Washington DC (CNA) - Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Quốc Hội Hoa Kỳ, người tự xem mình là “người Công Giáo hăng hái, tích cực”, đã lặp lại lần nữa sự ủng hộ của bà tài trợ ngân qũy cho việc nghiên cứu tế bào gốc phôi thai (ESCR).

Bình luận của bà được đăng trên tờ International Herald Tribune, nói về các đề xuất của phe Dân Chủ đề nghị tiến hành xây dựng luật cho việc tài trợ ngân quỹ nhằm đảo lộn các chính sách mà chính phủ Tổng Thống Bush đã thiết lập. Bà cho hay: "Bản thân tôi sẽ ủng hộ dự luật, để nó trở thành luật".

Theo California Catholic Daily, Chủ tịch Hạ viện Pelosi, một đảng viên Dân Chủ San Francisco, đã bị các giám mục và những người Công Giáo khác chỉ trích vì bình luận gây hiểu lầm của bà về Giáo Huấn của Giáo Hội và trách nhiệm đạo đức đối với sự sống của các hài nhi chưa được sinh ra. Trong một trả lời phỏng vấn của Bà hồi tháng Tám, 2008 với Meet the Press, bà nói rằng thời điểm mà sự sống bắt đầu là "một vấn đề gây tranh cãi" qua lịch sử của Giáo Hội.

Về vấn đề này, nổi bật trong số các giám mục khác, Đức Hồng y Justin Rigali của Ủy ban các Hoạt động Phò Sự Sống, và Đức Giám Mục William Lori của Ủy Ban Giáo lý, Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố chung nói rằng Chủ tịch Hạ viện "đã xuyên tạc lịch sử và bản chất của giáo huấn đích thực của Giáo Hội Công Giáo chống phá thai".

Vào tháng Chín năm ngoái, Đức Tổng Giám Mục George Niederauer của San Francisco đã mời Chủ tịch Hạ viện Pelosi để trò chuyện với ngài về đức tin Công Giáo của bà và quan điểm của bà trái ngược với Giáo huấn Công Giáo. Ngài cho hay: "Hãy để chúng tôi cùng nhau cầu nguyện để Chúa Thánh Thần soi dẫn chúng tôi hướng đến sự hiểu biết sâu sắc và đánh giá đúng đắn về sự sống con người, và hướng đến giải quyết những khác biệt này trong sự thật, bác ái và hòa bình". Hiện chưa có bất kỳ tin tức nào liên quan đến việc liệu Bà Pelosi có trò chuyện với Đức Tổng Giám Mục hay không.

Phát biểu mới nhất của Pelosi nghiên cứu tế bào gốc phôi thai trong bối cảnh Quốc Hội và chính phủ Obama tới đây được mong đợi sẽ bãi bỏ những hạn chế về tài trợ ngân qũy cho nghiên cứu.

Vào năm 2001, Tổng thống George W. Bush đã ký một sắc lệnh cấm dùng ngân qũy liên bang tài trợ cho nghiên cứu tế bào gốc phôi thai, ngoại trừ 60 dòng tế bào gốc từ phôi thai hiện có vốn đã bị phá hủy. Vào tháng Sáu năm 2007, một sắc lệnh khác cho phép Bộ Y Tế và Dân Sự Hoa Kỳ và Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ tài trợ ngân quỹ nghiên cứu tế bào gốc chỉ khi các tế bào là sản phẩm của các phương pháp mà không tạo ra phá hủy, hoặc gây tổn hại cho phôi thai người.

Tổng Thống Bush đã phủ quyết các đạo luật tài trợ ngân quỹ cho nghiên cứu tế bào gốc phôi thai vào các năm 2006 và 2007. Bào chữa cho quyền phủ quyết của mình vào năm 2007, Tổng Thống cho hay: "Nếu dự luật này trở thành luật, nó sẽ buộc người đóng thuế Hoa Kỳ - cho lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta - ủng hộ cho chủ tâm hủy diệt phôi thai người". Tổng thống nói thêm: "Tôi đã làm rõ với Quốc Hội và người dân Mỹ rằng tôi sẽ không cho phép quốc gia chúng ta băng qua lằn ranh đạo đức này"; "Hủy họai sự sống con người để gìn giữ sự sống con người là phi đạo đức -- và nó không phải là chọn lựa duy nhất trước mắt chúng ta".

Vào tháng Sáu, 2008, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã nhắc lại Giáo Huấn của Giáo Hội về nghiên cứu tế bào gốc phôi thai, trong đó nói rằng: "Việc lấy những 'tế bào gốc phôi thai' này liên quan đến chủ tâm giết chết người vô tội, một hành động phi đạo đức trầm trọng".

Liên quan đến vấn đề việc nghiên cứu tế bào gốc phôi thai, hôm 12/12/2008, Văn phòng Báo Chí Tòa Thánh Vatican đã công bố Huấn thị của Thánh bộ Giáo lý Đức tin mang tên “Dignitas Personae” (Phẩm giá con người) về các vấn đề liên quan đến đạo đức sinh học nhằm cập nhật những vấn đề mới cho Huấn thị "Donum vitae" (Hồng ân Sự sống - 1987).

Trong Phần thứ ba của Huấn thị: Những liệu pháp điều trị mới liên quan đến sự thao tác trên phôi thai và gia sản di truyền của con người, Huấn thị dạy rằng: “Việc nghiên cứu tế bào gốc phôi thai và những khả năng điều trị trong tương lai của chúng đã gợi lên mối quan tâm to lớn, dù là cho đến nay những nghiên cứu như thế đã không mang lại những kết quả mang tính hiệu quả, trái với việc nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành. Vì một số người cho rằng khả năng của những tiến bộ y khoa có thể đạt được kết quả từ việc nghiên cứu tế bào gốc phôi thai có thể bào chữa cho các hình thức khác nhau cho việc thao tác và phá hủy phôi người, nên một loạt các vấn đề đã nổi lên trong lĩnh vực liệu pháp gien, từ nhân bản vô tính đến việc sử dụng các tế bào gốc, vốn đòi hỏi một sự nhận thức sâu sắc lưu tâm đến đạo đức”. (số 24)