Ðiều trần quan hệ song phương Việt-Mỹ, nhân quyền Việt Nam tại Thượng Viện Hoa Kỳ

Ông Christopher Hill, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Ðông Á Thái Bình Dương, tại buổi điều trần ở Thượng Viện Hoa Kỳ chiều ngày 12 Tháng Ba, 2008 nói: “Quan hệ song phương từ đối đầu sang hợp tác. Nhân quyền, dân chủ vẫn tồn đọng.”

TNS Barbara Boxer: “Nhiều chuyển biến tích cực nhưng nhân quyền vẫn chưa tiến bộ.”


WASHINGTON DC (NV) - “Mười ba năm qua, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã chuyển từ thế đối đầu sang hợp tác. Việt Nam đã thay đổi rất nhiều... Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần quan tâm, và chúng ta đặc biệt quan tâm đến lãnh vực nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.” Ông Christopher Hill, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương đã phát biểu như vậy trong buổi điều trần tại Thượng Viện Hoa Kỳ hôm qua, 12 Tháng Ba, 2008.

Phụ tá ngoại trưởng Christopher Hill
Buổi điều trần được tổ chức tại Tiểu Ban Á Ðông Thái Bình Dương, thuộc Ủy Ban Quan Hệ Ðối Ngoại, Thượng Viện Hoa Kỳ, dưới sự chủ tọa của Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer.

Diễn giả có mặt trong buổi điều trần gồm có ông Christopher Hill, cô Janet Nguyễn (giám sát viên Orange County, California), ông Ðỗ Hoàng Ðiềm (chủ tịch đảng Việt Tân), ông Matthew Daley (chủ tịch Ủy Ban Thương Mại Hoa Kỳ-Ðông Nam Châu Á), bà Sophie Richardson (đại diện Ủy Ban Châu Á, tổ chức Human Rights Watch) và bà Ann Mills Griffiths (Giám đốc điều hành Ủy Ban Quốc Gia Những Gia Ðình Có Thân Nhân Mất Tích Hoặc Bị Cầm Tù).

Khá đông báo giới Việt, Mỹ, kể cả đại diện Thông Tấn Xã Việt Nam, đã có mặt tại buổi điều trần. Ðặc biệt, trong phần mở đầu, Thượng Nghị Sĩ Boxer đã giới thiệu một nhân vật từ hàng cử tọa, bà Ngô Mai Hương, vợ của Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, một công dân Hoa Kỳ đang bị cầm tù tại Việt Nam.

Trong lời phát biểu mở đầu, Thượng Nghị Sĩ Boxer đã khái quát sự tiến bộ trong quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian qua. Bà cũng nhấn mạnh đến sự thay đổi tích cực về đời sống kinh tế của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, bà nói: “Vẫn còn một lãnh vực đặc biệt mà chúng ta không thấy có sự tiến bộ. Ðó là vấn đề nhân quyền.”

Nhân vật điều trần đầu tiên, cũng là nhân vật được đặc biệt quan tâm, là Phụ Tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Christopher Hill, vừa từ Việt Nam trở về sau một chuyến đi dài ngày sang Châu Á. Những phát biểu của ông Hill cho thấy một Hoa Kỳ đang chọn lựa tiếp cận Việt Nam theo phương hướng của đối tác hơn là đối đầu. Ông Hill, trong phần mở đầu, đã nói: “Mối quan hệ song phương đã tiến triển đáng kể từ khi bang giao giữa hai quốc gia được tái lập hồi năm 1995.” Tuy nhiên, cũng trong phần mở đầu, ông thừa nhận rằng “vẫn còn một số vấn đề, đặc biệt trong lãnh vực nhân quyền.”

Ông Hill đã điểm qua những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay trong mối quan hệ hai nước, gồm có quan hệ kinh tế, các vấn đề an ninh và khu vực, cuộc chiến chống HIV/AIDS, nhân quyền, tự do tôn giáo, con nuôi và giáo dục.

Trong vấn đề an ninh khu vực, ông Hill phát biểu rằng: “Sự chú tâm của Hoa Kỳ trong khối ASEAN và APEC về những vấn đề tự do mậu dịch, chống khủng bố đã gia tăng cùng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Việt Nam.” Ông Hill cũng nhấn mạnh là Hoa Kỳ luôn tìm kiếm sự ủng hộ đầy đủ trong các vấn đề gìn giữ an ninh và hòa bình tại Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trong khuynh hướng này, ông nói: “Việt Nam đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An trừng phạt Iran.”

Những trình bày của ông Hill về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cho thấy Hoa Kỳ nhìn nhận những điểm tích cực trong nhiều lãnh vực của Việt Nam, đồng thời nhìn thấy Việt Nam như một đối tác ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, như ông phát biểu, “trong lãnh vực tự do dân sự và chính trị, Việt Nam vẫn còn những khiếm khuyết trầm trọng.”

Nhiều tên tuổi đã được ông Hill nhắc đến bài phát biểu của mình, gồm có Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Khối 8406...

Trước đó, trong phần mở đầu, Thượng Nghị Sĩ Boxer cũng đã cho đưa ra hai tấm hình phóng lớn gồm có hình Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng, trong một phiên xử tại Huế, và hình gia đình Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, một công dân Hoa Kỳ bị giam giữ tại Việt Nam gần bốn tháng qua.

Trong lãnh vực này, ông Hill nói rằng những đối thoại nhân quyền là phương cách tốt để Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra những quan ngại của mình cho phía Việt Nam. Ông nói: “Chúng ta đã nhấn mạnh rằng các cuộc đối thoại phải tập trung vào các hành động cụ thể, cứng rắn bởi chính phủ để cải thiện tình hình nhân quyền, và phải tạo ra kết quả tích cực.”

Liên quan đến điều này, bà Sophie Richardson cũng phát biểu trong phiên điều trần của mình rằng: “Trong khi sự cam kết kinh tế và các lãnh vực khác giữa hai quốc gia tiến triển tốt, thì khu vực nhân quyền Việt Nam chuyển sang tình hình tệ hơn.” Bà Richardson nói rằng Việt Nam vẫn luôn cho là đất nước này không có tù chính trị, không có sự đàn áp chính trị, vậy mà người dân Việt Nam vẫn còn bị bỏ tù vì những quyền rất căn bản, như thể hiện quan điểm một cách ôn hòa, lập hội... Bà nói chính sự bắt giam công dân như vậy là vi phạm các công ước quốc tế về quyền con người.

Ông Christopher Hill cũng nhấn mạnh có những việc mà Hoa Kỳ muốn thấy Việt Nam thực hiện ngay lập tức. Một trong các việc ấy là Việt Nam cần chấm dứt sử dụng những điều luật kiểu như điều 88 trong bộ luật hình sự, nhân danh “an ninh quốc gia” để bắt giam những người bị gọi là “tuyên truyền chống phá nhà nước.” Về vấn đề này, ông Hill nói rằng Hoa Kỳ muốn Việt Nam thả tất cả tù chính trị đang bị cầm giữ.

Về phần điều trần của ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, ông đã nêu lên các vấn đề liên quan đến tình hình hiện tại ở Việt Nam, những thách thức và những cơ hội, và những đề nghị cụ thể cũng đã được trình bày. Ông Ðiềm kêu gọi rằng Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam (HR 3069), đã được thông qua tại Hạ Viện, nên được Thượng Viện thông qua, và sau đó là Tổng Thống Bush ký thành luật.

Ông Ðiềm cũng đã nhắc lại trường hợp các đảng viên Việt Tân, gồm ông Leon Trương và Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, đã bị bắt trong khi cổ vũ các nguyên tắc bất bạo động tại Việt Nam. Ông Leon Trương đã được thả hồi Tháng Mười Hai vừa qua, trong khi ông Quân hiện vẫn còn bị giam giữ và vợ ông thì bị từ chối visa vào Việt Nam thăm chồng hồi tuần rồi.

Giám Sát Viên Orange County Janet Nguyễn, từ California, cũng được mời điều trần trước Thượng Viện. Cô nói rằng người dân Việt Nam không có quyền chọn chính quyền và rằng tình trạng bắt người vô cớ, tịch thu tài sản không qua xét xử vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Cô nhận định là việc lấy Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia quan tâm đặc biệt là “vội vã.”

Buổi điều trần bắt đầu lúc 2 giờ 30 chiều, mở màn với điều trần của ông Christopher Hill, đến cô Janet Nguyễn và kết thúc bằng một “panel” bốn người gồm ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, ông Matthew Daley, bà Sophie Richardson và bà Ann Mills Griffiths.

Trong phía nghe điều trần còn có Thượng Nghị Sĩ James Webb (Virginia), một người được cộng đồng Việt Nam biết đến khá nhiều do ông đã từng là cựu chiến binh Việt Nam, đồng thời là cựu bộ trưởng hải quân dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan.

Cũng trong ngày có buổi điều trần, Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez đã tiếp bà Ngô Mai Hương và ông Duy Hoàng, đại diện của đảng Việt Tân, để cùng thảo luận các cách thức để dân biểu này cùng các đồng viện có thể tạo thêm áp lực đến với Cộng Sản Việt Nam để Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân sớm được thả tự do.

Tại buổi gặp gỡ, Dân Biểu Sanchez nói: “Tôi không thể nào hình dung được nỗi đau đớn mà bà Ngô Mai Hương và gia đình đang phải trải qua. Bà Hương tưởng rằng sẽ được về Việt Nam thăm chồng mình nhưng đã bị chính quyền Việt Nam ngăn chận thu hồi thị thực mà không có lời giải thích. Ðây là một hành vi không thể chấp nhận được.”

“Tôi kêu gọi Tổng Thống Bush hãy cùng với Quốc Hội để yêu cầu Nhà Cầm Quyền Việt Nam phải phóng thích Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân,” bà Sanchez nói tiếp.

Văn phòng Dân Biểu Sanchez cũng cho báo Người Việt biết, hôm 11 Tháng Ba vừa qua, một lá thư do bà và 11 dân biểu Hạ Viện khác ký đã được gởi đến Tổng Thống Bush yêu cầu can thiệp trả tự do cho Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân.

(Nguồn: Bài và hình: Thanh Hùng/Người Việt (tường trình từ Washington DC) Wednesday, March 12, 2008)