Người Ăn Xin Cuối Năm Kỷ Sửu - Đầu Năm Canh Dần

Chiều nay, sau giờ họp Ban Phụng Vụ, để chuẩn bị chương trình cho Mùa Chay sắp đến, vừa đưa bài lên Vietcatholic vừa đọc những bài viết dịp cuối năm…. Tôi cảm nghiệm được những cái nghèo của Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam… trong những ngày cuối năm nầy qua nhiều bài viết thật xúc tích và cảm động.

Hình ảnh cụ già trên 80 tuổi mình quấn bằng những bao nylon chống lạnh, giữa đêm khuya gió buốt đi mò tôm mò cá bán để sống qua ngày… Nhìn những em bé gầy còm trên miền Cao Nguyên thuộc những vùng sâu, ngoài cái đen thui thủi do thiên nhiên, thế thời còn tạo thêm những cái nghèo nghiệt ngã.

Rồi từ miền Cao Nguyên - Trung Nguyên xuôi xuống miền Lục Tỉnh thuộc đồng bằng Cửu Long Giang…. đâu đâu cũng thấy cái nghèo của Dân Việt… Tôi lại được biết, có những em đệ tử, tu sinh từ miền Bắc vào miền Trung hay Nam tu học… những ngày cuối năm nầy, muốn về quê vui Tết bên mái ấm gia đình, làng nước, giáo xứ mà khốn thay những ‘du học sinh nầy’ lại nghèo, kèm thêm những nghiệt ngã của những chuyến xe ‘Xuyên Việt’ cuối năm; các bác tài, phụ xế càng ‘chặt-chém đẹp và thêm nhồi-nhét’ nữa… đã không có tiền để mua vé xe về quê Vui Xuân với gia đình thì làm gì có tiền để mua ‘Quà Xuân’ biếu ông bà, cha mẹ cha tỏ lòng thảo hiếu, cho em cho anh một chút hương vị của người về từ phương xa...

Trong những ngày nầy, tôi đọc nhiều bài viết về Xuân Dân Tộc - Mùa Xuân của Giáo Hội. Mỗi cách thức chuẩn bị đón Xuân khác nhau từ nhà giàu đến nhà nghèo, từ thành đển tỉnh. Từ phạm vi của Đất Nước đến vòng tròn của Giáo Hội. Tình cờ, hôm nay, tôi đọc thấy câu chuyện sau đây, cũng hay hay, thế là tôi mượn lại để đưa vào bài viết, có lẽ phần nào cũng ám hạp với tựa đề mà tôi đã chọn để viết về hình ảnh ‘Người Ăn Mày’ cuối năm Kỷ Sửu và đầu năm Canh Dần. Người Khất Sĩ đó vẫn còn đang đi Ăn Mày trong những ngày cuối năm nầy....

Cha Taulère thuộc Dòng Đaminh rất đạo đức và thông thái đã nài xin Thiên Chúa một điều là cho ai chỉ dạy cho cha con đường hoàn thiện. Sau 8 năm, Ngài được ơn soi sáng, "Hãy tới thánh đường... con sẽ gặp". Khi tới trước cửa thánh đường, nơi tiền đường ông gặp một người ăn mày đói rách tiều tụy, cha cất tiếng chào: "Chào ông, chúc ông may mắn!". Người ăn mày đáp lại: "Thưa cha, con đâu thấy con khổ bao giờ đâu". Cha Taulère liền nói: "Vậy tôi chúc ông sống hạnh phúc!" Người ăn mày mỉm cười đáp lại: "Con vẫn hạnh phúc khôn tả mà!". Cha hỏi lại người ăn mày: "Tôi chưa hiểu rõ ông nói gì?". Ngưòi ăn xin từ tốn cắt nghĩa: "Cha hãy chu toàn bổn phận, muốn mọi sự xảy ra như Chúa muốn: yêu mến, cảm tạ Chúa trong mọi sự xảy đến đó là hạnh phúc thật nơi trần gian". Cha Taulère hỏi lại người ăn mày: "Ông đã học bí quyết nầy ở đâu?". Ông trả lời: "Ở nơi Chúa, trong khi xa lánh tạo vật để cầu nguyện, lo lắng duy nhất là luôn kết hợp với Chúa. Đó là “Phúc Thật” Chúa hứa ban cho những người đặt niềm tin cậy vào Ngài".

Hình ảnh người ăn mày mà cha Taulère gặp ở một nhà thờ nọ làm tôi nhớ đến một người cũng đi ăn mày... mà tôi được gặp trong những ngày cuối năm nầy tại giáo xứ Chúa Chiên Lành ở Lockrigde... Câu chuyện được bắt đầu qua cuộc điện đàm như sau:

“Thưa Cha, con là.... đây... có một Linh Mục từ Việt Nam sang Perth, Ngài muốn đến thăm Cha được không?”

Tôi trả lời “Anh cứ đưa Ngài đến...” Khoảng một thời gian không lâu sau đó... người đã điện thoại cho tôi trước đây đã đến Nhà Xứ và cùng đi với anh, có một người mặc một bộ đồ màu đen giản dị.. tóc bạc hoa râm... vai mang 1 chiếc bị nhỏ, chân mang đôi giầy săn đan cũng già theo năm tháng... thật đúng như là một “Khất Sĩ”... dáng dấp đơn sơ, bình dân, mộc mạc...

Qua câu chuyện xã giao đôi phút, tôi được biết vị Linh Mục nầy là một Đan Sĩ thuộc Dòng Xitô - Đan Viện Thánh Mẫu Phước Vĩnh, Thôn Rôn, Vĩnh Kim, Trà Vinh, thuộc Giáo Phận Vĩnh Long. Tôi có hỏi Ngài lý do qua Perth nói riêng và đi một vài nơi khác thăm bà con hay thân nhân nói chung có phải vậy không? Ngài nói với tôi là: “Con đi ăn mày cha ạ!”. “Con đi ăn mày cho nhà Dòng của con”. Lòng tôi đăm chiêu suy nghĩ về người Linh Mục đang ngồi trước mặt tôi đây... Trong những ngày Người Lữ Khách nầy lưu trú tại Perth, nhà xứ của tôi được hân hạnh làm chỗ dừng chân của Ngài và cùng đồng tế với chúng tôi trong những thánh lễ thường ngày và chia sẻ tình anh em Linh Mục trong những buổi cơm đạm bạc. Mỗi ngày, sau thánh lễ sáng, ‘Đan Sĩ-Khất Sĩ’ tiếp tục hành trình Khất Thực cho Đại Gia Đình Xitô Thánh Mẫu Phước Vĩnh.

Ngày từ giã chúng tôi để đi ăn mày tiếp những nơi khác, trong chiếc áo dòng của Đan Viện Xitô, tôi nhìn thấy nơi Ngài hình ảnh của một vị Ẩn Tu thì đúng hơn. Với tu phục của Dòng Xitô, Ngài vào nhà thờ viếng Mình Thánh Chúa và chào Cha già Daniel đang đọc kinh sáng trong Nhà Nguyện Thánh Thể với một cung cách khiêm hạ, khiến tôi chạnh lòng, là Ngài quỳ xuống xin phép lành của cha già Daniel trước khi đi Khất Thực tiếp phương xa.

Trước khi tôi đưa Ngài ra phi trường để đi Adelaide, Ngài để trên bàn làm việc của tôi lá thư của Đức Giám Mục Bản Quyền Vĩnh Long... một hàng chữ giới thiệu đã làm tội giật mình Lm Gioan Maria Vianey.... Bề Trên Dòng Xitô... và với tấm bưu thiếp nhỏ... Đan Viện Thánh Mẫu... tôi suy nghĩ miên man về Người Khất Sĩ đã ở trọ nhà của chúng tôi mấy ngày qua? Giờ tôi mới được biết Ngài là ai?

Trên đường ra phi trường, trong khoảnh khắc yên lặng, tôi suy nghĩ là có nên hỏi Người Khất Sĩ nầy vài câu hỏi hay không? Trong thâm tâm, tôi hiểu là Bề Trên của một Đan Viện sẽ được gọi là “Đan Viện Trưởng hay Đan Viện Phụ”... “Cha.... có thể cho con biết cha có Mũ và Gậy không?”. Trong khiêm tốn, ngập ngừng đôi chút, Ngài từ tốn đáp: “Ở Nhà Dòng thì con có Mũ và Gậy, cha ạ”. Đúng vậy, bất cứ một Đan Viện Phụ hay Đan Viện Trưởng nào cũng có Mũ và Gậy như Giám Mục nhưng “KHÔNG CÓ CHỨC GIÁM MỤC”

Sau khi Người Khất Sĩ đi rồi anh em Linh Mục chúng tôi mới nói với nhau.... Đúng ra là chúng tôi xin Người Khất Sĩ chúc lành cho anh em chúng tôi, hơn là Ngài xin một trong anh em chúng tôi ban phép lành cho Ngài.

Nhìn vào thực trạng của xã hội, nhân loại còn chia đôi: Người giàu và kẻ nghèo, trong đó bối cảnh xã hội xung khắc sâu xa. Trong bài giảng đầu tiên, Chúa đưa ra Bản Hiến Chương Nước Trời làm tan nát lòng người. Bát Phúc Chúa đưa ra đảo lộn hệ thống các giá trị trong cuộc sống hiện tại mà tiêu chuẩn và chiều kích không nằm trong những suy nghĩ của trần gian, nhưng là của một nước khác: Đó là Nước Trời. Tin Mừng chúng ta nghe cuối tuần nầy “Bát Phúc”, có lẽ nhiều người trong chúng ta thuộc nằm lòng ngay từ nhỏ. Đó là "Kim Chỉ Nam" Chúa dạy chúng ta biết sống đời tín hữu công giáo "Hạnh Phúc Thật" ở giữa trần gian, như câu chuyện người ăn mày chúng ta nghe hôm nay và câu chuyện “Khất Thực” của Đan Sĩ Dòng Xitô âm thầm Khất Thực cho anh em Đan Sĩ của mình cho dù năm cũ sắp hết Ngài vẫn còn trên đường Khất Thực...

Trong những ngày sau lễ Giáng Sinh, Giáo Xứ của chúng tôi cũng tổ chức ‘Ăn Xin’ những đồ chơi, búp bê, gấu gòn, Kangaroo, Koala, trò chơi điện tử.... đủ loại trong Giáo Xứ để làm quà cho Các Em Khuyết Tật nơi Quê Nhà. Nhờ lòng quảng đại của giáo dân chúng tôi đã gởi 19 thùng đồ nầy qua hãng máy bay Qantas Air Cargo với giá ‘thương lượng nghĩa tình’. Các Chị Đa Minh Thánh Tâm Hố Nai đã cực khổ suốt một ngày làm mọi ‘thủ tục’ để lãnh những kiện hàng nầy cho dù là những quà cáp ‘không là mới’ nhưng phải ‘khai là mới’ để có thể lãnh ra kịp đem về phân phát cho các em Khuyết Tật trong dịp Mừng Xuân Canh Dần nầy. Trong những ngày nầy lòng quảng đại của giáo dân trong giáo xứ vẫn còn tiếp tục trao ban cho chúng tôi quà cáp. Chúng tôi sẽ sắp xếp để chuyển tiếp vào một thời gian nào khác thuận lợi.

Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta như những người con để Ngài yêu thương. Ngài đưa ra những nguyên tắc để chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài đối với anh em đồng loại... Đối với những người công giáo, Hiến Chương Nước Trời là một lời cảnh tỉnh người tin vào Thiên Chúa, tin có đời sau phải biết khôn ngoan vượt lên những kiềm tỏa của vật chất, của đồng tiền để xây dựng Nước Trời hôm nay ngay tại thế và mai sau là biết chia sẻ với anh chị em đồng loại, nếu Chúa ban cho chúng ta có điều kiện để chia sẻ.

Mùa Chay sắp đến trong tuần lễ nầy, Giáo Hội mời gọi con cái khắp nơi sống tinh thần Phúc Âm, như thánh Gioan đề nghị là sám hối tội mình. Do đó, phụng vụ của Mùa Chay sẽ nhắc nhở chúng ta ý nghĩa của phép rửa tội. Ý nghĩa đó đối với những ai đã được chịu phép rửa tội phải luôn sống đúng danh hiệu là Kitô hữu.

Mùa Chay là lúc Giáo Hội muốn kêu gọi con cái bốn phương - hãy canh tân cuộc sống và sống tinh thần Phúc Âm. Như thế, Mùa Chay đến không trừ một ai, đều được kêu mời trở về với Chúa, từ ngữ mà tôi rất thích dùng đó là “Dâng Hiến” lại cuộc đời của ta cho Chúa, ngay cả những yếu đuối của chúng ta. Hãy trở về với Chúa, nối kết lại cuộc đời chúng ta với Chúa, hãy xa lánh những gì có thể làm cho chúng ta xa cách Chúa, nhất là cuộc sống của xã hội hôm nay. Phải sống khiêm nhường, nhìn nhận cái yếu đuối của mình. Xin Chúa thứ tha những lầm lỗi và những thời gian xa cách Chúa và quyết tâm bắt đầu lại. Xây dựng lại tương lai và thương mến anh chị em theo tinh thần Chúa dạy. Đây cũng là ý nghĩa nền tảng của cuộc sống con người chúng ta. Như tinh thần tôi đã trình bày cho anh chị em trong bài viết nầy; đó là Tình Yêu Mến Quê Hương Dân Tộc, Hiếu Nghĩa Mẹ Cha. Tinh thần người Việt Nam dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều thực thi tinh thần Hiếu Đễ. Sự Hiếu Đễ đó cũng thể hiện qua lòng Bái Ái đối với Linh Mục Tu Sĩ, Giáo Xứ trong những nguồn trợ lực tài chánh hoặc công sức đóng góp vào những sinh hoạt Mục Vụ trong Đại Gia Đình Giáo Xứ.

Người Việt Nam có một đạo hiếu đặc biệt, không phải do Khổng Mạnh, nhưng do tự bản tính Việt Nam, thì chúng ta cũng sống đạo theo đức tính đó, đối với Chúa cũng như đối với anh chị em. Nói cách khác, từ con tim, từ cuộc sống mà chúng ta chu toàn chữ Hiếu Đễ. Nếu cuộc sống thực tế chúng ta áp dụng tinh thần Hiếu Đễ Việt Nam vào lãnh vực đức tin và đời sống tôn giáo thì tôi tin chắc sự sống đạo trong thế giới hôm nay sẽ không nặng nề và khó khăn. Nếu được như vậy thì tinh thần ăn năn sám hối của Mùa Chay là dịp thuận lợi để chúng ta làm phong phú hoá Đạo Hiếu Đễ của Nhà Việt Nam.

Chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa ban ơn giúp sức để áp dụng trong Mùa Chay năm nay. Đó là: ăn chay, hãm mình, cải thiện đời sống, thực thi bác ái, chia sẻ và nâng đỡ người khốn khổ cơ bần, những ai kém may mắn hơn chúng ta.

Mượn một vài tư tưởng trong câu chuyện ‘Tấm Lòng Vàng’ của Thiên-Phúc (1995) để thay lời kết của bài viết nầy.

”Thế giới mỗi ngày có đến 40 ngàn trẻ em chết vì đói. Có lẽ nhân loại chúng ta không chết đói vì thiếu lương thực cho bằng vì thiếu tình thương. Những người đang chờ chết cũng là những người đang chờ từng nghĩa cử yêu thương của đồng loại.

Những người dư dật nhưng không biết san sẻ thì họ đang chết dần trong sự ích kỷ.

Con người cần có cơm bánh để sống. Nhưng con người cũng cần có tình thương để tồn tại. Kẻ đón nhận tình thương cũng được sống mà người san sẻ tình thương cũng được sống. Bởi vì ai sống trong tình yêu người ấy sống trong Thiên Chúa”.


Lời Nguyện:

Lạy Chúa, chúng con khao khát gì trong cuộc sống nếu không phải là hạnh phúc và bình an. Xin cho chúng con ý thức rằng hạnh phúc và niềm vui ấy không nằm ngoài tầm tay của chúng con, mà trong mỗi lần chúng con chia sẻ và trao ban cho tha nhân. Amen.

Giao Thừa Kỷ Sửu-Canh Dần

13-14.2.2010