Đọc Thư phản hồi của Ủy ban Pháp Luật Quốc hội gởi cho 135 trí thức Việt Nam gửi kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên qua địa chỉ nhà giáo sư Nguyễn Huệ Chi, vỏn vẹn chỉ có khoảng hơn chục chữ mà tôi bỗng dưng như người vừa trên trời rơi xuống đất! (ảnh đính kèm)

Mặc dù đã có kinh nghiệm phải tiếp xúc với nhiều loại công bộc ở khắp các cơ quan công sở, tôi cũng đã biết trước trình độ văn hóa nhiều người là rất thấp. Tuy nhiên lâu nay tôi vẫn cứ yên chí rằng đó là vì họ ở những nơi “đỉnh thấp” tại các địa phương thôi. Bởi vậy lá thư phản hồi của một UB Quốc hội mới khiến tôi sững cả người vì không thể tin rằng ngay tại một cơ quan đầu não “đỉnh cao” cỡ quốc hội mà cũng lại có những loại nhân viên ‘sâu bọ’ trình độ xem ra còn tệ hơn cả cấp phường xã, chắc chỉ bằng cấp tổ dân phố cũng nên?

Những nét viết nguyệch ngoặc trong thư cho thấy nó được viết ra bởi một người trình độ chắc chỉ cỡ… tiểu học!

Có thể khẳng định vậy vì nếu là người có trình độ và lại đang làm việc tại ngay một cơ quan quyền lực chính trị nhất nhì nước như quốc hội, ắt anh / chị ấy đã phải biết vụ bauxite để từ đó không được phép viết sai tên giáo sư Nguyễn Huệ Chi thành ‘Nguyễn Thị Huệ’ được.

Nhưng ấy mới là chuyện của “đệ tử” còn ‘ông thầy’ tức tác giả của lá thư này mới còn đáng chê trách hơn gấp trăm ngàn lần. Tên ông là Trần Đình Long đang chức vụ Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội. Một chức vụ không hề nhỏ đối với một hệ thống chính trị đang cai trị 87 triệu dân.

Việc ông này đã can đảm vác cái mẫu trả lời in sẵn chuyên dùng cho khiếu nại, tố cáo ra để ‘bán cái’ sang Ủy Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường chuyện bauxite, một vấn đề lớn đang được nhiều người quan tâm, đã nói lên tất cả thói vô trách nhiệm chỉ làm cho xong việc bất chấp ý nghĩa của nó ra sao rất thường thấy ở nước ta.

Với ông Long, thói quen này chắc là được hình thành sau nhiều năm tháng giữ chức phó chủ nhiệm chỉ để chỉ làm mỗi một việc là ký giấy ‘đá’ dân oan lăn long lóc đi hết cửa quan này sang đến cửa quan khác. Vì ký nhiều quá thành quán tính nên lần này ông cũng vừa nhắm mắt vừa ký mà chẳng cần buồn dòm xem trên đó ‘đệ tử’ mình viết về việc gì, gởi cho ai.

Mới tháng trước một ‘Dương Quang’ hàm hồ dư luận chưa nguôi nay lại thấy xuất hiện tiếp một ‘Đình Long’ đầy cẩu thả tắc trách.

Cứ cái đà này thì cả hệ thống chính trị nước ta còn có thêm bao nhiêu vị ‘hảo hớn’ khác đang ẩn mình trong khắp các công sở sẽ xuất đầu lộ diện để gây bàng hoàng cho bàn dân thiên hạ?

Sàigòn, 20/5/2009