PARIS - 10 giờ sáng thứ bảy (18 tháng 7 năm 2009), Toàn thể Giáo dân Bắc Ninh (GDBN), từ cụ già trên 80 tuổi đến các cháu Thiếu Nhi Thánh Thể vui mừng chào đón Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt tới viếng thăm Giáo Xứ Paris và Họ Đạo Bắc Ninh tại Pháp.

Trong bầu không khí ấm cúng gia đình, Đức Cha đã thăm hỏi, trò chuyện thân mật với bà con Họ Đạo Bắc Ninh Paris.

Đến 11 giờ, Thánh Lễ được cử hành, Đức Cha chủ tế. Đồng tế với Đức Cha có Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh (Giám đốc Giáo Xứ Việt Nam, Paris), Cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách (Cha Tuyên Úy GDBN).

Trong tinh thần hiệp nhất và với tâm tình tôi trung, con thảo, Đức Cha và Giáo dân GĐBN dâng lời cầu nguyện cho những đấng bậc đã ra đi:

- Đức Cố Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng.
- Đức Cố Giám Mục Giuse Nguyễn Quang Tuyến.
- Cụ Niên Trưởng GĐBN Âu Châu Đaminh Đinh Quang Lượng.
- Cụ Trưởng Họ GĐBN Pháp Thân Văn Hân.
- Hai Cụ Cố Vấn GĐBN Pháp Antoine Lê Bái; Cùng các ân nhân, Ông Bà Cha Mẹ anh chị em trong gia đình đã qua đời…

Sau Thánh Lễ, GDBN dùng bữa cơm thân mật chung quanh Đức Cha.
Với bàn tay khéo léo của các bà, các chị (đã có thời được mang danh là « Con gái Bắc Ninh, xinh đẹp, đảm đang, tốt đời, đẹp đạo »), bữa cơm đơn sơ nhưng vô cùng ngon miệng…
Tiếp theo là phần « Văn Nghệ Quê Nhà » với những giai điệu dân ca Quan Họ Bắc Ninh quen thuộc.
Cảm động biết bao khi Đức Cha lên cùng hát chung với các cháu bài « Qua cầu gió bay »…
Như một lời nhắn nhủ, « Chủ chiên » đã gửi tới « đoàn chiên viễn xứ » bài hát: « Bèo dạt mây trôi » chốn xa xôi …
Kết thúc chương trình, ông bà Trưởng họ GDBN Nguyễn Xuân Cần thay mặt GDBN Paris cảm tạ Đức Cha và gửi lời thăm hỏi tới toàn thể bà con giáo dân Toà Giám Mục Bắc Ninh.
Sau đó, Đức Cha đã chụp ảnh kỷ niệm chung với toàn thể Giáo dân Bắc Ninh.
Phút chia tay thật vô cùng lưu luyến. Cha con hẹn ngày gặp mặt vào ngày 3 tháng 10 năm 2009 là ngày Toà Giám Mục Bắc Ninh Tổ chức Thánh Lễ kỷ niệm 3 năm Đức Cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến trở về Nhà Chúa và 1 năm Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt được thụ phong Giám Mục.

Trời Paris, một ngày hè nắng nhạt.
Bỗng thấy lao xao, êm đềm tiếng hát
Giai điệu dân ca Quan họ thuở nào.
Tiếng hát ru hồn Người Viễn Xứ nôn nao
Bao kỷ niệm hiện về trong khoảnh khắc.
Ở nơi ấy có dòng sông Cầu phẳng lặng,
Có núi Thiên Thai thơ mộng, Lệ Chi Viên…
Dù đi xa, sinh sống ở mọi miền
Ai cũng tự hào: quê ngoại Nguyễn Du ở làng Quan Họ(*)
Phải chăng Truyện Kiều cũng ra đời từ đó
Nơi Quê hương văn hiến ngàn năm
Ôi tự hào có Phù Đổng Thiên Vương
Cưỡi ngựa trời diệt tan giặc Ân xâm lược !!!...

…Và hôm nay trong lời ca, tiếng nhạc,
Làn điệu dân ca xen giọng trẻ, giọng già
Hoà đồng cùng tiếng hát Đức Cha
Ngài từ Quê Nhà sang thăm Họ Đạo.
Bao nồng ấm, tình Cha con Công Giáo
Được dệt nên thơ, nên nhạc, bằng lời:
Ôi bao tự hào KINH BẮC QUÊ TÔi…


(*) Nguyễn Du (tự Tố Như) sinh năm 1765 tại Thăng Long (Hà Nội).
Cha ông là cụ Nguyễn Nghiễm (1734-1775)Là một nhà thơ và một nhà nghiên cứu lịch sử; và mẹ là là bà Trần Thị Tần (1734-1778) người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc (thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay).