Phỏng vấn tân Dân Biểu Cao Quang Ánh và vợ Hoàng Phương Hiếu

Trần Đình Liệu, PV VietCatholic tại New Orleans

Chúng tôi được dịp trò chuyện và phỏng vấn tân Dân Biểu Cao Quang Ánh và chị Hoàng Phương Hiếu trong một bữa cơm đầm ấm với bạn bè. Chúng tôi hỏi rằng báo Times-Picayune đã viết các Cộng Đồng Việt-Nam, nhất là các CĐ lớn ở California và Texas rất ngạc nhiên khi được tin anh thắng cử, có phải vì họ không biết anh ra tranh cử? Anh Ánh cho biết "Họ có biết, nhưng tôi cho họ biết khá trễ vì tôi còn phải chờ đợi coi đối thủ của mình là ai. Tôi biết ngày bầu cử 4 tháng 11 đảng Dân Chủ đi bỏ phiếu để tuyển chọn ứng viên đương đầu với tôi. Lúc đó tôi mới biết đối thủ của mình là Dân Biểu lão thành đương nhiệm William Jefferson. Vì thì giờ cũng quá ít, chỉ có 4 tuần, nên các Cộng Đồng Việt-Nam khác cũng không kịp thời vận động."

Gia đình DB Cao Quang Ánh
Khi hỏi về câu tuyên bố của thủ lãnh đảng Cộng Hoà tại Hạ Viện ông John Boehner rằng "Chiến thắng của ông Cao là một biểu tượng tương lai của chúng ta", thì anh Ánh trả lời rằng "Tôi cũng hy vọng như vậy. Một mục đích khiến tôi ra tranh cử là nhằm khuyến khích giới trẻ Việt-Nam tham gia vào chính trường nhiều hơn. Sự thắng cử của tôi, hy vọng trong tương lai sẽ là bước dẫn đường cho giới trẻ Việt-Nam vào chính trường. Câu tuyên bố đó cũng rất khó đoán, nhưng tôi hy vọng sẽ có thể thành đạt.”

TĐL: Báo Times-Picayune viết rằng, “Ngôi sao sáng của đảng Cộng Hoà năm nay là Ông Cao chứ không phải bà Palin”, xin anh cho biết cảm nghĩ về điều này.

DB Cao Quang Ánh: Báo Times-Picayune là tờ báo địa phương, tôi nghĩ họ viết như thế vì ảnh hưởng của bà Palin không mạnh bằng người đại diện cho khu vực này. Ảnh hưởng của bà chỉ có hiệu quả ở tiểu bang Alaska mà thôi chứ không gây ảnh hưởng nhiều ở địa hạt vùng New Orleans. Đồng thời, tôi nghĩ họ viết như thế vì hơn 100 năm nay, Dân Biểu ở đơn vị này thuộc đảng Dân Chủ, cuộc thắng cử của một người đảng Cộng Hoà gốc Việt-Nam là một việc khác thường đáng nói.

TĐL: Trong bài diễn văn đêm thắng cử, anh đã kêu gọi giới trẻ Việt Nam tham gia vào việc đấu tranh cho một nước Việt-Nam dân chủ, xin anh cho biết thêm cảm nghĩ về lời kêu gọi này.

DB Cao Quang Ánh: Tôi dùng câu "work peacefully", có thể dịch là làm việc một cách ôn hoà. Hiện nay chính phủ Việt-Nam vẫn đàn áp nhân quyền. Người Việt-Nam ở quê nhà không có tự do trong vấn đề tập họp, tôn giáo, v.v… Tôi muốn kêu gọi sự hợp tác của giới trẻ nói riêng và tất cả người Việt-Nam tại hải ngoại để vận động và đưa ra các Dự Luật để áp lực chính quyền Việt-Nam thay đổi lập trường hầu Việt-Nam có thể trở thành một nước quốc gia tôn trọng nhân quyền.

TĐL: Cũng trong tư tưởng đó, thưa anh, Tín Hữu các tôn giáo nói chung và Công Giáo ở Việt-Nam nói riêng, đặc biệt là ở miền Bắc, đang bị nhà cầm quyền Việt-Nam đàn áp. Mới đây nhất là các vụ xảy ra tại Toà Khâm Sứ và Thái Hà. Trong cương vị một dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ, anh có dự định nào để kêu gọi nhà cầm quyền Việt-Nam tôn trọng nhân quyền và tự do tín ngưỡng không?

DB Cao Quang Ánh: Dân Biểu Christopher Smith và một vài người khác đang đưa ra Dự Luật Nhân Quyền Việt-Nam. Hôm nay tôi đã có dịp thảo luận về vấn đề này với họ. Trong tương lai tôi dự định sẽ làm việc với họ và Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện để đệ trình những Dự Luật bảo vệ nhân quyền không những chỉ cho Việt-Nam mà cho tất cả các quốc gia khác trên thế giới đang thiếu hay không có sự tôn trọng nhân quyền và tôn giáo. Riêng về Việt-Nam, tôi sẽ làm việc với ông Smith và Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện để vận động cho Dự Luật Nhân Quyền Việt-Nam được thông qua nhằm áp lực nhà cầm quyền Việt-Nam tôn trọng nhân quyền và tự do tín ngưỡng.

Anh Ánh giúp con làm dấu Thánh giá trong nhà thờ
TĐL: Anh là một cựu Chủng Sinh được đào luyện trong Dòng Tên 6 năm, như thế niềm tin Tôn Giáo của anh có ảnh hưởng đến quan điểm chính trị hay không?

DB Cao Quang Ánh: Cái đó thì tôi chắc chắn là phải có. Đường hướng và lập trường của con người thường chịu ảnh hưởng bởi đức tin của người ấy. Nói chung thì sự huấn luyện, chương trình học vấn và kinh nghiệm sống cùng với đức tin thường tạo nên ảnh hưởng đến đường lối chính trị của họ.

TĐL: Anh có dự định tham gia vào nhóm Congressional Caucus on Viet Nam (Nhóm Tham Vấn Việt-Nam tại Quốc Hội) không?

DB Cao Quang Ánh: Thưa có, nhưng hiện thời thì tôi chưa biết rõ đường hướng của nhóm này nên tôi cần phải tìm hiểu nhiều hơn trước khi hợp tác với họ.

TĐL: Thưa anh, Đài BBC Luân Đôn đã công bố rằng “Giấc Mơ Hoa Kỳ cũng đã đến với cộng động Việt-Nam. Joseph Cao sẽ là tiếng nói đầy quyền lực tiêu biểu cho ý nguyện của người Việt-Nam tại quốc hội Hoa Kỳ.” Xin anh cho biết cảm nghỉ về lời tuyên bố này cùng chia sẻ tâm tình với quý Đồng Hương?

DB Cao Quang Ánh: Tôi thiết nghỉ lời công bố "Giấc mơ Hoà Kỳ đã đến", "American dream has arrived", thật đúng. Đối với một người sinh trưởng ở Việt-Nam và lớn lên trong xã hội Hoa Kỳ, giấc mơ đắc cử vào Quốc Hội Hoa Kỳ là một mơ ước lớn. Mơ uớc này giờ đã thành tựu nhờ sự giúp đỡ của nhiều người nhất là nhờ đức tin và sự quan phòng của Chúa. Có rất nhiều yếu tố phải xảy đến như ý thì mới mang lại thắng lợi trong cuộc bầu cử này. Tôi tin rằng nếu chỉ có sức con người thì khó mà thành đạt được. Tôi hy vọng "Giấc Mơ Hoa Kỳ" này sẽ là bàn đạp cho những giấc mơ của người Việt-Nam khác hầu khuyến khích họ tham gia nhiều hơn vào việc chính trị trong tương lai.

Theo tôi, cuộc thắng cử này không phải chỉ là thành công riêng cho tôi mà là cho cả Cộng Đồng Việt-Nam tại Hoa Kỳ. Tôi không biết mình sẽ có cơ hội để làm việc trong Quốc Hội lâu dài nhưng tôi mong ước sự thắng cử này sẽ là một động cơ thúc đẩy người Việt khác tham gia và lãnh vực này nhiều hơn. Cộng Đồng Việt-Nam tuy ở Hoa Kỳ đã hơn 30 năm nhưng hoạt động chính trị rất yếu. Theo ý kiến của tôi để Cộng Đồng có thể tiến mạnh và phát triển về mọi mặt chúng ta bắt buộc phải tham gia vào lãnh vực chính trị nhiều hơn. Để có thể giúp Việt-Nam một cách tích cực hơn chúng ta phải có chân đứng vững vàng trong lãnh trường này. Nếu chúng ta chỉ biết biểu tình mà không tạo nên một thế đứng mạnh trong nghành Lập Pháp thì thành quả không thể hữu hiệu được.

Còn ý tưởng thứ hai của lời thông báo là "tiếng nói đầy quyền lực..." , việc tối quan trọng của tôi là chu toàn bổn phận của người đại diện trong Quốc Hội của Địa Hạt 2 thành phố New Orleans. Là một người Mỹ gốc Việt tôi có bổn phận phải đề cập đến vấn đề nhân quyền và đàn áp tôn giáo tại quê nhà. Nhưng tôi mong Cộng Đồng Việt-Nam hiểu rằng tôi chỉ là 1 trong 435 Dân Biểu Hạ Viện. Ý muốn của tôi là nêu lên nguyện vọng của Cộng Đồng Việt-Nam nhưng xin hiểu rằng các Dân Biểu khác trong Quốc Hội cũng có mục đích riêng để phục vụ cử tri của họ. Tôi sợ rằng Cộng Đồng Việt-Nam đặt quá nhiều kỳ vọng ở nơi tôi. Họ cần phải thực tế và hiểu rằng trong Quốc Hội có 435 Dân Biểu Hạ Viện và 100 Dân Biểu Thượng Viện. Khi đắc cử vào Quốc Hội thì tiếng nói của tôi có trọng lực hơn nhưng tôi vẫn phải cần sự cộng tác của nhiều Dân Biểu khác để đạt được kết qủa mong muốn.

Phỏng vấn chị Hoàng Phương Hiếu

TĐL: Thưa chị Hiếu, có một câu nói rất hay “Đứng sau người đàn ông thành đạt bao giờ cũng có bóng dáng người đàn bà” . Sự thành đạt của anh Ánh chắc chắn đã có bóng dáng và sự hỗ trợ đắc lực của chị, thưa chị có đúng vậy không?

Anh chị Trần Đình Liệu và anh chị Cao Quang Ánh
Chị Hiếu: Nếu em không đồng ý thì anh Ánh đã không ra tranh cử. Em cảm thấy Cộng Đồng Việt-Nam mình không có tiếng nói, điều này đã thúc đẩy em khuyến khích chồng ra tranh cử kỳ này. Trong thời gian vừa qua em đã hy sinh nhiều để vận động cho chồng trong các Cộng Đồng nhất là Cộng Đồng Việt-Nam. Trong thời gian anh ấy tranh cử thì em vẫn đi làm, nuôi con và cố gắng giúp đỡ anh hết mình. Mục đích của chúng em là làm hết mình trước, và phó thác mọi sự còn lại vào tay Chúa. Nếu nguyện vọng này không thành đạt thì em cũng không buồn vì biết mình đã cố gắng hết sức mình.

TĐL: Thưa chị, anh chị có dự định đưa cả gia đình lên Hoa Thịnh Đốn không?

Chị Hiếu: Anh Ánh có dự định đưa gia đình lên Hoa Thịnh Đốn, nhưng còn chờ cho hai cháu học xong niên học vì không muốn làm gián đoạn việc học của các cháu. Em cũng cần thời giờ để tìm hiểu khu vực sẽ đến ở, nhất là tìm trường cho con. Em muốn ở gần Cộng Đồng Việt-Nam để các cháu được học hỏi thêm văn hoá Việt-Nam. Em nghĩ các con sẽ học tiếng Việt tích cực hơn nếu em tìm được chương trình Giáo Lý bằng tiếng Việt Ngữ. Em hy vọng sẽ tìm được nơi ở vừa ý vào khoảng tháng 5.

TĐL: Tôi được biết chị là một Dược Sĩ làm ở nhà thuốc Walgreens nhưng chị đã xin nghỉ việc ngay sau khi anh Ánh đắc cử, vậy khi lên Hoa Thịnh Đốn chị có dự tính đi làm lại hay không?

Chị Hiếu: Vâng, em có bằng Dược từ Đại Học Xavier. Dự định đi làm lại còn tuỳ thuộc vào bổn phận làm mẹ và vợ. Trước khi thắng cử, anh Ánh có nhiều thời giờ hơn để giúp em với công việc thường ngày như đưa đón và dạy con làm bài buổi tối. Bây giờ em tin chắc anh sẽ phải dồn nhiều thời giờ hơn vào việc trong Quốc Hội. Em nghĩ em chỉ có thể làm bán thời gian thôi.

TĐL: Như thế chị muốn ở gần Cộng Đồng Việt-Nam?

Chị Hiếu: Ước nguyện của em là như thế. Em cũng muốn ở nơi nào thuận tiện cho cả gia đình. Em không muốn con mình quên đi ngôn ngữ và văn hóa Việt-Nam. Em muốn nói chuyện với con bằng tiếng Việt.

TĐL: Cám ơn anh chị đã tâm sự với chúng tôi hôm nay. Một lần nữa, chúng tôi xin hân hoan chúc mừng anh đã viết lên một trang sử mới qua sự thành đạt ngày hôm nay không những chỉ cho chính anh mà còn cho toàn thể người Việt-Nam trên đất Mỹ. Xin chúc anh chị và hai cháu một mùa Giáng Sinh an lành và tràn đầy Ân Sủng của Chúa và một Năm Mới thành công trên con đường mới.