Trong tương lai gần, Việt nam phải nhập khẩu cô dâu !!! Đó là kết luận sau mục thời sự về tình hình dân số hiện nay của Việt Nam.

Chương trình thời sự tối ngày 26 tháng 12 năm 2008 trên màn ảnh nhỏ cho biết rằng tỷ lệ tăng dân số của Việt Nam đang ở tình trạng báo động, tình trạng tăng đột biến so với những năm khác. Bên cạnh cái tỷ lệ tăng đột biến đó còn có một nỗi lo đó là tỷ lệ giữa trẻ sơ sinh nam và nữ. Chẳng hiểu người ta nhìn nhận vấn đề thế nào để rồi ngày hôm nay người Việt nam nói riêng đã chọn cho mình là con trai chứ không phải là con gái. Chẳng hiểu tại sao ngày nay người ta thích con trai hơn con gái, vì có người lý luận rằng có con gái thì gia đình phải lo lắng, phải vất vả hơn khi có con trai. Cái lý luận vô cùng lệch lạc này đáng tiếc là đang lan nhanh trong xã hội.

Từ suy nghĩ, từ quan niệm như vậy người ta sẽ loại bỏ từ trong trứng nước những trẻ con là gái. Vì chọn là trai nên các bậc làm cha làm mẹ trẻ ngày hôm nay bỗng dưng trở thành những kẻ sát nhân không gớm tay.

Nhớ lại thời xa xưa, tuy nghèo, tuy còn thiếu thốn đủ thứ đủ chuyện nhưng nào có chuyện phá thai như bây giờ. Ngày xưa, bà mẹ cứ mang thai và vui vẻ hân hoan đón mừng đứa trẻ trong bụng mình chào đời bất luận gái trai. Ngày hôm nay khoa học phát triển hơn ngày xưa, lẽ ra họ tận dụng việc phát triển ấy để chăm sóc cho thai nhi, cho bà mẹ được tốt nào ngờ họ dựa vào sự phát triển ấy để huy hoại mầm sống của con người. Ngày nay, xã hội phải đương đầu với biết bao nhiêu đau đớn do việc phá thai gây nên. Nào là bể kế hoạch, nào là không đủ khả năng kinh tế, nào là có con ngoài ý muốn nay lại thêm chuyện phá thai do có con “không theo ý muốn” của cha mẹ nữa ! Qúa nhẫn tâm khi chối bỏ những sinh linh bé bỏng vô tội.

Nói gì thì nói, vệt nước mắt lăn tròn trên gò má của những người con gái nghèo ở các vùng quê trên mọi miền đất nước vẫn còn đó do việc lấy chồng ngoại. Lấy chồng ngoại nói thẳng ra đa phần do lý do kinh tế chứ mấy ai có được tình yêu. Ngay như đồng ngôn ngữ, đồng văn hoá mà còn không biết bao nhiêu đôi đổ vỡ, bao nhiêu đôi chia xa. Những vùng quê nghèo vẫn còn đó tiếng kêu ai oán của những cô dâu bị những người chồng là Hàn, Trung … ngược đãi. Hiếm hoi lắm được vài gia đình khá hơn một chút khi gia đình có con lấy chồng ngoại, còn phần lớn chỉ là đau thương tổn thất.

Nếu theo tình hình dự báo ngày hôm nay mà không giáo dục một ý thức hệ quân bình thì chỉ ít lâu nữa thôi Việt nam phải dối diện với một khó khăn vô cùng to lớn. Đất nước chậm phát triển, đất nước nghèo làm sao mà có đủ tiền để “nhập khẩu cô dâu” ? Chẳng lẽ lại nhập khẩu từ Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonêsia, Hàn Quốc … ? Làm gì có tiền “nhập khẩu cô dâu” khi nền kinh tế của những nước đó ngày càng phát triển. Những cô dâu nước ngoài có đời sống kinh tế ổn định và phát triển thì họ chẳng dại gì về làm dâu ở một đất nước mà tỷ lệ lạm phát cũng như tham nhũng leo thang đến chóng mặt.

Một nghiên cứu gần đây thôi, 100 năm nữa không biết Việt nam có theo kịp anh chàng Indônêsia hay không ? Cứ thực lòng, nhìn vào tận đáy lương tâm xem Việt nam phát triển được bao nhiêu ? Có chăng chỉ là những cái vỏ bọc tô son trát phấn bên ngoài thôi còn bên dưới thì quá nhiều người lâm vào cảnh nghèo khổ túng cực. Tình hình kinh tế của đất nước sẽ trả lời một cách hết sức trung thực vào năm 2009 cũng như những năm tới.

Mới nhìn đến khía cạnh kinh tế thôi ta đã thấy có biết bao nhiêu bất cập, bao nhiêu hậu quả. Bên cạnh đó còn có yếu tố ngôn ngữ, văn hoá. Vợ chồng lấy nhau nhưng bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hoá thì khó có thể tìm được tiếng nói chung chứ đừng mong gì hạnh phúc.

Đó là những khía cạnh nổi thôi, còn bên dưới chuyện phá thai do “không theo ý muốn” nó làm băng hoại nền luân thường đạo lý của con người. Những bé gái nói chung có mang tội gì đâu mà bị cha mẹ chúng giết chết trước khi chúng mở mắt chào đời ?

Ông bà ta vẫn thường nói “nghèo cho sạch – rách cho thơm”, Việt nam vốn đã nghèo mà chẳng còn thơm nữa. Vì lẽ đi đâu ta cũng thấy người ta ủng hộ cho việc phá thai, nay lại còn phá nhiều hơn khi có những đứa trẻ chuẩn bị chào đời nhưng không theo ý muốn của cha mẹ. Lẽ ra nghèo nhưng còn giữ được cái luân thường đạo lý, đàng này nghèo mà coi luân thường đạo lý chẳng ra làm sao hết thì ăn làm sao nói làm sao với Ông Trời !