KHÁI QUÁT TIN MỪNG THEO THÁNH LU-CA

1. Lời tựa sách Tin Mừng

Chỉ Tin Mừng Lu-ca mới có lời mở đầu, giống như các sách Hy-lạp thời bấy giờ. Lời tựa gửi cho một người tên là Thê-ô-phi-lê. Ông này có vẻ là một nhân vật quan trọng. Sách Công Vụ Tông Đồ cũng mở đầu bằng một lời tựa và cũng gửi cho nhân vật này. Trong sách Công Vụ, tác giả mời nhân vật Thê-ô-phi-lê tham chiếu sách trước là sách Tin Mừng nói về mọi việc Đức Giê-su đã làm, và những điều Người đã dạy (1,1-2). Do đó, ngay từ sơ khai của Hội thánh, người ta đã kết luận sách Tin Mừng và sách Công Vụ đều có cùng một tác giả, Khoa chú giải Kinh thánh hiện nay cũng đồng ý như vậy, dựa vào sự đồng nhất của lời văn và ý tưởng trong hai tác phẩm cũng như ý định của tác giả. Sách Tin Mừng thì nhấn mạnh đến việc Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Người, còn sách Công Vụ thì nói về việc rao giảng mầu nhiệm này, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem cho đến tận cùng cõi đất.

Trong lời tựa, tác giả cho biết đề tài, phương pháp và mục đích của sách, đồng thời trình bày công cuộc rao giảng của Hội thánh ở giai đoạn đầu. Tác giả đã tham khảo kỹ lưỡng truyền thống của các nhân chứng tiên khởi, và muốn đem ra trình bày một cách có thứ tự. Như vậy, ông Thê-ô-phi-lê sẽ có một bài tường thuật chắc chắn về các sự kiện ông nghe nói.

Lu-ca đã tự giới thiệu theo cách thức một sử gia như những người viết sử thời bấy giờ. Tuy nhiên, sử đây là thánh sử chứ không phải sử thường, nghĩa là chú ý cho thấy rõ ý nghĩa của các biến cố đối với đức tin, môt đức tin được mầu nhiệm Phục sinh và mầu nhiệm của Hội thánh soi dẫn.

2. Lịch sử cứu độ trong cách bố cục sách Tin Mừng.

Sách Tin Mừng Lu-ca cùng trình bày một lược đồ chung như hai sách Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô: có phần nhập đề rồi đến việc Đức Giê-su rao giảng ở Ga-li-lê, đoạn lên Giê-ru-sa-lem hoàn tất sứ mạng trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Nhưng sách của Lu-ca được bố cục kỹ lưỡng, nhằm làm nỏi bật những thời và những nơi đáng ghi nhớ trong lịch sử cứu độ.

2,1 Phần nhập đề (1.5-4-13)

Phần này gồm hai tiết rất khác nhau: tiết I kể lại giai đoạn thơ ấu của Đức Giê-su (1,5-2,52). Chỉ Lu-ca mới có bài tường thuật này. Tác giả kể chuyện ông Gio-an Tẩy Giả và Đức Giê-su song hành với nhau và đặt ông Gio-an ở vị trí tùy thuộc Đức Giê-su. Lu-ca trình bày Đức Giê-su được thụ thai bởi phép Thánh Thần và là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế và là Đức Ki-tô (2,11), là ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho loài người, là ánh sáng cho muôn dân nhưng sẽ bị đồng bào mình khước từ. Đặt ỏ đầu Tin Mừng, những lời khẳng định này thật là một bài tựa rất chí lý về Đức Ki-tô sánh được với bài tựa trong sách Tin Mừng theo thánh Gio-an.

Tiết II mở đầu sứ vụ của Đức Giê-su (3,1-4-4,13) Cũng như Mát-thêu và Mát-cô, Lu-ca nói đến sứ vụ của Ông Gio-an Tẩy giả, đến phép Rửa tại sông Gio-đan và cơn cám dỗ trên rừng vắng, nhưng phân biệt rõ thời của ông Gio-an Tẩy Giả với thời của Đức Ki-tô. Lu-ca nhấn mạnh đến trường hợp Đức Giê-su được Chúa Cha tấn phong làm Đấng Mê-si-a và nói tới tổ phụ A-đam để chứng tỏ Đức Giê-su gắn liền với toàn thể nhân lọai.

1,2 Phần I của sứ vụ Đức Giê-su (4,13-9,50)

Lu-ca đặt tất cả phần này ở Ga-li-lê (23,5; Cv 10,37) khác với Mát-thêu (15,21; 16,13) và Mác-cô (7,24.31; 8,27). Mở đầu là bài giảng của Đức Giê-su trong hội đường Na-da-rét, rồi đến các phép lạ và các lời dạy dỗ các môn đệ. Sau đó, tiết I (4,31-6,11) theo khá sát thứ tự bài tường thuật của Mc (1,16-3,6). Ở đây thấy nói đến cuộc tiếp xúc của Đức Giê-su với dân chúng, với các môn đệ lớp đầu, và với các thù địch qua các phép lạ và các cuộc tranh luận.

Tiết II (6,12-7,52) theo bài tường thuật của Mác-cô (4,1-9,50) nhưng không có đoạn nào tương đương với Mc 6,45-8,26 và kết hợp chặt chẽ Nhóm Mười Hai vào sứ vụ của Đức Giê-su. Nhóm này là những người được biết các mầu nhiệm về Nước Thiên Chúa, được sai đi để công bố Nước Thiên Chúa đã đến, được tích cực tham gia vào việc làm cho bánh hóa ra nhiều.

1,3 Cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem (9,51-19,28)

Phần này được trình bày độc đáo nhất. Một số lớn những điều nói trong phần này đã thấy nói rải rác trong Mát-thêu.

Lu-ca mở đấu bằng một câu long trọng, hướng cuộc hành trình về biến cố Vượt Qua. Trong suốt phần này, lời giảng trội hơn các phép lạ và lời khuyên trội hơn lối trình bày về mầu nhiệm Đức Ki-tô.

1,4 Phần thứ ba trong sú vụ của Đức Giê-su (19,29-24,53)

Phần này kể lại công trình cứu chuộc được hoàn tất tại Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem là thành tiêu biểu cho cuộc đối đầu giữa Ít-ra-en và Đức Giê-su. Lu-ca nhấn mạnh đến điểm này khi mô tả ngày Đức Giê-su khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem: Người đến như một vị hoàng đế, Người khóc thương thành vì thành không nhận biết Người, Người tỏ uy quyền khi đuổi bọn con buôn ra khỏi đền thờ là nơi Người thường giảng dạy. Mạc khải của Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem cũng gồm ba tiết như trong Mát-thêu và Mác-cô, nhưng Lu-ca có thêm vào mấy nét riêng. Lời giảng dạy trong Đền thờ chấm dứt bằng lời loan báo Giê-ru-sa-lem sẽ bị xét xử và Con Người sẽ ngự đến.

Bài tường thuật cuộc Thương Khó (22-23) cũng theo một lược đồ như các sách Tin Mừng khác, nhưng sau bữa Tiệc ly còn thêm những lời nhắn nhủ Nhóm Mười Hai về tinh thần phục vụ, về vị trí của các ông trên Nước Trời sau này cũng như về hoàn cảnh mới của các ông sau khi Đức Giê-su ra đi (22,24-38). Các bài tường thuật về cuộc Phục sinh đều được đặt cả ở Giê-ru-sa-lem. Chúa Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một để làm cho các ông vững tin và giao cho các ông nhiệm vụ phải làm chứng về Người.

3. Thời của Chúa Giê-su và thời của Hội thánh

Tin Mừng Lu-ca cho thấy hành động của Đức Giê-su dành riêng cho Í-ra-en mà thôi. Chỉ khi từ trong đám kẻ chết trỗi dậy, Người mới truyền phải đi giảng đạo cho muôn dân. Trong các bài tường thuật về thời thơ ấu của Đức Giê-su, ông già Si-mê-on đã báo trước rằng một số lớn trong dân Ít-ra-en sẽ chối từ Người. Khi phân biệt thời của Đức Giê-su với thời của Hội thánh, Lu-ca muốn làm nổi bật các công trình của Thiên Chúa trong lịch sử.

Khi viết về thời của Đức Giê-su, Lu-ca cũng đã nghĩ đến thời của Hội thánh. Tác giả thường gọi Nhóm Mười Hai là Tông đồ và hay nhắc đến nhiệm vụ của các ông trong cộng đồng tín hữu, cũng như những người cộng tác với các ông trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Ngoài ra Lu-ca lại còn cho thấy trong các lời giảng của Đức Giê-su có cả một qui luật sống hàng ngày dành cho các môn đệ, đồng thời nhấn mạnh đến việc phải trở về với Thiên Chúa (5,32; 13,1-5; 15, 4-32; 18,8; 22,32; 24,25), phải có lòng tin (1,20.45; 7,50; 8,12-13; 17,5-6; 18,8; 22,32; 24,25). Lu-ca chú trọng đến sự cầu nguyện (11,1-13; 18,1-18, 21,36; 22, 40.46), lưu tâm đến bác ái và coi đó là bài học chính yếu Đức Giê-su dạy cho các môn đệ (6,27-42; 10,25-27; 17,3-4) cũng như cho rằng hình thức thực thi bác ái là bố thí (11,41; 12,33; 16,9; 19,8).

Đây là những đòi hỏi gắt gao, nhưng Lu-ca đã trình bày một cách khéo léo đến nỗi người ta cảm thấy vui mừng khi phải đáp ứng những đòi hỏi đó, như khi được nghe loan báo ơn cứu độ (1,14-28.41.44; 6,23; 8,13), khi được nhìn xem các phép lạ (1o,17; 13,17; 19,37), khi thấy một người tội lỗi trở lại, khi nghe tường thuật về cuộc Phục sinh (24,52)

Nhiều lần Đức Giê-su loan báo Người sẽ trở lại vào lúc chu kỳ lịch sử hoàn tất. Lu-ca dành viễn tượng này cho thời của Hội thánh vào giai đoạn cuối cùng (12,35-48; 17,22-37; 18,8; 19,11-27; 21, 5,36) Nhưng nhờ nhấn mạnh đến tính hiện thời của ơn cứu độ và hành động của Chúa Thánh Thần trong Hội thánh, nên ngài nói về ngày quang lâm khá bình thản (17,23; 19.11; 21,8-9). Nhiều lần ngài nói đến việc Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá (19,27.43.46; 21, 20,23; 23,28-31). Nhưng đó chưa phải là tận thế mà chỉ là một biến cố lịch sử, để phạt những người đã gây ra cái chết cho Đức Giê-su.

4. Vài nét đặc biệt của Lu-ca

Lu-ca cũng dùng nhiều tài liệu như Mát-thêu và Mác-cô, nhưng lại có nét đặc biệt riêng, như bài tường thuật về thời kỳ thơ ấu của Chúa Giê-su (1-2), các phép lạ (7,1-17; 13, 10-17; 14,1-6; 17, 12-190, những lần Chúa Giê-su hiện ra sau khi sống lại (24,13-35.36-53), dụ ngôn người xứ Sa-ma-ri (10,30-37), dụ ngôn người bạn bị quấy rầy trong lúc đêm khuya (11,5-8), dụ ngôn người phú hộ (12,16-21), dụ ngôn cây vả không sinh trái, dụ ngôn đồng tiền bị mất và người con hư hỏng (15,8-10.11-32), dụ ngôn người quản lý xảo quyệt (16,1-8), dụ ngôn ông nhà giầu và anh La-da-rô (16,19-31)

Lu-ca viềt văn Hy lạp trôi chảy, ngữ vựng phong phú, lối văn sáng sủa và mạch lạc. (3,15.18-20; 5,15-16; 9,38-43), dùng ít tiếng mà lại diễn tả được nhiều ý, như khi viêt về người con bà góa thành Na-in (7,11-17), người đàn bà tội lỗi (7,36-50), người trộm cướp sám hối (23,40-43), hai môn đệ trên đường Em-mau (24,13-35). Ý của Lu-ca là trình bày kỹ lưỡng các sự kiện, dựa vào những nguồn tài liệu chắc chắn (1,1-4). Tác giả đã nhìn các sự kiện liên quan đến Đức Giê-su với tất cả lòng tin của mình, lại chú trọng đến ý nghĩa của sự kiện nhiều hơn những gì khác. Có lẽ vì thế, đôi khi xem ra như ngài ít để ý đến niên đại (4,16,30; 5,1-11; 14,51) hay vị trí địa dư (10,13-15; 13,34-35; 24,26-49)

5. Nguồn gốc sách Tin Mừng Lu-ca

Sách này gắn liền với sách Công Vụ Tông Đồ. Để ấn định niên đại biên soạn sách Tin Mừng này, các nhà phê bình thường để ý đến tầm quan trọng sách dành cho sự kiện Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, nhất là khi thấy tác giả tách biệt sự kiện này với viễn tượng thế mạt. Điều này khác với Mát-thêu và Mác-cô. Hình như Lu-ca biết việc Giê-ru-sa-lem bị vây hãm và tàn phá vào năm 70 do quân đội của tướng Titus (x 19,43-44; 21,20-24). Nếu vậy thì sách đã được sọan sau thời kỳ đó. Các nhà chú giải ngày nay thường cho là vào khoảng năm 80-90.

Sách được gửi cho một nhân vật tên là Thê-ô-phi-lê như ghi ở trang đầu. Qua nhân vật này, dường như tác giả muốn nhắm các độc giả có văn hóa Hy lạp. Có nhiều dấu tỏ ra như thế, thí dụ ngôn ngữ, các lời giải thích địa lý Pa-lét-tin (1,26; 2,4; 4,31; 8,26; 23,51; 24,13), các phong tục Do thái (1,9; 2,23-24.41-42; 22,1-7), thái độ thờ ơ trước những cuộc tranh luật về luật pháp (5,20-38; 15,1-20; 23,15-22), mối quan tâm đến dân ngoại và sự lưu y đặc biệt đến thân thể Đấng Phục sinh (24,39-43).

Kết luận

Có lẽ thánh Lu-ca là người trình bày Tin Mừng hợp với tâm lý và văn hóa người Tây phương ngày nay hơn cả, vì tính sáng sủa và lối ưa giải thích. Thánh nhân cho thấy Con Thiên Chúa là Đấng cứu chuộc mọi người, nhất là những nhỏ bé, yêu hèn, tội lỗi, là bậc thầy chí thánh rất đòi hỏi, nhưng lại cũng rất nhân hậu. Bản thân là thầy thuốc nên thánh Lu-ca biết cách chữa bệnh và cảm thông với con bệnh. Phải chăng vì vậy, ngài đã gợi hứng cho người thời nay nói đến mục vụ của lòng thương xót và áp dụng đường lối mục vụ này nơi những người lầm đường lạc lối, để đưa họ về nẻo chính đường ngay. Do đó Tin Mừng theo thánh Lu-ca vẫn mang tính hiện đại và thích hợp cho thời bây giờ.