Chương Trình Sống Đạo Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ:
Giới Thiệu Chương Trình Học Hỏi Về Thánh Phaolô


Kính thưa Đức Cha Mai Thanh Lương,
quý Đức Ông, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ
và cộng đồng dân Chúa tại Hoa Kỳ,


Sau nhiều tháng ngày vất vả chuẩn bị, Chương Trình Sống Đạo của Liên Đoàn trân trọng giới thiệu một Chương Trình Học Hỏi về Thánh Phaolô, do Ủy Ban Thần Học soạn thảo giúp chúng ta có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về thánh nhân trong năm nay - năm Thánh Phaolô.

Chương Trình sẽ lần lượt giới thiệu những bài học hỏi, có nội dung xoay quanh về Thánh Phaolô và công cuộc Truyền Giáo của ngài. Những bài viết này được trình bày dễ hiểu, và sẵn sàng để in ra xử dụng.

Kính xin quý Cha Chủ Tịch Miền thông tin, đặc biệt xin giới thiệu đến tất cả quý Cha coi sóc các Giáo Xứ, các Cộng Đoàn, quý Cha Bề Trên và quý Soeur Bề Trên trong các Miền của mình về chương trình này, và cũng đề nghị cho phổ biến rộng rãi để mọi người có dịp học hỏi.
Một đề nghị: mỗi tuần copy 1 bài, và cho đi kèm vào trong bulletin của giáo xứ hay cộng đoàn mình. Hiện đã có sẵn sàng 8 Bài Học Hỏi cho hai tháng liên tiếp.
Ủy Ban Thần Học cũng vẫn đang tiếp tục làm việc để sẽ giới thiệu thêm những bài học khác trong các tháng sau đó.

Chương Trình này cũng được đăng tải rộng rãi trên hai mạng lưới: liendoancongiao@org và vietcatholic.net. Liên Đoàn hoàn toàn khuyến khích các website, và báo chí công giáo đăng tải rộng rãi để phục vụ đại chúng.

Chân thành cám ơn Cha Trưởng Ban Ủy Ban Thần Học, đã vất vả làm việc.
Xin trân trọng giới thiệu đến tất cả mọi người.

LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
Chủ Tịch Liên Đoàn


SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ 2008-29.06-2009

Bài 1 - Thánh Phaolô là ai?

Chúng ta không biết nhiều về thánh Phaolô trước khi Ngài gặp Đức Giêsu trên đường Damascus. Nhiều dữ kiện về con người Phaolô dựa vào sách Công Vụ Tông Đồ, vì thánh Phaolô không nói nhiều về lịch sử mình trong những thư Ngài viết cho các giáo đoàn.

Thánh Phaolô sinh tại Tarsus (Cv, 9:11; 21:39; 22:3) một thành phố phía đông của biển Địa Trung Hải (ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) vào khoảng năm 8 (nhiều sử gia phỏng đoán giữa năm 5-10 sau công nguyên). Ngài lớn lên và được giáo dục ở Jerusalem với một thầy Rabbi nổi tiếng đương thời là Gamaliel (Cv 22:3) nhằm trở nên một Pharisiêu (Biệt Phái), và sau này Ngài là một Pharisiêu nhiệt thành (Cv 23:6; 26:5; Phil 3:4-6; Gal 1:13-14).

Thánh Phaolô nói tiếng Hi Lạp, ngôn ngữ được dùng phổ biến thời bấy giờ (Cv 21:37), và tiếng Aram của người Do Thái vùng Palestine (Cv 21:40; 22:2). Ngài có quốc tịch Rôma, quyền ưu tiên này cho Ngài nhiều quyền lợi sau này trong đời sống truyền giáo (Cv 16:37-38; 22:25-29; 23:27).

Là một Pharisiêu nhiệt tâm với Do Thái giáo, Phaolô truy bắt những Kitô hữu tin theo Đức Giêsu Kitô (Cv 7:54-8:1; 9;1-4; 1 Cor 15:9; Gal 1:13; Phil 3:6). Vì theo Phaolô, Ông Giêsu bị lên án chết như một tử tội chứng tỏ đây là dấu hiệu bị Thiên Chúa nguyền rủa hơn là được Thiên Chúa chúc phúc.

Sau khi gặp gỡ Đức Giêsu Kitô trên đường Damascus (khoảng năm 34), Phaolô (trước có tên Do Thái là Saolô) dành hơn 30 năm để rao giảng tin mừng Đức Kitô, với 3 hành trình truyền giáo trong khu vực Địa Trung Hải.

Trong Tân Ước kê khai 13 thư với tên thánh Phaolô là tác giả. Ngày nay, phần lớn các nhà Kinh Thánh tin rằng 7 thư được chính thánh Phaolô viết gồm: thư gởi Rôma, 1 và 2 Côrintô, Galata, Philipphê, 1 Thesalonica và Philemon. Và 6 thư còn lại có thể được những người khác viết nhân danh Phaolô, gồm: Ephêsô, Côlôsê, 2 Thesalonica, 1 và 2 Timôtê và Titô.

Ngài chết tại Rôma khoảng năm 62-64, và theo truyền thuyết là bị chém đầu (dựa vào thư 1 Clementê viết khoảng năm 96, và dựa vào sách gọi là Công Vụ Phaolô viết khoảng năm 185-195).

-------------

Nếu bạn có câu hỏi liên hệ, xin viết về các địa chỉ sau đây:
Cha Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. – hnguyen@@stmarys.edu
Bản Tin Liên Đoàn – bantinliendoan@gmail.com
231 Rothell Road Extension, Toccoa, Georgia 30577