VỢ CHỒNG CÔNG GIÁO PHÁP SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI

... Hồi ấy chúng tôi mới lấy nhau. Chúng tôi cùng nhau tự hỏi làm sao để sống đạo giữa đời? Rất may, chúng tôi gặp được những vị Linh Mục có sức lôi cuốn giới trẻ. Các ngài là những Linh Mục rất thực tế, vừa hăng say hoạt động tông đồ vừa chu toàn chức vụ thánh một cách nghiêm chỉnh. Gương sống của các ngài đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của chúng tôi. Chúng tôi mong mỏi gặp một Đức Tin - không phải bình yên an nhàn - nhưng là một Đức Tin có sức mạnh gây thắc mắc, đặt câu hỏi!

Khi bắt đầu có con cái, chúng tôi quyết định dời nhà ra sống nơi ngoại ô thủ đô Paris, ở những khu vực có nhiều vấn đề của những gia đình nghèo hoặc di dân. Chúng tôi muốn tìm hiểu cảnh sống của các gia đình này, cũng như muốn cho con cái chúng tôi lớn lên giữa những người kém may mắn hơn chúng. Chúng tôi muốn giáo dục cho con cái biết thế nào là yêu thương và khoan nhượng.

Bà Sylvie nói:

- Tôi đi làm nửa ngày. Thời giờ còn lại tôi dành cho gia đình và cho những công tác thiện nguyện trong một hiệp hội giáo dân. Chúng tôi chia nhau đi thăm viếng các bệnh nhân nơi nhà thương. Tôi thích phiêu lưu mạo hiểm và tạo mối liên hệ thân tình với người không quen biết.

Ông Bruno tiếp lời vợ:

- Tôi thường tự vấn lương tâm: ”Anh là nhân viên điện toán, thử hỏi anh có sống gần gũi người nghèo không?” Cả hai vợ chồng chúng tôi đều là thành viên của Hội Truyền Giáo Pháp. Chính Hội này giúp chúng tôi hiểu rằng: ”Nếu muốn thay đổi não trạng trong phạm vi xã hội thì phải thay đổi từ trong các xí nghiệp”. Do đó, tôi tham dự vào việc thành lập một nghiệp đoàn. Chưa hết, tôi ghi danh theo học một năm huấn luyện về kinh tế tại đại học. Nhờ thế, tôi có thể góp phần vào việc khai sinh một tổ hợp thương mại chuyên việc thu góp đồ phế thải gồm quần áo cũ và các vật dụng cũ bằng kim khí. Tổ hợp hoạt động tốt đẹp và trưng dụng các người trẻ thất nghiệp trong các khu ngoại ô nghèo của thủ đô Paris.

Tuy nhiên, tôi không hài lòng với công việc này. Tôi muốn đi xa hơn trong việc tạo cơ may cho người kém may mắn, kẻ sống ngoài lề xã hội. Tôi muốn cho những người ấy có công ăn việc làm thực thụ - theo đúng nghĩa - chứ không phải những việc làm lặt vặt cỏn con, kiếm sống qua ngày! Một nền kinh tế thông thường, cần phải tạo công ăn việc cho người dân, đúng theo nhu cầu và nhân phẩm của họ.

Chúng tôi - giáo dân sống giữa đời - rất thích hình ảnh chiếc cầu: nối liền giữa kinh tế và xã hội, giữa các thành phần xã hội với nhau cũng như giữa Giáo Hội Công Giáo với những khu ngoại ô, những vùng lao động nghèo nàn. Khi người di dân không có giấy tờ hợp lệ, tranh đấu xin chính phủ Pháp cấp giấy thường trú, chúng tôi ủng hộ và nâng đỡ đòi hỏi của họ.

Trong nhiều năm trời, chúng tôi từng phụ trách Văn Phòng Tuyên Úy Công Giáo của các trường trung học. Tôi cũng tham gia việc chuẩn bị cho các em học giáo lý, lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Tuy nhiên, công tác gây nhiều hứng thú và kích thích nhiệt tâm tông đồ của chúng tôi nhất, chính là cổ võ sự gặp gỡ giữa người với người và sự giao thoa giữa các tư tưởng.

Chứng từ của bà Sylvie và ông Bruno Chaveron, tín hữu Công Giáo Pháp có 4 đứa con.

... Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi THIÊN CHÚA mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: ”Đây là nhà tạm THIÊN CHÚA ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là THIÊN CHÚA ở cùng họ. THIÊN CHÚA sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Khải Huyền 21,1-4).

(”Annales d'Issoudun”, Octobre/1999, trang 8-9)