Một đề xuất nho nhỏ cho bế tắc lớn!

Thái Hà, một ‘trận cầu’ không cân sức

Tình hình căng thẳng tại giáo xứ Thái Hà diễn ra đến nay vừa tròn 1 tháng. Cả ngày hôm nay tôi vào thăm tờ Hà Nội Mới vài lượt vẫn không thấy xuất hiện bài báo đả kích mới, trong lúc giáo dân khắp nơi vẫn tiếp tục đổ về, hôm qua còn có thêm cả một vị giám mục nước ngoài đến thăm giáo xứ v.v… vậy mà cái mục Thái Hà vẫn hay ‘nhảy múa’ ngay trên trang chủ tờ báo điện tử này bỗng dưng lại biến mất. Chuyện gì đang xảy ra, chẳng lẽ nhà nước đã chủ động ‘ngưng bắn’ hay đang có thêm ‘sáng kiến’ giải quyết nào mới?

Ba mươi ngày đêm ‘chiến đấu’ căng thẳng mà Thái Hà phải chịu đựng tỏ ra không vô nghĩa. Ngày càng có thêm nhiều người nhận ra công lý đang đứng phía về phía giáo xứ này và họ không còn cảm thấy cô đơn như lúc ban đầu.

Phải chăng vì nhận ra với lối truyền thông bóp méo sự thật quen dùng mà ‘đụng’ phải một tổ chức trên dưới chặt chẽ qui củ như đạo công giáo, lối truyền thông ấy trở thành phản tác dụng nên họ mới chịu tạm thôi? Đặc biệt sau toan tính đè bẹp việc cầu nguyện của giáo dân bằng dùi cui và hơi cay bất thành, chính quyền Hà Nội càng nhận ra rõ hơn điều mà chủ nghĩa Mác gọi là sức mạnh tôn giáo?.

“Đi một ngày đàng - học một sàng khôn” một tháng là ba mươi sàng, mớ kiến thức quận Đống Đa học được chắc phải là nhiều lắm? Nhưng quan trọng theo tôi chính là là ‘chất lượng’ của các buổi học. Nhờ có ‘trao đổi qua lại’ trực tiếp với nhau mỗi ngày suốt tháng qua, thay vì phải thông qua ban tôn giáo chính phủ hay cái ủy ban ‘đàn cót két’ (công giáo yêu nước) như mọi khi, bao nhiêu đơn từ khiếu nại đều bị xếp xó, mà nhà nước mới hiểu rằng, hóa ra chuyện “đồng hành với dân tộc” cũng như “sống tốt đạo đẹp đời” lâu nay chỉ là những báo cáo láo!

Riêng tôi thì sự hồi hộp lo lắng khi theo dõi vụ Thái Hà cũng giống như khi theo dõi trận túc cầu giữa đội Olympic Brasil và tuyển VN trên sân Mỹ Đình hôm 1/8 vừa qua. Trước một Brasil nhà nước quá mạnh đội Thái Hà không còn đấu pháp nào khác ngoài đổ bêtông trước khung thành Thánh Địa. Nói chính chính xác hơn là các cầu thủ giáo dân đội này đưa lưng ra chịu đòn và chỉ có đức tin mạnh mẽ mới cứu họ khỏi bị thua ít nhất là hai quả hạ knockout trông thấy: dùi cui và hơi cay. Chúa và Đức Mẹ đã ra tay cứu vớt giúp không thể thủng lưới!!

Nay thì với tình hình yên ắng kiểu này có vẻ như 90 phút giờ thi đấu chính thức căng thẳng đã qua, tỷ số vẫn là 0-0. Hai bên đang nghỉ giải lao để chuẩn bị vào thi đấu nốt hai hiệp phụ. Chẳng may cho đội banh Thái Hà bị mất tới 7 ‘bác’ cầu thủ vì bị ăn thẻ đỏ oan ức, càng bất công hơn thay vì được ngồi ngoài sân xem đồng đạo thi đấu thì họ lại bị nhà nước nhốt vào lồng !!!

Nếu là trận túc cầu bình thường thì mất người cỡ đó đội Thái Hà sẽ thua chắc, nhưng đây lại là trận so tài giữa CHÂN LÝ và DỐI TRÁ nên không có chỗ cho họ phơi bày những sự ác ra trước bao nhiêu ống kính đang chỉa vào giáo xứ này.

Và một ‘cuộc chiến’ giữa VietCatholic & tờ HàNội Mới

Mặc dù tôi không phải là chuyên gia về thể thao nhưng cũng không quá khó để nhận ra rằng, trong một trận đấu nếu một khi đội mạnh đã phải đẩy cao tốc độ trận đấu và đưa thêm cầu thủ giỏi vào sân, đồng nghĩa họ đang gặp bế tắc. Chiếu vào tình thế Thái Hà thì thấy rõ ràng nhà nước đang lâm vào hoàn cảnh này sau khi họ đã huy động nhiều lực lượng tấn công Thái Hà trên nhiều mặt và có thêm cả ông thứ trưởng bộ công an vào cuộc thay vì để một mình UBND Quận Đống Đa và ông tướng công an của quận này loay hoay tháo gỡ như lúc ban đầu => ‘Bài toán’ Thái Hà đã rơi vào bế tắc.

Một khi đã sắp hết đường ai cũng vậy hoặc phải làm liều điều gì đó để thoát thân hoặc… ‘đầu hàng’! Thật khó mà biết nhà nước đang thiên về hướng giải quyết nào?

Bế tắc! Bởi vậy, nếu có anh chị nào bên Úc đến gặp Giáo sư Carl Thayer chuyên gia nghiên cứu về VN nhờ đoán ‘tỷ số’, tôi nghĩ có nhiều khả năng vị giáo sư nổi tiếng này cũng bối rối không biết đâu mà lần.

Đơn giản chỉ vì đấu tranh ôn hòa bằng cách đem tượng Chúa ra sân cầu nguyện trên thế giới hình như chưa có tiền lệ, ngay cả với giáo hội Ba Lan 100% dân công giáo lúc còn chung sống với cộng sản bị chèn ép như VN cũng chưa thấy có kiểu đấu tranh này.

Thiếu dữ kiện đầu vào thì ngõ ra là con số không to tướng, ai cũng có thể suy ra điều này.

Tôi rất tâm đắc với lời nhận xét của Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh khi Ngài bảo “Nói rõ ra khi cầu nguyện để đòi đất theo kiểu đó, chúng ta làm một hành vi vừa có tính thánh thiêng, vừa có tính chính trị” trong bài viết “Phim Thái Hà: Phần kết?”. Ngay từ những ngày đầu tin tức nóng bỏng về vụ Tòa Khâm Sứ nổ ra cuối năm 2007 tôi cũng đã nhận ra rằng việc biểu tình chống bất công của giáo hội đã thực sự nổ ra.

Bản thân việc biểu tình không có gì xấu, chẳng qua vì bị cấm đoán quá lâu năm khiến trong nước ai nấy đều bị dị ứng với hai chữ ‘biểu tình’. Biểu tình suy cho cùng là bày tỏ sự phản đối và đâu cứ phải ầm ĩ haybạo động mới là biểu tình. Biểu tình bằng cầu nguyện như Thái Hà tôi nghĩ ở các nước phương Tây có khi còn được chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thêm, vì xã hội nào mà có đông người tự nguyện ra đường cầu nguyện kiểu ấy, chắc chắn xã hội ấy phải được nhờ nó mà thánh thiện ngày một hơn, vậy có lãnh đạo quốc gia lại đi phản đối?

Nếu phản đối vì nhà nước ấy phải ‘có tật nên mới giật mình’, trong vụ Tòa Khâm Sứ cũng như Thái Hà đó là việc lén lút mua bán cái không phải của mình mà là chiếm đoạt của giáo hội dù bằng danh nghĩa gì cũng không thể xem là hợp pháp đối với một hành vi như vậy.

Bởi vậy, nếu sự kiện Thái Hà có thể khuất phục được ai đó buộc họ phải chấp nhận thay đổi giúp cho xã hội VN trở nên công bằng dân chủ hơn, tôi nghĩ rất có nhiều lý do chính đáng để các viện nghiên cứu về chính trị xã hội bỏ chút thời gian tìm hiểu và ‘giải mã’ hình thức đấu tranh tôn giáo này. Sở dĩ, nhà nước gặp phải bế tắc một phần vì các cha đã ‘bắt mạch’ đúng yếu huyệt của nhà nước bằng cách ‘lấy độc trị độc’: Vì không thích tôn giáo nên nhà nước đã huy động hết công suất thông tin để bóp méo sự việc, nhưng họ không biết rằng giữa thời buổi công nghệ thông tin ngày nay, làm thế là tự lấy gậy mình đập vào lưng mình. Để biết rõ hơn về điều này, xin mọi người xem biểu đồ sau:



Trên đây là bảng so sánh mức độ truy cập vào hai khẩu ‘thần công’ VietCatholic và HàNộiMới trong suốt tháng qua, do tiện ích www.alexa.com đem lại. Hiện có nhiều cách thống kê tương tự nhưng tôi chọn cách này vì hình ảnh rõ ràng dễ nhìn. Giá trị có thể không hoàn toàn chính xác mà chỉ mang tính tham khảo.

Trục thẳng đứng (vertical line) thể hiện số lần truy cập đơn vị là hàng triệu, biến đổi theo trục thời gian từ 15/8 – 15/9 trên nằm trên trục ngang (horizontal line). Biểu đồ của trang Vietcatholic có màu xanh nằm bên dưới và tờ Hanoimoi màu nâu sậm nằm trên.

Thoạt nhìn đúng là Vietcatholic bị ‘lép vế’. Trong khi tờ Hanoimoi có lượng truy cập khoảng 60.000 lượt/ngày thì VietCatholic chỉ cỡ 20.000 tức bằng 1/3 của họ. Tuy nhiên khi biết rằng đối tượng độc giả chính của tờ VietCatholic là người có đạo chỉ chiếm gần 10% dân số, thì tỷ lệ quan tâm của giáo hội lớn gấp ba lần ngoài xã hội và đó là còn chưa kể tờ VietCatholic bị bất lợi do bị phong tỏa ở trong nước, không phải ai cũng đều có thể truy cập vào được.

Chúng ta biết rằng nhà nước đang nuôi dưỡng cả một lực lượng công an mạng rất lớn, nắm bắt tình hình trên là nhiệm vụ của họ và chẳng còn gì bí mật trong thời đại ngày nay, ai cũng có thể biết nếu họ khát khao muốn biết. Phải chăng chính vì nhận ra tầm vóc lớn lao của sự kiện hiện được nhiều dân công giáo quan tâm mà cho đến nay sau 8-9 tháng họ vẫn không dám xử dụng vũ lực thẳng tay đàn áp?

Đâu là giải pháp?

Trước thông tin nhà nước sẽ thu hồi lại mảnh đất 1,4 Ha này để làm công trình công ích, tôi chợt nhớ ra rằng, gần đây giáo hội cũng đã nhiều lần đề nghị nhà nước cho phép giáo hội mở trường tư thục. Điều này đã khiến tôi tự hỏi, liệu đây có phải là giao điểm duy nhất (và có thể còn là cơ hội cuối cùng) nhà nước và giáo hội có thể gặp gỡ và dùng ý tưởng này làm nền tảng giải quyết vụ Thái Hà sao cho “đẹp anh đẹp ả đẹp cả đôi đàng”?

Bởi vì đề xuất này vừa đạt được cả hai yêu cầu phục vụ cộng đồng như nhà nước đang có ý định nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho phép giáo hội vào tham gia việc giáo dục như các quí Cha đang mong muốn.

Tất nhiên chỉ vì là giáo dân và công dân tôi không có quyền quyết định mà chỉ xin phép nói lên gợi ý này như là bổn phận phải góp tiếng nói vào việc chung, không chỉ với giáo hội còn đối với xã hội.

Xin hiệp ý cầu nguyện cùng Quí Cha và giáo dân Giáo xứ Thái Hà.

Sàigòn, 15/9/2008