Phanxicô Assisi và Têrêxa Lisieux: Hai Hồn Thơ Thánh Hóa



Trong niên lịch phụng vụ, lễ kính thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu và thánh Phanxicô Assisi được cử hành vào hai ngày 1 và 4 tháng 10. Tuy cả hai sống cách nhau nhiều thế kỷ tại Assisi (Ý) và Lisieux (Pháp), linh đạo của hai ngài có nhiều điểm tương đồng, chất liệu là tình yêu, được diễn tả bằng hồn thơ thánh hóa.

Trước tác của thánh Phanxicô được tập hợp trong tuyển tập Fioretti. Fioretti, tiếng Ý: những bông hoa nhỏ, diễn tả hồn thơ của vị thánh khó nghèo. Từ thế kỷ XVI, tác phẩm này đã được tái bản 250 lần. Ấn bản Fioretti tiếng Pháp là sự giao duyên giữa thánh đức và thi ca: ‘‘ý thơ thánh đức làm bao tâm hồn xao xuyến, cảm hóa nhiều lương dân.’’ Những bông hoa nhỏ mang hương sắc tình yêu Thiên Chúa ban xuống cho chúng sinh. Thơ của Phanxicô tươi mát, không kể gì đến thời gian thường khiến bao công trình của thế nhân phải soi mòn.’’

Linh đạo của thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu được thể hiện trong ‘‘Truyện một tâm hồn’’. Sáng tác tu đức của thánh nhân được ấn hành vào ngày giỗ đầu năm 1898. Têrêxa đặt tên cho tập sách này là ‘‘Câu chuyện xuân sắc của một bông hoa trắng nhỏ’’(Histoire printanière d’une petite fleur blanche). Đồng thanh tương ứng, đồng khí tưong cầu. Sự đồng điệu của hai thánh nhân đồng thời còn là thi nhân được thể hiện qua tựa đề Fioretti (Những bông hoa nhỏ) và Une petite fleur blanche (Một bông hoa trắng nhỏ). Cả hai đều trở về nguồn cội Phúc âm: yêu thương mọi người, cứu độ nhân trần. Cả hai theo chân Chúa đến tận cùng thánh giá để được ơn sống lại.

Chữ AIMER (động từ: Yêu) đã được chiết tự như sau:

A : Adorer (Thờ lạy)
I: Imiter (Noi gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh)
M: Méditer (Suy niệm Lời Chúa trong Phúc âm và các giáo huấn của chư thánh)
E: Eucharistie (Thánh Thể)
R : Rendre grâce (Tạ ơn)

Và chữ AMOUR (danh từ: Tình yêu):

A: Adorer (Thờ lạy)
M : Méditer (Suy niệm)
O: Oraison (Nguyện gẫm)
U: Union (Hiệp nhất)
R: Remercier (Tạ ơn)

Năm 1947, linh mục Stéphane-J. Piat dòng Phanxicô đã soạn tác phẩm ‘‘Deux âmes d’Évangile: François d’Assise & Thérèse de Lisieux (Hai tâm hồn Phúc âm đồng điệu: Phanxicô Assisi và Têrêxa Lisieux). Tác giả đã trình bầy các linh đạo tương đồng:

Cả hai đều nghiền ngẫm Phúc âm, nhận biết Chúa Giêsu yêu mến nhân loại dường bao. Thánh Têrêsa sáng tác nhiểu bài thơ cảm hứng từ Phúc âm mà thánh nhân coi là khuôn vàng thước ngọc (livre d’or et son trésor). Chiêm niệm Phúc âm là tìm gặp Chúa và hiệp thông với ngài. Têrêxa tìm thấy trong Phúc âm sự tươi mát và giản dị vô song. Trong suối ân đức, thánh nhân không còn e sợ và lo lắng gì nữa, cảm thấy được ủi an.

Thánh Phanxicô tìm thấy Phúc âm con đường, chân lý và sự sống của Chúa Kitô. Thi ca của thánh nhân thể hiện sống động Lời Hằng Sống: ‘‘Chính Chúa cho tôi biết tôi phải sống theo Phúc âm.’’ Cả hai vị thánh thấm nhuần Tin Mừng Cứu độ. Với hồn thơ thánh đức, Phanxicô dựng ra hang đá Giáng Sinh đầu tiên ở Greccio.

Phanxicô và Têrêxa áp dụng trong cuộc sống tu hành đức vâng lời trong Thần học của thánh Phaolô: ‘‘Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.’’ Têrêxa đã tìm thấy trong Lời Chúa: sự hãm mình và tinh thần đơn sơ. Thánh nhân thường bị các nữ tu trong dòng tỏ ra bực bội, cả đến hạ nhục. Theo lời tự thuật của thánh nhân, ‘‘một hôm tôi ngồi cạnh một sơ đang giặt khăn tay. Sơ này thường vung tay làm bắn nước bẩn vào mặt tôi. Mới đầu, ngồi ngồi lui lại, lấy tay lau mặt. để cho sơ biết đã làm văng nước bẩn vào mặt tôi. Sau này nghĩ lại tôi nhận thấy làm như vậy là đã từ bỏ gia nghiệp mà sơ đã ban cho tôi quá rộng rãi. Những lần giặt sau, tôi để mặc khuôn mặt tôi lấm đầy nước dơ. Từ đó tôi tự nguyện ngồi cạnh sơ này để nhận thật nhiều nước bẩn nơi chỗ giặt (buanderie) đan tu’’ Giai thoại này diễn tả sự hãm mình, được thăng hóa bằng hồn thơ.

Têrêxa từng thốt lên: ‘‘Tôi muốn tất cả, tôi chịu đựng tất cả với tâm hồn thơ ngây’’: ‘‘Nếu anh em không hối cải mà nên như trẻ nhỏ này thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.’’ (Mat 18,3-4) Thánh nhân trút bỏ tự ái, hãm mình làm theo những đòi hỏi chung của cuộc sống cộng đoàn. Từ đó, Têrêxa thêm lòng yêu mến các nữ đan tu tỏ ra không có cảm tình, thiếu cảm thông với mình.

Phanxicô từ bỏ tất cả. Thánh nhân tự nguyện trở thành người anh em hèn mọn: sống nghèo, cho sạch trơn mà không mong báo đền. Vào năm 1224, thánh nhân thị kiến thiên thần bay lượn trên núi Alverne. Thiên thần in hằn dấu thánh trên châu thân Phanxicô. Phanxicô và Têrêxa đều chết như các thánh tử đạo.

Cả hai luôn cầu nguyện theo gương Đức Giêsu: ‘‘Đức Giêsu ngước mặt lên trời và cầu nguyện.’’ (Ga 17,1). Lời cầu nguyện nhiều khi còn chan hòa nước mắt (Mt 26,75). Cả hai cậy trông vào Tình Yêu Ba Ngôi: hướng tới Ngôi Cha, theo con đường Ngôi Con, niềm vui cậy trông trong Chúa Thánh thần.

Đức Mến là tiền đề của sứ mạng truyền giáo. Cả hai đều khao khát được phúc tử đạo. Têrêxa ước ao được tu trong dòng kín Hà Nội. Cũng như thánh Phanxicô, trong cuộc sống đan tu, thánh nữ luôn kết hiệp với Chúa Kitô. Linh đạo của hai ngài thực hiện trọn vẹn ba nhân đức Tin, Cậy, Mến trong cuộc sống tu trì khổ hạnh, nhằm mưu cầu bình an cho bản thân và mọi người.

Năm nay kỷ niệm 800 năm thành lập dòng Phanxicô. Collège des Bernadins (Paris) tổ chức hội thảo quốc tế về thánh Phanxicô Assisi vào các ngày 2, 3 và 4 tháng 10 năm 2009. Theo linh mục Benoît Dubigeon, bề trên tỉnh dòng Phanxicô Pháp, cuộc hội thảo nhằm tìm hiểu tinh thần Phanxicô trong thế giới hiện nay. Nhiều sử gia, nhà thần học, nhà văn, nhà nhân loại học đều nhận định về sự phong phú trong linh đạo của vị thánh nghèo thành Assisi (Povorello).

Kết luận:

Theo Christian Renoux tác giả ‘‘La prière pour la paix’’, năm 1912, linh mục Esther Bouquerel người Pháp có công hiệu đính kinh hòa bình của thánh Phanxicô, đăng trên báo La Clochette. Tại Hoa Kỳ, ĐHY Spellman đã cho in hàng triệu kinh này để phổ biến rộng rãi trên toàn quốc.
Năm 1945, thượng nghị sĩ Tom Connally đọc toàn văn kinh hòa bình của thánh Phanxicô tại diễn đàn hội nghị San Francisco, tổ chức tại thành phố San Francisco (tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là thánh Phanxicô Assisi), đưa đến viêc thành lập Liên Hiệp Quốc. Nhân lễ kính thánh Phanxicô năm nay, chúng tôi xin chuyển lời kinh mang ý thơ sang thể lục bát như sau:

Kinh Hòa Bình

còn gọi là Lời nguyện đơn sơ

Xin Cha sử dụng phàm nhân,
Trở thành khí cụ bình an nước Trời.
Nơi đâu oán ghét người đời,
Tình yêu rũ sạch rã rời dửng dưng.
Nơi đâu xúc phạm ngập ngừng,
Thứ tha lầm lỗi xin đừng bận tâm.
Nơi đâu chia rẽ ngại ngần,
Tấc lòng hòa hợp tình thân lặng thầm.
Nơi đâu reo rắc sai lầm,
Con đem chân lý Phúc âm nguyện cầu.
Nơi đâu ngờ vực lẫn nhau,
Con đem tin tưởng dãi dầu cậy trông.
Nơi đâu nước mắt lưng tròng,
Con đem hy vọng một vòng tóm thâu.
Nơi đâu tăm tối lệ sầu,
Con đem ánh sáng nhiệm mầu bốn phương.
Nơi đâu khóc lóc thê lương,
Con đem hạnh phúc yêu thương trọn đời.
Con tìm an ủi người đời,
Không mong nhận được mấy lời ủi an.
Con mong thấu hiểu tâm can,
Không mong người hiểu nắng tàn bụi sương.
Con mong thực hiện yêu thương,
Không mong nhận được tình thương thế trần.
M?t khi tự nguyện trao ban,
Là ta nhận được vô vàn phúc ân.
Một khi quên hết chân thân,
Ta liền gặp gỡ khí thần bản thân.
M?t khi tha thứ ân cần,
Mới mong thoát khỏi trầm luân đọa đầy.
Đến khi nhắm mắt xuôi tay,
Mới mong sống lại ơn dày thánh ân.


Paris, ngày 4 tháng 10 năm 2009