WASHINGTON (CNS) - Đền Thánh Quốc gia dâng kính Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội tại Washington là vương cung thánh đường Công giáo lớn nhất miền Bắc Mỹ và cũng là một trong 10 ngôi nhà thờ lớn nhất thế giới. Nơi kiến trúc vĩ đại này, là chốn quen thuộc được người Công giáo Mỹ coi như là chỗ thờ phượng riêng của mình.

Vương cung thánh đường sẽ mừng kỷ niệm 50 thánh hiến vào ngày 20 tháng 11 sắp tới. Đây không phải là một giáo xứ hay một nhà thờ chính tòa, mà đã được các giám mục Hoa kỳ chỉ định là địa điểm cầu nguyện và hành hương của cả quốc gia, hàng năm có tới một triệu người tới thăm viếng.

Cuốn sách “Giáo hội Hoa kỳ” do báo Our Sunday Visitor xuất bản năm 2000 cho biết vương cung thánh đường này “không có cộng đồng giáo xứ riêng, mà kể mọi người Công giáo Mỹ đều là thành viên. Không có vị giám mục nào coi đây là nhà thờ chính toà của mình, mà đây là nhà thờ chung của mọi giám mục cả nước… Xét theo mọi khía cạnh, đền thánh quốc gia này là một thánh đường Công giáo của toàn nước Mỹ.”

Và vì là ngôi giáo đường của mọi người Công giáo nên cửa nhà thờ lúc nào cũng rộng mở - bẩy ngày một tuần, 365 ngày một năm. Hàng ngày, suốt 5 giờ, các linh mục ngồi tòa giải tội và cử hành ít nhất cũng 6 thánh lễ. Những lễ cưới, lễ rửa tội – vì là những nhiệm tích được cộng đồng giáo xứ tới thờ phượng, chứng kiến – nên không cử hành tại đây.

Vào những ngày thường trong tuần lễ, vương cung thánh đường thường tương đối yên tĩnh – ánh nến chiếu sáng bập bùng và mùi trầm hương tỏa lan trong không khí. Các nhóm du khách tham quan và những cá nhân cầu kinh trong các nhà nguyện nằm sâu trong những góc khuất của ngôi thánh đường hùng vĩ này.

Những ngày cuối tuần, các ngày lễ và những dịp cử hành đặc biệt, vương cung thánh đường thường chứa đầy người không còn đủ chỗ. Không khí tĩnh lặng hàng ngày đã được thay thế bằng lời ca tiếng nhạc, và những đám đông đứng tràn ra cả phía ngoài, họ mặc quốc phục và tay giương cao những ngọn cờ.

Hàng năm cứ vào tháng giêng nơi đây lại có buổi Canh thức toàn quốc cầu nguyện cho Sự Sống. Hàng ngàn người hành hương trong các nhóm trẻ khắp nước gặp nhau, cùng qua đêm tại sàn tầng hầm của vương cung thánh đường.

Vào mùa xuân và mùa thu, nhiều nhóm người từ các giáo phận đến hành hương tại Đền Thánh. Đức ông Walter Rossi, quản trị vương cung thánh đường, thường đích thân đón tiếp chào mừng họ. Ngài nói: “Đây là giáo xứ xa xôi của các bạn. Các bạn đã xây dựng nên, nên phải yểm trợ thánh đường này. Chúng tôi hiện diện nơi đây vì các bạn.”

Ngài nói rằng vương cung thánh đường thường được mệnh danh là giáo xứ quốc gia vì người Công giáo từ khắp nơi trong nước đã đóng góp công của để xây dựng thành như một đài kỷ niệm dâng kính Đức Mẹ. Ngài vẫn nhận được những lá thư gửi tới từ những người còn nhớ đến việc quyên góp tiền bạc dâng cúng của các trường học và giáo xứ -- có khi là thu thập từ những đồng xu – chuyển đến nhằm đóng góp ngân quỹ xây dựng nên công trình vĩ đại này.

Ngài tuyên bố với thông tấn xã Catholic News Service: “Năm mươi năm sau, thánh đường này vẫn còn tạo nên ảnh hưởng khắp cả quốc gia”, đồng thời cho biết rằng có nhiều người đã đóng góp công của nhưng nói họ chưa từng có dịp được đến vương cung thánh đường, tuy vậy họ vẫn tin tưởng vào công việc đền thánh này đang thực hiện.

Tên của những người đóng góp và của những người muốn được ghi nhớ, không chỉ nằm sâu trong những cuốn sổ ghi chép nay đã ngả mầu vàng, nhưng đã được khắc trên các bức tường và những cột trụ bằng cẩm thạch ở tầng dưới.

Bà Geraldine Rohling, chuyên viên lưu trữ của vương cung thánh đường nói rằng những cột trụ, với tên khắc trên đó, là những cột chống đỡ, yểm trợ cho ngôi thánh đường này, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

“Họ là những người lính canh giữ đức tin của chúng ta – là thế hệ đi trước chúng ta.” Bà cũng mô tả những tên tuổi khắc trên đá như là một “cuốn sổ điểm danh của giáo hội Hoa kỳ”. Bà ghi nhận rằng những tên tuổi này không chỉ bao gồm các nhà lãnh đạo giáo hội lúc đó nhưng còn cả các thành viên trong Quốc hội, những cựu chiến binh thời Nội chiến, và ngay cả cầu thủ banh chày (baseball) nổi tiếng George Herman "Babe" Ruth.

Bà cho biết những đóng góp đầu tiên để xây dựng đền thánh đã là những hy sinh đáng kể, đặc biệt là trong thời điểm cuộc Đại Khủng hoảng kinh tế.

Đền thánh được mang danh hiệu vương cung thánh đường vào năm 1990. Tiến trình xây dựng sơ khởi bắt đầu vào đầu thế kỷ 20. Tuy lễ đặt viên đá đầu tiên là vào năm 1920, nhưng cuộc Đại khủng hoảng kinh tế và Thế chiến II đã làm trì hoãn việc hoàn tất tầng trên của thánh đường cho mãi tới năm 1959 mới xong.

Kể từ năm đó, đền thánh lúc nào cũng vẫn còn là một công trình đang tiến hành thi công, tiếp tục làm thêm những cửa sổ ghép kính mầu, những bức tranh ghép, các tượng ảnh, mái vòm và các nhà nguyện. Một mái vòm phía trong tầng trên nhà thờ đến nay vẫn chưa hoàn tất.

Hơn 70 nhà nguyện (chapel) và nguyện xá (oratory) -- tương tự như nhà nguyện nhưng không có bàn thờ -- nằm rải rắc trong đền thánh. Lâu lâu lại có những nguyện đường mới được nhóm chủng tộc hay các cộng đồng tôn giáo thiết lập dâng kính. Những nguyện đường này thường liên hệ với những đền thánh của các sắc dân đại diện, chẳng hạn như nguyện đường Đức Mẹ Phi châu, Đức Mẹ Czestochowa, Đức Mẹ Guadalupe. Nguyện đường Đức Mẹ La vang của giáo dân Việt nam được khánh thành vào ngày 21 tháng 10 năm 2006.
Nguyện đường ĐM La Vang


Bà Rohling nói vẻ đa dạng của các nguyện đường phản ảnh đoạn sách thánh trong Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Trong nhà cha ta có nhiều chỗ nhiều phòng”, và cũng chứng minh tính đa dạng của giáo hội hoàn vũ.

Còn Đức ông Rossi nói rằng nguyện đường của mỗi dân tộc nơi đây gây cho người di dân “ý thức được trở về quê hương” và cung ứng cho họ sự biểu dương đức tin một cách rõ rệt.

Năm 1976, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II tương lai – lúc đó còn là Hồng y Karol Wojtyla -- đã tới đây thăm nguyện đường của người Ba lan “Đức Mẹ Czestochowa”, và sau này khi lên ngôi giáo hoàng ngài lại tới viếng một lần nữa. Khi Đức giáo hoàng Benedict XVI tới vương cung thánh đường này năm 2008, ngài đã cầu nguyện tại nguyện xá Đức Mẹ Altotting, là đấng bảo trợ vùng Bavaria quê hương của ngài nằm trong nước Đức.

Trong cuộc viếng thăm năm 1979, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II phát biểu rằng đền thánh này nói lên “tiếng nói của mọi người con cái nam nữ của đất nước Hoa kỳ, đã đến đây từ nhiều quốc gia khác nhau” và cùng có chung “tình yêu mến mẹ Thiên Chúa là đặc điểm của tiền nhân họ và của chính họ nơi bản quán.”

“Những người này, nói các ngôn ngữ khác nhau, xuất phát từ những quá trình lịch sử và truyền thống khác biệt nơi quốc gia của họ, đã cùng đến đây chung quanh trái tim của một người mẹ chung.”

Một ít con số về vương cung thánh đường:

Sức chứa: 3.500 chỗ ngồi. Tổng số dung nạp có thể lên đến 6000.

Chiều dài: 459 ft (hay 140 m)

Chiều rộng: 240 ft (hay 73 m)

Chiều cao (nơi cao nhất): 329 ft (hay 100 m)

Chiều cao mái vòm (ngoài): 237 ft (hay 73 m)

Chiều cao mái vòm (trong): 159 ft (hay 48 m)

Đưòng kính mái vòm (ngoài): 108 ft (hay 33 m)

Đường kính mái vòm (trong): 89 ft (hay 27 m)