Sau những ngày căng thẳng bắt giữ và đánh đập giáo dân Tam Tòa thể hiện sự bạo lực công khai của chính quyền, trước sự phản ứng quyết liệt của dư luận trong và ngoài nước. Nhà nước Việt Nam bắt đầu có thái độ khác khi ông Trương Tấn Sang trong phiên họp về công tác tôn giáo vừa qua, ông Sang có chỉ thị các cấp dưới quyền giải quyết vấn đề đất đai tôn giáo. Tưởng chừng đây là cách đi mới của nhà nước Việt Nam để làm cơ sở giải quyết những tồn đọng về sở hữu đất đai của tôn giáo trên tinh thần tôn trọng sự thực.

Nhưng nhìn lại với cái tiêu chuẩn gọi là đủ điều kiện theo quy định của nhà nước Việt Nam, thì chỉ thị này của ông Sang vẫn mang nguyên bản chất cố hữu thủ của nhà nước Việt Nam, đó là vừa làm cầu thủ vừa làm trọng tài. Động thái này thực chất là một hành vi nhằm đối phó với dư luận chứ không có mong muốn đi đến gôc rễ sự viêc. Nếu như nhà nước của ông Trương Tấn Sang thật sự có thiện chí thì đã không có những vụ dân oan, vụ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ… đến Tam Tòa ngày nay.

Với hàng trăm thanh niên dùng gậy gộc tấn công từ giáo dân đến linh mục, từ phụ nữ đến người già. Nhà nước Việt Nam đang chơi một trò đu dây cực kỳ nham hiểm nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm cho xã hội. Sử dụng người dân do họ tuyển để đánh đập những người dân khác, tuy nhà nước tránh được tiếng là họ dùng các lực lượng vũ trang chính thống nhưng ai cũng biết là lực lượng này do chính nhà nước Việt Nam để ra để trấn áp hành hung người dân khác.

Nó nguy hiểm ở chỗ tạo cho người dân được dùng bạo lực một cách công khai dưới sự chứng kiến của cơ quan nhà nước. Nó chứng minh rằng ở Việt Nam luật pháp không hề tồn tại, mà chỉ có thủ đoạn của những kẻ cầm quyền mới là cơ sở để điều chỉnh quan hệ xã hội.

Không thể không phẫn nộ khi thấy truyền hình Việt Nam trong bản tin thời sự lại đưa hình ảnh những kẻ đánh đập người khác công khai, những kẻ tội phạm thật sự được trơ trẽn đứng trên màn hình để được ca ngợi là đã dũng cảm ngăn chặn này nọ do bức xúc. Liệu những người này có bức xúc thật sự từ trong tâm họ như những người dân đã đốt, lật xe cảnh sát giao thông vì những cảnh sát này đã đâm trọng thương người dân rồi thản nhiên bỏ đi. Những kẻ này có bức xúc khi thấy những ngư dân hiền lành của Việt Nam bị Trung Quốc bắn giết hay biển đảo, chủ quyền bị xâm phạm hay không.?

Quần chúng nhân dân bức xúc này được có mặt trong vụ Tòa Khâm Sứ khi vu vạ Ngài Ngô Quang Kiệt, trong đêm tối bạo lực ở Thái Hà trước cổng đền thánh Gierado nay xuất hiện ở Tam Tòa- Đồng Hới. Tại sao những quần chúng này không thấy có mặt ở những nơi khác tại Việt Nam, ở những nơi mà muôn vàn những điều bất công, ngang trái tồn tại một cách công khai.

Dễ dàng nhận thấy bọn quần chúng nhân dân này chỉ có mặt ở những nơi mà nhà nước Việt Nam cần đến chúng như một con cờ. Những người Việt Nam có lương tri và nhận thức nên phân tích sự khác nhau giữa bọn quần chúng nhân dân bức xúc này với những thanh niên, trí thức đã từng biểu lộ thái độ phản ứng trước hành vi sai trái của bọn bá quyền Bắc Kinh đã xâm phạm tới tính mạng và tài sản của nhân dân Việt Nam. Cho dù chúng có được sự ưu ái, tô vẽ của truyền thông Việt Nam như những kẻ có trách nhiệm với an ninh, trật tự đất nước thì chúng cũng không thể nào che đậy bộ mặt giả dối của chúng khi trả lời câu hỏi. Tại sao chúng chỉ bức xúc trong những vụ đòi đất của người Công Giáo mà không bức xúc trước muôn vàn vấn nạn và hiểm nguy của đất nước Việt Nam.

Từ chỉ thị của ông Trương Tấn Sang đến những tin tức mà truyền thông Việt Nam đưa. Rõ ràng nhà nước Việt Nam đang hợp thức hóa, đang cố gắng biến những việc làm phạm pháp của những kẻ họ sử dụng thành việc làm hợp pháp. Cũng có nghĩa họ đang ủng hộ những việc làm trái với pháp luật và nguy hiểm hơn nữa là trái với đạo lý con người, với truyền thống đoàn kết dân tộc, gieo rắc hận thù trong lòng dân. Nếu những việc làm bất nhân, thất đức này được cổ vũ trong một xã hội mà đạo đức đang bị băng hoại, khác nào nhà nước Việt Nam đang nỗ lực gieo những cái ác trong vùng đất vốn hiếm hoi những điều tử tế như nhân ái, bao dung.

Ngày 30/7/2008