SUY NIỆM MÙA CHAY
NGƯỜI CHA ÂN TÌNH


Câu chuyện người con hoang đàng ghi lại trong Phúc Am Thánh Luca (đoạn 15). Một số đông trong chúng ta đã có những đứa con trai con gái hoang đàng. Tôi đã gặp gỡ nhiều đứa con hoang trong hai năm phục vụ tại một trung tâm tạm trú cho những trẻ bụi đời đang gặp khủng hoảng, ở lứa tuổi hai mươi mốt trở xuống, tại Thành Phố Nửu Ước. Cho phép tôi kể chuyện em Helen Mary.

Có ai thấy cô bé gái nầy không?
Helen Mary đến từ tiểu bang Minnesota. Cô mô tả cha mẹ cô như là những người lỗi thời và thủ cựu. “Ông bà chống đối kịch liệt vì mũi tôi xỏ một chiếc vòng, phản đối tôi khi nghe nhạc rock, than phiền vì xiêm y của tôi quá dài và đám bạn bè mà tôi giao du. Mỗi khi ông bà quở trách - điều đó xảy ra thường xuyên - mặt tôi tím bầm. Tôi muốn hét lên với ông bà là ‘tôi ghét các người lắm’. Giọt nước cuối cùng đã làm cho ly nước tràn ra là sau cuộc cãi vã nặng lời giữa bố tôi và tôi rồi bố tôi bước vào phòng tôi mà nói cho biết là tiền túi hằng tuần của tôi sẽ bị cúp luôn. Đêm hôm đó tôi đã thực thi chương trình hành động mà tôi đã tập dợt nhiều lần. Tôi đã bỏ nhà ra đi. Tôi mười sáu tuổi và sắp sửa được mười bảy.

Tôi đi xe buýt Greyhound để tới Nửu Ước. Vào ngày thứ nhì khi tôi ở trong thành phố đó, tôi đã gặp một người đàn ông lái một chiếc xe bự mà tôi chưa bao giờ thấy. Ông mời tôi lên xe để ông chở đi cho. Tôi cảm thấy hứng khởi khi nhìn xem những điều mới lạ. Ông đã mua thức ăn trưa cho tôi và sắp xếp chỗ ở cho tôi. Ông cho tôi vài viên thuốc uống khiến tôi cảm thấy dễ chịu như chưa từng bao giờ cảm được như thế trong cuộc đời tôi. Tôi có cảm tưởng là mình đã quyết định đúng. Cha mẹ tôi giờ đây không còn chơi trò bắt chẹt tôi trong việc tôi muốn sống một cách thỏa thích. Tôi gọi người đàn ông lái chiếc xe bự đó là ‘Ông Chủ’. Ông bắt đầu chỉ bảo tôi đôi điều mà giới đàn ông nào cũng ưa thích. Ông đưa tôi lên ở căn nhà cao nhất trong cao ốc mà ông thanh toán mọi chi phí và tôi bắt đầu thi hành mọi mưu kế để moi tiền thật nhiều của khách hàng. Khi tôi nghĩ tới cha mẹ tôi và muốn trở về lại ngôi nhà ở Minnesota để sinh sống thi những điều đó xem ra buồn tẻ chán ngấy đối với tôi. Thật khó mà tin được rằng đó là nơi tôi đã lớn lên.

Tôi hơi e sợ một chút khi thấy hình ảnh của tôi in sau tấm cạc-tông đựng sữa với hàng chữ: ‘Có ai thấy cô bé gái nầy không?’ Đó chỉ là một chút lo sợ mà thôi bởi vì tôi đã nhuộm tóc vàng, đã môi son má phấn dày đặc và mang những đồ trang sức xỏ xiên cùng mình. Không ai có thể nhầm tưởng tôi là một cô gái mới mười sáu tuổi. Hơn nữa, chung quanh tôi bạn bè phần đông là những đứa trẻ bỏ nhà ra đi. Luật lệ cho đám trẻ bụi đời rất chặt chẽ và rõ ràng: Ở Thành Phố Nửu-Ước không ai có thể phản bội được hết.”


Bị sưng phổi
“Sau hơn một năm, tôi trở nên bệnh hoạn. Tôi rất ngạc nhiên tại sao bệnh hoạn phát nhanh như thế. Ông chủ đã trở mặt với tôi. Sức khỏe tôi càng trở nên tồi tệ hơn. Khi thấy tôi quá bết bát, ông đã tống khứ tôi ra đường mà không một đồng xu dính túi. Lúc đó là trời mùa đông ở Nửu-Ước và tôi nằm ngủ ở vỉa hè những cao ốc.” Em dùng chữ ‘ngủ’ không đúng lắm bởi vì một cô gái vị thành niên ở giữa đêm khuya tại trung tâm thành phố Nửu-Ước làm sao ngủ được mà không lo lắng đề phòng tự vệ. Em kể tiếp: “Một trong các bé gái nói với tôi là tôi bị sưng phổi. Một đêm kia, khi tôi đang nằm nhưng vẫn thao thức, ho hen và nghe tiếng chân người đi lại, bỗng chốc cuộc đời xem ra khác lạ đối với tôi. Tôi không còn cảm thấy mình là một người đàn bà trong thế giới nầy nữa. Tôi cảm thấy mình là một người con gái còn nhỏ tuổi bị lạc lõng trong thành phố lạnh lẽo và ghê rợn nầy. Tôi trở nên chán nản thất vọng tột độ và một trong các trẻ gái nói với tôi là hãy câm nín đi, đừng khóc thút thít nữa. Tôi đói bụng quá. Tôi không có lấy một đồng xu trong túi. Làm sao thoát khỏi cảnh bi đát nầy! Tôi bắt đầu nhớ nhà, nhớ những cây anh đào bông hoa nặng trĩu và nhớ con chó Max của tôi, đang tung tăng chạy nhảy quanh vườn, đuổi bắt trái banh quần vợt mà tôi ném vào nó. Và tôi tự hỏi: ‘Chúa ôi! Tại sao con đã bỏ nhà ra đi.’ Ngay cả con Max còn ăn ngon hơn tôi mà! Tôi biết rằng lúc nầy đây, hơn bất cứ điều gì hết ở trên đời nầy là tôi muốn trở về nhà.”

Trông mong gì
“Sáng sớm hôm sau, tôi gọi điện thoại về nhà. Tôi đã gọi ba lần nhưng tôi chỉ nghe được lời nhắn trên máy. Khi gọi lần thứ ba, tôi đã nhắn lại như sau: ‘Thưa Ba Má, con là Helen Mary đây. Con tự hỏi không biết con trở về nhà được không. Con đi xe buýt mà lộ trình sẽ đến bến xe Minnesota đúng mười hai giờ khuya tối mai. Nếu Ba Má không có đó, có thể con sẽ ngồi lại trên xe buýt cho tới khi xe lên đường đi đến Canada.

Khi xe buýt tới gần bến, tôi tự hỏi có lẽ ba má tôi đã đi xa thành phố nên không nhận được lời nhắn của tôi trên máy. Nhưng, giả như ba má tôi có đó! Tôi bắt đầu tập thử những gì mà tôi sẽ nói với ba má tôi. Tôi quyết định nói như sau: ‘Con xin lỗi Ba Má. Con biết con đã lỡ dại. Đó không phải là lỗi của Ba Má. Tất cả đều là lỗi của con. Xin Ba Má tha lỗi cho con.’Tôi lặp đi lặp lại mãi những lời nói đó. Tôi chưa bao giờ xin lỗi một ai trong nhiều năm qua. Cuối cùng khi xe buýt từ từ lăn bánh vào trong bến xe, tài xế đã thông báo qua hệ thống âm thanh: ‘Mười lăm phút thôi, quí bạn ơi! Không ai được trễ giờ.’ Bỗng chốc, tôi biết rõ mười lăm phút đó sẽ quyết định cuộc đời còn lại của tôi. Tôi soi mình trong kiếng. Tôi vuốt tóc cho ngay ngắn và liếm hết những vết son ở trên đôi môi. Tôi cảm thấy bồn chồn, không biết ba má tôi có măt ở đó không. Tôi bước vào trạm xe buýt, nhưng không biết mong đợi điều gì sẽ xảy ra. Đó không phải là cảnh tượng mà tôi đã tập dợt nhiều lần trong trí nhớ hầu chuẩn bị khi tôi phải đối diện với những gì mắt thấy tai nghe. Không ngờ tôi đã bước vào giữa một nhóm người đông đảo gồm có anh chị em tôi, chú bác cô dì cậu mợ, những ông chú ông bác, bà dì bà cô, cả bà nội và bà cố nữa, cùng với tất cả những bạn bè xưa cũ của tôi. Họ đội nón làm hề, thổi kèn inh ỏi và kìa trên bức tường của trạm xe buýt đang bày ra tấm biểu ngữ với hàng chữ: ‘Vui mầng đón tiếp Helen Mary trở về nhà.’

Kế đó tôi thấy ba tôi đi qua giữa đám đông. Tôi chăm chăm nhìn ba tôi qua dòng nước mắt và tôi bắt đầu ôn lại bài diễn văn của tôi: ‘Ba ơi! Con xin lỗi Ba, Con biết…’ Nhưng ba tôi đã ngắc lời tôi mà nói: ‘Suỵt! Con ơi! Chúng ta không có thời giờ để xin lỗi nữa.’ Ba tôi đã ôm tôi vào lòng và càng ôm chặt hơn nữa mà nói: ‘Chúng ta hãy về nhà mau đi kẻo trễ bữa tiệc’.”


Không cố chấp
Helen Mary đã không cố chấp. Ba cô cũng không thuyết giảng trịnh trọng, chẳng hạn: ‘ba hy vọng con đã học được bài học đích đáng của con’. Ông chỉ tràn trề niềm vui vì con gái mình đã trở về nhà, nơi mà cô không thể nào đoạn tuyệt được.

Không nổi giận chính đáng
Câu chuyện Thánh Luca thuật lại trong đoạn 15 cũng giống như vậy. Trong câu chuyện của Chúa Giêsu, đứa con hoang đàng cũng không cố chấp. Còn nữa, khi cha cậu thấy cậu ở xa xa, trên đường lủi thủi về nhà, ông không thể ngồi yên. Ông không thể chờ đợi cậu từ từ lê bước vô nhà. Ông đã băng ra khỏi cửa và chạy xuống đường với đôi tay rộng mở để tiếp đón con mình. Không chút nghi lễ thủ tục. Không có việc đứng lên theo nghi thức. Trong hết mọi nền văn học, không có ngôn từ nào cảm động hơn là những lời nói của người cha nầy khi đón con mình trở về nhà. Không có việc quở trách, mắmg mỏ, kết án, không có việc nổi giận chính đáng, không có gì hết chỉ trừ yêu thương và vui sướng, đàn hát và nhảy múa, bởi vì con ông đã chết nay được sống lại.

Thiên Chúa vui sướng. Thiên Chúa là thế đó. Thiên Chúa vui sướng không phải vì những vấn đề của thế giới đã được giải quyết, không phải vì mọi khổ đau của nhân loại đã chấm dứt, không phải vì hằng ngàn người đã trở lại đạo và đang ca ngợi danh Ngài. Không, không phải đâu! Thiên Chúa vui mầng bởi vì một trong các con cái của Ngài đã lạc mất nay tìm lại được. Theo ngôn ngữ Thánh kinh, tất cả chúng ta đều bị lạc mất. Nếu chúng ta không nhận ra sự mạch lạc đó, chúng ta đánh mất tâm điểm của câu chuyện nầy.

Câu chuyện kết thúc
Quí bạn có biết câu chuyện kể trong đoạn 15 Phúc Am Thánh Luca kết thúc ra sao không? Câu chuyện đến hồi chung cục như thế nào? Người cha và hai anh em đã làm gì? Điều hấp dẫn tôi nhất là người cha đã chấm dứt câu chuyện khi nói với người con trưởng như sau: “Con ơi! Con ở với ba luôn và tất cả những gì của ba là của con hết. Thật đúng đấy, chúng ta nên ăn mừng, bởi vì em con đây đã chết và nay được sống lại; em con đã mất và nay tìm lại được.” Chỉ thế thôi. Câu chuyện đã chấm dứt…Một chương mới được mở ra. Chúng ta không biết câu chuyện đã kết thúc như thế nào. Chúng ta không biết người em làm gì. Chúng ta không biết gia đình cuối cùng ra sao. Chúng ta phải kết thúc câu chuyện. Chúng ta kết thúc như thế nào?

Chúng ta kết thúc câu chuyện trong hoan lạc khi thấy Thiên Chúa như là một ngươi Cha ân tình và chúng ta là những đứa con ân tình của Chúa và Thiên Chúa lẫn chúng ta đều vui sướng như nhau. Khi chúng ta có nhãn quan như thế thì câu chuyện được giả định phải kết thúc như thế và chúng ta phải bám víu vào viễn kiến đó để làm mấu chốt cho linh đạo chúng ta; lúc đó việc thuật lại câu chuyện nầy đương nhiên phải được kết thúc một cách tràn trề hạnh phúc như thế.

Phỏng theo bài suy niệm “LOVESICK FATHER”
của cha Vincent Travers O.P.
trong sách “IN STEP WITH GOD” (Đồng Hành Với Chúa).