Đồng Công Cứu Chuộc

Từ thập niên 50 của thế kỷ trước, người ta đã nghe nói tới tước hiệu đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ. Và ở Việt-Nam, chúng ta đã thấy xuất hiện một dòng tu nổi tiếng mang danh hiệu này.

Công Đồng Vatican II, khi nói về Đức Mẹ, đã không dành trọn một sơ đồ, mà đặt Đức Mẹ vào chung một sơ đồ về Giáo Hội. Điều này khiến một số người đồ đoán là Công Đồng đã chính thức giảm nhẹ vị trí của Đức Mẹ trong lòng sùng kính chính thức của Giáo Hội. Nhưng dù sự giải thích đó có đúng đi chăng nữa, thì lòng sùng kính đối với Mẹ Thiên Chúa trong lòng tín hữu vẫn không có gì thay đổi. Luật cầu là luật tin vẫn là một chân lý không thay đổi trong truyền thống hai ngàn năm của Thánh Giáo Hội Công Giáo. Nên nếu luật cầu không thay đổi thì luật tin cũng không thay đổi.

Cuối thế kỷ 20, một số người Công Giáo đã khẩn khoản thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố một cách vô ngộ Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Chuộc Tội. Năm 1985, trong một số diễn văn, Đức Giaon Phaolô II đã sử dụng tước hiệu này để nói về Đức Mẹ. Tại Guayaquil, Ecuador, Ngài nói: “Vì Người đặc biệt gần gũi thánh giá Con của Người, nên Người cũng có một cảm nghiệm đầy đặc ân về sự Phục Sinh của người Con ấy. Thực vậy, vai trò Đồng Công Cứu Chuộc của Người không chấm dứt với cuộc hiển vinh của Con mình”. Trước đó, ngày 8 tháng Chín năm 1982, khi chào đón các bệnh nhân trong một buổi triều yết chung, Ngài nói: “Mẹ Maria, dù được tượng thai và sinh ra không bị tì vết tội lỗi, nhưng đã dự phần cách kỳ diệu vào cuộc thống khổ của Con Trai thần thánh mình, ngõ hầu trở nên Đấng Đồng Công Cứu Chuộc của nhân loại”.

Đầu thập niên 1990, Giáo Sư Mark Miravalle của Trường Đại Học Phanxicô tại Steubenville ở Hoa Kỳ có phát động một chiến dịch xin chữ ký để thỉnh cầu ĐứcGioan Phaolô II chính thức công bố tín điều Đồng Công Cứu Chuộc. Hơn sáu triệu chữ ký đã thu được từ 148 quốc gia, gồm cả chữ ký của Mẹ Têrêxa thành Calcutta, của Đức Hồng Y John O’Connor, Tổng Giám Mục New York, của 41 vị hồng y khác và của 550 vị giám mục khắp năm châu. Tuy nhiên, một tín điều như thế vẫn chưa được chính thức công bố.

Năm 2005, tại Fatima, 5 vị hồng y đã đồng bảo trợ một hội nghị quốc tế chuyên bàn về tước hiệu Đồng Công Cứu Chuộc này. Hội nghị sau đó đã đệ lên đức Bênêđíctô XVI một thỉnh nguyện thư, xin Đức Giáo Hoàng long trọng công bố Đức Mẹ là “Mẹ thiêng liêng của toàn thể nhân loại, đồng công với Chúa Giêsu Cứu Chuộc, đấng trung gian mọi ơn phúc với Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian duy nhất, đấng bào chữa với Chúa Giêsu Kitô nhân danh nhân loại”. Trong số 5 vị hồng y này, có Đức Hồng Y Luis Aponte Martinez, tổng giám mục (hưu) của San Juan, Porto Rico và Đức Hồng Y Telesphore Toppo, tổng giám mục Ranchi, Ấn Độ.

Không Mới Lạ

Đức Mẹ Guadalupe
Trong cuộc phỏng vấn do Zenit thực hiện ngày 18 tháng Ba năm nay tại San Juan, Puerto Rico, Đức Hồng Y Martinez cho rằng công bố tước hiệu này, ta không nói gì mới thêm về Đức Mẹ mà chỉ là giải thích rõ vai trò của Người trong chương trình cứu rỗi mà thôi.

Đức Hồng Y cho hay năm 2002, tại Rome, ngài có trực tiếp trình bầy với Đức Gioan Phaolô II tầm quan trọng của tín điều trên trước mặt nhiều vị hồng y khác. Theo ngài, việc công bố này mật thiết liên hệ với việc tân phúc âm hóa của Giáo Hội, nhất là tại Châu Mỹ Latinh, nơi việc phúc âm hóa lần đầu vốn đã được Đức Mẹ Guadalupe hướng dẫn, thì lần này hẳn cũng sẽ thành công rực rỡ nếu được Mẹ Chúa Kitô lãnh đạo.

Việc long trọng định nghĩa các vai trò hiền mẫu của Đức Mẹ, như là đấng đồng công cứu chuộc, đấng trung gian, và đấng bào chữa càng làm Đức Mẹ thi hành nhiều hơn các chức năng hiền mẫu trên để cầu bầu cho thời đại ta đạt được hiệu năng tối đa trong việc tân phúc âm hóa.

Đức Hồng Y cũng cho hay: trọn bộ nội dung công bố này thực ra đã có từ ngàn xưa, và sẵn có ngay trong học thuyết chính thức của Giáo Hội rồi, chỉ cần mở lại Hiến Chế Lumen Gentium, số 57, 58, 61 và 62. Ngoài ra, nó vốn là giáo huấn cố cựu của các vị giáo hoàng trong nhiều thế kỷ. Gần đây nhất, Đức Gioan Phaolô II đã xưng tụng Đức Maria là đấng đồng công cứu chuộc 6 lần trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài. Tất nhiên, vai trò này lúc nào cũng được hiểu như là tùy thuộc hoàn toàn vào Chúa Giêsu, và chỉ như một con người nhân bản tham dự với Chúa Cứu Thế trong công trình cứu chuộc mà thôi.

Tuy không có gì mới lạ, nhưng theo Đức Hồng Y, một công bố có tính tín điều sẽ mang thêm ánh sáng và trân qúy hơn đối với học lý, khiến nó hoàn hảo hơn, như chính giải thích của Chân Phúc Giáo Hoàng Piô IX khi cho công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai năm 1854.

Người Bình Dân

Ngoài ra, các chức năng đồng công cứu chuộc, trung gian và bào chữa bên trong vai trò tổng quát làm mẹ thiêng liêng cũng không có gì khó hiểu đối với người bình dân. Theo Đức Hồng Y, người tín hữu ở Châu Mỹ La-tinh chẳng hạn, không những hiểu học lý này trong tâm hồn mà còn cảm nghiệm được các vai tuồng đó của Đức Mẹ trong chính cuộc sống họ. Một lần nữa, Đức Mẹ Guadalupe là hiện thân của các vai tuồng này một cách hết sức năng động trong vai trò một người mẹ từng chịu đau khổ với Chúa Giêsu cho chúng ta, một người mẹ đến để nuôi dưỡng chúng ta bằng ơn thánh của Chúa Giêsu, và một người mẹ luôn cầu bầu cho chúng ta khi khốn khó. Đó là đấng đồng công cứu chuộc, đấng trung gian và đấng bào chữa, chứ còn ai đây!

Đức Gioan Phaolô II đã nói một cách hết sức sáng sủa về việc Đức Mẹ làm trung gian nhân danh chức phận làm mẹ của mình bằng cách sử dụng thuật ngữ “Trung Gian Hiền Mẫu” (maternal mediation). Còn gì thông thường và dễ hiểu hơn một bà mẹ chịu đau khổ, nuôi dưỡng và khẩn cầu cho con cái mình? Mà đó lại chính là điều Đức Mẹ làm cho ta trong tư cách người mẹ thiêng liêng của ta. Đó quả là điều hết sức đơn giản và là một phần trong cảm nghiệm hàng ngày của các tín hữu Công Giáo. Điều đối với một số học giả xem ra khó chấp nhận thì lại đã được tỏ lộ cho những người chất phác nhỏ nhoi và đã được Giáo Hội tiếp nhận từ lâu.

Đại Kết

Mẹ Bồng Con
Nhưng đối với sứ mệnh đại kết hết sức tế nhị của Giáo Hội thì sao? Tín điều này có thể góp phần gây trở ngại gì chăng? Đức Hồng Y Martinez cho hay theo bản tính và ơn gọi, các bà mẹ luôn là người kết hiệp các gia đình. Mẹ Chúa Giêsu trong gia đình Chúa Giêsu cũng thế thôi. Sứ mệnh đại kết của Giáo Hội hết sức quan trọng, nhưng nếu loại Đức Mẹ ra ngoài, ta chỉ tổ làm chậm bước tiến của ta hướng tới hiệp nhất Kitô Giáo trong nhiệm thể Chúa Kitô.

Đức Gioan Phaolô II đã nói rõ trong thông điệp đại kết của ngài, tựa là “Ut Unum Sint”, rằng hoạt động đại kết đúng nghĩa của Công Giáo không bao giờ có nghĩa là ta phải thỏa hiệp học thuyết Công Giáo cũng như làm trở ngại việc phát triển học lý chân chính, trong đó có các học lý liên quan đến Đức Mẹ.

Việc long trọng xác định chức phận làm mẹ thiêng liêng của Đức Mẹ thực ra sẽ là bước nhẩy vọt trong phong trào đại kết, vì việc này sẽ minh nhiên phân biệt điều được Giáo Hội dứt khóat truyền dạy: tức việc Đức Maria không phải là một nữ thần, Giáo Hội Công Giáo không xếp Đức Mẹ lên bình diện ngang hàng với Chúa Giêsu, con thần thánh của Người, trái lại Người chỉ là một con người nhân bản tham dự vào hành động cứu chuộc có tính lịch sử một cách tuyệt đối và hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa Giêsu. Điều ấy sẽ khai quang được rất nhiều các hiểu lầm vốn có xưa nay nơi anh chị em Kitô hữu không phải là Công Giáo, dẫn đến một đối thoại và hiệp nhất lớn lao hơn liên quan tới mẹ Chúa Giêsu bên trong nhiệm thể của Người. Đấy mới là đại kết thực sự theo cái nhìn Công Giáo.

Trước ngày quyết định công bố tín điều Hồn Xác Lên Trời vào năm 1950, người ta cũng nêu cùng một phản chứng như thế liên quan đến đại kết với Đức Piô XII. Sau khi công bố tín điều ấy, Giáo Hội đã cảm nghiệm được một tiến bộ vĩ đại nhất cho tới lúc đó về đại kết, dẫn đến Công Đồng Vatican II.

Đức Maria là Mẹ phong trào đại kết, Mẹ của hiệp nhất, chứ không phải là một trở ngại. Ta hãy dành cho Người cơ hội để Người hiệp nhất chúng ta theo cách chỉ có một bà mẹ có thể làm được, bằng cách công khai và hãnh diện công bố các vai trò hiền mẫu của Người trong việc cầu bầu cho chúng ta. Nếu ta biết long trọng kêu mời Người cầu bầu cho, thì sứ mệnh hiệp nhất Kitô giáo sẽ được thăng tiến xiết bao.

Phản Ứng

Thông tấn xã Zenit, ngày 5 tháng Năm năm 2008, đã phỏng vấn Đức Hồng Y Telesphore Toppo về phản ứng trong Giáo Hội đối với cuộc vận động gần đây của ngài liên quan đến tín điều trên. Được biết, gần đây, Đức Hồng Y Toppo, cùng với 4 vị hồng y kia, có gửi cho các vị hồng y và giám mục khắp thế giới một lá thư, mời gọi các ngài tham gia vào thỉnh nguyện thư xin Đức Bênêđíctô tuyên bố tín điều Đồng Công Cứu Chuộc.

Ngài cho hay mặc dù đa số các vị hồng y và giám mục trực tiếp gửi thư cho Đức Thánh Cha để ủng hộ công bố này, nhưng ngài cũng nhận được khá nhiều thư trả lời rất khích lệ. Nhiều thư nói đến nhu cầu phải có tín điều này và sự cầu bầu lớn nhất của Đức Mẹ đối với hoàn cảnh nhiễu nhương hiện nay trên thế giới, kể cả chiến tranh và khủng bố, bách hại tôn giáo, sa đọa luân thường, gia đình tan vỡ và cả các thiên tai nữa.

Một cách tổng quát, các thư của các hồng y và giám mục khắp thế giới đều nhất trí rằng nay đã đến lúc cần một tín điều mới về Đức Mẹ làm liều thuốc chữa các khó khăn độc đáo đang đe dọa thế giới. Như Người từng làm ở Phòng Trên Lầu và trong Giáo Hội sơ khai xưa, Đức Mẹ có thể cầu bầu mà không một ai khác có thể cầu bầu được để Chúa Thánh Thần tuôn đổ ơn thánh, sự bình an và che chở mới mẻ cho Giáo Hội và thế giới.

Đức Hồng Y Toppo cũng cho hay ngày 3 tháng Sáu năm 2006, ngài có gặp Đức Bênêđíctô XVI trong một buổi yết kiến riêng, trong đó, ngài trình lên Đức Thánh Cha bản đúc kết các bài thuyết trình thần học của Hội Nghị Thánh Mẫu năm 2005 tại Fatima liên quan tới tước hiệu đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ. Ngài cũng trình lên Đức Thánh Cha bản thỉnh nguyện thư xin Đức Thánh Cha long trọng lấy quyền giáo hoàng xác định Đức Mẹ là mẹ thiêng liêng của mọi người, là đấng đồng công cứu chuộc, đấng trung gian mọi ơn thánh và là đấng bào chữa. Bản thỉnh nguyện này đến lúc đó đã được chữ ký của rất nhiều hồng y và giám mục trên thế giới.

Trong buổi yết kiến kéo dài 15 phút ấy, Đức Thánh Cha tỏ ra hết sức quan tâm đến các tài liệu đệ trình. Đức Thánh Cha tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy số đông các hồng y và giám mục đã ký vào bản thỉnh nguyện. Trong ít tháng gần đây, Đức Thánh Cha còn nhận được thêm nhiều thư nữa của các hồng y và giám mục thế giới ủng hộ tín điều nói trên.

Á Châu

Đức Mẹ Ấn Độ
Nói đến phản ứng đại kết và liên tôn, cũng như Đức Hồng Y Martinez, Đức Hồng Y Toppo cho hay việc xác định này sẽ giúp các bên đối thoại hiểu đúng đắn các điều căn bản trong giáo huấn Công Giáo. Tước hiệu đồng công cứu chuộc là cơ hội để ta trình bầy học thuyết của chúng ta liên quan đến Đấng Cứu Chuộc và mầu nhiệm cứu chuộc, quyền tối thượng trong sáng kiến Thiên Chúa, và vai trò tuyệt đối không thể đua tranh được nơi tính duy nhất của Chúa Giêsu như là Đấng Cứu Chuộc Thần Linh.

Chân lý liên quan đến việc cứu chuộc này phải được bổ túc bằng nhu cầu không thể thiếu đòi phải có sự hợp tác của con người thụ hưởng. Con người tự mình phạm tội được, nhưng không tự cứu chuộc được mình. Nói cách khác, đòi phải có sự hợp tác, đối với mỗi người tùy theo kế hoạch đã được Thiên Chúa tự ý phác thảo và chọn lựa. Như thế, ta có thể giúp các bạn đối thoại của ta hiểu nhiều điều về Đức Maria: việc ngài hợp tác bằng một lòng suy phục kế hoạch của Thiên Chúa, dẫn ngài trở thành Mẹ Chúa Giêsu; sự gần gũi với Chúa Giêsu ở lúc chịu đóng đinh như đấng đồng công cứu chuộc; việc ngài bào chữa cầu bầu và gây ảnh hưởng với Chúa Giêsu cho ta; việc ngài là Mẹ Giáo Hội, Nữ Vương Thiên Đàng, và Đấng Trung Gian mọi ơn phúc.

Sự hợp tác của Đức Mẹ giúp mọi Kitô hữu và cả người không phải là Kitô hữu hiểu được sự hợp tác cần có nơi ta với Chúa Giêsu và với ơn thánh của Người để được cứu rỗi. Đức Hồng Y Toppo tin chắc các Kitô hữu không phải Công Giáo hiện đang đối thoại với chúng ta sẽ hoặc là thấy tín điều này có thể chấp nhận được hoặc là không có luận điểm nào có giá trị và có tính thuyết phục chống lại tín điều này.

Ngài kể lại năm 1890, một bé gái thuộc phái Luthêrô tại Ranchi, tên Ruth Kispotta, khi khám phá ra người Công Giáo không tôn thờ Đức Mẹ như một vị thần, dù họ có tôn kính ngài trong tư cách là mẹ Chúa Giêsu, nên đã trở lại Công Giáo và lập ra tu hội bản xứ đầu tiên gọi là Nữ Tử Thánh An-nê, ngay tại Ranchi.

Người không theo Kitô giáo cũng sẵn sàng hiểu quan điểm của chúng ta trong vấn đề này. Đó là lý do khiến rất nhiều người không phải là Kitô hữu đổ xô tới các đền kính Đức Mẹ khắp thế giới, kể cả lục địa bao la Á Châu. Họ cảm thấy được Đức Mẹ lôi kéo vì sự gần gũi của ngài với Chúa Giêsu.

Tại Ấn Độ, có một đền thờ dâng kính “Dhori Ma” tức Đức Bà Hầm Mỏ, căn cứ vào một bức tượng được các thợ mỏ than Ấn giáo ở Dhori khám phá ra. Ngày nay, bức tượng Đức Bà này được hàng chục ngàn người tôn kính: cả Kitô hữu lẫn người Ấn giáo và Hồi giáo. Tất cả đều trân qúy Bà Mẹ hết lòng chăm sóc con cái mình và hoàn toàn nhất mực phục vụ chúng.

Hồi Giáo

êTheo Đức Hồng Y Toppo, việc trình bầy Đức Maria như đấng đồng công cứu chuộc sẽ rất được tán thưởng trong cuộc đối thoại với Hồi Giáo, vì một lý do giản dị là Đức Mẹ vốn được người Hồi Giáo biết rõ nhờ kinh Kô-răng. Người Hồi Giáo tôn kính Đức Maria như “người phụ nữ vĩ đại nhất” không hề có tội và mãi mãi đồng trinh. Đức Maria là người phụ nữ có phẩm giá cao cả và vai trò cũng như tầm quan trọng của ngài được nhìn nhận trong sách Kô-răng, trong sách Hadith và trong lòng sùng kính của cuộc sống Hồi Giáo hàng ngày.

Đức Hồng Y Toppo không ngần ngại nói rằng Đức Maria xưa nay vẫn là khuôn mẫu thực sự cho cả người Hồi giáo và Kitô giáo. Ngài phải là sự trợ giúp tuyệt diệu trong các cố gắng đối thoại liên tôn của chúng ta. Việc trình bầy chính xác Đức Maria như đấng đồng công cứu chuộc sẽ đem lại một ngả đường êm mát cho việc khám phá ra chân lý Công Giáo và khuyến khích mọi người thành tâm cộng tác với các sáng kiến của Thiên Chúa đầy yêu thương và đầy hấp lực mà lòng từ bi thì trải dài hết đời này qua đời nọ.