Tin Mừng Chúa nhật 26 thường niên Lc 16, 19-31

Nhận và trao



Tội của lão phú hộ là tội gì? Xem ra, lão chẳng làm gì nên tội. Lão chẳng trộm cắp, cướp giật của ai; lão chẳng đánh đập hay chửi mắng Lazarô… Vậy tại sao lão lại sa vào chốn cực hình? Hay là vì lão quá giàu? Giàu đâu phải là tội!

Thật ra, lão phú hộ phải sa hoả ngục không phải vì lão giàu có, không phải vì lão đánh đập hay chửi mắng La-da-rô, mà chỉ vì lão là người ích kỷ, lão chỉ chăm lo bản thân mình mà không quan tâm đến người khác, lão chỉ biết thu tích cho riêng mình mà không biết chia sẻ cho người khác. Tội của lão là tội ích kỷ và chính sự ích kỷ nầy là nguyên nhân khiến sau nầy lão phải đau thương khốn đốn.

Quy luật của sự sống là có nhận có trao. Quy luật sống là “mình sống cho mọi người và mọi người sống cho mình”. Nếu ai đi ra ngoài quy luật đó là tự hại mình và tự chuốc lấy cái chết.

Trước hết, ta thử xem quy luật nầy được áp dụng trong phạm vi nhỏ là cơ thể. Để duy trì sự sống cho thân thể, tất cả mọi thành phần trong thân mình đều phải vận hành theo quy luật: nhận và trao.

Quả tim sau khi đã nhận máu thì liền bơm máu cho khắp châu thân, nhờ đó toàn thân được sống và lớn mạnh. Nếu có ngày nào quả tim tỏ ra ‘ích kỷ’, không chuyển máu nuôi toàn thân mà chỉ giữ lại cho riêng mình, thì đó là ngày tận cùng của nó và cũng là ngày hấp hối của toàn thân.

Hai lá phổi của chúng ta cũng thế. Phổi liên tục tiếp nhận dưỡng khí và liên tục trao ban. Ngày nào phổi ‘tham lam’ cứ giữ khư khư số lượng dưỡng khí đã nhận được mà không chịu phát ban, đó là ngày tận số.

Rồi dạ dày của chúng ta cũng làm công việc tương tự. Một khi đã tiếp nhận thức ăn, dạ dày co bóp, nghiền tán, biến thức ăn thô thành chất dinh dưỡng rồi hào phóng chuyển đi nuôi khắp châu thân. Ngày nào dạ dày khư khư giữ lại tất cả thực phẩm đã nhận được cho riêng mình, thì gây nên ách bụng, rối loạn tiêu hoá và là ngày tàn của cả toàn thân.

Nói chung, các cơ quan trong cơ thể muốn sống còn và phát triển thì chúng phải tuân theo quy luật của sự sống là biết nhận và biết trao.

Trên bình diện rộng lớn hơn, mỗi người chúng ta cũng là một tế bào, một cơ quan (như phổi, như gan…) trong một thân thể lớn là cộng đoàn mình đang sống, là tập thể mà chúng ta là thành phần hay nói rộng hơn là một thành phần của cộng đồng nhân loại. Vì thế, nếu mỗi chúng ta không trao ban chia sẻ những gì mình nhận được cho cộng đồng xã hội, thì số phận chúng ta cũng thế thôi. Có nhận, có trao là sống. Ngừng nhận, ngừng trao là chết.

Chính vì lẽ đó mà khi cộng đồng quốc tế muốn trừng phạt một quốc gia nào đó, muốn cho quốc gia đó kiệt quệ không ngóc đầu lên nổi, thì họ cô lập hoàn toàn quốc gia đó với lân bang và với thế giới, (không cho quốc gia đó xuất khẩu dầu thô ra ngoài để đổi lấy thực phẩm và thuốc men chẳng hạn) thế là quốc gia đó sẽ lâm nguy.

Lão phú hộ trong Tin Mừng hôm nay chưa hiểu được lẽ đời, chưa hiểu được quy luật của sự sống là nhận và trao, thế nên lão chỉ biết nhận, biết tận hưởng một cách ích kỷ mà không biết sớt chia cho chàng La-da-rô khốn khổ bần cùng, thế nên sau nầy lão phải lâm vào cảnh khốn đốn đau thương.

Trong cuộc đời nầy, chúng ta đã nhận được rất nhiều thứ do người khác cống hiến cho mình từ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, xe đi, và rất nhiều sản phẩm, dịch vụ khác… Ngoài ra lại còn được đón nhận vô vàn ân huệ Thiên Chúa tuôn ban trong suốt cuộc đời…

Đến lượt mình, chúng ta cũng phải cống hiến, phải biết trao ban cho người khác. Có vay phải có trả, có nhận thì phải có trao. Người khác đã phục vụ mình thì mình cũng phải biết phục vụ người khác.

Nếu chúng ta chỉ khư khư giữ lấy những ân huệ ấy cho riêng mình mà không biết cống hiến chia sẻ cho nhau, thì có khác gì quả tim không bơm máu, khác gì buồng phổi không chuyển trao dưỡng khí, hay dạ dày không cung cấp dinh dưỡng… thì chúng ta cũng đang đi vào vết xe của lão phú hộ, và chắc chắn hậu vận của chúng ta cũng sẽ y như lão vậy thôi.