WGPSG -- Vào ngày 9-9-2009, ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn đã trả lời những câu phỏng vấn của tập san Hahk Yoon về những trải nghiệm của ngài trong mối quan hệ với Thiên Chúa trước những biến cố xẩy ra trong cuộc đời, cũng như những nhận định, những ước mơ và những viễn ảnh nhắm tới...

1. Thưa Đức Hồng y, ngài đã cảm nhận được sự hiện diện Thiên Chúa ở với ngài từ khi nào? Ngài có thể cho biết chi tiết về kinh nghiệm này của mình?

Vào năm 1939, lúc tôi được 5 tuổi, cha Trương Bửu Diệp đến thăm gia đình tôi trong một vùng truyền giáo xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Cà Mau và ở lại dùng cơm với hai cha khách. Cha khuyên tôi nên vào Tiểu Chủng viện khi tôi được 10 tuổi, và ngài bảo tôi sáng sớm ngày mai giúp lễ cho ngài. Sáng hôm sau, mẹ tôi đánh thức tôi dậy lúc 4 giờ. Mặc dù trong tôi có một sự sợ hãi của trẻ con về con ma tưởng tượng, tôi đã một mình đi bộ đến nhà thờ trên con đường vắng vẻ tối tăm. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được Thiên Chúa ở với tôi, và Ngài đã giúp tôi vượt qua được sự sợ hãi của trẻ con trong đêm tối.

2. Trong suốt thời gian chiến tranh, ngài đã giữ vững được đức tin bằng cách nào? Ngài có thể kể những gì đã xảy ra cho ngài và gia đình trong chiến tranh. Và ngài có làm chứng rằng Thiên Chúa hiện diện với ngài trong suốt thời gian cam go đó?

Năm 1944, tôi gia nhập Tiểu Chủng viện. Năm 1945, chiến tranh lan tràn trên khắp quê hương tôi và Tiểu Chủng viên bị thiêu rụi. Từ đó, gia đình tôi trở thành dân di cư, nay đây mai đó, và thất nghiệp trong vài năm. Năm 1946, cha sở gởi tôi vào Tiểu Chủng viện ở Phnom Penh, Cambốt. Rồi tôi có vài chuyến về thăm quê giữa những cuộc giao tranh lúc đó. Năm 1954, tôi bị bệnh và việc học của tôi bị gián đoạn 1 năm. Năm 1957, sau khi hoàn tất 2 năm triết ở Saigon, tôi phải trở về gia đình dạy Pháp văn 4 năm trong một trường trung học, để giúp cha mẹ thanh toán học phí cho các em tôi đang học cấp hai. Năm 1961, tôi trở lại trường Thần học ở Saigon và tôi được chịu chức linh mục năm 1965. Một lần nữa, qua những thời điểm khó khăn, tôi cảm nhận được Thiên Chúa ở cùng tôi và giúp tôi vượt qua tất cả những thử thách xảy đến trong đời tôi.

3. Đức Hồng y có thể cho chúng con biết về vị linh mục đã khích lệ ĐHY vào Chủng viện, kể cả những câu chuyện cá nhân của ngài mà ĐHY biết được?

Năm 1944, trước khi vào Tiểu Chủng viện, cha tôi dẫn tôi đến một vùng truyền giáo, nơi ông nội tôi đã giúp cha Trương Bửu Diệp dựng ngôi nhà thờ và nhà cha sở lợp bằng lá dừa. Ông nội tôi đã trồng nhiều chuối và cây ăn trái chung quanh ngôi nhà mới này. Vào tháng hai năm 1946, cha sở Cà Mau đưa tôi và những chủng sinh khác nữa đến thăm cha Trương Bửu Diệp. Chúng tôi đã đi trên một chiếc xuồng chèo, qua một lộ trình 30 km đường sông và ở lại với cha Diệp 1 ngày. Một tháng sau, cha bị chém đầu. Từ nhiều năm nay, dân chúng, kể cả người không Công giáo, đã tôn kính ngài như một vị thánh bảo trợ.

4. Ông bà, cha mẹ của ĐHY đã ảnh hưởng trên cuộc đời của ngài như thế nào? Xin cho chúng con biết những chuyện ĐHY đã có về các ngài.

Cả ông nội và cha tôi đều sống ở những miền truyền giáo xa xôi khác nhau ở Cà Mau. Các ngài đã dựng nhà thờ, phục vụ dân chúng trong vùng truyền giáo bằng nhiều cách: tạo công ăn việc làm cho họ, giáo dục, phục vụ giáo xứ, giải trí lành mạnh… Tình yêu và sự phục vụ của các ngài đã gây ấn tượng trên tôi và ảnh hưởng suốt đời sống yêu thương và phục vụ của tôi.

5. Những người (bạn bè, thầy giáo, bà con.. . ), những sách vở, và những tư tưởng nào đã ảnh hưởng đến ĐHY?

Tôi nhớ có 3 cuốn sách mà tôi đã dịch sang Tiếng Việt ảnh hưởng đến cuộc đời tôi:

- Cuốn I: “Sau 2000 năm” (After 2000 Years), Tiểu sử của Chúa Giêsu, được Claude Robert, Dòng Tên, trình bày và bình luận. Từ năm 1953, tôi đã dùng cuốn sách này để nguyện gẫm trong nhiều năm. Cuốn sách được dịch (sang tiếng Việt) năm 1976. Đồng bào tôi thích ấn bản tiếng Việt và dẫn nhập của nó. Cuốn sách giúp cho họ gặp được Chúa Giêsu trong đời sống thường ngày của họ.

- Cuốn II: “Tự thuật của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu” (Autobiography of St Teresa of Enfant Jesus) đựơc dịch vào thập niên 60. Cuốn sách đã tạo cảm hứng cho nhiều người, giúp họ mở ra những cách thức sống đức tin mới mẻ. Nó soi sáng (1) thày dạy Kinh Thánh tìm ra con đường mới để sống Lời Chúa trong đời sống hằng ngày; (2) những nhà giáo dục tôn giáo tìm thấy cách thức mới: áp dụng tâm lý trong việc giáo dục đức tin; (3) một thiền sư tìm được cách thức mới giúp người ta tập Thiền ngay trong cuộc sống thường nhật.

- Cuốn III: “Học thuyết siêu vời” (The supreme doctrine) của Tiến sĩ Hubert Benoit. Tác giả chia sẻ kinh nghiệm của mình về Thiền trong đời sống hằng ngày: huỷ bỏ được những căng thẳng và lo lắng trong đời. Năm 1986, tôi đã dịch sang tiếng Việt. Nó giúp cho nhiều người giải quyết những căng thẳng của họ và tìm được bình an trong tâm hồn.

6. ĐHY có ước mơ và viễn ảnh nào cho tương lai và ngài thấy con đường người Việt Nam sẽ tiến bước như thế nào?

Tôi ước mong người Công giáo mở rộng và nâng cao hiểu biết về niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Niềm tin nơi Đấng là Sự Thật, là Tình Yêu và là Con Đường đưa đến sự sống dồi dào, sẽ chỉ cho họ con đường và cho họ sức mạnh để vượt qua những khủng hoảng khác nhau của đời người, khủng hoảng về xã hội và tài chính, về kinh tế và chính trị, trong thế giới hôm nay.

7. Những câu chuyện và những lời ĐHY muốn gởi đến thính giả Hàn Quốc đang lắng nghe ngài

Tôi học từ người Hàn Quốc hai kinh nghiệm đẹp:

- Cả Nhật và Hàn Quốc đều phát triển mạnh về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nhân bản. Nhưng tôn giáo lại phát triển ở Hàn Quốc chứ không phải ở Nhật. Một nhà trí thức Hàn Quốc đã trả lời cho tôi lý do tại sao: Dân Hàn tin vào Thiên Chúa, tin rằng những gì họ có đều là quà tặng của Thiên Chúa.

- Khi tham quan hãng xe Hyundai, tôi hỏi người ở đó: Hãng Hyundai ra đời một thời gian lâu sau những hãng xe hơi của Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Toyota…, làm sao nó có thể sống còn và phát triển? Họ trả lời: Dân Hàn quốc dùng xe Hàn quốc. Tôi nhận ra rằng chính lòng yêu nước của dân tộc Hàn đã làm cho họ phát triển về vật chất, trí thức và tâm linh. Và trong bối cảnh hoàn cầu hoá hôm nay, tôi hy vọng rằng tình yêu quê hương đất nước của các bạn, một ngày nào đó sẽ có thể thống nhất Nam Bắc Hàn thành một dân tộc, dân của Thiên Chúa, Cha chúng ta. Cầu chúc các bạn đạt được thắng lợi mới trong thách đố này.

(Nguồn: Tập san Hahk Yoon, Tập san Công giáo Hàn Quốc thực hiện ngày 9-9-2009, Người chuyển dịch: Thầy Trần)