Giáo xứ Thuận Nghĩa Bắc mừng Lễ Giỗ
Thánh Vũ Đăng Khoa lần thứ 160 (24/11/1838 – 24/11/2008)


Đêm 23/11/2008: Khác với tập quán thường năm, chiều ngày 23/11/2008 đoàn người lũ lượt tuôn về vây quanh mộ Thánh để 18 giờ 30 niệm hương kính Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa, Linh mục tiên khởi và là vị Thánh tử đạo của giáo xứ Thuận Nghĩa. Khoảng 5000 người chăm chú nuốt từng lời tiểu sử của vị anh hùng. Sau niệm hương là Thánh Lễ Đồng Tế mừng các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Thánh lễ kết thúc, cuộc cung nghênh Hài Cốt Thánh Vũ Đăng Khoa bắt đầu. Một cuộc rước hào hùng và tôn nghiêm. Đoàn người tham dự đã tăng lên gấp đôi.

Xem hình ảnh

Lòng thành kính dâng cao, tâm tình sốt mến như sôi lên. Sở dĩ như vậy là vì đã 3 tháng sống trong tâm tình cầu nguyện cho Tổng Giáo Phận Hà Nội và Giáo Xứ Thái Hà, nay họ càng bị thúc bách về đây tiếp tục cầu nguyện, cách riêng người Công giáo Hạt Thuận Nghĩa. Đoàn rước nối dài từ mộ Thánh Khoa về Nhà Thờ Xứ Thuận Nghĩa, kéo ra đường 1A, rồi vào sân vận động mang tên Ngài. Tại đây gần một vạn người đã tập trung vào biểu ngữ trên phong lễ đài: “Hãy cầu nguyện cho công lý và hòa bình” và một chương trình cầu nguyện rất sốt sắng và ý nghĩa.

Lời hướng dẫn buổi cầu nguyện như sau: Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các vị mục tử trong Giáo hội và đặc biệt Hội Đồng GM Việt Nam cho chúng ta thấy viễn ảnh của xã hội hôm nay (của quan điểm của HĐGM Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay, ngày 25/9/2008). Xã hội ngày càng phát triển, kỹ thuật ngày càng tiên tiến để phục vụ các nhu cầu của con người tốt hơn, nhưng những phát triển và kỹ thuật tiên tiến ấy lại làm cho con người cảm thấy bất an và âu lo hơn. Vì sao vậy ? Thưa, Vật chất có thể làm cho con người được vui thỏa và hưởng dùng những thành quả ấy hầu làm cho con người được hạnh phúc và an bình hơn. Thế nhưng, con người hôm nay lại sử dụng những thành quả ấy vào những tham vọng, ích kỷ cá nhân, đời sống đạo đức luân lý bị tha hóa, bất chấp công lý, mua-tham chức quyền, tranh dành danh vọng, say mê tiền của, vui thú bất chính.

Đứng trước những tệ nạn xã hội: như sự bất công và vô trách nhiệm ngày càng tăng; nền đạo đức gia đình ngày càng mai một, nền giáo dục càng ngày xuống dốc, gian lẫn, tham nhũng, bảo hành, tội phạm, nạn phá thai ngày càng nhiều; môi trường sống ngày càng ô nhiệm; sống vô lý tưởng, sống thực dụng, bất chấp đạo nghĩa càng tràn lan.

Phải chăng những thực trạng trên đây là do chính những tham vọng ích kỷ của con người ? Phải chăng con người đã và đang đánh mất niềm tin, lương tâm con người bị tha hóa, hòa bình và công lý bị nhận chìm làm cho con người hôm nay bất an, và âu lo hơn ?

Xin Chúa Thánh Linh đến đổi mới cõi lòng mọi người, biến đởi lòng người chúng con, đổi mới trái đất chúng con thành miền đất mới, thành những tâm hồn mới. Xin Thánh Linh thổi lên trong tâm hồn mỗi người chúng con niềm tin vào tình thương của Chúa và chiếu sáng ngọn lửa yêu mến của Chúa vào nơi tăm tối của cuộc đời chúng con, để chúng con biết đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Thật vậy, chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là dấu chứng của tình yêu và của sự tha thứ. Chính Tình Yêu của Chúa Giêsu mới là niềm an vui và hạnh phúc đích thực. Khi Tình Yêu Chúa ngự trị thì thái bình mới thịnh trị; hòa bình công lý mới giao duyên.

Công bố Tin Mừng (Mt 18, 19-20) xong, cộng đoàn được gợi ý suy niệm như sau:

Hai câu Phúc âm của Thánh Matthêu chúng ta vừa nghe nhắc nhở chúng ta cần thiết phải cầu nguyện, để có Chúa ở giữa chúng ta, liên kết chúng ta nên một. Tôi xin gợi ý 3 điểm sau đây:

a/ Chúng ta cần có những buổi cầu nguyện chung

Phụng vụ là chức năng của tập thể, là bí tích của hiệp nhất. Khi tập thể cầu nguyện cùng lắng nghe Lời Chúa, cùng ca tụng cảm tạ Chúa, thì cá nhân cảm nghiệm được biến chuyển nội tâm, thêm lòng sốt mến. Có thể nói lòng sốt mến của cộng đồng bù đắp, nới rộng cho lòng sốt mến của mỗi cá nhân. Đàng khác, khi cộng đồng hợp lại vì danh Đức Kitô thì có Thiên Chúa ở giữa họ, một sự hiện diện của người Cha làm an lòng con cái. Tất cả những biến cố lớn nhỏ trong đời sống cộng đồng là những cơ hội để cùng nhau tạ ơn và khẩn nguyện Thiên Chúa là Cha yêu thương đầy quyền năng, để cùng nhau tỏ lòng tin tưởng vào Người. Vì thế trong đời sống cộng đồng, những vui mừng và khó nhọc, hy vọng và u buồn, những kỷ niệm… Tất cả đều là dấu hiệu tình thương ưu ái của Thiên Chúa. Lời nguyện chân thành nhất của ta chính là cuộc sống của ta. Mỗi cuộc sống được coi như một lời mời gọi biểu lộ lòng yêu mến, hiếu thảo đối với Thiên Chúa, chính là khi biết thể hiện tình huynh đệ với nhau.

b/ Chúng ta cần có những sinh hoạt chung

Đó là những buổi họp chia sẻ, trao đổi, những sự chỉ bảo cho nhau, nhằm phát huy sự tương thân tương ái và tình huynh đệ hiệp nhất. Thánh Âugustinô nêu lên một châm ngôn cho thái độ phải có trong sinh hoạt cộng đồng: “nhất trí trong điều chính, tự do thương lượng nhau trong điều phụ, bác ái trong mọi sự.”.

c/ Chúng ta cần phát huy tinh thần hiệp nhất trong cộng đồng

Hiệp nhất là điều Đức Kitô tha thiết, là điểm nổi bật trong di chúc của Người. Đối với cộng đồng Công giáo, hiệp nhất là hồng ân của Thiên Chúa ban, cũng là kết quả của việc mọi người khắc phục những gì phân rẽ, như những dị biệt về cá tính, về tuổi tác, quan điểm, xu hướng…

Sự hiệp nhất đích thực của cộng đồng hệ tại sự hiệp nhất của tinh thần, tư tưởng, tình yêu với sự nâng đở của Chúa Thánh Thần. Một cộng đồng hiệp nhất thật sự là khi tất cả các phần tử trong cộng đồng đều có một ý tưởng, một quan điểm, một nguyện vọng trong Chúa Giêsu Kitô, đến nổi khi có ai đó thấy một người trong cộng đồng, thì cũng biết được những người kia nữa.

Để khắc phục những phân rẻ cần theo phương châm của Thánh Âugustinô: “phải có tinh thần đối thoại”. Thái độ của tinh thần đối thoại là cởi mở và biết lắng nghe với khối óc và con tim để chia sẻ quan điểm cảm nghĩ của nhau; là hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, để tạo hòa khí cho sự thông cảm, trao đổi, hòa hợp; là trong sáng và trung thực, không ác ý, thâm độc; là khôn ngoan bén nhạy để hiểu biết nhu cầu và hoàn cảnh của nhau… Cộng đồng có hiệp nhất thì mới thật sự trở thành một trợ lực, một ngọn đèn soi sáng sưởi ấm người khác.

Xem giữa các tiết mục suy niệm, cầu nguyện, chia sẻ... là những bài thánh ca giúp nâng tâm hồn lên.

Hôm nay giáo xứ Thuận Nghĩa dâng lời cầu nguyện với 5 ý chỉ như sau:

1. Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp cho các thành phần trong Hội Thánh, biết tôn trọng và sử dụng những giá trị Tin Mừng vào trong các tôn giáo và trong các nền văn hóa, để trình bày Tình Yêu của Chúa cho mọi người qua đời sống chứng tá của mình.
2. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hướng dẫn những nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới biết hiệp thông với nhau, để họ luôn đem công lý và hòa bình cho mọi người.
3. Lạy Chúa Thánh Thần, chỉ có sức mạnh của Ngài mới đem lại bình an đích thực cho thế giới, - xin cho chúng con nên những người kiến tạo hòa bình.
4. Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài là nguồn mạch của Tình Yêu, là Nguồn Sáng cho trần gian, - xin cho ánh sáng công lý bừng lên trên khắp mặt đất này, để dân Chúa được thấy cảnh thái bình thịnh vượng.
5. Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho tất cả chúng con đang tụ họp nơi đây, biết hiệp nhất và dùng mọi ân huệ Chúa ban, để phục vụ cho công lý và hòa bình.

Kết thúc buổi cầu nguyện, cộng đoàn hát Kinh Hòa Bình.

Sáng ngày 24/11/2008: 7 giờ 30 rước Bằng Khen Giáo Phận thưởng cho giáo xứ Thuận Nghĩa đạt giải nhất giáo lý năm 2007 – 2008, tại Quảng Trường Thánh Vũ Đăng Khoa.

Từ mờ sáng đoàn người tiếp tục tuôn về đây. Lượng người trước giờ khai lễ khoảng hơn hai vạn đủ các thành phần (có cả người không tin, trong đó có cả kẻ chống đối). Đức Giám Mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ tế Thánh Lễ.

Sau Phép Lành Kết Lễ, tất cả lại từ từ xếp vào đoàn, rước Hài Cốt Thánh Vũ Đăng Khoa về đền Thánh theo đường rước hôm qua. Kết thúc bằng bài hát Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Át-xi-di.

‘Xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi người. Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen’.