Góp ý về vụ việc Giáo viên Ngô Văn Tuyên tại Trường Cấp 2 An Bằng......

Ý KIẾN CỦA MỘT GIÁO VIÊN CÔNG GIÁO VỀ VỤ ViỆC MỘT HỌC SINH CÔNG GIÁO BỊ THẦY GIÁO ĐÁNH VÌ MANG TƯỢNG THÁNH GIÁ.

Tin ". .. Em Lê Tiến Quốc, học sinh trường cấp 2 An Bằng - Vinh An, đi học, bị thầy giáo Ngô Văn Tuyên - Giảng viên Môn Giáo Dục Công Dân, không cho mang tượng Thánh Giá vào lớp học.... " được Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, Trưởng Ban Truyền Thông Tổng Giáo Phận Huế, đưa lên website tonggiaophanhue.net, ngày 13-4-2010, lúc 16g11', làm nhiều phụ huynh, giáo viên bất bình và phẩn nộ.

Là một giáo viên có 30 năm thâm niên, hiện đang giảng dạy tại một trường Trung Học Phổ Thông, tôi không muốn chỉ ra ở đây những sai sót của thầy Ngô Văn Tuyên về đạo đức hành xử, về nghiệp vụ sư phạm, về những qui định của ngành giáo dục, về luật pháp,. .. bởi những ai khi đọc tin trên, đều dễ dàng nhận ra, hơn nữa, đến hôm nay, có lẽ thầy Ngô Văn Tuyên cũng nhận ra những điều ấy.

Tôi muốn viết ra những điều suy nghĩ sau đây:

1. Tôi chắc rằng những em học sinh ở lớp 7/5 có mặt trong tiết 2, sáng thứ 2 ngày 12-4-2010, đủ hiểu biết để nhận ra: Việc "thầy gọi em học sinh Lê Tiến Quốc lên trước lớp, ra lệnh cho em cởi bỏ dây và tượng Thánh giá khỏi cổ" là vi phạm luật pháp.

Mặc dầu ở vào độ tuổi 13-14, trình độ văn hóa lớp 7, nhưng nhờ các phương tiện học tập, thông tin, liên lạc. .. hiện đại, nhanh chóng, hiệu quả, mà sự hiểu biết của các em vượt xa giới hạn tuổi thơ, lớp học ấy. Các em học sinh nói chung, cách riêng các em ở lớp 7/5 này, hiểu rằng các em có quyền theo hay không theo một tôn giáo nào, không ai có quyền ngăn cấm các em biểu lộ niềm tin của mình bằng cách này hay cách khác trong khuôn khổ của luật pháp hiện hành...

Thế thì trong tâm trí các em lúc này, thầy Ngô Văn Tuyên ra sao? Vì qua các tiết học Giáo dục Công dân, chính thầy dạy các em phải "Sống và làm theo luật pháp".

Tiên vàn, xin hãy làm người thượng tôn pháp luật.

2. Trước yêu cầu "cởi bỏ dây và tượng Thánh giá khỏi cổ" của thầy, em Lê Tiến Quốc đủ hiểu biết, khôn ngoan, để nhận ra cái yêu cầu của thầy là vô lý và em có lý (hay có quyền) khi trả lời "Chúa của em thì em đeo". Câu trả lời của em sao lại làm thầy "tát vào mặt em", "nắm cây Thánh Giá kéo đứt dây đeo khỏi cổ em", rồi " lôi em đến phòng phòng Hội Đồng trường để xử lý"?

Rõ ràng, chuổi hành động của thầy là chuổi phản ứng của kẻ yếu, cái đúng không thuộc về thầy.

Cách mà Thầy Ngô Văn Tuyên đã đối xử với em Lê Tiến Quốc làm tôi liên tưởng và so sánh giống như những việc mà người lính đi "bắt đạo" đã làm vào một thời xa cũ trong lịch sử Giáo hội Công Giáo Việt Nam.

3. Dư luận đang bức xúc trước nạn "bạo lực học đường" đang xảy ra ở mức độ ngày thêm trầm trọng, và ở nhiều dạng khác nhau. Xin đừng để những vụ việc mang tính kỳ thị tôn giáo của một vài cá nhân nào đó, như của thầy Ngô Văn Tuyên, làm cho "bạo lực học đường" nhức nhối thêm.