vì bà đã hy sinh rất nhiều, chịu đựng những cơn sóng gió một cách âm thầm, rất nhiều cố gắng để gia đình an bình, để con bà đi gieo rắc bình an.

Thánh lễ khép lại trong niềm vui khi cha đặc trách giới hiền mẫu đưa ra một ý tưởng là giáo phận Xuân Lộc sẽ cố gắng xây một nhà hưu dưỡng đặc biệt dành cho các bà cố. Tiếng vỗ tay vang dội khắp hội trường. Rồi các bà cố lũ lượt ra dự tiệc.

Thật khó tưởng tượng khi có cả ngàn người mẹ dự chung một tiệc mừng. Có tiếng hò, tiếng hát và cả tiếng ngâm thơ. Quí cha cho biết, trong số này có hai bà cố có bốn con là linh mục. Có bà cố kia rất vui tính, bà nói đùa rằng: “Tôi là bà cố NGỒI, nếu được là bà cố ĐỨNG thì mới thích!”. Hỏi mãi bà cố mới giải thích: “Bà cố NGỒI là chỉ có con gái làm Ma-sơ, còn bà cố ĐỨNG là có con trai làm cha!!”. Ai mà không buồn cười khi nghe giải thích như vậy, nhưng xin đừng suy diễn thêm! Có bà cố khác, tuy lớn tuổi nhưng vẫn hăng say đến tham dự, bà có người con là linh mục tình nguyện đến một hòn đảo để phục vụ; một thời gian dài cha không được về thăm nhà, bà cố nhớ con đến quay quắt, phải sang đảo để thăm con! Gần đây, cha mới được về thăm Việt Nam một cách dễ dàng hơn. Điều đáng chú ý là người con ưu tuyển của bà cố này sống rất bác ái, rất hay giúp đỡ người nghèo các nơi. Bữa tiệc mừng trưa nay là phần cuối cùng của ngày hội.

Lời kết

Ngày Của Mẹ, có nhiều bà mẹ được tưởng nhớ tới, được chúc mừng, được quan tâm và được an ủi. Những bà mẹ có được đặc ân ban bình an qua bàn tay con mình, hay những bà mẹ chỉ có người con đang phục vụ âm thầm cho Giáo hội, cống hiến cho xã hội, hoặc những bà mẹ chỉ làm tròn bổn phận trong thiên chức làm mẹ của mình và những bà mẹ đã khuất bóng…đều đáng được trân trọng và yêu thương; vì quí bà đã được cộng tác với Thiên Chúa sinh ra con người luôn cố gắng chung tay xây dựng một Giáo hội của Chúa Kitô tốt lành, một xã hội công bình bác ái và một thế giới hòa bình an lành.