WESTMINSTER.- (NV) Sáng hôm qua, chủ nhật 27 tháng 4 năm 2003, Lễ Khánh Thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ đã diễn ra thật trọng thể và đầy xúc động trước hàng chục ngàn người, cả Mỹ lẫn Việt. Ngay từ 8 giờ sáng, trước giờ khai mạc đến 3 tiếng đồng hồ, đã có cả hàng ngàn người tiến vào khu lễ đài. Khu Lễ Đài là cả một khoảng không thật lớn. Ngoài lễ đài chính ngay trước chân Tượng Đài, người đến tham dự được Cảnh Sát Westminster và những cựu chiến binh VNCH tự nguyện làm trật tự, hướng dẫn vào các khán đài. Có ba khán đài lớn mà một dành cho những cựu chiến binh Mỹ Việt cùng gia đình. Cho đến lúc 10 giờ thì các khán đài hầu như chật kín. Người ta ước lượng có đến nhiều chục ngàn người tham dự. Nơi hàng quan khách chúng tôi nhận thấy có đầy đủ Đại Diện chính quyền Hoa Kỳ của các thành phố có đông cư dân VN là Westminster, Garden Grove và Santa Ana...Hai vị Tướng của quân lực Hoa Kỳ và VNCH là Walter Ulmer và Lâm Quang Thi đại diện cho những chiến binh đã chiến đấu trong cuộc chiến VN cũng như hai nhà tư pháp trong chính quyền Hoa Kỳ là bà Chánh Án Eilen Moor và Ông Nguyễn trọng Nho cũng có mặt trong hàng quan khách. Cho đến giờ phút này, Tượng hai chiến sĩ Việt Mỹ vẫn còn phủ kín, nhưng được phủ bằng những tấm vải xanh và vàng, tượng trưng cho hai mầu cờ Mỹ Việt. Tượng Đài đã hoàn chỉnh. Ba phần tư vòng tròn trước Tượng Đài là bức tường đá đen có thác nước chẩy ngày đêm. Chiếc Lư Hương lớn được đặt chính giữa công viên Tượng Đài trên một hồ nước nhỏ. Một phần tư còn lại là thềm cẩn đá hồng để người đến chiêm ngưỡng những hình tượng đã được mọi người ghi tâm khắc cốt. Tham dự Lễ Khánh Thành Tượng Đài, ngoài quan khách vừa kể chúng tôi còn nhận thấy nhiều đoàn thể Mỹ Việt như Đội quân nhạc của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đội trống Nicholson của Thị Xã Westminster, Ban Ngàn Khơi và đầy đủ các quân binh chủng QLVNCH, cựu chiến binh Hoa Kỳ và một số cựu chiến binh Đồng Minh trong cuộc chiến VN. Báo chí truyền thông Việt Mỹ, có lẽ chưa có bao giờ có mặt đông như thế tại thị xã Westminster khiến cho khu dành cho báo chí truyền thông đã không đủ để đặt máy và theo dõi buổi lễ. Đúng 11 giờ buổi lễ đã diễn ra bằng ba chiếc trực thăng Chinook của Quân Lực Hoa Kỳ bay biểu dĩên qua khán đài để chào mừng trong khi đó trên bầu trời hai chiếc Cessna kéo hai lá đại kỳ Mỹ Việt trên bầu trời Little Saigon và nơi hành lễ. Đại Diện Ban Tổ Chức Lễ Khánh Thành là Ông Craig H. Mandeville, một cựu quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến ở VN đã ngỏ lời chào mừng cùng mọi người và nhắc nhở đến tinh thần chiến đấu bên nhau của các chiến binh Việt Mỹ trong cuộc chiến bảo vệ Tự Do tại miền nam VN trước đây. Cuộc chiến ấy đã có hơn 58 ngàn chiến binh Hoa Kỳ hy sinh trong đó có đến 5,575 là con dân của thị xã Westminster, một số lượng lớn nhất so với các nơi khác trên đất nước Hoa Kỳ. Nghi lễ sau đó diễn ra với cuộc rước quốc kỳ của các nước đồng minh đã tham chiến tại VN vào lễ đài. Đó là quốc kỳ của Canada, Úc, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Đại Hàn, và Thái Lan. Đi tiếp theo là những quân kỳ của các quân binh chủng QLVNCH và Hoa Kỳ. Sáu nhân vật đã được chọn lên phát biểu ý kiến. Đó là bà thị trưởng thị xã Westminster, Margie Rice, ông Frank Fry, chánh án Nguyễn trọng Nho, Nữ Chánh Án Eilen C. Moor, cũng là một nữ quân nhân Quân Lực Hoa Kỳ từng tham chiến ở VN, tướng Lâm Quang Thi của VNCH và Tướng Walter F. Ulmer, Jr. Tất cả các vị lên phát biểu đều bầy tỏ lòng Tri Ân với những chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh cho Tự Do của mọi người. Bà Margie Rice trong phần phát biểu của mình cũng đã mời tất cả những cựu chiến binh VNCH và Hoa Kỳ cùng đứng dậy để Bà và mọi người được Vinh Danh. Ông Frank Fry, người xướng xuất ra việc xây dựng Tượng Đài cùng cộng đồng người Việt ở Nam California đã nhận được nhiều tràng vỗ tay ca ngợi của cộng đồng người Việt. Bà Chánh Án Eilen C. Moor cũng nhan䠦#273;ược nhiều tràng vỗ tay chia sẻ nỗi xúc động với bà khi bà kể lại những ngày mà bà đã phục vụ tại VN trong tư cách là một nữ quân nhân Hoa Kỳ. Trong khi nhắc lại những kỷ niệm cũ bà đã không ngăn được cảm xúc đã phải dơ tay thấm mắt nhiều lần. Rồi giờ phút mà mọi người VN mong mỏi đã tới. Hai Điều Hợp Viên Nam Lộc và Leyna Nguyễn cùng cất cao giọng loan báo Lễ Thượng Kỳ Việt Mỹ bắt đầu. Lễ thượng kỳ VN mầu Vàng Ba Sọc Đỏ được diễn ra trước. Âm thanh của hàng chục ngàn người cùng hát lên bản quốc ca VN dội vang trong nắùng ấm của miền đất Tự Do. Nỗi xúc động tràn ngập trong tiếng hát khi lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vươn dần lên cao trên bầu trời rộng của đất nước Tự Do. Nhiều người đã khóc vào giây phút này. Kể từ nay lá cờ này sẽ vĩnh viễn tung bay trong gió tại đây, trong khu Tượng Đài này. Quốc Kỳ Hoa Kỳ tiếp đó cũng được kéo lên phất phới cùng lá cờ của người Việt Tự Do như nhắc nhở cùng mọi người rằng hai dân tộc Mỹ Việt sẽ sát cánh bên nhau mãi để cùng chiến đấu cho sự Tự Do và nền dân chủ của nhân loại mà hình tượng cụ thể là Đây : Hai Chiến Sĩ Việt Mỹ từng cùng bên nhau chiến đấu và sẽ còn chiến đấu bên nhau nữa. Lễ thượng kỳ Việt Mỹ hoàn tất. Lại đến giờ phút thật vô cùng xúc động. Lễ mở những khăn chùm hai tượng Chiến Sĩ Việt Mỹ diễn ra trong sự nao nức của mọi người tham dự. Những tấm khăn phủ vừa được kéo xuống thì bốn phía tiếng reo hò nổi lên như phá vỡ những ưu uất mà mỗi Mùa Tháng Tữ đến với cộng đồng người Việt trong suốt 28 năm tị nạn đã qua. Rồi khi Lửa Thiêng được Ban Tổ Chức tháp vào Đỉnh Thiêng tạo ngọn lửa Vĩnh Cửu thì người ta vỗ tay, người ta reo hò, người ta nhẩy múa. Có một cái gì giống như trong không khí chiến thắng khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt. Những phút giờ sau đó có lẽ ít còn ai chăm chú theo dõi những tiết mục kế tiếp. Người ta chỉ trỏ ngắm nhìn hình tượng hai chiến sĩ Việt Mỹ và ngọn cờ Vàng đang tung bay trong gió. Bao nhiêu câu chuyện dĩ vãng được kể lại vào lúc này. Cuộc chiến đã qua, những người chiến bại vì thời cuộc năm nào nay đang bước vào vị thế của những người chiến thắng vì ý nghĩa của cuộc chiến VN trước năm 1975 đang được dân tộc Hoa Kỳ tìm hiểu lại và dần trả lại ý nghĩa đích thực của nó. Đó là cuộc chiến của Tự Do và Độc Tài, Khủng Bố và những con dân Hoa Kỳ đã chiến đấu trong đó và đã hy sinh cùng cả dân tộc VN.