HÀ NỘI (TH) - Theo Phó Chủ Tịch Hội Ðồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc Nguyễn Văn Thảo, dù đã động viên nhiều luật sư giỏi tham gia ban chấp hành Liên Ðoàn Luật Sư nhưng họ “từ chối vì bận công việc.”

Báo điện tử VietNamNet tường thuật như vậy nhân có cuộc họp chuẩn bị cho việc thành lập “Liên Ðoàn Luật Sư” toàn quốc.

Lời than phiền này ám chỉ sự tẩy chay của giới luật sư tại Việt Nam trước các áp đặt của đảng và nhà nước CSVN đối với một tổ chức chuyên môn là hoạt động trên nguyên tắc là độc lập với guồng máy công quyền và guồng máy đảng.

Lời than phiền của Nguyễn Văn Thảo đưa ra trong cuộc họp báo ở Hà Nội ngày Thứ Sáu về việc sắp sửa tổ chức “Ðại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất từ 10 Tháng Năm đến 12 Tháng Năm tới” và dẫn tới sắp xếp ghế cho những người cầm đầu.

Chuẩn bị cho đại hội đó, chế độ Hà Nội đưa người vốn không thuộc giới luật sư chuyên nghiệp vào nắm tổ chức “lâm thời” mà Luật Sư Ðoàn Sài Gòn tẩy chay nói làm như vậy là áp đặt, là trái luật.

Ba người đó là Lê Thúc Anh, nguyên phó chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao được “cơ cấu” làm chủ tịch lâm thời tổ chức luật sư toàn quốc. Hai phó chủ tịch là nguyên vụ trưởng Vụ Bổ Trợ Tư Pháp, Bộ Tư Pháp Nguyễn Văn Thảo và nguyên phó ban nội chính trung ương Trần Ðại Hưng. Hai người sau này cũng là những người được “cơ cấu” vì là những đảng viên CSVN được tin cậy.

Cái đại hội sắp được tổ chức đó, thay vì do các luật sư bầu cử trực tiếp các người cầm đầu thì cũng lại được Bộ Tư Pháp CSVN “cơ cấu” để 91 đại biểu bầu lấy theo kiểu “đảng cử đại biểu bầu.”

Nguyễn Ðăng Trừng, thủ lãnh Luật Sư Ðoàn Sài Gòn đã lên tiếng phản đối rằng đó là sự áp đặt và trái luật. Vì vậy, ông gửi thư cho Bộ Tư Pháp CSVN thông báo cá nhân ông cũng như Luật Sư Ðoàn Sài Gòn sẽ không cử đại biểu tham dự.

Giữa Tháng Bảy năm ngoái, “Ban chỉ đạo Ðại Hội Ðại Biểu Luật Sư Toàn Quốc” thông báo quyết định không cho ông Trừng rút tên khỏi “hội đồng.” Tuy nhiên, ông Trừng “tái khẳng định” quyết định của mình bằng cách gửi một văn thư cho bộ trưởng tư pháp nêu các lý do chống đối.

“Ðây là một tổ chức nghề nghiệp nên quá trình bầu cử phải dân chủ. Chủ tịch liên đoàn phải do tất cả các đại biểu bỏ phiếu bầu. Thực tế lại không được như vậy.” Ông viết.

Cách xếp đặt để nắm đầu đám luật sư cả nước là, kỳ đại hội này sẽ bầu ra một ban lãnh đạo gồm hội đồng luật sư toàn quốc với 91 thành viên, bầu ra ban thường vụ và các vị trí chủ chốt như chủ tịch, phó chủ tịch liên đoàn luật sư, tổng thư ký... Tất cả đều được chế độ Hà Nội “cơ cấu” sẵn mà các đại biểu tại đại hội chỉ “nhất trí.”

Người ta nhìn thấy những người như Lê Thúc Anh được “cơ cấu” “lâm thời” bây giờ, tuy không làm luật sư ngày nào và cũng đã bị Luật Sư Ðoàn Sài Gòn từ chối cho gia nhập vì không đủ tiêu chuẩn như Luật Luật Sư qui định, sẽ là người nhìn thấy sẽ cầm đầu cả cái liên đoàn sắp ra đời.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài RFA trước đây, ông Ðoàn Viết Hoạt nói ông bị bỏ tù mấy chục năm trước trong một phiên xử do Lê Thúc Anh làm thẩm phán. Ông này cũng từng làm thẩm phán xử một số người đấu tranh dân chủ khác như ông Nguyễn Ðan Quế. Họ bị vu cho tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” với các bản án nặng nề.

Trong một bài báo hồi Tháng Tám năm ngoái, VietNamNet loan tin giới luật sư đã bị đám quan quyền của tòa án “hành” và không được đối xử đúng luật. Một luật sư yêu cầu giấu tên nói với Người Việt rằng, muốn kiếm tiền nhiều và dễ dàng bằng nghề luật sư ở Việt Nam cách tốt nhất là “chạy án” tức ăn chịu với thẩm phán và công an tư pháp.

Hà Hùng Cường, bộ trưởng tư pháp nhìn nhận ngày 28 Tháng Chín, 2008 qua một bản tin của VietNamNet: “Vẫn còn trường hợp cơ quan điều tra địa phương gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của luật sư, thậm chí ngay trong xét xử án vẫn chưa có nhiều cơ hội cho luật sư nêu rõ quan điểm lập luận của mình, chưa thực sự thể hiện vai trò của luật sư trong các vụ án hình sự.”

Ngày 5 Tháng Mười Một, 2007, thông tấn xã chính thức CSVN đưa tin Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước CSVN trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Nhật Bản Asahi đã nói rằng CSVN “Ðiều chỉnh hệ thống luật pháp phù hợp với luật quốc tế.”

Nhưng tới nay, những gì đang xảy ra cho thấy hoàn hoàn ngược lại. Vụ bỏ tù các người đấu tranh dân chủ, vụ xét xử giáo dân Thái Hà, vụ cấm cản và rút giấy phép của văn phòng luật Pháp Quyền của Luật Sư Lê Trần Luật chứng tỏ lời nói và việc làm của chế độ Nguyễn Minh Triết “không phù hợp với thông lệ quốc tế.”

Theo các con số gần đây, Việt Nam có 1,500 văn phòng và công ty luật với 5,334 luật sư. Như vậy, tỷ lệ luật sư ở Việt Nam là 1/20,000 người dân, trong khi ở Mỹ, con số này là 1/250 và Singapore là 1/200.

(Nguồn: Người Việt Online, Friday, April 10, 2009 )