Liên Minh bất hoà

Năm nay, nhân kỷ niệm 45 năm CIA dùng tay chân bộ hạ tổ chức đảo chánh lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đài BBC mời một số nhà nghiên cứu viết bài đánh giá những khía cạnh khác nhau về thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam.

Dưới đầu đề “Liên minh bất hoà: Ngô Đình Diệm và Mỹ” , website BBCVietnamese.com ngày 17.9.2008 đã giới thiệu bài bài đánh giá những khía cạnh khác nhau về thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa của Tiến Sĩ Philip E. Catton. Ông là giáo sư phụ khảo về lịch sử tại Stephen F. Austin State University. Ông được lựa chọn vì tác phẩm “Diem’s Final Failure: Prelude to America’s War in Vietnam” của ông xuất bản năm 2002, một tác phẩm được coi là có một cách nhìn mới về tương quan giữa Hoa Kỳ và chính phủ để nhất VNCH. Sau đây là một vài nhận xét về cuốn sách này:

“Với nhiều chế nhạo nhưng lại thiếu hiểu biết, từ lâu Tổng Thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm thường được mô tả như là một nhà độc tài cứng đầu và không có khả năng thích hợp. Sự nghiên cứu một cách thấu đáo của Philip Catton đã cung cấp cho chúng ta nhiều hơn hình ảnh phúc tạp của ông Diệm về cả một nhà yêu nước nhiệt tình lẫn một kiến trúc sư thất bại trong việc canh tân hoá. Bằng cách đó, tác giả tỏa ra ánh sáng mới về một chế độ có nhiều tranh luận...”

“Tập trung vào Chương Trình Ấp Chiến Lược ở tỉnh Bình Dương như là một mẫu mực về các nỗ lực của ông Diệm, Catton đã coi nhà lãnh đạo Việt Nam như là một người có tư tưởng tiến bộ cố gắng cùng một lúc đánh bại cộng sản và canh tân đất nước. Catton đã nhận xét rằng ông Diệm có một tầm nhìn vững chắc về xây dựng quốc gia và tìm cách vượt qua sự lệ thuộc vào viện trợ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Catton cho thấy rằng kê hoạch của ông Diệm cho Miền Nam Việt Nam đụng chạm với kế hoạch của Hoa Kỳ và tỏ ra không địch được với cộng sản Việt Nam.”

Mở đầu, BBC viết:

“Trong vài năm gần đây, một thế hệ mới các sử gia Mỹ đã quan tâm trở lại và công bố những tác phẩm mới về thời kỳ nắm quyền của Ngô Đình Diệm.

“Năm nay đánh dấu 45 năm ngày xảy ra cuộc đảo chính của các tướng lĩnh miền Nam với sự ủng hộ của Mỹ, lật đổ chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhân dịp này, BBC mời một số nhà nghiên cứu viết bài đánh giá những khía cạnh khác nhau về thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa của miền Nam Việt Nam.

“Mở đầu bàn tròn lịch sử, xin trân trọng giới thiệu bài viết của tiến sĩ Philip Catton. Ông lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Ohio (1998) với luận án về chương trình Ấp Chiến lược đầu thập niên 1960”

LIÊN MINH BẤT HÒA

Tiến Sĩ Philip Catton đã viết về sự đụng chạm giữa Hoa Kỳ và ông Ngô Đình Diệm như sau:

Winston Churchill từng có một bình luận nổi tiếng về bản chất phức tạp của những mối liên minh thời chiến. Đề cập quan hệ giữa Anh và Mỹ trong Thế Chiến Hai, ông bình phẩm: “Chỉ có một thứ tệ hơn việc chiến đấu cùng đồng minh, và đó là chiến đấu thiếu họ!”

Mặc dù người Anh và Mỹ cần có nhau để đánh bại kẻ thù chung, nhưng đồng thời họ vẫn theo đuổi quyền lợi chính trị riêng và thường xuyên va chạm quanh câu hỏi về cách thức tiến hành chiến tranh.

Điều này cũng đúng cho liên minh Mỹ - Nam Việt Nam. Chính phủ ở Sài Gòn và Washington đến với nhau vì cùng có kẻ thù chung, những người cộng sản Việt Nam. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ luôn hòa thuận. Các khác biệt luôn tồn tại trong giai đoạn 1954-1963 khi Ngô Đình Diệm lãnh đạo Nam Việt Nam – cuối cùng, chúng trở nên không thể giải quyết và đưa người Mỹ can dự vào âm mưu lật đổ chính quyền Diệm.

1.- Nghi ngờ và e ngại

Ngay từ đầu, nghi ngờ và e ngại đã chi phối quan hệ Mỹ - Việt. Nhiều sử gia đã ghi nhận liên hệ mà Diệm tạo dựng được với các chính khách quan trọng ở Mỹ đầu thập niên 1950. Một số người thậm chí kết luận chính quan hệ này giúp Diệm trở thành thủ tướng năm 1954 – nói cách khác, họ cho rằng Diệm là đồ đệ của Mỹ.

Nhưng không có nhiều bằng chứng ủng hộ luận cứ này. Bảo Đại, cựu hoàng và Quốc trưởng của Quốc Gia Việt Nam, có vẻ chọn Diệm chủ yếu là vì những lý do liên quan chính trị ở Việt Nam, chứ không phải Mỹ.

Ngay cả sau khi Diệm đã thành công trong việc củng cố quyền lực, những lo ngại ban đầu không biến đi vì Diệm tỏ ra miễn cưỡng khi phải nghe lời khuyên của Mỹ.

Thực ra người Mỹ nuôi một số lo ngại về Diệm. Họ ủng hộ chính phủ ông năm 1954 vì muốn ngăn cộng sản chiếm miền nam, nhưng họ không biết nhiều về tân thủ tướng và có những quan điểm trái ngược về khả năng cầm quyền của ông. Một mặt, họ ca ngợi phẩm cách, sự trung thực và lòng ái quốc của ông. Mặt khác, họ lo ngại ông quá cứng đầu, luôn tự cho mình là đúng và thiếu kinh nghiệm. Nhiều viên chức Mỹ cho rằng ông không đủ khả năng tổ chức một chính phủ hiệu quả.

Ngay cả sau khi Diệm đã thành công trong việc củng cố quyền lực, những lo ngại ban đầu không biến đi vì Diệm tỏ ra miễn cưỡng khi phải nghe lời khuyên của Mỹ.

Người Mỹ tin rằng họ có câu trả lời để xây dựng các tân quốc gia hiện đại, phú cường trong Thế giới thứ Ba và khuyến khích Diệm áp dụng các “đơn thuốc” cho sự phát triển của miền Nam. Đặc biệt vào những khi tình hình đất nước xấu đi, người Mỹ thúc Diệm sửa chữa cái mà họ xem là khiếm khuyết của chính thể: sự lộn xộn trong bộ máy hành chính do Diệm không muốn san sẻ quyền hành, sự thiếu dân chủ và thiếu ủng hộ chính phủ trong dân chúng.

Người Mỹ lo ngại rằng quá thừa sự chuyên quyền, mà không đủ nỗ lực chinh phục thêm người ủng hộ. Nhưng họ bực tức thấy Diệm vẫn cứ làm theo ý mình.

2.- Viễn kiến riêng

Trong khi người Mỹ lo ngại về Diệm, bản thân nhà lãnh đạo cũng lo ngại về Mỹ. Ông vui lòng chấp nhận hỗ trợ quân sự và kinh tế của Mỹ, nhưng không sẵn sàng lắng nghe lời khuyên của Mỹ. Ông không tin người Mỹ biết gì nhiều về Việt Nam hay có nhiều hiểu biết chính trị.

Em trai, Ngô Đình Nhu, có quan điểm đặc biệt tiêu cực về Mỹ. Có thể vì đi học trường Pháp, Nhu xem người Mỹ là hỗn xược và thô thiển.

Kết quả là chính quyền Diệm không mấy tin vào nhận định của đồng minh Mỹ, xem các đề xuất chính sách của Mỹ là sai lầm. Diệm tin rằng chỉ có bàn tay sắt mới giải quyết được các vấn nạn của miền Nam.

Khủng hoảng Phật giáo 1963 làm Mỹ tin rằng phải thay chính quyền Diệm.

Trái ngược với ấn tượng xem ông là hẹp hòi và là “viên quan hoài cổ”, Diệm có viễn kiến riêng về cách xây dựng nhà nước hiện đại ở miền Nam.

Ông muốn một nhà nước không sao chép cả tư bản lẫn cộng sản. Ông muốn một xã hội lấy cảm hứng từ mô hình văn hóa xã hội truyền thống của Việt Nam – vừa hiện đại nhưng hình như cũng phải thuần Việt.

Không chỉ xem lời khuyên của Mỹ là vô ích, Diệm còn căm ghét nó. Có lần ông nói với nhà báo Mỹ Marguerite Higgins: “Nếu anh ra lệnh Việt Nam như con rối, thì anh có khác gì người Pháp?” Diệm rất nhạy cảm về sự độc lập và bất kỳ sự xâm phạm nào đến chủ quyền đất nước. Ông hiểu mình phụ thuộc trợ giúp của Mỹ, nhưng cảm thấy lúng túng và bực bội vì phụ thuộc.

Ông cũng biết nó nguy hiểm về chính trị, vì người cộng sản có thể cáo buộc ông chỉ là kẻ phản bội và con rối. Để củng cố quyền uy lãnh đạo, ông phải chứng tỏ mình không phải là thế.

3.- ‘Đụng độ giữa các nền văn minh’

Những căng thẳng này cũng có thể kiềm chế được nếu dự án dựng xây một miền Nam vững chắc đã diễn ra suôn sẻ. Trong trường hợp đó, hai bên sẽ cảm thấy lợi ích của mối quan hệ lớn hơn sự bực mình.

Nhưng vấn đề là nỗ lực xây dựng miền Nam dường như lại chuệch choạc. Năm 1960, những người cộng sản bắt đầu tổ chức du kích chống lại chính quyền Diệm, bằng sự thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Du kích nhanh chóng kiểm soát nhiều khu vực quan trọng ở nông thôn miền Nam.

Lại có những dấu hiệu cho thấy Diệm để mất ủng hộ trong những người chống cộng, cụ thể là vụ đảo chính bất thành tháng 11.1960.

Dù có kẻ thù chung, hai phía có tư tưởng riêng về cách đánh bại đối phương, viễn kiến riêng về hình hài của một Nam Việt Nam phi cộng sản

Trong giai đoạn John F. Kennedy cầm quyền (1961-1963), người Mỹ một lần nữa thuyết phục Diệm thay đổi, đồng thời tăng cường hiện diện trên đất miền Nam. Nhưng Diệm tiếp tục chống lại đòi hỏi của Mỹ và khó chịu khi phải tiếp đón số lượng cố vấn Mỹ ngày càng tăng. Đến mùa xuân 1963, ông và Nhu bày tỏ lo lắng về cái mà họ xem là sự quá phụ thuộc vào Mỹ và nguy cơ đất nước của họ trở thành nước bị bảo hộ.

Trong không khí căng thẳng này, Khủng hoảng Phật giáo trở thành giọt nước tràn ly. Phản ứng bản năng của Diệm là không nhượng bộ. Ông còn nghi ngờ người Mỹ tìm cách phá ông khi cứ đòi ông nhượng bộ người biểu tình. Ông cũng lo việc Henry Cabot Lodge trở thành tân đại sứ Mỹ báo hiệu chính sách kém thân thiện với chính quyền miền Nam.

Với nhiều viên chức Mỹ, khủng hoảng Phật giáo và việc Diệm khăng khăng không chịu nhượng bộ xác nhận sự phá sản chính trị và đạo đức của chính quyền. Họ lý luận để cứu miền Nam, phải thay chính phủ Diệm. Cuộc đảo chính tháng 11.1963 diễn ra vì Diệm để mất ủng hộ của Mỹ.

Ngô Đình Nhu có lần gọi quan hệ Việt – Mỹ là “sự đụng độ của các nền văn minh” . Có lẽ đó là sự mô tả hợp lý. Dù có kẻ thù chung, hai phía có tư tưởng riêng về cách đánh bại đối phương, viễn kiến riêng về hình hài của một Nam Việt Nam phi cộng sản.

Một nghiên cứu chính thức của Mỹ sau này nhận xét: “Phần nào đó, người Mỹ và Việt Nam đi cùng một xe, nhưng thường bất đồng về việc ai lái xe, điểm đến là đâu, dùng tuyến đường nào. Chúng ta là những đồng minh không tin nhau, theo đuổi công việc chung nhưng chia rẽ.”

Những khác biệt đó đã tạo thành mối liên minh bất hòa, và cuối cùng tan rã.

KHỦNG HOẢNG NGHIÊM TRỌNG

Giáo sư Tôn Thất Thiện, Tổng Giám Đốc Thông Tin kiêm thông dịch viên của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, có kể lại rằng khi đến Việt Nam quan sát tình hình vào đầu tháng 11 năm 1962, Hilsman có được ông Diệm tiếp kiến. Sau khi nói chuyện với Hilsman xong, ông Diệm lắc đầu và nói: “Mấy tên con nít này nó sẽ giết mình đây. Chúng nó chẳng hiểu gì cả!” Lúc đó Hilsman 43 tuổi.

Trước những bất hoà nói trên, một số viên chức Hoa Kỳ, nhất là Thứ Trưởng Harriman, người được Tổng Thống Kennedy giao cho gần như toàn quyền quyết định về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, đã tìm cách để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm bằng mọi giá. Nhưng cuộc lật đổ và giết ông Diệm lại gây ra những khủng khoảng nghiêm trọng cho chính quyền Kennedy ở trong nội bộ của chính phủ Hoa Kỳ và làm phương hại đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

1.- Tổng thống Kennedy bị khủng hoảng

Trong cuốn hồi ký mang tên “In Retrospect, the Tragedy and Lessons of Vietnam” , ông McNamara cho biết những gì đã xẩy ra tại Tòa Bạch Ốc sau khi nghe tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị giết. Ông viết:

“Lúc 9 giờ 30 phút sáng 2 tháng 11, chúng tôi gặp nhau với Tổng Thống, tiếp tục cuộc họp chiều hôm qua để thảo luận về các biến cố. Khi buổi họp bắt đầu, chưa ai rõ số phận ông Diệm và ông Nhu ra sao. Đến nữa chừng, Mike Forrestal từ Phòng Tình Hình tông cửa chạy vào. Trạm CIA tại Saigon báo cáo rằng họ được các nhân vật đối tác của Saigon cho biết hai anh em ông đã tự vẫn “trên đường từ thành phố đến Bộ Tổng Tham Mưu...”

“Khi Tổng Thống Kennedy nhận được tin này, mặt ông tái xanh. Tôi chưa bao giờ thấy ông xúc động mạnh đến như thế. Sau này Forrestal thuật lại rằng cái chết của hai người “đã làm cho ông buồn bực về cả phương diện luân lý lẫn tôn giáo... làm lung lay lòng tin tưởng... về những gì ông đã khuyến cáo liên quan đến Nam Việt Nam.” Arthur Schlesiger Jr. ghi nhận rằng Tổng Thống “buồn thảm và bối rối”, tinh thần xem ra suy sụp chưa từng thấy từ sau vụ thất bại ở Vịnh Con Heo.”

“Đọc xong bản tin, Tổng Thống nghĩ đến ảnh hưởng của cái chết của hai người có tác dụng xấu ngay trong nước và ở hải ngoại... Tổng Thống nghĩ rằng sau hai mươi năm phục vụ quê hương Việt nam, sinh mạng ông Diệm không thể kết thúc như vậy. Lập luận của ông cũng giống như lời của Mao Trạch Đông đã nói với Edgar Snow trong một cuộc phỏng vấn năm 1965 rằng Hoa Kỳ không chịu nghe lời ông Diệm. Mao Trạch Đông cho biết bản thân ông và ông Hồ Chí Minh đều nghĩ rằng ông Ngô Đình Diệm là người có tài. Rốt cuộc, ông hỏi rằng sau khi giết ông Diệm thì chuyện giữa Thiên Đường và Địa Ngục có bình yên không? Những ám chỉ trong lời nói của Mao Trạch Đông về các biến cố tại Việt Nam chúng tôi mới được biết sau khi cả Trung Hoa lẫn Việt Nam mở văn khố của họ, nhưng quan trọng hơn, câu nói đó đang tạo rất nhiều vấn đề.

“Cái chết của ông Diệm đã làm xúc động Tổng Thống Kennedy, nhưng đó không phải là sự xúc động lớn nhất. Trong hồi ức, sự xúc động lớn nhất là chúng ta phải đối phó với một khoảng trống chính trị hoàn toàn ở Nam Việt Nam và không có căn bản nào để xúc tiến về bất cứ tiến trình nào phù hợp với các mục tiêu của Hoa Kỳ.”

Hôm 4.11.1963, hai ngày sau khi ông Diệm bị ám sát, Tổng Thống Kennedy nói:

“Theo sự xét đoán của tôi, bức điện đó (ra lệnh đảo chánh) đã được soạn thảo tồi tệ. Bức điện đó phải không bao giờ được gởi vào hôm thứ bảy. Tôi phải không bao giờ biểu đồng tình nếu không được bàn luận bàn tròn.”

Tổng Thống Kennedy nói ông đã gởi một bức điện khác để đình hoản lại nhưng kế hoạt đảo chánh đã được tiến hành rồi.

Phần băng ghi lại lời của Tổng Thống Kennedy ba tuần lễ trước khi ông bị ám sát tại Texas có đoạn như sau:

“Tôi bị chấn động vì cái chết của Ngô Đình Diệm. Ông ta là một nhân vật khác thường. Trong khi ông ta bắt đầu gia tăng sự khó khăn trong vài tháng cuối cùng, ông ta đã có thể duy trì được đất nước về một mối trong 10 tháng cuối cùng.”

Lo lắng về những hậu quả có thể xẩy ra sau khi ông Diệm bị ám sát, Tổng Thống Kennedy nói:

“Vấn đề là các tướng lãnh có thể ngồi lại với nhau và xây dựng một chính quyền ổn định hay công luận có chuyển đổi tại Saigon hay không” .

2.- Khủng hoảng ở quốc ngoại

Ngoài việc làm cho tình hình miền Nam Việt Nam trở nên tồi tệ về cả chính trị lẫn quân sự, sự mất tin tưởng của các quốc gia Á Châu vào Hoa Kỳ là điều đáng quan tâm.

Trong cuốn hồi ký mang tên “The memoirs of Richard Nixon” , Tổng Tống Nixon có kể lại rằng khi đến Pakistan, ông gặp lại người bạn cũ là Tổng Tống Ayub Khan. Tổng Thống Khan đã nói một cách đau buồn về việc hạ sát Tổng Tống Ngô Đình Diệm:

“Tôi không thể nói – lẽ ra các ông đừng bao giờ ủng hộ ông Diệm ngay từ đầu. Nhưng các ông đã ủng hộ ông ta trong một thời gian dài và mọi người ở Á Châu đều biết điều đó. Dù họ có tán thành hay không tán thành điều đó, họ biết điều đó. Rồi đột nhiên các ông ngừng ủng hộ ông ta – và ông Diệm đã bị giết.” Ông ta lắc đầu và kết luận: “Việc hạ sát ông Diệm có ba ý nghĩa đối với các nhà lãnh đạo Á Châu: làm một người bạn với Hoa Kỳ là nguy hiểm; trung lập phải trả cái giá của nó; và đôi khi làm kẻ thù (của Hoa Kỳ) lại tốt hơn! Lòng tin cậy như một sợi chỉ mong manh và một khi nó đã đứt, rất khó mà nối lại.” (tr. 256 – 257).

3.- Lãnh nhận cái chết

Những sự kiện đã được trình bày trên cho thấy Tổng Thống Kennedy có hai khuyết điểm lớn trong việc lãnh đạo quốc gia:

(1) Không có quyết định dứt khoát trước những vấn đề cần phải quyết định dứt khoát. Trước chủ trương của nhóm Harriman phải lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm bằng mọi giá, Tổng Thống không đưa ra quyết định dứt khoát.

(2) Không kiểm soát được các nhân viên dưới quyền: Để cho Harriman và Cabot Lodge lộng hành. Họ muốn làm gì thì làm.

Hai khuyết điểm này không phải chỉ tìm thấy trong vụ đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm mà còn tìm thấy trong vụ Vịnh Con Heo và vụ trung lập hoá Lào. Với hai khuyết điểm nghiêm trọng đó, ông không thể tiếp tục lãnh đạo quốc gia. Ông đã bị giết ngày 23.11.1963 tại Dallas.

TÌM CÁCH ÉM NHẸM PHÚC TRÌNH LHQ

Không như Cabot Lodge đã báo cáo, phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã khám phá ra nhiều sự gian dối do CIA và một nhóm nhỏ Phật Giáo tạo dựng ra để đánh gục chế độ Ngô Đình Diệm. Vì thế, Đại Sứ Cabot Lodge và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tìm các ém nhẹm bản phúc trình của phái đoàn.

Cuộc điều tra kéo dài trong hai tuần lễ. Khi phái đoàn đang điều tra thì cuộc đảo chánh xẩy ra, nhưng phái đoàn vẫn làm báo cáo và đệ trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Bản phúc trình đã được phổ biến tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ngày 9.12.1963. Ngày 20.12.1963, Đại Sứ Fernando Volio Jimenez của Costa Rica đã nói với hảng thông tấn NCWC như sau:

“Cảm tưởng của riêng tôi là không có chính sách kỳ thị, áp bức hay khủng bố đối với Phật Giáo trên căn bản tôn giáo. Những khai báo về phương diện này thường là nghe nói, và trình bày một cách mơ hồ và tổng quát.

“Mỗi khi một nhân chứng cố gắng tìm một bằng chứng cụ thể nào để trình Phái Đoàn, rốt cục sự kiện chỉ là một hành vi lẻ tẻ hay cá nhân. Căn cứ trên bằng chứng, chính quyền không có chủ trương chính sách chống Phật Giáo vì lý do tôn giáo.”


Thấy nội dung bản phúc trình nói lên những sự bất lợi, Đại Sứ Cabot Lodge đã vận động để bản phúc trình này đừng được đưa ra thảo luận tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc đã trình với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rằng “sự công khai hóa những điều mà phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc phát hiện được sẽ gây lúng túng cho chế độ mới ở Saigon gồm những người đã phục vụ dưới thời ông Diệm. Thêm nữa, một cuộc bàn cãi công khai có thể cho thấy rằng chế độ mới này cũng chẳng kém độc tài hơn chế độ cũ và cho Hà Nội và Bắc Kinh thêm một dịp tố cáo chính phủ Hoa Kỳ đính líu vào cuộc đảo chánh.”

Do sự vận động khéo léo của Cabot Lodge và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Gunewardene, trưởng phái đoàn điều tra, đã đề nghị xếp luôn hồ sơ vụ này.

Thượng Nghị Sĩ Thomas Dodd, Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp, đã đọc và khám phá ra những gian dối do CIA đã phối hợp với Phật Giáo và báo chí để đánh lừa dư luận thế giới. Ông đã hỏi lại một số nhân vật trong phái đoàn điều tra, rồi viết một văn thư dề ngày 17.2.1964 gởi cho ông James Easland, Chủ Tịch Tiểu Ban Nội An của Thượng Viện, yêu cầu in bản phúc trình này ra và gởi cho các nghị sĩ biết. Ông viết:

“Tuy rằng bản phúc trình này chủ yếu chỉ trình bày dữ kiện - lời khai của nhân chứng và tài liệu, không đưa ra kết luận chính thức của Ủy Ban của Liên Hiệp Quốc, tôi tin rằng bất cứ người khách quan nào có đọc nó cũng phải kết luận rằng những báo cáo về [chính quyền] khủng bố Phật Giáo một cách quy mô, quá lắm chỉ là một sự thổi phồng quá mức, và ít lắm là tuyên truyền bẩn thỉu và gian lận.

“Về điểm này, tôi xin lưu ý đến một phỏng vấn của Đại Sứ Fernando Volio Jimenez của Costa Rica với hảng thông tấn NCWC ngày 20 tháng 12 (đã trích dẫn trên). Đại sứ là người đã đưa ra đề nghị lập Phái Đoàn Điều Tra của Liên Hiệp Quốc, và là một thành viên của phái đoàn này.

“Được đích thân đọc bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc, những tuyên bố đó đã làm cho tôi xúc động, và khiến tôi gọi Đại Sứ Volio để thảo luận những lời tuyên bố của ông ta chi tiết hơn.

“Đại Sứ Volio nói với tôi rằng, căn cứ trên những tường thuật mà ông đọc trong báo chí quốc tế, ông đã sẵn sàng bỏ phiếu lên án chế độ Diệm, nhưng khi Diệm mời Liên Hiệp Quốc gởi quan sát viên của chính cơ quan này sang Việt Nam, ông thấy rằng phải nhận lời mời này trước khi Liên Hiệp Quốc chính thức tỏ thái độ.

“Đại sứ nói rằng sau hai tuần điều tra ráo riết tại Việt Nam, ông đi đến kết luận là những lời buộc tội chế độ Diệm tại Liên Hiệp Quốc không có căn bản, không chấp nhận được; ông nghĩ rằng những bằng cớ chất đống không cho thấy rằng có sự kỳ thị về tôn giáo hay xâm phạm tự do tôn giáo.”

“Tóm tắt, theo ý tôi, một lần nữa nhân dân Hoa Kỳ đã bị một số báo chí của họ lừa dối trầm trọng về một tình hình quốc ngoại có tính chất cốt tử đối với họ.

“Chúng ta đã được báo cáo rằng Chính Phủ Diệm đã khủng bố tôn giáo một cách tàn nhẫn đến nỗi những sư vô tội đã bị dồn váo thế phải tự vận để phản đối. Nhưng nay ta thấy sự thực không phải vậy; sự thật là không.”


Vì lý do Hoa Kỳ đưa ra để tổ chức lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm có nhiều mờ ám, do đó cho đến nay, bản phúc trình của phái đoàn LHQ nói trên vẫn chưa được in ra và chính thức phổ biến. Tuy nhiên, chúng tôi đã dịch ra Việt ngữ và sẽ gởi đến độc giả một ngày gần đây.

Ghi chú: Muốn tìm các bài của chúng tôi, xin vào website motgoctroi.com, mục “Mỗi tuần một chuyện”