CHỦ NHẬT 25 C THƯỜNG NIÊN

KHÔNG AI CÓ THỂ LÀM TÔI HAI CHỦ

Tự do là niềm mơ của mọi người nơi mọi thời, nhưng ý niệm tự do bao hàm nhiều lãnh vực. Nơi cuộc sống nhân sinh, con người xử dụng tự do tùy thuộc giới hạn và hoàn cảnh đồng thời cảm thấy hài hòa với cuộc sống hay không lại tùy thuộc quan niệm của chính người ấy áp dụng nơi hiện trạng cuộc đời.

Không thể có tự do tuyệt đối trong mọi lãnh vực mà chỉ có tự do tương đối giới hạn tùy môi trường, hoàn cảnh. Con cá tự do bơi nơi sông nơi biển nhưng không thể bơi trong không khí. Con người tự do thực hiện ước muốn ước mơ trong giới hạn lề luật và điều kiện sinh sống. Tuy nhiên, có những ước muốn, khát vọng phù hợp lề luật và điều kiện sinh sống nhưng nếu đem ra thực hiện chẳng những gây nguy hại cho chính mình mà còn tạo ảnh hưởng khốc liệt đến những người liên hệ.

Đàng khác, những gì cần thiết, đem lại lợi ích cho người này chưa chắc đã phù hợp, nếu không muốn nói là tạo nên kết quả chẳng nên đối với người khác. Thí dụ, viên thuốc giảm cao máu rất lợi ích cho người bị áp huyết cao, nếu một người áp huyết bình thường uống vô sẽ bị tối tăm mặt mày, tiêu tán năng lực. Xét rộng hơn, lề luật, chủ thuyết, quan niệm của nhóm người này coi chừng bị kết án là phản nhân sinh hoặc bất nhân đối với xã hội khác.

Và con người đã nhân danh tự do tạo nên nhiều sự khốn khó theo lý của kẻ mạnh, lý của kẻ mượn cơ hội hầu thực hiện ý đồ nào đó. Biết bao người hô hào chiến đấu cho hòa bình trong khi đang bị lý tưởng hay ý niệm hòa bình đày ải nên đã không tự sống hòa bình trước. Nơi trường hợp này, con người rơi vào trạng thái rao bán điều mình không biết chẳng khác gì thực thể tiềm ẩn nơi câu ca dao tiền nhân dân Việt để lại, “Đầu ngòi có con ba ba; kẻ gọi con trạnh, người la con rùa.”

Thực tại nhân sinh minh chứng con người thông minh, lắm sáng kiến về mọi phương diện thế tục. Hơn thế nữa, khả năng phát triển sáng kiến thăng tiến vượt bực khi con người bị dồn vào hiện trạng chẳng đặng đừng hầu bảo tồn sự sống, sự hiện hữu xác thân nơi cõi trần. Ngược lại, bởi phải triền miên chiến đấu như một khả năng sinh tồn, con người trở nên quá quen nếu không muốn nói là đã bị ám ảnh, hớp hồn với suy tư, nhận định thế tục, không vượt khỏi cảm nhận ngũ quan nên đã vội chiều theo quan niệm “những gì khoa học không thể chứng minh đều không có thật,” hoặc không hiện hữu, mà quên rằng khoa học bắt nguồn từ lòng khát khao, tha thiết muốn nhận chân thực thể sự vật. Thử hỏi, trước khi được minh chứng theo khoa học chẳng lẽ sự tưởng tượng không có thật bởi lúc đó chưa ai có thể đụng chạm tới sự tưởng tượng đó.

Những ai để ý đặt lại vấn đề thân phận nhân sinh của mình đều nhận thấy tỏ tường con người đã vô tình dồn mọi nỗ lực một cách hoang phí hầu thỏa mãn ham muốn thế tục và đã bỏ lơi hoặc không dám đối diện với lòng khát khao tiềm ẩn nhận biết chính mình. Lời Phúc Âm nhắc nhở con người để ý hiện trạng này đã bị lãng quên nơi mỗi người, “Với đồng loại của mình, con cái đời này khôn hơn con cái sự sáng!” (Lc. 16:8b). Hoặc nơi khác Phúc Âm nhấn mạnh, “Kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất; còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu nó. Nào ích gì cho người ta là được lời lãi tất cả thế gian mà lại thiệt mất sự sống mình” (Mc. 8:35-36; Mt. 16:26; Lc. 9:25).

Cuộc sống nhân sinh của mỗi người rồi sẽ qua đi không sớm thì chầy. Ai cũng thế, đã được sinh vào đời trong khoảng thời gian nào đó, đều phải giã từ kiếp người dẫu muốn hay không. Dù thông minh biết mấy hoặc lắm sáng kiến đến đâu, tài hoa thế nào, giầu có, danh vọng hay nghèo hèn, ngu muội, sự chết gột bỏ mọi dây dưa của kiếp người với tất cả những liên hệ thế tục. Cho dù ai đó dùng mọi cách kéo dài sự sống của thân xác thì đến lúc nào đó cũng phải buông xuôi, ra đi với đôi bàn tay trắng như chưa hề bao giờ đã tạo dựng được gì nơi thế giới hữu vi này. Con người không thể nhân danh tự do hoặc bất cứ quyền lực nào hầu mong thoát khỏi sự chết xác thân.

Nơi thời điểm này, Lời Chúa lên tiếng, “Điều gì dưới đất ngươi cầm buộc thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và điều gì dưới đất ngươi tháo cởi thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời” (Mt. 16:19). Ước muốn, ý định, ý nghĩ, niềm mơ, tham vọng, đều là hoạt động, sản phẩm của linh hồn. Con người có tự do để từ chối những gì nơi trường hợp không bị bắt buộc nhưng lại luôn luôn là nô lệ chân thành, năng nổ cho ước muốn, ước mơ của mình. Tất nhiên, khi còn nơi dương gian, linh hồn mình theo đuổi, tự cầm buộc mình vào ước muốn, ước mơ nào đó; sau khi xác thân qua đi, linh hồn vẫn tiếp tục lệ thuộc ước muốn đã tạo thành và theo đuổi những ước mơ đó. Tự do là con dao hai lưỡi. Một đàng nó là phương tiện tác tạo năng lực thăng tiến, sáng kiến; đàng khác nó trở nên mối trói buộc con người chẳng những đời này mà cả đời sau. Nó biến con người toàn bộ trở thành nô lệ cho ước mơ, sản phẩm chính mình đã tác tạo.

Và chúng ta đã tiêu pha cơ hội làm người của mình như thế nào? Chúng ta đã dành bao nhiêu phần trăm cuộc đời để được đào tạo, để học hỏi những quan niệm, suy luận, phương cách thế tục cho có cuộc sống nhân sinh thoải mái, dễ chịu hơn, hoặc để thăng tiến về trí thức, nâng cao sự nhận biết nhân sinh, và có thể để tự nhận định mình là thế nào nơi xã hội loài người. Lòng tự hỏi lòng, được bao giây phút chúng ta suy nghĩ để tự tìm hiểu, nhận chân mình là gì, là ai, và tại sao có cuộc sống giới hạn nơi cõi nhân sinh vào thời điểm này, và rồi sẽ ra sao? Phải bao nhiêu nỗ lực, cố gắng, cũng như thời giờ chúng ta đã xử dụng để có ngày nay, tại sao Lời Chúa lại điềm nhiên khuyên nhủ, “Hãy coi chim trời. Chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm và Cha các ngươi, Đấng ở trên trời nuôi nấng chúng! Các ngươi không hơn chúng sao? Ai trong các ngươi chỉ lo mà có thể thêm cho đời mình một gang nữa? Còn về áo mặc các ngươi lo làm gì? Hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng xem chúng lớn lên thế nào? Không nhọc nhằn, cũng chẳng canh cửi! Nhưng Ta bảo các ngươi: Salômôn trong tất cả vinh hoa đời ông cũng không ăn vận sánh tày một đóa hoa đó” (Mt. 6:26-29).

Đem Phúc Âm làm cán cân nhận định về cuộc đời của mình, chúng ta sẽ nhận biết rõ ai là chủ cuộc đời. Như vậy bất cứ ai cũng biết rõ mình đang theo đuổi điều chi; mình đang tuân lệnh chủ nào. Lời Chúa nhắc nhở thực trạng tâm hồn nơi mỗi người, “Một tôi tớ không có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này và mến người kia, hoặc tha thiết với chủ này mà khinh màng chủ nọ” (Lc. 16:12).

Lãmộngthường