CHẤM DỨT NẠN ĐÓI THẾ GIỚI: “CẦN PHẢI ‘CHUYỂN ĐỔI’ KIỂU MẪU PHÁT TRIỂN TOÀN CẦU”



VATICAN -Bài huấn đức Đức Benedict XVI trình bày ngày 12.11.2006 trước lúc đọc kinh Truyền Tin Trưa với nhiều ngàn người qui tụ trong Quảng trường Thánh Pherô. Trong bài huấn đức Đức Thánh Cha nhắm tới FAO, Tổ Chức Lương Nông Liên-Hiệp-Quốc.

Anh Chị Em thân mến!

Hôm nay tại Italy, cử hành Ngày Tạ Ơn hằng năm, mà chủ đề là “Trái Đất: một ân huệ cho Toàn Thể Gia Đình Nhân Loại.” Trong các gia đình chúng ta, chúng ta dạy các con nhỏ tạ ơn Thiên Chúa luôn trước khi ăn, với một kinh ngắn và dấu thánh giá. Tập quán này cần được tuân giữ hay là được tái khám phá, bởi vì tập quán đó dạy chúng ta không coi “bánh hằng ngày” của chúng ta như là điều dĩ nhiên, nhưng công nhận trong đó một ân huệ của Chúa Quan Phòng.

Chúng ta phải có thói quen chúc tụng Đấng Sáng Tạo vì mỗi sự: vì khí và nước, những yếu tố quí báu nền tảng sự sống chúng ta trong hành tinh chúng ta; cũng như vì thức ăn mà, qua sự phì nhiêu của trái đất, Thiên Chúa ban cho chúng ta để nuôi sống chúng ta.

Chúa Giêsu dạy các môn đệ Người cầu nguyện, xin Cha trên trời ban bánh hằng ngày không phải “của tôi” mà của “chúng tôi”. Như vậy Người muốn mọi người cảm thấy đồng trách nhiệm đối với các anh em mình, ngõ hầu không ai sẽ không có điều cần thiết để sống. Những sản phẩm của trái đất là một ân huệ Thiên Chúa ban “cho toàn thể gia đình nhân loại.”

Và ở đây chúng ta chạm tới một điểm chua xót: thảm kịch đói mà, mặc dầu sự kiện là mới đây nạn đói đã được đề cập trong các cơ sở từ thiện cao nhất, như Liên -Quốc và cách riêng FAO, vẫn tiếp tục là rất trầm trọng luôn. Báo cáo cùa FAO hằng năm cuối cùng khẳng định điều mà Giáo Hội biết rất rõ qua kinh nghiệm trực tiếp của các cộng đồng và các nhà truyền giáo: là hơn 800 triệu người sống trong một tình huống thiếu dinh dưỡng và quá nhiều người, cách riêng trẻ em, chết đói.

Bằng cách nào tình huống này có thể được xử lý, tình huống dầu bị tố cáo nhiều lần, không được giải quyết nhưng ngược lại trở nên xấu hơn trong nhiều cách ? Chắc chắn điều cần thiết là loại trừ những nguyên nhân cấu trúc liên hệ với hê thống quản trị của nền kinh tế thế giới, cấp phần lớn tài nguyên hành tinh cho một thiểu số dân chúng. Sự bất công này đã bị đả kích trong nhiều dịp khác nhau bởi các vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, các Tôi Tớ Chúa là Đức Phaolo VI và Gioan Phaolo II.

Muốn có khả năng gây ảnh hưởng trên một cán cân rộng, điều cần thiết là “thay đổi” kiểu mẫu phát triển toàn cầu; điều này bây giời được đòi hỏi không những bởi gương xấu nạn đói, nhưng cũng bởi những sự khẩn cấp môi trường và năng lực. Tuy nhiên, mỗi người và mỗi gia đình có thể và phải làm một điều gì để giảm nhẹ sự đói trên thế giơi, chấp nhận một kiểu sống và hưởng thụ dung hoà được với sự bảo tồn tạo vật và với những tiêu chuẩn công bình đối với những kẻ canh tác đất đai trong mọi xứ.

Anh Chị Em thân mến: Hôm nay ngày Tạ Ơn kêu mời chúng ta, một đàng, tạ ơn Thiên Chúa vì những hoa quả của lao nhọc nông nghiệp và, đàng khác, Ngày này khuyến khích chúng ta dấn thân cách cụ thể nhổ tận gốc tai họa nạn đói. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết ơn những ơn lành Chúa Quan Phòng và cổ võ công lý và tình liên đới trong mọi phần địa cầu.

[Cuối Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha chào những người hành hương trong nhiều thứ tiếng. Trong tiếng Anh, ngài nói:]

Tôi chào những khách thăm viếng nói tiếng Anh ở đây hôm nay, cách riêng những người hành hương từ Billingham tại England, từ Perth tại Tây Australia và từ Salt Lake City tại United States châu Mỹ. Tôi cầu xin cho cuộc thăm viếng của anh chị em tại Rome sẽ đào sâu tình yêu của anh chị em đối với Chúa Kitô và Giáo Hội Người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe về một bà goá nghèo kẻ đã cho Chúa tất cả những gì bà có, mà không giữ gì lại cho bà. Lòng quảng đại của bà là một sự linh hứng cho tất cả chúng ta nên hiến mình hoàn toàn cho Chúa Kitô. Trên tất cả anh chị em, và trên những gia đình và những người thân của anh chị em tại nhà, tôi cầu xin những phúc lành dồi dào của Thiên Chúa.