MẾN THÁNH GIÁ TÂN AN TĨNH TÂM THÁNG 10.2007

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 7.10

“ Xin tin yêu vào nơi Đức Kitô…không ai tách lìa chúng ta khỏi tình Chúa Kitô ” bài hát và vũ điệu đã tạo bầu khí hào hứng trong tình thân ái của các chị em MTG Tân An trong ngày trở về cộng đoàn nhà mẹ, và cũng là dịp trở về với Chúa, với chính mình cùng những niềm vui và ưu tư mà chị em muốn chia sẻ cho nhau trong lần Tĩnh Tâm tháng Mân Côi. Tiếp đến là lời nhắn nhủ của chị Tổng Phụ Trách, kêu gọi chị emtiếp tục duy trì và phát huy thêm việc Chầu Thánh Thể, lần hạt Mân Côi để cầu nguyện cho những nạn nhân bị chết trong vụ sập cầu Cần Thơ và lũ lụt ở miền Bắc. Sau cùng khuyên nhủ chị em năng đọc Hạnh Tích Các Thánh vì đó là một trong cách thế nên thánh, cụ thể trong tháng 10 có lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu; thánh Phanxicô Assisi;thánh nữ Têrêsa Avila là những vị thánh sống rất gần với tinh thần dòng, là những mẫu gương cho chị em noi theo; chị cũng kêu gọi chị em hướng về ngày Thế Giới Truyền Giáo bằng việc gia tăng sự hy sinh trong tinh thần cũng như vật chất giúp cho công việc truyền giáo của Hội Dòng được phát triển hơn.

Và sáng ngày 7.10 Giáo Hội kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi, Linh mục Giacôbê Hà Văn Xung, cha sở nhà thờ Chính Toà Mỹ Tho đã chia sẻ với chị em về Đức Giêsu vị Ngôn Sứ, Tông Đồ của Chúa Cha. Sứ mạng truyền giáo là ơn gọi, sứ mệnh chọn lựa cách riêng cho những người được thánh hiến, sống theo mẫu gương Đức Kitô.

 Đức Kitô vị ngôn sứ được loan báo từ ngàn xưa, Chúa thực hiện vai trò Ngôn Sứ của Ngài. Khi Ngài nói lời Thiên Chúa-làm chứng cho sự thật-khai mở triều đại của Thiên Chúa đem đến cho nhân loại sự cứu thoát. Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến số 84 nói đến “bản chất ngôn sứ đời sống thánh hiến”, đó là những người được thánh hiến dấn thân triệt để cho Đức Kitô và trở nên dấu chỉ cho mọi người. Và số 85 của Tông huấn đưa ra lời mời gọi khẩn thiết người được thánh hiến phải trở nên chứng tá ngôn sứ để thấy vị trí ưu việt và điều thiện hảo của Thiên Chúa qua người được thánh hiến với đời sống: Trinh Khiết, Khó Nghèo, Vâng Phục và yêu thương anh chị em mình. Ba lời khuyên Phúc Âm hệ tại ở lòng mến muốn theo Chúa Kitô phải trở nên giống như Ngài và từ bỏ mọi sự để còn lại cái duy nhất là đồng hình đồng dạng với Ngài, bên cạnh đó để có cách sống liên kết chặt chẽ với lời loan báo thì phải thường xuyên xét mình dưới ánh sáng Lời Chúa qua ba giai đoạn :

· Thứ nhất: luôn thao thức làm cho đời sống thấm nhập Lời Đức Kitô, để Lời của Người biến đổi đời sống, lời nói, việc làm trong chính con người của mình.

· Thứ hai: can đảm sống sự thật. Khi Chúa Giêsu đến trần gian Chúa làm phép lạ, chữa lành bệnh tật…, tất cả những việc làm đó là để minh chứng cho sự thật. Vậy cuộc đời người được thánh hiến là một cuộc đời sống theo sự thật từ việc nhỏ đến việc lớn. Thế nhưng có những thách đố trong đời sống cộng đoàn, nếu không khéo dễ làm cho con người có cách sống theo nhóm, sợ bị mất lòng, đụng chạm, tránh né, giả dối.. có khi với chính mình và thiếu trung thực với người khác. Từ đó làm mất đi căn tính của đời sống thánh hiến. Do đó, muốn sống cho sự thật phải vượt qua những thách đố đó và cần sự sáng tạo của mỗi người,

· Thứ ba: sự sáng tạo ý thức và tự do trong đời sống thánh hiến, sống đúng đắn và trưởng thành trong sự tự do đích thực về đời sống thiêng liêng, thực hiện đức ái cộng đoàn, thăng tiến tình huynh đệ, trưởng thành nhân cách và nhân bản.

Đức Kitô vị Tông Đồ của Chúa Cha “như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Đối với người sống đời thánh hiến, sứ mạng tông đồ chiếm vị trí quan trọng vì thắp sáng cho trần gian bằng chính đời sống của mình, bằng dấu chỉ là người của Chúa và thực hiện những gì Chúa Giêsu đã làm. Theo Tông huấn đời sống thánh hiến số 25, việc ý thức truyền giáo chiếm vị trí trung tâm của mọi hình thức đời sống thánh hiến. Chọn và sống với người nghèo, người được thánh hiến được mời gọi trở về nguồn là trở về với lối sống của Đức Kitô. Đối với người được thánh hiến, phục vụ người nghèo là phúc âm hoá đời sống và đòi hỏi nhiều hy sinh và gian nan. Nhưng lời Chúa “Can đảm lên đừng sợ vì Thầy đã thắng thế gian” là nguồn động lực cho mọi hoạt động của người được thánh hiến. Đó cũng là dịp để ta nhìn lại đời sống là dịp để thực thi công việc truyền giáo của Giáo hội mỗi ngày sinh hoa kết trái.

Lời Chúa trong Thánh Lễ (Lc 1,26-38) nói đến việc Sứ Thần Gabriel đến loan tin cho Đức Maria biết rằng Thiên Chúa sắp cứu độ dân Ngài, và mời gọi Mẹ cộng tác vào công trình này. Đây là đoạn Tin Mừng rất hay mà chúng ta đã được nghe đi nghe lại rất nhiều lần trong năm Phụng Vụ.

Tin Mừng có 5 yếu tố; Sứ Thần hiện ra với Maria; thái độ sợ hãi và bối rối của Đức Maria trước lời loan báo của Sứ Thần; sứ điệp của Thiên Chúa được loan báo; câu hỏi của Đức Maria với Sứ Thần và cuối cùng Sứ Thần trấn an và cho một dấu chỉ. Điều đó cho chúng ta thấy rằng: Thiên Chúa không tự tiện xâm nhập vào cuộc đời của Mẹ Maria nếu như không được Mẹ ưng thuận trước. Tuy nhiên, đứng trước một lời mời gọi làm Mẹ của Đấng Cứu Thế, Đức Maria cũng bối rối và lo lắng. Mẹ đặt ra cho Sứ Thần một câu hỏi: “Việc ấy xảy đến thế nào được vì tôi không biết đến người nam”. Sau khi được Sứ Thần giải thích Mẹ Maria đã đáp trả bằng hai tiếng “Xin Vâng”. Lời xin vâng của Đức Maria không có nghĩa là Mẹ đã thấy rõ và thấy hết con đường trước mặt mà Thiên Chúa muốn Mẹ đi. Tiếng thưa xin vâng của Mẹ Maria chính là để cho Thiên Chúa sử dụng mình, là chấp nhận cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ. Vì thế, lời xin vâng của Mẹ Maria là lời xin vâng trọn vẹn và vô điều kiện của hành vi tự do xuất phát từ lòng mến. Mẹ dâng hiến trọn vẹn con người mình cả hồn lẫn xác cho Thiên Chúa, cho kế hoạch cứu độ của Ngài, cho Đức Giêsu Con Mẹ.

Khi đọc đoạn Tin Mừng này, suy nghĩ và áp dụng trong cuộc đời Tận Hiến, chúng ta thấy Thiên Chúa cần những tâm hồn như Đức Maria và vẫn mời gọi mọi người cộng tác với Ngài. Ngài không truyền tin cho chúng ta qua trung gian một Sứ Thần nhưng qua những biến cố tầm thường hay quan trọng trong đời sống, qua những nhu cầu khẩn trương của con người và qua Đức Giêsu Kitô, Con Một của Ngài. Nếu chúng ta cất tiếng thưa xin vâng với một niềm xác tín, chấp nhận để Thánh Thần ùa vào chúng ta, thì chúng ta có khả năng sinh ra Đức Kitô cho thế giới, để chỗ nào có chúng ta, thì có Đức Kitô hiện diện. Thiên Chúa vẫn mời gọi mỗi nguời chúng ta mở rộng tâm hồn như Đức Maria

Vậy mừng lễ Mân Côi, chúng ta hãy noi gương Mẹ, để tìm và thực thi Thánh ý Thiên Chúa một cách đặc biệt qua việc lần chuỗi Mân Côi để chúng ta sống tích cực hơn, làm đẹp đời mình và đời những người chung quanh, nhờ đó mọi người biết thưa xin vâng, và lời xin vâng này sẽ đem lại hoà bình, hạnh phúc nơi tâm hồn mỗi người và nơi cộng đoàn chúng ta. Con người hôm nay sống căng thẳng lo âu và đầy xao xuyến, chuỗi Mân Côi sẽ làm cho lòng mỗi người lắng xuống, bình an, thanh thản để nghe rõ Lời Chúa và đem ra thực hành trong cuộc sống. Ta quyết tâm sống như Mẹ trong việc tìm ý Chúa, để cuộc đời chúng ta là lời xin vâng từng giây từng phút. Vì nơi chúng ta chứa đầy tình yêu, niềm vui và lòng quảng đại.