Tokyo (Zenit.org) – Các vị giám mục Nhật bản nhận định rằng nếu người ta không xem xét đến vấn đề đối với những kẻ bị đặt ra bên ngoài lề, sẽ tự đặt mình vào hàng ngũ những người coi việc vi phạm nhân quyền là một tình huống không thể tránh khỏi.

Đó là phát biểu được công bố trong một bản thông cáo đánh dấu ngày kỷ niệm năm thứ 60 Bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, được tường trình trên báo L'Osservatore Romano của Tòa thánh hôm nay.

Các ngài viết: “Nỗi khổ cực về kinh tế là mối đe dọa cho hòa bình thế giới, và sự áp dụng cứng ngắc các luật lệ của thị trường mà không được luân lý chỉ đạo, là một trong những nguyên nhân chính gây ra mối nhục nhã cho phẩm giá con người. Để bảo đảm cho hòa bình trên thế giới, điều khẩn thiết là phải “đảm bảo cho mọi người -- nhất là trong không khí bất ổn hiện nay gây ra bởi cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới -- sự thực thi nhân quyền, giải thoát con người khỏi tình trạng khổ cực.”

Các vị giám mục công nhận “con đường dài lâu và quan yếu” đã trải qua sau hai cuộc thế chiến, và các nỗ lực của những cá nhân cũng như các tổ chức trong công tác triển dương và bảo vệ nhân quyền.

Tuy nhiên, các ngài khẳng định rằng “đã xảy ra tình trạng phân phối không đồng đều của cải, và hậu quả là sự phân phối không đồng đều các quyền lợi, đã làm gia tăng những khoảng cách khác biệt giữa các quốc gia giầu có và các nước nghèo.”

Các vị giám mục Nhật cùng nhận định rằng đã có một thứ lý luận vô nhân được sử dụng trên thị trường, đã “gây ra những tai hại trầm trọng như làm hư hoại môi trường và làm thay đổi khí hậu” cũng như làm gia tăng giá cả nhiên liệu và thực phẩm.

Đó là một hậu quả của “những luật lệ thương trường vô lương tâm, làm cho tình trạng sinh sống của rất nhiều người nghèo khổ trên thế giới càng thêm khốn khổ hơn, gây nguy hại cho quyền căn bản là được sống.”

Các ngài cảnh báo: “Nếu những cá nhân, tổ chức thương mại và các quốc gia tiếp tục tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình, phẩm giá con người sẽ bị chà đạp và thế giới sẽ càng trở nên bạo động và dị dạng hơn” trong khi đó, các nạn nhân “dễ dàng trở thành con mồi cho những cám dỗ của bạo lực.”

“Đừng để mất thời gian nữa. Nếu chúng ta không tự tạo cho mình một quan điểm riêng đối những kẻ bị đặt ra ngoài lề, thì cả chính chúng ta nữa, dù không có ác ý, chung cuộc cũng sẽ đặt mình về phía những kẻ nói rằng một mức độ vi phạm nhân quyền nào đó, là điều không thể tránh được.”