Đọc qua bài viết của Armstrong Williams về Sự Chối Bỏ Niềm Tin Ở Châu Âu, có lẽ chúng ta đã có thể hình dung được một bối cảnh ‘đương đầu’ về tôn giáo ở Châu Lục này. Chúng ta cũng có thể thấy được rằng chính người Châu Âu đã chủ động cho phép cái bối cảnh đó xảy ra vì họ đã xa dần Thiên Chúa. Và chắc rằng có người trong chúng ta đã bi quan nghĩ rằng cái thời ‘Hậu-Thiên-Chúa-Giáo’ quả thực sắp xảy ra ở Châu Âu và có thể lây lan ra những Châu Lục khác.

Thế nhưng chúng ta có thể an tâm và lạc quan hơn khi đọc bài ‘Từ đống tro tàn, các tín ngưỡng đoàn kết lại’ (From ashes, faiths unite) của tác giả Sherri Day, đăng trên tờ Petersburg Times phát hành ngày 6 tháng 7/2007 thuật lại sự việc các tín đồ Thiên Chúa Giáo đã chung tay cùng với các tín đồ Hồi Giáo xây dựng lại Trung tâm Giáo dục Hồi giáo ở Tampa bị một kẻ vô danh nào đó đốt vào một ngày trong tháng 4 vừa qua.


Bài báo viết:

“Trước khi kẻ nào đó phóng hỏa đốt Trung tâm Giáo dục Hồi giáo ở Tampa, bác sĩ Akram J. Al-Asdi cảm thấy bị cô lập, chắc chắn vì nhiều người Mỹ nhìn người Hồi giáo với cặp mắt tiêu cực. Thế nhưng khi tin về ngọn lửa tháng Tư được loan đi thì lòng nhân hậu của ngay cả những người lạ cũng lan rộng.

Trong vùng Town ‘N County còn ngái ngủ, nơi tọa lạc của ngôi đền, cư dân ghé lại để đề nghị giúp đỡ. Ông Al-Asdi lấy làm ngạc nhiên khi có nhiều người, Hồi giáo cũng như không phải Hồi Giáo, đã yểm trợ tài chánh để giúp cộng đồng Hồi giáo xây dựng lại Trung tâm.

Còn nhiều công việc phải làm nhưng ông Al-Asdi cảm thấy được khích lệ. Ông là một bác sĩ giải phẫu nhi khoa đã nghỉ hưu, năm nay 57 tuổi và là Chủ tịch của Trung tâm này. Ông nói: “Chúng tôi cảm nhận được tình thương và sự yểm trợ. Đương nhiên có sự thù hận trong sự việc này. Nhưng tôi tin rằng cộng đồng chúng ta tốt. Chòm xóm chúng ta tuyệt vời và đất nước chúng ta thật tuyệt vời….”.

Bài báo viết tiếp rằng tòa nhà này không được bảo hiểm và phải tốn ít nhất là $50,000.00 để sửa chữa và sự đóng góp mới thu được $20,000.00 phần lớn từ những cơ sở Hồi giáo trong Tiểu bang. Ông Al-Asdi cho biết các Cộng đoàn Thiên Chúa Giáo cũng đóng góp những số tiền lớn. Riêng Lm. Robert Gibbons, quản nhiệm St. Paul’s Catholic Church đã quyên góp được $1,500.00 và những giáo dân thuộc Bayshore Presbyterian Church cũng đóng góp $530.00, đặc biệt là có người nào đó góp phần mình chỉ bằng 2 đô la cùng với bức thư chia sẻ tình cảm.

Một điều đáng nói là mùa Thu vừa qua, Cộng đồng Hồi giáo vùng vịnh đã đóng góp $5,000.00 và nhờ chính Lm. Gibbons, lúc đó là Lm. tổng quản Giáo phận St. Petersburg, chuyển giúp phục hồi các nhà thờ bị đốt ở vùng West Bank và giải Gaza do người Hồi giáo hiểu lầm lời tuyên bố của ĐGH Biển Đức XVI.

Kể từ ngày Trung tâm bị phóng hỏa thì số 100 gia đình Hồi giáo đã tản mác đi các nơi khác vì sự thuê mướn các khách sạn để cầu nguyện quá tốn kém. Ông Al-Asdi hy vọng sẽ có thể tụ tập họ lại khi Trung tâm sửa xong. Ông cũng có ý định triển lãm những bức thư chia sẻ tình cảm và ông nói thêm: “Tôi coi đó là tấm gương của thiện tâm thiện chí. Nó nói lên rằng chúng tôi không cô đơn và chúng tôi đang sống với những người tốt”.

Tin trên đây xảy ra ở nước Mỹ, một đất nước trẻ nếu so với một Châu Âu đã có hằng ngàn năm lịch sử và ít là trên dưới hai ngàn năm thấm nhuần tư tưởng Thiên Chúa Giáo. Thật khó mà có thể tìm hiểu những lý do tại sao Châu Âu đang rời xa Thiên Chúa. Họ đang dùng lý luận khoa học để giải thích tôn giáo ư? Nước Mỹ và người dân Mỹ đâu có thua ai về kiến thức khoa học. Thiên Chúa Giáo nói chung, và Công giáo nói riêng, vừa qua ở đất nước Mỹ này phải chịu đựng nhiều sóng gió, từ bên trong cũng như từ bên ngoài. Vậy mà niềm tin của giáo dân vẫn kiên trì và phát triển, mặc dầu sóng gió vẫn chưa hoàn toàn đi qua.

‘Hai đô la đóng góp và một bức thư chia sẻ tình cảm’ của một ai đó, dù không phải môn đệ của Chúa, quả là một tấm gương sống theo lời Chúa một cách tuyệt vời.

Dù sao thì chuyện Châu Âu là của người Âu Châu. Những ‘xung đột tôn giáo’ cũng như những xung đột ý thức hệ ở Âu Châu nếu có cũng là chuyện của người Âu Châu. Chúng ta chỉ biết cầu nguyện, trước hết là cho chính mình, và cho người Âu Châu để họ sớm được ơn soi sáng mà trở về với Thiên Chúa mà Đạo của Người đã góp phần tạo nên một nền văn minh Châu Âu sáng chói. Chúng ta cũng chung lời cầu nguyện rằng điều gọi là ‘Hậu-Thiên-Chúa-Giáo’ sẽ không bao giờ xảy ra dù ở Châu Âu hay ở bất cứ nơi đâu.