GIÁO LÝ CÔNG GIÁO VỚI VẤN ĐỀ TỰ DO DÂN CHỦ

“Khi có nhiều người hợp thành một cộng đồng chính trị thì thế nào cũng có những ý kiến khác biệt nhau, và đó là một điều phải lẽ. Trong những điều kiện đó, muốn cho cộng đồng chính trị khỏi phải tan rã do sự cứng rắn của mỗi người trong ý kiến của mình, cần thiết phải có một quyền bính để hướng về công ích những năng lực của mọi người, lẽ dĩ nhiên không phải cách máy móc và độc tài, nhưng như một sức mạnh luân lý dựa trên tự do và trách nhiệm của mỗi người.” ( Lược đồ XIII, số 74 )

“Nếu nhiều khi lợi ích công cộng đòi hỏi trong một thời gian hy sinh việc thi hành một vài quyền lợi thì cần thiết tự do phải được trả lại ngay khi hoàn cảnh đã thay đổi. Thật là trái ngược với nhân loại là quyền bính chính trị biến thành một thứ độc tài, đi ngược với những quyền lợi của con người và của các tập thể xã hội.”… ( ibid.n.75 )

TỰ DO THỂ LÝ

Tự do có nghĩa là không bị cưỡng bách. Danh từ “ tự do” bao hàm nhiều ý nghĩa.

Trước hết chúng ta nên phân biệt 2 thứ tự do là tự do thể lý và tự do luân lý

1/ Tự do thể lý hay tâm lý là khả năng của con người trong việc tự quyết định để muốn hay không muốn một việc gì, hoặc muốn thi hành việc này mà khước từ việc kia.

Người ta chỉ có thể tự quyết định khi không có sự cưỡng bách bất kỳ bên ngoài hay bên trong.

Cưỡng bách bên ngoài là khi có một áp lực, một sự cưỡng ép, một sức mạnh gì ở ngoài con người bắt buộc họ phải làm điều mà họ không muốn, thí dụ một sức lực nào đó bắt buộc ai phải giam hãm trong tù, hoặc phải đi đến pháp trường.

Cưỡng bách bên trong là một động lực nội tâm của con ngừơi, thôi thúc người ta phải làm một việc gì. Thí dụ trong trường hợp một người mắc bệnh điên dại, bệnh quẫn trí. Những người này bị thúc bách phải hành động bởi một áp lực nội tâm mà họ không thể chế ngự được.

Theo quan niệm trên thì nơi mỗi người đều có thể xuất hiện 2 trường hợp khác nhau: Khi thì có sự cưỡng bách bên ngoài mà thiếu sự cưỡng bách bên trong, khi thì có sự cưỡng bách bên trong mà thiếu sự cưỡng bách bên ngoài.

2/ Thế nào là tự do ý chí (Libre Arbitre) ? Tự do ý chí là khi con người không bị thôi thúc bởi một sự cưỡng bách bên trong, nói cách khác, khi con người được tự do định đoạt về hành vi của mình.

Tự do ý chí là kết quả tất nhiên, phát xuất do bản chất thiêng liêng của linh hồn, nó là một đặc tính bẩm sinh nơi mỗi người. tuy nhiên có nhiều nguyên nhân nội tại và nhiều điều kiện ngoại giới làm giảm sút hoặc làm tiêu tan tự do ý chí. Người ta có thể kể đến mấy nguyên nhân nội tại thông thường như: tình dục, tính khí, tập quán, sự vô tư, tình trạng mê ngủ, sự điên dại v.v… cả đến những bệnh tật về thần kinh, một khi tới trình độ làm mất thăng bằng về ý thức, cũng có thể ảnh hưởng sâu xa đến ý chí.

Xưa kia, trong việc xác định trách nhiệm cho những hành động của con người, người ta đã không chú trọng nếu không nói là đã phủ nhận đến những nguyên nhân nội tâm đã làm giảm bớt hoặc làm mất hẳn việc tự do quyết định của con người. Ngày nay, trái lại; có rất nhiều trường hợp trong đó người ta có thể căn cứ vào để biện minh cho tự do và trách nhiệm, thí dụ những bệnh tật về thần kinh, những tình trạng thiếu bình tĩnh v.v… đã là những lý do để các luật sư bào chữa cho những tội nhân mà đáng lý họ phải kết án tùy theo tội trạng.

3/ Vấn đề tự do ý chí thường đã bị các triết gia bài bác và phủ nhận. Trước hết là những người theo định mệnh thuyết ( Fatalisme ) vì họ chủ trương rằng ý chí của con người đã bị một sức mạnh siêu việt và huyền bí là “ Duyên số hoàn toàn chi phối”. Phái Thiên mệnh thuyết ( Déterminisme ) cũng phủ nhận tự do ý chí, vì họ tin tưởng rằng mỗi một hành vi của lòng muốn con người đều đã được qui định từ trước do một sức mạnh nội tại không thể cưỡng lại được, cũng tương tự như bản năng của các loài động vật.

Định mệnh thuyết hiện đại là con đẻ của chủ nghĩa duy vật. Nếu con người hoàn toàn chỉ là một cơ thể vật chất, không có linh hồn thiêng liêng hướng dẫn, thì lẽ tất nhiên cơ thể đó sẽ bị các lực lượng vật chất giá ngự và do đó không còn có tự do nữa.

Định mệnh thuyết đã phủ nhận một ưu điểm siêu việt nhất của con người là ý chí tự do, họ đã hạ thấp con người xuống ngang hàng với loài vật.

4/ Có nhiều lý lẽ để minh chứng rằng con người có tự do ý chí. Chúng tôi xin đan cử 2 lý lẽ chủ yếu:

a/ Chứng lý của lương tâm con người

Từ trong thâm tâm, mỗi người đều cảm thấy rằng họ có quyền làm việc này hoặc bỏ không làm, làm bằng thể cách này hay thể cách khác; họ có thể ăn hay không ăn, ăn nhiều hay ăn ít, ăn của này mà không ăn của khác, tuy nhiên, việc tiêu hóa các đồ ăn lại không do quyền định đoạt của mỗi người. Do đó, lương tâm của mỗi người đã chứng minh rằng nơi mỗi người đều có những hành động tự do và hành động cần thiết.

Học giả Ausonio Franchi, trong cuốn sách nhan đề là “Phê bình tối hậu” (Ultima critica) đã viết rằng: “Cảm thấy mình tự do và hiện hữu tự do là một, cũng như cảm thấy mình được hoan hỉ hoặc hiện hữu hoan hỉ, cảm thấy mình bị đau khổ, hoặc hiện hữu đau khổ, cảm thấy mình hoài nghi hoặc hiện hữu hoài nghi đều giống nhau. Vì không thể có những tình cảm của hoài nghi của đau khổ, của vui mừng, nếu không có sự hiện hữu thực sự ( của sự hoài nghi, đau khổ hoặc vui mừng… ) Do đó không thể có tình cảm về tự do mà thiếu sự hiện hữu thực sự của tự do…”

b/ Chứng lý của nhân loại

Người ta vốn thường ca tụng nhân đức và chê bai điều ác, người ta vốn thường ân thưởng cho người xứng đáng và trừng phạt những kẻ làm lỗi. Nhưng tất cả những việc đó đều trở nên vô nghĩa, nếu con người không có tự do, nếu con người không thể chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Nếu con người không có tự do như những môn phái Định mệnh thuyết vốn chủ trương thì cần gì phải lập nên những bộ luật, cần gì phải có những toà án, cần gì phải lập nên những lao xá?

Nếu con người không có quyền làm chủ những hành động của mình, nhưng phải miễn cưỡng hành động như một cái máy, như một con vật, thì những danh từ pháp luật, mệnh lệnh, những lời khuyên răn, những sự trừng phạt đều trở thành phi lý cả trong lý thuyết lẫn thực hành.

QUYỀN TỰ DO LUÂN LÝ

1. Tự do luân lý là một quyền lợi được làm tất cả những gì không bị cấm đoán bởi một luật lệ hợp pháp. Tự do luân lý là một quyền lợi và đối tượng của nó là những sự việc có tính cách lương thiện, chính đáng. Không ai được có quyền làm điều ác. Do đó khả năng làm điều ác là một khuyết điểm, nó không là bản thể của quyền tự do, cũng như khả năng mắc bệnh không thuộc về yếu tính của sức khoẻ.

Bởi vì- như Đức Lêo XIII đã tuyên bố trong thông điệp Libertas về quyền tự do của con người- Thiên Chúa, mặc dầu là vị toàn thiện tuyệt đối, tự do tuyệt đối- nhưng Ngài không thể ước muốn điều ác được, cả các vị thiên thần, các vị thánh nhân trên thiên đàng cũng thế. Thánh Augustinô và nhiều học giả khác, trong khi bài bác học thuyết của môn phái Pelagianô, đã biện minh một cách chí lý rằng: Nếu khả năng phạm tội thuộc về bản tính của tự do thì Thiên Chúa, các thiên thần, các thánh nhân là những vị không thể phạm tội được, lại kém tự do, kém toàn thiện hơn những con người của trần tục chăng?

Vì lý do đó, chính quyền, trong khi có bổn phận phải để cho mọi người được hoàn toàn tự do, khả dĩ thực hành việc thiện và chân lý, nhưng không thể làm ngơ để những người gian ác được tự do hoành hành việc xấu, làm như thế, không phải là công nhận quyền tự do, nhưng là khuyến khích sự phóng đãng, sự vô kỷ luật.

Trật tự và hoà bình phải được căn cứ trên một mực độ trung dung giữa quyền bính và tự do. Nhưng tiếc thay mực độ trung dung đó là một việc khó hi hành, bởi vì người ta rất dễ lạm dụng hoặc là quyền bính hoặc là tự do. Do đó lịch sử đã minh chứng rằng nhiều dân tộc đã ngẫu nhiên diễn tiến từ một quyền bính cực đoan (chế độ độc tài) tới một tự do cực đoan (chế độ tự do qúa trớn).

2. Quyền tự do luân lý được phân chia thành nhiều thứ loại tùy theo đối tượng mà tự do đó chi phối, thí dụ như tự do tôn giáo, tự do dân chủ, tự do kinh tế, tự do nghề nghiệp, tự do văn hóa….

Tiến lên một mức nữa, chủ nghĩa tự do (Liberalisme) còn đòi hỏi nhiều quyền tự do khác như tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo. Những yêu sách như thế có phù hợp với lập trường công giáo trong khi Giáo Hội ban hành những tín điều phải tin theo và những sự việc tôn giáo phải thi hành không?

Nếu những yêu sách trên muốn nói rằng không nên dùng áp lực để bắt buộc ai phải tin theo một tôn giáo, nói như thế là xác đáng, bởi vì tôn giáo là một tấm lòng thành kính tự do đối với Thượng đế, nên không được ép buộc ai phải tư tưởng hoặc xưng tụng điều mà họ chưa được xác tín.

Đến đây tưởng nên nhắc lại bức thơ thời danh của Giám mục Alcuin gửi cho vua Charlemagne, là người có ý muốn bắt dân Saxonx phải trở lại đạo Công giáo bằng võ lực, chứ không bằng lời khuyên răn. Trong bức thơ đó, người ta đọc thấy mấy lời rằng: “Xin Đức Vua hãy nhớ lại rằng đức tin không thể cưỡng ép họ được. Nếu Đức Vua bắt ép dân chúng phải chịu phép rửa tội thì Đức Vua không giúp ích gì cho tôn giáo cả. Do đó những ai giảng tin lành cho dân ngoại cần phải dùng những lời nói thấm đượm tinh thần khoan dung hoà hảo, Thiên Chúa là vị thấu suốt mọi tâm hồn, Ngài mở cửa lòng những ai mà Ngài muốn để họ tin theo Ngài”. Lời răn dạy đó đã được Đức Lêo XIII nhắc lại trong thông điệp Immortale Dei rằng: “Giáo Hội tuyệt đối mong muốn rằng không ai có thể bị áp bức bằng áp lực để tin theo đạo Công giáo, bởi thánh Augustinô đã căn dặn tiền nhân một cách khôn ngoan rằng: Người ta chỉ có thể tư tưởng bằng một ý muốn tự do và tự phát.

Nhưng chúng ta không thể chấp nhận ý kiến của những người muốn chủ trương rằng: “Mỗi người đều được tự do tin theo tôn giáo mà họ ưa thích hoặc không tin theo bất cứ tôn giáo nào”. Nói như thế có nghĩa là đối với Thượng đế, người ta được quyền tự do cảm nghĩ hay hành động bất cứ điều gì họ muốn. Đây là cả quan điểm của học thuyết “Trung lập tôn giáo” (Indifferentisme religieux).

CHÚA CỨU THẾ VỚI QUYỀN TỰ DO.

1. Vấn đề tự do thể lý của con người đã được Thiên Chúa minh nhiên chấp nhận trong Cựu ước.

Sách sáng thế ký có kể lại rằng Thiên Chúa, trong khi tạo dựng nên con người, đã tuyên bố những lời đầy ý nghĩa, những lời nói không bao giờ được sử dụng trong khi sáng tạo những loài thụ sinh khác. Chúa phán: “Ta hãy làm nên loài người như hình ảnh của Thiên Chúa”, vì con người có một linh hồn thiêng liêng, bất tử, và một ý chí tự do. Mà đặc tính thiêng liêng, bất tử và tự do chính là biểu hiện của bản tính Thiên Chúa.

Trong sách Giảng viên thư (Ecclesiaste), người ta còn đọc thấy những lời rằng: “Từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã tạo dựng nên loài người và đặt để loài người trong bàn tay của sự giáo huấn Ngài… Trước mặt con người có sự sống, sự chết, việc lành và việc ác, sẽ đặc ban cho con người cái mà nó đã lựa chọn” (Eccl XV, 14- 18).

Tân ước cũng đã công nhận sự tự do ý chí như là một điều kiện tiền đề trong việc làm lành lánh dữ. Tất cả lời giảng dạy của Chúa Cứu thế sẽ chỉ là những sự trạng phi lý, tất cả giới răn và huấn dụ của Ngài sẽ chỉ là những lời nói trên mây gió, nếu con người bị cưỡng bách phải hành động một cách máy móc, thụ động theo bản năng, toàn thể học thuyết của Phúc Âm sẽ không còn có lý do tồn tại, nếu con người, sau khi vướng mắc nguyên tội, sẽ không có thể được cứu rỗi nữa. Ngay cả hình phạt nơi hỏa ngục mà Chúa đã hăm doạ kẻ dữ trong Phúc Am (Matth XXV, 41), sẽ là một sự độc ác cực kỳ tàn nhẫn, nếu con người bị hoàn toàn bất lực trong việc kiềm chế dục tình, tội lỗi. Bởi vì, ai không có tự do thì người đó không phải chịu trách nhiệm về việc họ làm, họ cũng không đáng được thưởng công hay đáng chịu hình phạt.

2. Ngay cả quyền tự do luân lý cũng được Cựu ước công bố và bảo vệ. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã được hình dung như một vị Cứu thế đã giải phóng con người khỏi mọi xiềng xích mà chính con người đã tạo nên cho con người. Thánh vịnh đã ngợi khen Thiên Chúa bằng câu: “Ngài là nơi tôi ẩn náu, Ngài là sự bảo vệ của tôi, là Đấng giải phóng cho tôi”. (Psal 143, 2).

Nhưng vị Cứu tinh thực thụ, vị đã cải tạo mọi quyền tự do hợp pháp của loài người là Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài đã chuộc lại cho chúng ta quyền tự do được làm người, một quyền lợi tiên thiên, đi trước mọi quyền tự do khác như tự do dân chủ, tự do nghề nghiệp… Bởi vì, như ta đã biết, tình trạng xã hội của phần lớn nhân loại trong các thế kỷ xa xưa là tình trạng nô lệ.

Công việc giải phóng xã hội đó, Chúa Kitô đã thực hiện, không phải bằng những phương pháp bạo động, bằng những lời hứa mị dân, nhưng bằng sự truyền bá những nguyên tắc luân lý căn bản một cách ôn hoà và thấm thía giống như gieo rắc những hạt men bé nhỏ vào thúng bột, rồi dần dần thúng bột đó sẽ lên men và được biến đổi.

Nguyên tắc đầu tiên của quyền tự do do Chúa Kitô đề xướng là sự bình đẳng bản thể giữa mọi người trên thế giới vì mọi người đều đã được dựng nên theo hình ảnh của một Thiên Chúa và đã được cứu rỗi bởi một Máu Thánh Chúa Kitô. Do đó Ngài đã truyền buộc phải rao giảng Phúc Âm cho mọi người thuộc giai cấp, mọi chủng tộc: “Hãy rao giảng Phúc Âm cho muôn dân” (Marc XVI, 15).

Một nguyên lý khác cấu thành quyền tự do của con người là nghĩa huynh đệ đại đồng mà Chúa Cứu thế đã tuyên bố một cách công khai, trước một quần chúng đông đảo gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau, Ngài phán: “Tất cả chúng con đều là anh em với nhau” (Matth XXIII, 8).

Cao cả hơn, đồng thời cũng có tính chất quyết định hơn là đặc ân trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa, được chuyển đạt cho những ai đã chịu phép rửa tội: “Những người đã được sinh ra không do huyết nhục, không do ý muốn của xác thịt, không do ý muốn loài người, nhưng là do Thiên Chúa” (Joan I, 13).

Đây là một ân huệ cao qúi nhất mà Thiên Chúa đã đặc ban cho loài người, bất phân chủng tộc và thành phần xã hội.

Mấy nguyên tắc Phúc Âm vừa kể trên chính là kết qủa tất nhiên của quyền tự do mà Thiên Chúa đã phú ban cho loài người. Mà nếu đã là những chủ thể bình đẳng thì mọi người đều phải được hưởng thụ những quyền lợi tương đồng với nhau. Do đó những chế độ nô lệ, những hành động áp bức, chà đạp lên nhân vị người khác đều bị đạo Công giáo lên án một cách gắt gao quyết liệt.

Thực ra, câu khẩu hiệu tam thức (trinôme) thường được các nhà Cách mệnh nhắc nhở tới như bình đẳng, huynh đệ, tự do, đều là những ý niệm nguyên thủy, phát sinh do học thuyết xã hội Công giáo.

Chính Renan, một văn sĩ vô thần, vốn thường bài bác Phúc Âm đả kích Chúa Cứu thế, cũng đã thú nhận rằng: “Việc chấm dứt chế độ nô lệ chỉ được thực hiện ngày, mà nô lệ- những con người xưa kia đã bị nhìn xem như những con vật không có luân lý và phẩm giá- được trở thành bình đẳng ngang hàng với chủ nhân của nó” (Er. Renan, Marc-Aurèle). Nhưng Phúc Âm đã tuyên bố điều đó trước Renan.

GIÁO HỘI VỚI QUYỀN TỰ DO.

1. Căn cứ trên truyền thống tư tưởng của Chúa Cứu thế, Giáo Hội, trải qua các thời đại, đã là bức thành trì kiên cố nhất để bảo vệ và duy trì những quyền tự do chính đáng của con người, đồng thời đã là tiếng nói có thể bảo đảm nhất chống lại mọi hình thức áp bức con người.

Trước hết Giáo Hội đã bênh đỡ quyền tự do thể lý của nhân loại, một trật đã đề cao giá trị của nhân vị, một chủ thể có quyền ưu tiên hơn mọi thụ sinh khác.

Theo tiêu chuẩn đó, Giáo Hội đã phi bác học thuyết của những bè phái ly giáo- như Luther, Calvin, Jansenius- vì họ chủ trương rằng tội tổ tông đã giết chết quyền tự do của con người. Ngày nay, Giáo Hội còn phủ nhận những học thuyết sai lầm khác của chủ nghĩa định mệnh (Déterminisme), hoặc duy vật (Materialisme).

Trong thông điệp Libertas, Đức Lêo XIII đã viết rằng: “Không ai bằng Giáo Hội, đã quyết đoán một cách long trọng, đã bảo vệ một cách kiên trì, đã luôn luôn giảng dạy, luôn luôn bênh đỡ đặc tính đơn thuần thiêng liêng và bất tử của linh hồn”.

2. Đàng khác, Giáo Hội, trong khi bảo vệ quyền bính hợp pháp chống lại những lý thuyết chủ trương vô chính phủ, đã bênh đỡ những người tự do chính đáng của nhân dân chống lại những yêu sách và vi phạm bất chính của giới cầm quyền. Không phải cuộc cách mệnh Pháp năm 1789 nhưng chính Giáo Hội Chúa Kitô, từ nguyên thủy, đã lên tiếng tuyên ngôn những quyền lợi căn bản của con người.

Trong thư gửi cho tín hữu thành Ephêsô, thánh Phaolô đã răn dạy họ rằng: “Hỡi các giới gia chủ, hãy xử sự với những người giúp việc các người một cách tôn kính, hãy xếp lại một bên những lời đe doạ; hãy nhớ rằng chủ nhân các người và chủ nhân họ đang ngự trị trên trời, Ngài là Đấng không thiên vị bất cứ ai” (Ephes VI, 9). Với giáo dân thành Galata, Ngài đã tuyên bố một cách thẳng thắn rằng: “Không có sự khác biệt giữa người Do thái và người Hy lạp, giữa người nô lệ và người tự do, giữa nam giới và nữ giới, bởi vì chúng con tất cả đều là một trong Chúa Kitô” (Gal. III, 8).

Những lời trên đây có nghĩa là người ta không được dựng lên những tường thành phân ly giữa những con người khác nhau về quốc gia, về địa vị xã hội, về giới phái như dân Do thái và những dân tộc xưa thường quan niệm.

Lời tuyên ngôn của thánh Tông đồ- thường được hàng giáo phẩm năng nhắc tới- đã là những lời kết án công khai chế độ nô lệ.

Sở dĩ lời khuyên răn do Giáo Hội được trở nên hữu hiệu vì có những hành động tương đương đi kèm theo. Chế độ nô lệ đã được chính thức bãi bỏ trong chính đời sống nội tại của Giáo Hội. Mọi người bất luận sang hèn, giầu nghèo, đều được mời gọi lãnh thụ cùng một Bí tích cùng một đặc ân, cùng một ân huệ thiêng liêng. Lời tuyên bố của thánh Phaolô: “Không có sự khác biệt giữa người nô lệ và người tự do”, đã được thực hiện đầy đủ trong đời sống Phụng vụ.

3. Giáo Hội lại đã thể hiện một lời tuyên ngôn cao cả nhất nhằm bảo vệ một quyền tự do cao cả nhất là tự do tôn giáo, bằng hành vi tuẫn tiết của muôn vàn thánh Tử đạo. Tử đạo là một bản tuyên ngôn viết bằng máu để bảo vệ một quyền lợi bất khả xâm phạm của con người là quyền được tự do tôn thờ vị Thượng đế đích thực. Các vị tử đạo Công giáo đã là những người đầu tiên hy sinh xương máu cho cái ý nghĩa cao cả của quyền tự do nơi con người.

Thi sĩ Dante, trong cuốn Divina Commedia đã nói rằng: “Không có thứ quyền tự do nào cao cả bằng thứ tự do mà người ta dám hy sinh đời sống để đánh đổi lấy” (Divina Comm II, 1, 71-72).

4. Các vị Giáo hoàng La mã, một trật đã lên tiếng bênh vực những quyền lợi chính đáng của tự do, một trật cũng kịch liệt phi bác những lạm dụng phát xuất do quyền tự do. Thí dụ Đức Lêo XIII, trong thông điệp Libertas, mặc dù đã đan cử nhiều lý lẽ đanh thép để biện hộ cho những quyền tự do chân chính của con người, nhưng Ngài cũng mạnh dạn lên án những chủ trương qúa khích của phái tự do cực đoan muốn được hoàn toàn thong dong để làm điều lành cũng như điều ác, để truyền bá chân lý cũng như gieo rắc tà thuyết cho mọi người.

Nhưng, mặc dầu tự do làm điều ác là một thứ tự do bất chính, tuy nhiên, trong ít nhiều trường hợp, để tránh sự dữ lớn hơn, người ta miễn cưỡng phải tỏ một thái độ khoan dung đối với điều ác. Do đó, Đức Lêo XIII lại đã lập luận rằng: “Mặc dầu không bao giờ yêu sách những quyền lợi ngoài sự chân thực và liêm khiết, Giáo Hội không cấm đoán những cử chỉ mà, hoặc để xa tránh một sự dữ lớn lao hơn, hoặc để theo đuổi hay duy trì một điều thiện cao cả hơn, chính quyền phải làm ngơ trước ít nhiều hành động không phù hợp với chân lý và công bình”.

Đức Piô XII, trong thông điệp Summi Pontificatus, lại đã lên án chủ nghĩa “quốc gia độc tài” (Etatisme), một chủ nghĩa qui định cho quốc gia một quyền hành vô giới hạn, làm tổn thương đến quyền tự do của cá nhân và gia đình là những thực thể có trước quốc gia, đấng Tạo hoá đã phú bẩm cho hai thực thể đó những khả năng và quyền lợi riêng biệt, đồng thời đã ấn định cho cả hai một sứ mệnh thích ứng với những nhu cầu tất yếu của luật lệ thiên nhiên”.