Trong tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu cùng với Đức Mẹ và các môn đệ dự đám tiệc. Cũng như bao gia đình khác, sự hiện diện của Đức Mẹ và Chúa Giêsu cùng các môn đệ với tư cách là những người khách chẳng có gì khác thường kể từ đầu bữa tiệc. Tiệc vui cũng diễn ra như bao nhiêu đám tiệc khác, không có gì khác thường. Cái khác chỉ bắt đầu từ lúc hết rượu, Đức Mẹ tinh tế và quan sát thấy điều đó mặc dù không ai nói ra, với một cử chỉ cũng rất là nhẹ nhàng và cũng thầm lặng như những cử chỉ bình thường tự nhiên khác, Đức Mẹ đến nói với Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi”.

Chúng ta bắt đầu quan sát cuộc đối thoại giữa hai mẹ con. Đây là cuộc đối thoại khi nghe sẽ không hiểu gì, mẹ nói một đàng, con lại hướng về một lối khác. Mẹ nói: “Họ hết rượu rồi”; con nói: “Giờ con chưa đến”. Cứ như là hai nội dung khác nhau trong cuộc đối thoại, nhưng đó lại là một sự hiểu nhau quá mức bình thường. Khi Đức Mẹ nói: “Họ hết rượu rồi”, Đức Giêsu đã biết Đức Mẹ muốn ám chỉ điều gì và Đức Giêsu không trả lời cho câu Đức Mẹ nói: “Họ hết rượu rồi” mà Chúa Giêsu trả lời cho ý muốn của Đức Mẹ muốn Chúa Giêsu ra tay để giúp đỡ. Thật sự, Đức Giêsu vẫn có một thái độ như thế, rằng: “Việc loan báo Tin Mừng phải đặt lên hàng đầu” nhưng vì tình thương Đức Giêsu đã từng làm phép lạ, vì tình thương Đức Giêsu đã thay đổi cả giờ giấc nghỉ ngơi để dạy dỗ dân chúng nhiều điều. Hôm nay cũng thế, giờ của Chúa chưa đến nhưng có sự can thiệp của Đức Mẹ nên Đức Giêsu đã ra tay trước thời gian. Đức Mẹ thật đặc biệt, khi Chúa Giêsu nói như chối từ thì Mẹ đã nói với gia nhân như Chúa đã nhận lời: “Hễ người bảo gì thì cứ làm theo” thật là một sự hiểu nhau mà chỉ trong gia đình mới có. Cũng như khi người đã đã yêu nhau, nhiều khi chỉ cần một cử chỉ, một ánh mắt, người ta cũng diễn tả được rất nhiều điều mà những người khác dù có mặt ở đó cũng không hiểu nổi: họ nói bằng ánh mắt, họ nói bằng cử chỉ và ánh mắt cử chỉ ấy bao hàm biết bao nhiêu là những việc mà chỉ có hai người hiểu nhau. Ở tiệc cưới này, những người gia nhân đã làm theo lời Đức Giêsu là lấy nước đổ vào chum, đây là những chum được dùng cho lễ nghi Thanh tẩy của người Do Thái. Người nào không thanh tẩy trước khi ăn thì bị coi là bị nhơ, người ta rất chú trọng đến việc: rửa tay trước khi ăn; không phải như chúng ta bây giờ, rửa tay trước khi ăn là vệ sinh nhưng những người Do Thái coi đó là một lễ nghi tôn giáo: không rửa tay trước khi ăn là phạm luật, là bị nhơ. Do vậy, người nào cũng thực hành một cách chăm chú và tiệc đông đến nỗi sáu chum nước đầy đều hết cả, chỉ cần một chi tiết này cho chúng ta thấy tiệc đông một cách khác thường nên ban tổ chức đã không lường được hết và do đó thiếu rượu giữa chừng. Sáu chum đổ đầy nước, Đức Giêsu không nói một lời, Đức Giêsu không làm một cử chỉ nào lạ cả, chỉ bảo họ múc đem cho người quản tiệc. Giống như câu chuyện sau này, Chúa bảo mười người phong cùi cứ đi trình diện các thầy tư tế, đang khi họ đi thì họ được khỏi. còn hôm nay, khi người ta múc đem cho người quản tiệc thì nước lã đó trở thành rượu, mà còn là rượu ngon hơn rượu ban tổ chức đã sắm sẵn. Chúng ta thấy ở đây, một chi tiết rất quan trọng: nước lã trở nên rượu. Hai chất lỏng như nhau và hình thức bên ngoài như nhau, nhưng nội dung đã thay đổi. Nước lã bây giờ đã thành rượu. Những gì quan sát bên ngoài không thể phản ánh nổi nội dung sâu sa bên trong.

Chúng ta trở về với các đôi tân hôn để thấy sự biến đổi đó. Họ là những thành viên, có thể nói là những nguyên tố độc lập. Nhưng mà hôm nay, những nguyên tố độc lập đó đã kết hợp lại để trở nên một nguyên tố mới hoàn hảo hơn. Người nam bỏ cha mẹ để luyến ái người vợ của mình, người nữ thì bỏ gia đình để đến với gia đình của bên chồng, nhận gia đình của bên chồng trước đây xa lạ trở thành gia đình nội của mình, còn gia đình mình thì coi là “bên ngoại”. Và như vậy, một sự kết hợp này đã cho họ một gia đình mới, chính xác là một gia đình mới tiềm ẩn trong hai con người nay trở nên một con người mới. Một con người mới đã bổ túc cho nhau để hoàn hảo hơn và từ một con người mới ấy sẽ trở thành một gia đình mới. Về hình thức bên ngoài, người nam vẫn là người nam, người nữ cũng vẫn là người nữ nhưng nội dung từ đây họ đã thay đổi. Họ là những người mà ta hay gọi danh từ quen là “họ đã có gia đình”, nghĩa là một gia đình tiềm ẩn trong con người của họ rồi. Mà một gia đình thì gồm những gì? Gồm một mái ấm tình thương, có cha có mẹ, có con cái, có anh chị em trong gia đình. Vì vậy, nhìn vào những yếu tố bên ngoài thì họ vẫn là những con người như tất cả các anh thanh niên khác, các chị thiếu nữ khác. Sau khi thành hôn, tiềm ẩn trong họ một gia đình, đến nỗi chúng ta nhìn những người nào cũng thấy “họ là người có gia đình rồi” và đấy chính là một nội dung đã biến đổi rất sâu sa. Từ đây chúng ta nhìn họ bằng một cặp mắt quý mến và tôn trọng vì ta gọi một cách bình dân là: “họ là những người đã trưởng thành”. Tuổi 18, 20 theo quy định của Việt Nam nhưng mà cho dù 22, 24, 25 thậm chí là “tam thập như lập” tuổi 30, có những người còn mải mê sự việc chưa cưới vợ, người ta vẫn chưa gọi người đó là người trưởng thành. Nhưng 20 tuổi, kết bạn rồi, người ta gọi đó là người trưởng thành. Sự trưởng thành dường như không đi theo lứa tuổi từ 20 đến 30 mà đi theo việc đã tạo lập gia đình hay chưa, có lẽ không nên nói “dường như” mà phải kết luận như vậy và nội dung là ở đó. Bởi vì bây giờ, gia đình đó là chất rượu, là men nồng rượu mới, là tình yêu được hiến trao và sẽ sinh hoa kết trái. Nó khác với nước lã của cuộc đời bình thường, bởi vì đó là một dòng chảy tự nhiên. Có nhiều thanh niên cứ thích theo dòng chảy tự nhiên để mình muốn chảy đâu thì chảy, có nhiều thiếu nữ cứ thích theo dòng chảy tự nhiên như vậy để mình muốn buông xuôi đâu thì buông xuôi. Cho nên có rất nhiều các bạn thanh niên thiếu nữ ngày nay không tạo lập nổi gia đình, không được gọi là trưởng thành, bởi vì những dòng chảy, chảy mãi, buông xuôi mãi, rồi giống như bài hát “Bèo dạt mây trôi”. Khổ thế đấy các bạn ạ!

Cho nên chúng ta quý mến và tôn trọng những đôi thanh niên thiếu nữ đã trưởng thành ngày hôm nay, mà là trưởng thành trong Thiên Chúa. Có những gia đình xin chúng tôi: “Vì thời gian gấp gáp, các cháu đang học lớp dự tòng nhưng mà không thể chờ đợi sáu tháng như là quy định để học giáo lý và trở thành tân tòng được, có cách nào để cha giúp đỡ cho gia đình”. Chúng tôi giải thích rằng: “Sáu tháng cũng chỉ bằng thời gian bảo hành một chiếc xe máy người ta còn bảo hành từ 6 tháng đến 2 năm. Vì vậy việc học giáo lý để bảo hành cho một cuộc đời dài trăm năm và thậm chí đạt tới đời đời đối với một dự tòng là thời gian quá ngắn không thể rút gọn được Vì vậy, nếu các dự tòng muốn rút gọn thì chỉ có một cách xin Bề trên Giáo phận tha ngăn trở khác đạo để thành hôn, còn bao giờ học giáo lý đủ độ chín thì âm thầm trở lại rửa tội sau”. Gia đình đồng ý, rồi đến lúc chứng hôn ngoài thánh lễ chúng ta quen gọi là “phép rao” thì hỏi rằng “có làm trong thánh lễ long trọng được không?”. Chúng ta quá biết, chúng tôi phải giải thích như thế nào: “Trong hai cách chỉ chọn được một, đáp ứng được thời gian thì không thể gọi là 'một thánh lễ long trọng'; còn đã muốn long trọng thì phải trở thành Kitô giáo. Toàn thể Giáo Hội vui mừng đón nhận một người tân tòng và cử hành thánh lễ một cách long trọng vì vui mừng cho họ trở thành Kitô hữu khi họ cử hành Bí tích Hôn nhân”; còn đã tha ngăn trở khác đạo một người Công giáo với một người ngoài Công giáo thì làm sao có thể cử hành Bí tích trong Thánh lễ như Giáo Hội đón nhận hai người con được? Người ta vẫn cứ thích mình vừa thế này, mình vừa thế kia cho nên có nhiều bạn trẻ ngày nay vừa thích buông xuôi nhưng mà lại vừa thích có gia đình. Không thể có chuyện “bắt cá hai tay” như thế được; không thể có một sự lựa chọn vừa thế này lại vừa thế kia. Quan trọng hơn hết phải hiểu thế nào là một gia đình? Một gia đình Kitô hữu được Thiên Chúa đóng ấn chúc phúc và hiệp thông với Hội Thánh ngay từ giây phút đầu tiên. Đó là một ân sủng tuyệt vời, đó là rượu mới còn ngon hơn tất cả rượu mà ban tổ chức của tiệc cưới đã dọn, đến nỗi quản tiệc nói: “Người ta thường đưa rượu ngon ra trước còn khách ngà ngà mới đưa rượu xoàng hơn. Còn cậu, cậu giữ rượu ngon tới giờ này” (Ga 2,10).

Hôm nay chúng ta có hai bình rượu ngon, họ là những người vừa được Thiên Chúa biến nước lã thành rượu đây. Chúng ta hãy cầu chúc cho họ, để đôi tân hôn này, rượu mới trong gia đình luôn luôn là men nồng rượu mới. Chỉ khi nào họ đánh mất tình yêu; chỉ khi nào họ đánh mất lòng đạo đức của người Kitô giáo, họ đánh mất luật yêu thương của Chúa, họ đánh mất luật Bí tích Hôn nhân đơn hôn và vĩnh hôn. Lúc bấy giờ rượu lại trở thành nước lã và không thể nói được những hậu quả gì diễn ra. Còn tất cả chúng ta hiểu rằng: họ đến đây để được biến nước lã thành rượu ngon và rượu ngon ấy sẽ trở thành một niềm vui, niềm hân hoan và hạnh phúc cho đôi tân hôn, cho tất cả mọi người đến dự tiệc cưới và đặc biệt tiệc cưới có Đức Mẹ, có Chúa Giêsu, có các thánh tông đồ, nghĩa là niềm vui và hạnh phúc của họ được nhân lên và được chúc phúc trong Hội Thánh, trong Chúa Kitô và Mẹ Maria cùng toàn thể các thánh.

Với một tâm tình đặc biệt như vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho men nồng rượu mới của các đôi tân hôn mãi mãi vững bền, trăm năm đời này và đạt tới sự sống đời đời trong Chúa Kitô, trong Hội Thánh. Amen.