SUY NIỆM CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM C

BÀI TIN MỪNG: Luca 16,19-31:

19 "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

23 "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm! 25 Ông Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

27 "Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này! 29 Ông Áp-ra-ham đáp: "Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. 30 Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. 31 Ông Áp-ra-ham đáp: "Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."


Bố cục
Người giàu và người nghèo lúc sống trên trần gian c. 19-21
* Người giàu có ăn sung mặc sướng.
* Các con vật dường như biết động lòng thương xót anh ta. Chúng an ủi anh. Đó không phải là một cảnh tượng đẹp.

Người nghèo và người giàu trong cuộc sống mai sau c. 22-23
* Chúng ta có thể tự hỏi tại sao người nghèo liền được vào thiên đàng, người giàu xuống hoả ngục? Họ đã làm gì để đáng được những số phận tương ứng?
* Vấn đề là biện phân và suy nghĩ. Chúng ta không thể kiểm tra được. Bản văn chỉ kể lại điều đã xảy ra và không đánh giá. Việc đánh giá dành cho người đọc.

Người giàu có cầu xin Abraham c.24
* Người giàu nghĩ rằng mình vẫn còn quyền hành. Ông đang ở hoả ngục tuy vậy ông truyền lệnh cho Abraham làm điều gì đó. Ông cả gan xin Ladarô nhỏ nước trên lưỡi cho mát. Ladarô chưa bao giờ là đầy tớ của ông ta. Anh chẳng là gì cả khi anh còn sống.

Đảo ngược số phận c. 25
* Đây là điểm chính yếu của câu chuyện, đảo ngược số phận.
* Chúng ta cần khám phá ý nghĩa của giáo huấn này.
* Toàn thể câu chuyện nói với chúng ta rằng, chúng ta không được thờ ơ với người nghèo. Chúng ta không có quyền mua sắm, vui hưởng quá độ, chỉ lo cho chính mình mà quên mất người nghèo.
* Bản văn là lời cảnh cáo những ai vô tâm trước nhu cầu của người nghèo.
* Bản văn phác hoạ hình ảnh điều gì sẽ xảy ra cho họ trong cuộc sống mai sau.

Không thể đáp ứng lời cầu xin c. 26
* Trong cuộc sống mai sau, không còn mặc cả, không còn giảm khinh hình phạt, không còn biện hộ, kháng nghị. Hết là chấm hết.

Người giàu có vẫn cầu xin / truyền lệnh
* C.28 nói cho chúng ta biết về anh em của ông. Họ cùng một nòi. Họ đã được giáo dục như thế nào? Một sự thất bại của cha mẹ họ? Họ không hề được dậy dỗ cho biết sống yêu thương, quan tâm đến những người bất hạnh, người cùng cực.
* Hoả ngục được mô tả là một nơi cực hình.
Sự khôn ngoan của Abraham c. 29
* Môisê tượng trưng cho lề luật; các sứ ngôn tượng trưng cho việc giải thích lề luật.

Người giàu có than vãn
* Người giàu có tỏ ra chẳng hiểu gì đường lối của Thiên Chúa.
* Ông chẳng bao giờ học hỏi vì mắc bận ăn uống và đua đòi.
* Đúng hơn ông học cách thoả mãn sự vui sướng dựa trên cái bên ngoài, cái nhìn, cái dáng vẻ và thị hiếu.
* Ông không được nuôi dưỡng về đời sống tâm linh. Ông không biết ‘giáo lý.’

Sự cương quyết của Abraham c. 31
* Abraham được trình bày như một con người cương quyết, biết phải làm gì.
* Abraham khẳng định rằng Môisê và các sứ ngôn thì hữu hiệu hơn kẻ chết sống lại.
* Hãy để kẻ chết yên mồ yên mả. Đừng quấy rầy họ.
* Bạn không thể làm điều gì cho những ai cứng lòng, chai đá.
* Linh hồn Ladarô đang được hạnh phúc trên trời.

Suy tư trên bài Tin mừng
Bài Tin mừng nói với những người chỉ nghĩ đến chính mình và không động lòng thương xót người nghèo.
Họ sẽ phải vào hoả ngục, nếu không lắng nghe giáo huấn của Chúa.
Giáo huấn của Chúa được học biết qua Lề luật và các tiên tri.
Không lắng nghe Thiên Chúa thì chẳng yêu mến người nghèo.
Nếu chúng ta không có thời giờ, chỗ ở, và tiền bạc cho người nghèo, điều đó có nghĩa là chúng ta chẳng hề lắng nghe Thiên Chúa.
Những ai không nhạy cảm trước nhu cầu người nghèo thì không có chỗ trong Nước trời.

Nối kết 3 bài đọc
Bài đọc 1 dạy rằng sự tự mãn không là lý tưởng của cuộc đời.
Bài đọc 2 dạy rằng chúng ta không được tự mãn, nhưng phải theo đuổi sự công chính, tình yêu đối với người nghèo và tuân giữ giới răn.
Bài Tin mừng dạy chúng ta phải biết động lòng thương xót người nghèo, không tự mãn.

CÁCH KHAI TRIỂN BÀI GIẢNG
Bạn có thích tiệc tùng không? Bạn có thường đi ăn trong những nhà hàng sang trọng không?
Không phải là điều gì sai trái khi đi dự tiệc hay đãi khách một bữa cơm thịnh soạn.
Các bài đọc phụng vụ cảnh giác chúng ta khi ăn chơi phè phỡn mà quên nhu cầu của người nghèo.
Đó là sống vô tình. Đó là xúc phạm họ, như thể họ chẳng hề hiện hữu.
Sứ ngôn Amốt chống lại những người giàu sống trong xa hoa và khoái lạc.
Ngài cảnh cáo họ về sự huỷ diệt sắp đến, vì sự tự mãn của họ.
Ngày giờ của họ đã được đếm rồi.
Bài Tin mừng cũng kết án sự tự mãn.
Người giàu có đi vào hoả ngục cũng vì sự tự mãn. Ông lãnh đạm trước cảnh ngộ khốn khổ của người nghèo. Ông vô tâm.
Đó là nói không với Thiên Chúa khi vui hưởng những ơn lành mà không biết chia sẻ với người nghèo.
Chúng ta có thể lập luận, họ cũng phải làm việc. Chúng ta giàu có vì đã làm việc cật lực, chúng ta biết quản trị tài sản.
Đó không phải là vấn đề. Người nghèo sẽ luôn ở với chúng ta, dù họ làm việc cật lực, vì những bất công.
Số phận sẽ đảo ngược trong đời sau, nếu chúng ta không ý thức đến ngay từ bây giờ.
Bài đọc 2 dạy cách gián tiếp rằng chúng ta đừng sống tự mãn.
Một cách tích cực hơn, thánh Phaolô khuyến khích chúng ta, chứ không chỉ Timôthê, hãy theo đuổi sự công chính, nó sẽ diệt trừ tính tự mãn.
Sự công chính là nỗ lực làm điều đúng đắn.
Đó là đứng về phe chân lý và loại bỏ cái gì thấp kém, vô giá tri, không cần thiết.
Đó là gác qua một bên một vài vui thú của ta và chia sẻ với người nghèo.
Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta chân thành tuân giữ các giới răn, không có gì đáng trách.
Các bài đọc hôm nay mạnh mẽ chống lại các cuộc vui chơi quá độ.
Người giàu phải được dạy dỗ từ thời niên thiếu về các giá trị nhân bản và kitô giáo, chẳng hạn tình yêu đối với người nghèo khổ.
Ngày hôm nay có nhiều trường học gởi các học sinh đến các vùng ổ chuột để khơi dậy ý thức về công bằng và lòng thương xót đối với những người bất hạnh.
Những giáo dân giàu có phải được dạy để biết đóng góp vào những quỹ tài trợ người nghèo (thuốc men, ăn uống, học bổng).
Người kitô hữu phải được dạy biết tìm kiếm niềm vui / hạnh phúc / ơn cứu độ nơi việc ban tặng.
Bí tích Thánh Thể là một bàn tiệc Chúa dọn ra cho mọi người, người giàu lẫn người nghèo. Đó là chia sẻ sự sống nơi đó chẳng ai là người giàu và người nghèo.
Trong bí tích Thánh Thể, người nghèo không bị loại trừ.
Qua Lời và bí tích, Đức Giêsu là Đấng có thể thoả mãn cơn đói khát của chúng ta, không như thế gian ban tặng.
Bí tích Thánh Thể là một bí tích cứu độ cho người nghèo.
Những người được mời đến thông hiệp Mình Máu Thánh Chúa là những người đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, không sống tự mãn, không xem thường người nghèo, có lòng đối với người túng cực.
Bí tích Thánh Thể là bí tích công bình và cứu độ cho người công chính.

Cielito Almazan Ofm, Phan Du Sinh chuyển ý