MỸ ĐỨC - Một giáo dân xứ Đồng Chiêm đã phát biểu như sau: "Sinh ra và lớn lên tại một giáo họ thuộc giáo xứ Đồng Chiêm ( huyện Mỹ Đức, Hà Nội mới), quê tôi là nơi đồng chiêm, mùa khô thiếu nước, mùa mưa thì nước ngập mênh mông. Mỗi năm một vụ lúa, nên trước đây chuyện thiếu đói là chuyện thường tình. Mấy năm gần đây do bãi bỏ các chính sách sai lầm trong quản lý nông nghiệp, người dân quê tôi bươn trải ra các thành phố kiếm sống bằng đủ thứ nghề, những người có vai vế, tiền bạc thì mở các cơ sở sản xuất đá xây dựng (vì chung quanh quê tôi các núi đá nhiều vô kể). Người người tiết kiệm, nhà nhà tiết kiệm, chắt mồm bóp miệng, cố sao sau khi cưới nhau, vài năm xây thô xong một căn nhà, rồi cứ hoàn thiện dần dần, chờ khi nào lên lão mừng 'tân gia' là vừa."

Núi Thờ ở Đồng Chiêm và thánh giá nghĩa trang bị đập phá
Từ bao đời nay, dân vùng Đồng Chiêm có thói quen, các người xẩy thai, các hài nhi chết sau khi sinh, các em mới mấy tháng tuổi không may chết... gia đình đều cho các em vào một hòm gỗ và đưa đặt vào các hốc đá trong một quả núi. Dân quanh vùng quen gọi núi ấy là “Núi Thờ”. Chung quanh núi thờ là nơi chôn cất người lớn. Núi này nhân dân rất tôn kính, không ai dám lên núi chặt cây, kiếm củi, săn bắt, hoặc khai thác đá cảnh, nên quả núi vô cùng xanh tốt, trong khi đó các quả núi xung quanh đang bị khai thác làm đá xây dựng một cách không thương tiếc. Các ngôi mộ xung quanh Núi Thờ, ngôi nào cũng có một Cây Thánh Giá. Núi Thờ trước đây cũng có Thánh Giá bằng cây của rừng, nhưng đã bị mục đổ, mà dân thì quá nghèo nên chưa có điều kiện dựng lại cây Thánh Giá khác, nay kinh tế tuy còn khó khăn, nhưng ai cũng muốn chung tay góp sức để dựng lại một cây Thánh Giá bằng bê tông trên mồ của con em mình (vì nhà nào cũng có). Một việc làm hoàn toàn mang tính chất tâm linh tôn giáo thuần tuý, đáng được khuyến khích.

Cũng tại nơi đây, giáo xứ Đồng Chiêm đã xin được một dự án “Đập Chẽ”, và một con đường bê tông vào Núi Thờ, dự án này do chính huyện nhận tiền, thiết kế, và thi công!

Dự án Đập Chẽ ở Đồng Chiêm
Việc dựng Thánh Giá bằng bê tông được công khai, với sự đóng góp của mọi người. Sau khi đã lo xong nguyên vật liệu, việc dựng Thánh Giá không phải chỉ là trong chốc lát, hay ngày một, ngày hai. Vì không có đường, nên phải dùng hoàn toàn sức người vận chuyển từng ít một vật liệu lên nơi thi công, việc này các cấp chính quyền đều biết, nhưng không ai có ý kiến gì!? Mãi khi đã xong, được vài ngày, huyện mới hỏi xã, xã mới hỏi dân, dân vô tư trả lời, việc dựng một Thánh Giá trên mộ người chết là truyền thống của giáo xứ toàn tòng này, mà núi này không phải chỉ là nơi an táng một người mà là nơi an nghỉ của rất, rất nhiều người, không thể đếm hết, nhớ hết, vì nó đã có từ bao đời nay rồi!!! Huyện hỏi cha xứ, cha xứ cho hay việc nghĩa trang là tập tục địa phương do giáo dân tự quản. Huyện liền phân công cho các xã xung quanh Núi Thờ lập phương án giải toả, đến giờ G người đã nhận tiền để đập Thánh Giá trả lại tiền cho các quan ra lệnh “giải toả”. Số tiền tuy có 7 chữ số, đối với anh ta là hy vọng cả cuộc đời, nhưng anh ta lại sợ “thánh vật” như ai đó ở sông Tô Lịch, hoặc như đang xẩy ra ở giáo xứ Thái Hà.

Đang trong tuần Bát nhật Phục Sinh việc mục vụ quá bận, thế mà chiều thứ ba 14.4 cha xứ vẫn phải chấp hành lệnh của huyện triệu tập. Cùng đi với ngài lên huyện có cha phó và vài chục giáo dân. Quan huyện chỉ tiếp một cha xứ, nhưng làm ngơ để cha phó cùng vào, còn giáo dân thì bị CA cản lại ngay đầu cầu thang gác 2. Giáo dân muốn biết cha xứ bị huyện gọi vì chuyện gì, nếu là chuyện Núi Thờ thì là việc của giáo dân, chứ không phải trách nhiệm thuộc về cha, yêu cầu để cha về để lo mục vụ trong Tuần Bát Nhật. Cuộc chất vấn vừa xẩy ra, một người mặc thường phục liền ra đòn với giáo dân ngay trước mặt CA huyện, một bà bị đánh ngửa ra đằng sau lăn xuống mấy bậc thang, và bị ngất liền. Quan huyện được tin, thay vì trách cứ thuộc cấp của mình, lại đổ tội lên cha xứ: “Tôi mời ông, ông lại đưa giáo dân lên làm loạn à ? thôi ông về đi !!!”. Nhưng 2 linh mục quản nhiệm làm sao về được, khi giáo dân của mình đang nằm chết ngất mà không được cứu chữa. Sau mấy giờ kiên quyết đòi hỏi, huyện mới cho xe đưa nạn nhân đi cấp cứu, giáo dân yêu cầu lập biên bản, nhưng các quan huyện như điếc, dân đành làm và ký với nhau. Mấy ngày nằm ở bệnh viện, không có bóng một ai của huyện đến thăm hỏi, chỉ có CA đến gặp em trai nạn nhân đe doạ: “định ăn vạ bệnh viện à, sao không đến đón về” (ông này đang khai thác đá tại địa phương, nên rất sợ chính quyền các cấp làm phiền hà, chiều 17.4.2009 đón chị về nhà, ông còn hứa với các quan là gia đình sẽ không khiếu nại gì)!!!

Sau gần 4 ngày nằm điêù trị tại bệnh viện, nạn nhân phải ra viện trong tình trạng sức khoẻ vô cùng yếu kém. Về tới nhà, chính quyền vẫn im lặng, đừng không được, nạn nhân đành viết đơn để kính xin đèn trời soi xét (xem Biên bản hiện trường, và Đơn của nạn nhân ở cuối bài)

Dựng một Cây Thánh Giá tại khu mộ tập thể Hài Nhi của giáo xứ trên một quả núi thuộc quyền quản lý của giáo xứ Đồng Chiêm đã bao đời nay là một việc rất hợp đạo lý, nhẽ ra chính quyền, mặt trận, ban tôn giáo các cấp phải động viên ủng hộ, vì đây là một việc làm hợp lòng dân... nhưng tiếc thay chính quyền lại dùng đao to, búa lớn nhằm hình sự hoá việc này, nào là: Cây Thánh Giá làm ảnh hưởng tầm nhìn quốc phòng! nào là xây dựng không phép, trong khi ở nông thôn hầu như làm gì có ai xin phép, trừ việc sửa chữa, xây dựng lại các nhà thờ bị đổ nát!!! Chính quyền yêu cầu giáo dân phải tuân thủ luật pháp, trong khi cán bộ đánh dân ngay trong trụ sở UBNN huyện, trước mặt CA huyện và giáo dân giáo xứ Đồng Chiêm thì không thấy quan huyện nào thực thi pháp luật, mà việc này là phạm pháp công khai, CA có quyền bắt tạm giam ngay hung thủ theo như luật pháp đã qui định.

Giáo dân Đồng Chiêm đi làm ăn các nơi. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” nên các điều bị nhồi sọ bao năm, nay dần dần được hiểu ra. Suy ra thì các quan địa phương lĩnh những đồng lương từ tiền thuế của dân cũng phải thay đổi tư duy, tôn trọng nhân dân, nên nhớ câu “dân giầu nước mạnh” quên đi quan hệ “xin cho” trong giao tiếp với nhân dân. Các quan phát động phong trào “học tập và làm việc theo gương Bác Hồ” nhưng các quan có chịu học không, hay chỉ phát động thôi, nên quan hệ ở nông thôn chẳng thay đổi là mấy.

Buồn lắm thay, hơn nửa thế kỷ qua rồi mà chỉ quen nói mà không quen làm, ai cùng biết vậy, mà không ai dám nói, vì nói ra thì quan có thể mất chức, dân có thể lâm chốn lao tù, hoặc tán gia bại sản như trường hợp Luật sư Lê Trần Luật trong vụ 8 nạn nhân Thái Hà.

Sau đây là Biên Bản giáo dân Đồng Chiêm làm tại hiện trường









Đơn soạn thảo Khiếu Nại của bà Bạch Thị Lưu sẽ gửi chính quyền Huyện