VATICAN CITY (CNS) - Cuộc thăm viếng của một phái đoàn Tòa thánh Vatican mới đây đến cơ sở CERN – (Conseil Européen pour la Recherche Nucléaire, tiếng Anh là European Council for Nuclear Research, Tổ chức nghiên cứu hạt nhân Châu Âu), một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất thế giới – đã mở ra một đường hướng đối thoại quan trọng giữa khoa học và đức tin. Đó là lời tuyên bố của vị đại diện Tòa thánh cạnh các cơ quan thuộc Liên Hiệp quốc tại Geneve.

Tổng giám mục Silvano Tomasi, vị đại diện nói trên, là thành viên trong phái đoàn của Tòa thánh dẫn đầu do Hồng y Giovanni Lajolo, chủ tịch ủy ban quản trị Thành phố Vatican.

Giám đốc đài Thiên văn Vatican là linh mục Dòng Tên Jose Funes, và một nhà thiên văn Tòa thánh là tu sĩ Dòng Tên Guy Consolmagno người Hoa kỳ, cũng là những thành viên trong phái đoàn Tòa thánh đến thăm viếng phòng thí nghiệm vật lý hạt lớn nhất thế giới tọa lạc tại Geneve hôm 3 tháng 6 vừa qua.

Trong cuộc điện đàm với thông tấn xã Catholic News Service (CNS) hôm 9 tháng 6, tổng giám mục Tomasi nói rằng ông Rolf-Dieter Heuer, tổng giám đốc CERN, thích thú khi được Vatican đến với cơ sở nổi danh trên thế giới này “bởi vì ông muốn rằng cuộc thăm viếng trở thành một đường hướng mới nhằm thiết lập sự nối kết với Tòa thánh.”

Tổng giám mục cho biết rằng ý hướng muốn có phái đoàn của Vatican đến thăm CERN là do ông Ugo Amaldi, chủ tịch Cơ quan TERA. Cơ quan này cộng tác chặt chẽ với CERN trong nỗ lực tìm ra những phương cách áp dụng nghiên cứu hạt nhân vào việc điều trị chứng bệng ung thư, đặc biệt nơi các trẻ em.

Trong một điện thư trả lời những câu hỏi của thông tấn xã CNS, Hồng y Lajolo nói ngài “vui vẻ nhận lời mời tới thăm CERN bởi vì mối quan tâm riêng của ngài đối với các biên giới xa nhất mà khoa học vật lý vũ trụ cố đạt tới bằng phương pháp làm gia tốc proton (hạt cơ bản tích điện dương).”

Ngài nói việc khám phá ra những hạt hạ nguyên tử (1)(sub-atomic particles) mới, có thể giúp khẳng định lý thuyết Superstring của giáo sư trường Đại học Princeton, ông Edward Witten; lý thuyết này tìm cách kết hợp thuyết tương đối của Albert Einstein với vật lý lượng tử.

Tổng giám mục Tomasi nói: “Vấn đề nổi bật lên từ cuộc viếng thăm này là làm cách nào duy trì mối liên lạc” giữa hai phía bởi vì các nhà khoa học nghiên cứu vũ trụ đặt ra nhiều vấn nạn tương tự như các thần học gia đang cố công tìm hiểu, chẳng hạn đâu là ý nghĩa cuộc sống.

Ngài nói: Tuy nhiên, những phương pháp các khoa học gia và các nhà thần học dùng để trả lời những vấn nạn đó khác biệt nhau từ căn cội và đặt họ vào trong “hai thế giới hoàn toàn khác biệt nhau.”

“Giữa hai bên chẳng có gì là thù hận, nhưng có một nhu cầu phải đàm thoại qua biên giới này và tìm xem kiến thức của con người có thể tiến bộ đến đâu.”

Tổng giám mục mục cho biết đã đạt lời mời ông Heuer tới viếng thăm Tòa thánh nhưng ngày giờ chưa xác định.

Trong lời tuyên bố mở đầu cuộc thảo luận bàn tròn về đối thoại giữa khoa học và đức tin hôm 3 tháng 6, Hồng y Lajolo nói rằng các chân lý khoa học và các chân lý thần học không hề tương phản nhau bởi vì mọi chân lý “đều phát xuất từ cùng một cội nguồn, đó là Thiên Chúa.”

Ngài trưng dẫn lời Thánh Robert Bellarmine (1542-1621), vị tiến sĩ giáo hội đã liên quan đến cuộc điều tra về Galileo của Tòa thánh Vatican trước kia. Vào thời gian đó, thánh Robert Bellarmine là một hồng y, có nói rằng giả như một phát biểu khoa học trở thành xác đáng với đủ chứng cứ và dường như không hoàn toàn phù hợp với Kinh Thánh, thì “người ta cần tìm tòi xem Kinh Thánh có thể được giải thích đúng đắn như thế nào để không tương phản với chân lý khoa học.”

Hồng y Lajolo nói rằng lời phát biểu này “vẫn còn là một nguyên tắc giá trị khi đối ứng với các phát biểu khoa học” ngày nay.

Giáo hội Công giáo là người bảo vệ lý trí và chân lý, đó là lý do “tại sao sau này giáo hội công nhận lập trường khoa học của Galileo và lỗi lầm mắc phải khi kết án ông.”

Tổng giám mục Tomasi nói: “Trong cuộc thăm viếng đã có những cảm giác rất tốt đẹp, một bầu không khí tốt và một số trao đổi thành thật” giữa các đại diện của Vatican và các nhà khoa học tại CERN.

“Một đường hướng đối thoại tốt đẹp đã được thiết lập” với CERN và với các khoa học gia của cơ sở này, ngay cả với những người không có niềm tin ở tôn giáo nào cả.

Ngài cho biết phái đoàn Tòa thánh đã được chính thức chào đón tại các cơ sở của CERN và có cơ hội học hỏi thêm về những hoạt động của phòng thí nghiệm.

Phái đoàn được hướng dẫn xuống thăm Large Hadron Collider (2) sâu dưới mặt đất. Đây là loại máy gia tốc hạt năng lượng cao lớn nhất thế giới, được sử dụng trong các thí nghiệm nhằm tìm hiểu thêm về vũ trụ và những biến động xảy ra ngay liền sau vụ nổ Big Bang.

Máy gia tốc dự trù sẽ tái hoạt động vào tháng 9 sắp tới sau khi bị thiệt hại trong những thí nghiệm kỳ đầu vào mùa thu năm ngoái.



(1) Hạt hạ nguyên tử là một khái niệm để chỉ các hạt cấu thành nên nguyên tử, cùng các hạt được giải phóng trong các phản ứng hạt nhân hay phản ứng phân rã. Ví dụ: điện tử, proton, neutron là những hạt hạ nguyên tử thường được nhắc đến. Ngoài ra còn rất nhiều các hạt hạ nguyên tử khác trong vật lý hạt.

(2) Large Hadron Collider (Máy gia tốc hạt lớn - gọi tắt là LHC) là chiếc máy gia tốc hạt hiện đại lớn nhất và cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới, được thiết kế để tạo va chạm trực diện giữa các tia proton (một trong các loại hạt cơ bản) với động năng cực lớn. Mục đích chính của nó là phá vỡ những giới hạn và mặc định của mô hình chuẩn - những lý thuyết cơ bản hiện thời của vật lý hạt. Trên lý thuyết, chiếc máy này được cho là sẽ chứng minh được sự tồn tại của hạt Higgs, những kết quả nghiên cứu từ chiếc máy này có thể chứng minh những dự đoán từ trước cũng như những liên kết còn thiếu trong mô hình chuẩn, và giải thích được những hạt sơ cấp khác có được những đặc tính như khối lượng như thế nào.

Máy gia tốc hạt lớn được chế tạo bởi Tổ chức nghiên cứu hạt nhân Châu Âu (CERN), nằm bên dưới mặt đất tại biên giới Pháp-Thụy Sĩ giữa núi Jura và dãy Alps gần Genève, Thụy Sĩ. Dự án được cung cấp kinh phí và chế tạo với sự tham gia cộng tác của trên tám nghìn nhà vật lý của 15 quốc gia cũng như hàng trăm trường đại học và phòng thí nghiệm. Những tia hạt đầu tiên được dẫn vào trong máy ngày 10 tháng 9 năm 2008, và phải chờ khoảng 6 đến 8 tuần sau đó mới có được các đợt va chạm với năng lượng cực lớn đầu tiên.

Mặc dù trên các phương tiện truyền thông hay thậm chí tòa án có nhiều thắc mắc về tính an toàn của máy LHC, các nhà khoa học đều đồng quan điểm rằng các thí nghiệm va chạm hạt của chiếc máy này sẽ không gây ra nguy hiểm nào.

(Theo Wikepedia)