Bài viết của Đại sứ Michael W. Marine về nhân quyền ở Việt Nam



Ngày 5/4/2007

Hiện nay đang là một thời điểm đặc biệt đối với Việt Nam. Khi Hoa Kỳ và Việt Nam tái lập quan hệ ngoại giao năm 1995, Việt Nam là một quốc gia còn đang hồi sinh sau hàng thập kỷ chiến tranh, và một số thế hệ của đất nước chỉ biết đến sự cô lập quốc tế và cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Ngày nay, mức tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc ở Đông Á, và các nhà đầu tư toàn cầu đang ngày càng kỳ vọng Việt Nam có thể là "Con hổ châu Á" mới.

Về phần mình, Việt Nam có khát vọng được quốc tế công nhận hơn nữa, tăng cường hội nhập toàn cầu và đạt được tiêu chuẩn thế giới trong mọi lĩnh vực, từ kinh doanh cho đến giáo dục, cũng như từ y tế cho đến cơ sở hạ tầng kinh tế. Việc bảo đảm cho các công dân Việt Nam cũng có các quyền và sự tự do theo tiêu chuẩn thế giới sẽ phục vụ cho chính lợi ích phát triển và an ninh quốc gia của Việt Nam.

Việt Nam cần phải có động thái trao cho các công dân của mình không gian rộng rãi hơn để biểu đạt các ý kiến, tự lập các tổ chức để xử lý các vấn đề quan tâm và tham gia vào công cuộc đòi hỏi trách nhiệm giải trình, trong đó bao gồm điều quan trọng nhất là quyền được lựa chọn các nhà lãnh đạo và những người đại diện cho mình.

Nổi bật nhất trong các động thái của Việt Nam để gia tăng hình ảnh trên thế giới là việc Việt Nam mới đây đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh APEC và hiện đang rất nỗ lực để tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm sau với tư cách thành viên không thường trực.

Nhưng sự công nhận quốc tế, sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và việc thực sự đạt được các tiêu chuẩn thế giới đòi hỏi phải có những thay đổi ở Việt Nam và điều đó mang lại một số thách thức thật sự.

Báo cáo Công việc Kinh doanh 2007 của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam đã rơi xuống vị trí thứ 104 trong số 175 nước, giảm 6 bậc, xét về điều kiện kinh doanh thuận lợi ở Việt Nam. Nền pháp quyền còn yếu, nhất là cải cách các quy định diễn ra chậm chạp, các chính sách rườm rà, việc thực thi các hợp đồng không nghiêm túc và sự bảo vệ yếu ớt dành cho các nhà đầu tư, là những nguyên nhân của sự tụt hạng này và chúng cũng làm suy giảm lòng nhiệt tình đối với việc kinh doanh ở Việt Nam.

Hơn nữa, như các nhà lãnh đạo của quốc gia này đã công khai nhìn nhận, Việt Nam đang bị căn bệnh ung thư là tham nhũng tràn lan, nó làm gia tăng nguy cơ bất ổn và đe dọa tiến trình phát triển. Tham nhũng ảnh hưởng đến mọi giai tầng trong xã hội, và nếu không giải quyết mối đe dọa này một cách toàn diện và công khai, nó sẽ phá hỏng năng lực của đất nước trong việc hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế, xã hội và chính trị. Kiềm chế tham nhũng đòi hỏi phải có các cơ chế kiểm soát và cân bằng thực sự trong xã hội.

Việc các công dân trong bất cứ xã hội nào, dù là ở Việt Nam hay Hoa Kỳ hay nước nào khác, có khả năng nói ra ý kiến mà không bị lo sợ hoặc bị trả đũa là một sự kiểm soát thiết yếu đối với sự lạm quyền.

Trong khi Việt Nam đến nay đã làm rất tốt và đạt được nhiều thành tựu rõ rệt về phát triển kinh tế-xã hội, bước tiếp theo sẽ đòi hỏi Việt Nam phải sử dụng toàn bộ nhiệt huyết và sự sáng tạo của người dân.

Và tôi tin chắc rằng ở bất cứ xã hội nào điều này cũng không thể diễn ra nếu không có một hệ thống cởi mở hơn, một hệ thống cho phép các cá nhân bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa và tự do về mọi vấn đề, bao gồm cả chính trị.

Hiện nay, thật đáng tiếc, ngày càng có nhiều người bị bỏ tù hoặc giam giữ ở Việt Nam chỉ vì có tội đã bày tỏ quan điểm một cách ôn hoà. Trong số họ có nhà báo Nguyễn Vũ Bình, luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà hoạt động vì quyền đất đai Bùi Kim Thành, luật sư Lê Quốc Quân và linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý.

Thực tế là Cha Lý vừa mới bị kết án tám năm tù giam, một hình phạt làm cho người ta phân vân nếu như biết rằng tội của ông là nói ra những quan điểm ủng hộ sự thay đổi chính trị.

Vì sự hội nhập quốc tế và phát triển sâu rộng hơn của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần phải trả tự do cho những người này và các cá nhân khác ngay. Họ cũng cần tiến hành các bước điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số luật để việc bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa - kể cả các quan điểm chỉ trích nhà nước - không còn là việc làm phạm pháp nữa.

Cần phải phân định rõ ràng, Việt Nam đang phát triển tốt về kinh tế, và Chính phủ Việt Nam đáng được khen ngợi về nhiều thành tựu, bao gồm cả việc giảm nghèo đáng kể và những nỗ lực gần đây bảo vệ các quyền của các tín đồ tôn giáo. Nhưng, sau thời gian sống gần ba năm ở đây và được thấy động lực và tài năng lớn lao của người dân Việt Nam, tôi tin rằng Việt Nam còn có thể tốt hơn hiện nay rất nhiều.

Tôi cho rằng Việt Nam sẽ không bao giờ có thể đạt được mọi tiềm năng của mình, cũng như không thể thực sự đạt được các khát vọng toàn cầu của mình, nếu không tăng cường nền pháp quyền, giải quyết tham nhũng, bảo đảm các quyền tự do cơ bản của công dân và mở cửa hệ thống chính trị.

(Nguồn: website Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam