Trong cuộc bỏ phiếu chấp thuận bản biểu quyết hạ viện số 3962, hình thức luật pháp đầu tiên của kế hoạch cải cách y tế, Cao Quang Ánh là dân biểu Cộng Hoà duy nhất bỏ phiếu thuận; lá phiếu của ông giúp bản biểu quyết hạ viện mang tính chất luỡng đảng, tính chất mà cả tổng thống Barack Obama và chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi rất thèm muốn.

Gia đình DB Cao Quang Ánh tại gx Việt Nam ơ New Orleans
Ðó là đặc điểm thứ nhất của dân biểu Ánh. Ðặc điểm này càng nổi bật vì trước đó dân biểu John Boehner, chủ tịch khối thiểu số hạ viện đã hạ quyết tâm là không một dân biểu Cộng Hoà nào bỏ phiếu thuận cho biểu quyết 3962.

Ðặc điểm thứ nhì là thái độ của dân biểu Ánh trước những phản ứng phẫn nộ của đảng Cộng Hoà. Có người đòi đuổi con ‘cow” Quang Ánh trở về Việt Nam; người khác đòi trừng phạt ông.

Phát ngôn viên của ông, bà Princella D. Smith, bênh vực xếp, “Ổng honest tới mức người khác thấy xót xa. Ổng nói ổng không phải là người mà các đồng nghiệp dân chủ hô hoán reo mừng như một ‘tay trong’. Ông ta không giống như những chính khách khác, và ông ta cũng không tự coi mình như một chính khách. Ông ta là một nhà tu.”

Một vài bạn đồng viện khiêu khích ông bằng cách hỏi xỏ xiên, “Quý danh là gì?” Họ muốn ông đọc ra chữ Cao với cái đồng âm Anh ngữ là “cown” để họ có dịp cười chế nhạo. Ông Ánh nhã nhặn bảo họ, “call me Joseph,” như bất cứ người Mỹ nào khi muốn tỏ thân tình bảo bạn gọi mình bằng first name.

Ðặc điểm thứ 3 là ông Ánh chân thành, mặc dù sự thật ông nói lên đôi khi mang cái nghĩa gần như khiêu khích. Báo chí hỏi ông là viên chức đảng Cộng Hoà có gây khó khăn cho ông không, khi họ nói họ không trả thù, không trừng phạt ông, ông Ánh trả lời, “có đấy chứ: một vài người hủy bỏ lời hứa trợ giúp quỹ tranh cử của tôi, một vài người khác đòi refund tiền đã giúp.”

Trước cuộc bỏ phiếu tại hạ viện, ông Michael S. Steele, chủ tịch hội đồng toàn quốc của đảng Cộng Hoà, hăm he, “Nếu anh bênh vực dự án y tế của Nancy Pilosi, chúng tôi sẽ đến tìm anh, và anh sẽ thấy mình rơi vào một cái hố đầy khó khăn.”

Truyền thông hỏi ông nghĩ gì về thái độ của ông Steele, ông Ánh trả lời, “Nếu ông chủ tịch cho là tôi không bảo thủ đúng mức thì đó là quyền của ông ta. Tuy nhiên tôi vẫn mong muốn ông ta tiếp tục cộng tác với tôi để đạt đến những giải pháp tốt cho đất nước.

Ðất nước không cần một hố sâu phân đôi những đảng viên Cộng Hoà bảo thủ và những đảng viên Cộng Hòa khác dung hòa hơn.”

Ký giả Joseph Weber, người đã từng cộng tác với ông Steele, viết trên tờ Washington Times về ông Ánh như sau, “Ông ta không suy luận theo đường hướng của Ðảng, và ông ta chỉ hành động theo nhu cầu của cử tri. Tuy nhiên, ông ta vẫn là một đảng viên Cộng Hoà thuần thành, mặc dù ông đặt trách nhiệm đối với cử tri trên mọi bận tâm khác. Các lãnh tụ Cộng Hoà nể nang ông, mặc dù không đồng ý với quan điểm của ông, nhất là họ không đồng ý với lá phiếu ông vừa bỏ cho dự án cải tổ y tế. Tuy nhiên việc này không biểu hiện một rạn nứt giữa ông Ánh và những viên chức lãnh đạo Ðảng, kể cả ông chủ tịch Steele. Với kinh nghiệm một người đã cộng tác với ông, tôi biết Steele có một tầm nhìn rộng rãi hơn, và đảng viên Cộng Hoà phải gồm cả những người dung hòa và những người bảo thủ. Và tôi có thể đoan chắc là nếu một đảng viên Cộng Hòa có thể thắng cử năm 2010 tại quận 2 Louisiana, thì người đó không thể là ai khác hơn Joseph Ánh.”

Ðiều này không có gì chắc chắn, vì ký giả Weber không nói nhân danh ông chủ tịch Steele, và ngay cả ông Steele cũng không giúp dân biểu Ánh được bao nhiêu, cả trong lần ông đắc cử năm 2008 lẫn trong lần tới, ông tái ứng cử năm 2010.

Cử tri quận 2 Louisiana gồm 60% Mỹ đen và 62% cử tri dân chủ, và dĩ nhiên LA-02 không phải là chỗ đắc địa cho một chính khách Cộng Hòa. Năm ngoái ông Ánh thắng là nhờ Chúa, và năm tới nếu ông có thắng nữa, cũng vẫn chỉ nhờ cậy vào Chúa.

Năm 2008, ứng cử viên dân chủ là dân biểu William Jefferson, với thâm niêm làm dân biểu liên tục 9 nhiệm kỳ tại LA-02. Nếu không theo ý Chúa thì làm gì có việc ông ta bị truy tố về tội tham nhũng vào đúng lúc cuộc tranh cử diễn ra, giúp một chính khách Việt Nam tay mơ bước vào hạ viện liên bang.

Nhưng dù không đắc cử lần thứ nhì, dân biểu Ánh cũng đã đánh phấn cho khuôn mặt Việt Nam hải ngoại bằng việc ông bỏ phiếu theo lương tâm.

Phỏng vấn ông, đài CNN đem câu ông Ánh nói, “tôi quyết định lá phiếu tôi bỏ, căn cứ trên nhu cầu của công dân trong quận tôi sống”, rồi so sánh ông với nghị sĩ Joe Lieberman, bang Connecticut. Họ hỏi Lieberman là ông sẽ đặt nặng quyền được chăm sóc y tế của 30,000 nhân công Connecticut vừa mất bảo hiểm y tế vì mất việc, hay đặt nặng $65,000 tiền tặng dữ mà hãng bảo hiểm Aetna Health Insurance Corporation biếu vào quỹ ứng cử của ông, và tiền biếu của nhiều hãng bảo hiểm khác.

Không phải là một tín đồ công giáo, nhưng tôi vẫn cầu nguyện xin Chúa đồng hành với dân biểu Cao Quang Ánh, ít nhất cho đến ngày bầu cử 2010. Ông cần ơn Chúa để vượt qua nhiều khó khăn trên con đường chính trị, ở lại hạ viện thêm một nhiệm kỳ nữa. Hai năm quá ngắn để vẽ thật rõ chân dung một thanh niên Việt Nam yêu cả hai nước Việt-Mỹ, và tôn trọng sự thật, lẽ phải.

Truớc kia, tôi phê bình ông là thiếu hùng biện, giờ này ông dạy tôi bài học là một việc làm đúng nói nhiều hơn 10 bài diễn văn dài lê thê mà vô nghĩa.