Chúa nhật 25 TN C: TÔN THỜ MỘT MÌNH THIÊN CHÚA

Từ Lời Cảnh Báo của Tiên Tri Amos

Nghe đoạn sách tiên tri Amos hôm nay, tôi nghĩ nhiều đến toàn cảnh xã hội kinh tế Việt Nam, sao mà có nhiều điểm tương đồng với xã hội Bắc Do thái thời tiên tri Amos đến thế? Có phải đợi đến lúc cái tên gọi “kinh tế thị trường” ra đời, đồng tiền mới lên ngôi cai trị toàn thể tim óc con người đâu? Lời tiên tri Amos cũng đang nói với chúng ta đấy chứ?

Vâng, Tiên tri Amos, từ một cậu chăn chiên vô danh đã làm đảo lộn cả miền Bắc nước Do Thái, chỉ vì ông đã hét to lên giữa đời rằng: Hãy chấm dứt, hãy chấm dứt ngay cuộc sống gian tham, vì “ Hỡi những người đàn áp người cùng khổ, và tiêu diệt người nghèo hèn trong xứ, hãy nghe đây….Thiên Chúa sẽ không bao giờ quên một hành vi nào của những người tham lam gian ác ” (Am. 8. 4, 7b). Từ “quên” trong câu nầy phải được hiểu là tha thứ, bỏ qua trong ngày phán xét. Thứ tôn giáo của xã hội thời nào cũng có, đó là suy tôn giá trị đồng tiền đến mức người ta có thể hy sinh tất cả danh dự, nhân phẩm, mạng sống để cho có được đồng tiền. Và khi đã có tiền, người ta sử dụng đồng tiền một cách bất nhân, bất nhẫn. Tiên tri đã nhắc tới cách làm kinh tế của họ: giữ luật không buôn bán trong ngày nghỉ lễ (ngày sóc, mùng một), ngày Sabbat một cách tiêu cực; buôn gian bán lận, vặn cân bẻ móc; bán cả hàng chất lượng kém: lúa nát gạo mục, miễn là có doanh thu; dùng tiền gian bạc lận kiếm được mua người cơ bần; đến nỗi đôi dép của người giàu cũng có thể dùng đổi chác để lấy một con người cùng khổ…

Thử liên tưởng đến bao nhiêu bất công trong xã hội Việt Nam hôm nay: “kẻ ăn không hết, người làm không ra”, “người giàu cao ngất tầng mây, người nghèo tay trắng trắng tay vẫn nghèo”; người giàu ở Sài gòn, Hà nội… có thể ăn chơi một đêm với phí tổn gần chục cái nhà tình nghĩa, gần bảy năm công ruộng, gần hai chục năm ăn học của một em học sinh con nhà nghèo... Người giàu đủ kiểu làm giàu, nhưng không có kiểu nào mau giàu bằng kiểu bất lương bất chính. Người giàu thời nay có tiền nhờ những người cùng khổ đổ mồ hôi nước mắt, nên họ cũng chẳng tiếc tiền mà vung tay mua sắm những gì có thể làm cho họ thỏa mãn cuộc sống ngắn ngủi mà họ cho là thiên đàng. Thời Tiên tri Amos đã có cái tội “mua người cơ bần” hoặc “đổi đôi dép lấy người cơ cùng”, thì thời nay, dịch vụ ấy càng thêm loạn, thêm nhục cho người nghèo. Nghèo không phải là một tội, nhưng người nghèo dễ mắc tội tòng phạm, tội cần tiền để sống mà đánh đổi tất cả. Đúng là “Nihil novi sub sole”. Chuyện thời nào cũng có, ở đâu cũng có, càng nghèo càng dễ có…

Tháng 9 năm ngoái, ở Viện Tim Sài Gòn, tôi và mấy người sau khi tiễn con vào phòng mổ tim, ngồi đợi ở cái gốc cây gần khoa mổ, thấp thỏm chờ tin con và chỉ mong cho con được cứu sống, được an toàn. Hồi hộp, lo sợ lắm. Có người phải uống cà phê để tự trấn an. Vài người chuyện trò cho qua ngày qua giờ. Một người hỏi:

-“Con anh mổ mất bao nhiêu?”

-“Hơn bốn ngàn đô”

-“Còn con anh?”

-“Lần trước hai ngàn ba, lần này bốn ngàn sáu”

Ông già người Bến Tre than thở:

-“Bà mẹ nó, mổ một quả tim tốn năm bảy ngàn, mà bán cho thằng Đài loan có ngàn mốt”

-“Chỗ anh còn có giá đấy, chỗ tôi có đứa mua có năm trăm”

Nghe mấy người nói chuyện với nhau, mà lòng tôi đau nhói. Hôm nay, Tiên tri Amos cũng đang hét to với chúng ta về tội tôn thờ đồng tiền và tội sủ dụng đồng tiền một cách gian ác. Tham và gian, rồi ác, luôn đi với nhau thành một bè lũ trong ta, ngoài ta, bên lề xã hội và bên trong luật pháp trần thế. Tất cả đều bắt đầu từ việc bỏ Thiên Chúa mà tôn thờ tiền bạc như một thứ ngẫu tượng, để tiền bạc khống chế làm sự lành, ra lệnh làm điều dữ.

Đến Lời Chúa dạy về việc sử dụng đồng tiền

*Đồng tiền là phương tiện

Chúa Giêsu khen người quản lý bất trung có cái khôn khéo theo kiểu gian manh ở đời, để phòng thân cho tương lai. Chi tiết lo cho tương lai là điều Chúa muốn nói ở đây. Con người kiếm tiền không chỉ để sống hôm nay, mà còn phải dành dụm tiết kiệm cho ngày mai, cho con, cho cháu…Áy vậy mà, biết bao người đang ra sức kiếm tiền bằng đủ mọi cách, miễn sao cho có được nhiều tiền. Mãnh lực đồng tiền có sức hút con người vào chổ dành hết thời gian, hết suy nghĩ, hết nổ lực cho việc kiếm tiền, đến nỗi không thể tách rời nó được. Vì thường là nó cho phép con người hạnh phúc với nó theo kiểu ngắn hạn mà phong phú ảo tưởng của nó.

Một lần tôi chở Cha Phanxico đến xức dầu cho một ông già hơn 80 tuổi. Ông cụ nằm trên giường, nghiêng qua bên Cha Px để xưng tội. Thấy có mấy tờ tiền hai, năm, mười ngàn dưới lưng ông cụ, Cha Px bật cười hỏi: “Tiền ở đâu nhiều thế?” Ông trả lời “Có mấy đồng thôi Cha, để có ưng ăn cái gì thì bảo mấy đứa nó mua. Tiền ai nấy xài. Một lần xin tiền con cái khó khăn lắm, nó la hoài”. Vâng, như thế đấy, đồng tiền làm cho người ta thân thiết với nó đến mức lụm khụm cũng không rời nó được.

Tôi thấy Chúa Giêsu biết rõ điều nầy, và hầu như không có lịnh nào cấm chúng ta làm việc để kiếm tiền, nhưng như người quản lý bất trung kia biết lo cho tương lai ở trần gian nầy thế nào, thì chúng ta cũng phải biết lo cho một tương lai vĩnh cửu hơn trên nước trời như thế. Chúa muốn dạy cho chúng ta biết, đồng tiền là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Chúng ta không thể tôn thờ đồng tiền đến nỗi để cái quyền của đồng tiền sai khiến chúng ta, và cái quyền do đồng tiền của ta sai khiến người khác cách thiếu bác ái, hoặc yêu cầu người khác vì tiền mà đồng lỏa với sự dữ. Cứu cánh của chúng ta là Thiên Chúa. Và nếu biết đồng tiền là phương tiện, thì phải biết khôn khéo mà sử dụng nó để mua lấy nước trời.

*Người quản lý biết sinh lợi

Người quản gia trong dụ ngôn là mỗi người chúng ta. Cần khẳng định lại ngay vai trò nầy, để biết mình và giữ mình không vượt quá quyền hạn : “chỉ là người quản lý thôi nhé”. Tất cả những gì ta có, đều là của Chúa ban cho. Ta có bổn phận gìn giữ và phát huy, như vai trò của một ủy viên tài chánh trong tổ chức- không chỉ giữ tiền mà còn biết sinh lợi. Người quản lý bất trung là người giữ tiền không an toàn huống chi nói đến việc sinh lợi. Tôi không chỉ nghĩ đến tiền, mà về vấn đề sinh lợi, thiết nghĩ cũng đề cập đến tất cả tài năng, trí tuệ và những ân lộc khác mà Chúa. Tất cả đều phải sinh lợi. Tất cả đều phải phục vụ cho ơn cứu rỗi.

Một Cha sở đi Mỹ xin tiền về xây nhà thờ. Ngày về đến giáo xứ, Ngài kêu gọi mọi người tham dự thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho các ân nhân. Trong thánh lễ, Ngài nói “ Thưa anh chị em, tôi mới đi Mỹ về, thăm được một số giáo xứ, gặp được một số ân nhân đã giúp chúng ta tiền xây nhà thờ. Anh chị em cần biết, bên Mỹ người ta không có thời gian uống cà phê tà tà mỗi sáng như chúng ta, không có thời gian “chiều chiều lại nhớ chiều chiều, sương sương ba xị đủ điều đắng cay” như chúng ta, họ làm việc như chong chóng và những đồng tiền nầy là những đồng tiền mồ hôi vất vả của họ. Họ hy sinh cho chúng ta, để xây cho chúng ta cái nhà thờ này, nhưng thực ra họ đang muốn xây cho họ một ngôi nhà thờ trên trời. Vì thế, những đồng tiền nầy là những đồng tiền của những tâm hồn đạo đức. Hội Đồng Mục Vụ cần cân nhắc những khoản chi, không được lãng phí một khoản nào”.

Biết dùng đồng tiền để sinh lợi, cũng có nghĩa là biết không dùng đồng tiền để chuốc họa vào thân, biết tránh những bùa mê của lòng tham lam vô ích.

Nhà Thơ Công Giáo nổi tiếng Lê Đình Bảng, trong một chuyến công tác chung, anh tâm sự: “Mấy lần anh bị cám dỗ bán bản quyền tập thơ cho Hội Thánh Tin Lành; mấy lần bị cám dỗ viết bài cho tờ Giác Ngộ vì nhuận bút hậu hỉ lắm, đúng lúc mình cần tiền nữa chứ. Nhưng rồi, không thể làm như vậy được, cái gì của Cesar, trả cho Cesar, cái gì của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa”.

Vâng tiền bạc là của thế gian. Linh hồn ta thuộc về Thiên Chúa. “Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13)

An cư lạc nghiệp

Tôi xin dùng lời Thánh Phaolô để dừng lại những suy tư hôm nay: “ Anh em thân mến, trước hết tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh”. (1Tim 2,1-2)

Lạy Chúa, lời cảnh báo của Tiên tri Amos cũng đang cảnh báo chúng con về lòng tham lam của cải thế gian, về sự gian lận trong cách làm ăn kiếm sống, và về sự sử dụng đồng tiền chuốc họa vào thân. Xin soi sáng cho những nhà lãnh đạo quốc gia, biết tìm ra con đường chân chính nhất để nêu gương đời sống công bằng, để hướng dẫn con dân an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh như ý Chúa muốn hôm nay: là chỉ Tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi.