Fiji là đảo quốc có diện tích về mặt đất rộng 18.300 km vuông, gồm 322 đảo nhỏ và người thổ dân đã có mặt tại đây khoảng 1500 năm trước Công nguyên. Dân số hiện nay là 950.000 người. Dân chúng đa số nói tiếng Anh, rồi tiếng Fiji, và ngôn ngữ bồi Hindu Fiji.

Xem hình ảnh phong cảnh Fiji

Tên Fiji thực tế là tên tiếng Tonga cho nhóm quần đảo này, nhưng người bản xứ tự gọi là Viti.

Thủ đô là Suva với dân số là 350.000 người nằm trên đảo rộng nhất là Viti Levu. Cả đảo này có dân số chừng 600.000 (ức là hơn 2/3 tổng số dân Fiji). Hơn một nửa dân chúng sinh sống trên đảo Viti Levu là người gốc Ân độ, còn non một nửa là người thổ dân chính gốc Fiji.

Sơ lược về lịch sử Fiji

Người Fiji có truyền thống làm đồ gốm gọi là “lapita” và nhờ vào hình thức nghệ thuật đồ gốm qua thử nghiệm chất carbon 14 mà các nhà khào cổ và nhân chủng học có thể tra tìm ra đường biển di dân của các thổ dân sống trong vùng Nam Thái Bình Dương và tại các quần đảo người gốc Indonesian và gốc Polynesia.

Vào thê kỉ 18 và 19, khi người Tây phương đi thám hiểm các đảo vùng Nam Thái Bình Dương họ đã bỏ qua rất nhiều đảo vì đa số các tầu thám hiểm thời thuộc địa chỉ nhắm tới việc muốn tìm ra các châu lục mới, chứ không mấy chú trọng tới các đảo nhỏ. Người Âu châu khi đó khám phá ra trước tiên là quần đảo Vanuatu, rồi New Caledonia, và Society Islands hay còn gọi là Tonga. Nhưng họ không thấy các đảo Fiji.

Trong các chuyến thăm dò sau này khi khám phá ra Fiji, họ đã không được tiếp đãi nồng hậu, thay vì được mời ăn bữa cơm tiếp đón, thì một vài lần chính họ đã trở nên “món ăn’ cho người thổ dân Fiji. Và vì vậy Fiji đã trở thành cái tên rung rợn “các hải đảo ăn thịt người”.

Tục lệ ăn thịt người, nhất là quân địch và đối phương, vào những thời trước đây, được kể là một truyền thống có tính cách xã hội và văn hóa, vì các chiến binh Fiji tin rằng ăn thịt, trái tim và một số bộ phận quân địch là làm tăng khí thế và sự dũng mãnh cho bản thân tù trưởng và chiến binh thắng trận. Tục lệ này sau khi người Tây phương đến chiếm đóng đã từ từ bị khai trừ.

Mãi cho tới khoảng năm 1930 thì người Âu châu mới bắt đầu đến Levuka định cứ và buôn bán, lập các đồn điền và đưa người từ các đảo Salomon và Vanuatu đến đây khai thác đồn điền trồng cây bông và trồng dừa.

Cùng với việc người Âu châu đến buôn bán, việc nhập vũ khí vào Fiji cũng gia tăng và là nguồn gốc cho các cuộc chiến tranh bộ lạc, đặc biệt trong hai thập niên 1840 và 1850. Kết cuộc, lãnh tụ Ratu Seru Cakobau của bộ lạc Bau lên làm vua mà người Âu châu biết đến với tên là Tui Viti (Vua của Fiji).

Năm 1849 một sự kiện xẩy ra và sau này là nguyên nhân mất chủ quyền của Fiji: trụ sở và nhà của hãng thương mại Hoa Kỳ ở Fiji bị cháy và bị cướp của. Người Mỹ cho rằng Vua Fiji phải chịu trách nhiệm và số tiền đòi bồi thường được tính lên tới 45.000 mỹ kim và đòi vua Fiji phải bồi thường. Năm 1860 Cakobau đề nghị là Anh quốc chung sức trả món bồi thường đó và nếu đồng ý sẽ được nhượng đất đai. Tòa lãnh sự Anh từ chối.

Rồi đến năm 1868 một hãng của người Úc có tên là Australian Polynesia Company đồng ý trả số tiền đó và đổi lấy đất đai trên đảo Viti.

Đến năm 1871 Cakobau thành lập chính phủ liên hiệp, nhưng không bảo toàn được hòa bình, và chẳng bao lâu chính phủ này sụp đổ.

Hai năm sau người Anh tuyên bố sát nhập Fiji làm thuộc địa. Tiếp đó Fiji chính thức được đặt dưới sự bảo hộ của Anh quốc vào ngày 10.10.1874.

Ngày 10.10.1970 Fiji được độc lập sau 96 năm dước ách thuộc địa. Hiến pháp mới dựa theo hiến pháp Anh quốc, thế nhưng việc chia ghế quốc hội luôn có sự cạnh tranh giữa các bộ lạc.

Đời sống kinh tế, văn hóa,xã hội ở Fiji

Thời thuộc địa Anh, vào những năm 1870, nền kinh tế của Fiji đi xuống mạnh vì giá thị trường trồng cây bông làm vải xuống giá sau cuộc nội chiến Hoa kỳ. Thêm vào đó nạn dịch hạch đột phát giết hại nhiều người bản xứ. Để trấn an dân chúng, Anh quốc thành lập Hội đồng các tù trưởng vào việc điều hành quốc gia, và ra luật cấm bán đất cho người ngoại quốc.

Năm 1882, thủ đô từ Levuka được rời về thành phố Suva. Dưới áp lực kính tế, thuộc địa cần nhân công cho các đồn điền, nên đã đã đưa 60.537 người Ân độ sang làm lao công với khế ước là 5 năm. Dù bị người đãi và làm ăn vất vả, nhưng cuối cùng sau 5 năm, nhiều ngưòi Ấn độ đã muốn ở lại lập nghiệp nơi đây. Do biến có lịch sử này mà hiện nay người Ấn độ rất mạnh ở đây, không những về kính tế mà còn về sinh hoạt văn hóa và tôn giáo.

Nền kinh tế người bản xứ không phát triển bao nhiêu. Và cho đến nay các tiệm buôn bán, các dịch vụ quan trọng đều nằm trong tay người Fiji gốc Ấn độ.

Đi một vòng thành phố sẽ dễ dàng nhận ra ảnh hưởng của người Ấn độ, có nhiều đền Hồi giáo Ân độ, đền Ấn giáo, đền Shiva, các tiệm bán đồ dùng, các tiệm ăn…

Sắc thái và nếp sống đặc biệt của người Fiji

Đa số dân chúng Fiji hãy còn sống trong các làng mạc của họ và sống thành từng gia tộc gọi là Mataqali” (đại gia tộc) và vẫn còn chấp nhận hệ thống tộc trưởng di truyền và thường là người đàn ông. Mỗi một gia tộc được cung cấp đất để canh tác và có bổn phận chung đối với tộc của mình.

Đời sống trong làng xã cũng có hệ thống riêng và bổn phận hỗ trợ lẫn nhau và các tục lệ trong làng xã hãy còn rất truyền thống. Do vậy nếu cá nhân nào có tham vọng hay sống khác thường là mối đe dọa cho sự ổn định của làng xóm. Cũng vậy vai trò của đàn ông rất còn mạnh mẽ trong xã hội này.

Tôi đã lấy taxi cốt ý đến thăm một làng có tên là Kakunivuna, cách Suva chừng 20 cây số. Làng này đi sâu vào khi rừng năm bên bờ sông. Nhà cửa của dân chúng, đa số là nhà tôn, tường xây, nhưng rất thô sơ và nghèo. Đa số các gia đình đều có một thửa đất ngày bên cạnh hay đằng sau nhà, họ thường trồng chuối, khoai mì, cây toro, củ khoai, ngô bắp, bí… dùng cho đồ ăn thường ngày. Đôi khi họ cũng có thửa ruộng hay vườn trên núi hay trong rừng canh tác thêm như vườn dừa, vườn mía. Đi thăm một làng xa xôi nhưng cũng thấy bong dáng giáo đường của Tin lành ở một số nơi. Điều này cho thấy việc truyền giáo trước đây phát triển rất mạnh tại Fiji.

Tìm hiểu thêm về nếp sống dân gian, tôi được biết về quan niệm “kerekere” (chia sẻ trách nhiệm) và “sevusevu” (món quà thay cho ân huệ bó buộc) là hai điểm trọng yếu trong đời sống nông thôn và hiện hãy còn phổ biến nhất là ơ những làng xóm xa thị thành.

Trong các dịp lễ, người Fiji uống rượu “yaqona” hay còn gọi là “kava” là tục lệ xã hội không thể thiếu. Cũng vậy lễ hội truyền thống gọi là “lovo” người ta tụ tập lại với nhau và ca múa, ăn uống và vui chơi. Câu chào đầu môi cửa miệng gặp nhau ở bất cứ nơi nào là “Bula”. Do vậy, bạn là khác du lịch cũng được niềm nở đón chào “bula” và nên tươi cười đáp lại là “Bula”.

Nhảy múa và ca nhạc là những đặc tính không thể thiếu đối với người Fiji. Khách du lịch đến đây thường được các đoàn vũ người bản xứ, cả nam lẫn lữ, mình trần có vẽ biểu tượng trên mặt và trên thân thể, mặc váy bằng rơm hay sơi dây cọ, đôi khi cũng là vải mầu sặc sỡ, họ nhảy múa ca hát chào đón khách du lịch. Trong lời ca tiếng hát khi nhảy múa thường là kể về một huyền thoại hay câu truyện cổ tích nào đó của người Fiji xưa kia. Vì thế cũng có tính cách lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.

Một trong những điểm rất đặc biệt của thời trang Fiji là họ dùng vỏ cây làm quần áo, gọi là “tapa” hay cũng còn được gọi là “masi” và “malo”, một nghệ thuật truyền thống dùng lớp vỏ bên trong của cây dâu. Sau khi lấy giấy vỏ cây này, họ cho ngâm vào nước và rửa cho thật sạch mọi lớp nhựa, sau đó đập nhẹ lâu cả tiếng mấy đồng hồ để những tấm vỏ này nhuyễn thành các miếng như giấy mịn và có bề mặt đều nhau.

Tiếp đến họ dùng các chất mầu của thảo mộc thiên nhiên vẽ lên các tấm vải này làm thành các hình hài biểu trưng của người Fiji. Đây là một nghệ thuật truyền thống độc đáo của người dân bản xứ.

Suva là thành phố khá lớn và có nhiều nơi nên thăm viếng như Bảo tàng viện quốc gia, nơi lưu giữ các đồ cổ như các đồ gốm, tác phẩm và đồ dùng nghệ thuật, các nhạc cụ nguyên thủy, đồ trang sức, và những canô có hai khoang đặc biệt mà trước đây các dân người Polynesia thường dùng để đi từ đảo này tới đão kia.

Bạn cũng có thể thăm Tòa nhà chính phủ xây kiểu Anh quốc, kiên cố, nghệ thuật. Hoặc thăm Tòa nhà Quốc hội Fiji, Tòa thị chính cũ, Khách sạn Grand Pacific nơi mà trước đây nhiều khác du lịch đã dừng chân, thăm vười hoa Thurston. Điểm đặc biệt là các chùa chiền Ấn độ, các ngôi thành đường Thiên Chúa giáo.

Chúng tôi cũng có dịp đi thăm 2 thác nước tại một làng ở Kakunivuna. Hai thác nước cao ngất trời ở gần nhau, cách nhau chừng 100 mét. Nước đổ từ nguồn nước trên cao xuống thềm đá, và dưới cùng là suối nước, nếu mạo hiểm bạn có thể đi giữa thềm đá và màn nước chảy xuống suối. Một phong cảnh rất thiên nhiên, sâu lắng, an bình, và không bị khuấy động, vô tư.

Tình hình tôn giáo tại Fiji

Theo thống kê, tình trạng tôn giáo ở Fiji như sau: 52% là Thiên Chúa giáo, trong đó da phần 35% là Methodist, có đến chừng 15% là Công giáo; Ấn độ giáo 38%, và Hồi giáo là 8%. Tôn giáo đối với người Fiji rất là quan trọng trong sinh hoạt của họ.

Công việc truyền giáo của người Thiên Chúa Giáo tại đảo này cũng rất mạnh, đi đâu cũng thấy có các nhà thờ của các giáo phái chính của Tin Lành, đặc biệt là Methodist và Baptist.

Các tôn giáo đến đây không những chỉ truyền giáo, nhưng còn mở các trường học, nhất là hệ thống giáo dục trung học và đại học. Hầu hết các nhân viên cao cấp chính quyền hay dân sự, nếu là nam giới, đều xuất thân từ trường Trung học Công giáo do các cha Dòng Marist điều hành, hay nếu là nữ giới đều hầu hết xuất thân từ trường Trung học nữ của Tin Lành ở Koruvu.

Riêng về phía Công giáo, việc truyền giáo và giáo dục đã đề lại những thành quả tốt đẹp. Chúng tôi có dịp thăm viếng nhà thờ chính tòa ở Suva rất rộng lớn là đẹp. Xem chương trình mục vụ trong tờ Thông tin giáo xứ thấy có nhiều sinh hoạt đặc sắc.



Đặc biệt, tôi có dịp đồng tế thánh lễ Chúa nhật tại giáo xứ Đức Mẹ Hắng Cứu Giúp (Our Lady of Perpetual Help) ở thành phố Lautoka (dân số 45.000 người) thấy dân chúng tham dự thánh lễ rất sống động và sốt sắng. Ca đoàn hát hay, các bài hát chung bằng tiếng Anh và cũng có một số bài hát bằng tiếng Fiji. Thánh lễ bằng tiếng Anh và thấy dân chúng cũng đáp bằng tiếng Anh. Anh ngữ hiện nay là ngôn ngữ thông dụng của người Fiji.

Chúng tôi quan sát thấy các gia đình tham dự thánh lễ, họ ngồi chung từng gia đình với nhau, và điểm đặc biệt là các phụ nữ mặc quần áo rực rỡ nhiều mầu sắc, còn đàn ông con trai mặc áo sơ mi và cũng mặc váy. Sau lễ tôi có hỏi ra mới biết là trong các cuộc lễ và các nghi thức chính thức thì đàn ông thường mặc váy đó là quốc phục của họ.

Sau thánh lễ, tôi đứng trước cửa nhà thờ chào hỏi dân chúng, nhiều người hỏi ài là người Đài Loan hay Trung quốc không? (vì hiện nay người Tầu sang đây làm ăn rất có ảnh hưởng, họ buôn bàn, mở nhà hàng, và chính phủ Trung quốc tung tiền ra để xây các dinh thự to lớn biếu cho người bản xứ với mục đích đặt chân trong vào thị trường ở đây, ở hải cảng Suva, có 12 chiếu tầu đậu thì 10 chiếc là tầu đánh cá hay đầu buôn của Trung quốc). Tôi trả lời không phải! và hỏi lại họ, có biếtg Việt nam không? Họ nói có nghe về chiến tranh Việt Nam.

Điều bất ngờ lý thú, sau cùng có một gia đình một bà mẹ và năm đứa con đến gặp tôi, vì trong thánh lễ Cha xứ có giới thiệu tôi là người Việt Nam, có học và chịu chức ở bên Roma trước đây… Bà ta nói, Ba của bà ta trước đây cũng có đi tu và học ở Roma, hỏi ra tên là gì và học năm nào – thì cũng đúng là năm 1968 khi tôi đang học ở đó, và tên là Beato Ludosono. Đúng thực vào thời đó có 3 chủng sinh người Fiji theo học tại Giáo học học viện Urbaniana. Thật là quả đất tròn, giữa một hải đảo xa xôi, kỳ lạ gặp lại con cháu của bạn lớp học cách đây trên 40 năm.

Chúng tôi đã tìm hỏi những linh mục quen biết vùng Thái Bình Dương và có tìm trong niên giám điện thoại, đều không thấy có ai tên Việt Nam cả, nhưng tên người Tầu thì rất nhiều.

“Bula” – Chào tạm biệt người dân xứ Fiji hiếu khách, để thương và vui tính.