ROMA. ĐHY Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết Tòa Thánh rất quan tâm theo dõi Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình tại Liban, tổ chức tại Roma hôm 26-7-2006.

Hội nghị do chính phủ Italia cổ võ và tổ chức, với sự tham dự của 13 nước, trong đó có Ông Tổng thư ký LHQ Kofi Anna, bà Condoleeza Rice, ngoại trưởng Hoa Kỳ, Đại diện Liên hiệp Âu Châu, đặc biệt là Pháp và Italia, các vị ngoại trưởng các nước Arập, trong đó có Liban, Ai Cập, Arập Sauđi. Các tham dự viên hội nghị đều nhấn mạnh tới sự cấp thiết phải giải quyết vấn đề cứu trợ nhân đạo cấp thời cho các nạn nhân, và sớm đạt tới một cuộc đình chiến dài hạn. Hội nghị cũng bàn tới việc thiết lập một đạo quân hòa bình.

Đáp lời mời của quốc gia tổ chức, Tòa Thánh đã gửi phái đoàn quát sát viên đến dự hội nghị, đó là Đức TGM ngoại trưởng Giovanni Lajolo, và 2 giám chức thuộc Bộ Ngoại giao Tòa Thánh.

ĐHY Sodano cũng cho biết ngành ngoại giao của Tòa Thánh cũng đã thực hiện các công việc khẩn trương tại Trung Đông, qua sự tiếp xúc với các chính quyền liên hệ, với mục đích đạt tới một cuộc ngưng bắn tức khắc, và thiết lập những hành lang nhân đạo để cứu trợ các nạn nhân chiến tranh. Tòa Thánh tiếp tục hoạt động ở hậu trường cho hòa bình tại Trung Đông.

ĐHY Quốc vụ khanh nói thêm rằng mối quan tâm của Tòa Thánh là làm sao có sự đối thoại giữa các phe liên hệ. Tòa Thánh cũng tìm cách không đứng riêng về một phe nào, vì sứ mạng phổ quát của Giáo Hội là đoàn kết tất cả nhân loại với nhau. ĐHY Sodano nhấn mạnh rằng ”con đường văn minh hiện nay không phải là con đường chiến tranh, nhưng là con đường đối thoại giữa các phe, con đường cảm thông và hòa hợp với nhau”.

Mặt khác, trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo “Gia đình Kitô” (Famiglia Cristiana) ở Italia số ra ngày 30-7-2006, ĐHY Sodano bác bỏ những lời phê bình cho rằng Tòa Thánh không hiểu cho đủ những lý do khiến Israel dội bom vào những khu vực gọi là thành trì của nhóm Hezbollah ở Liban. ĐHY nói: “Suốt trong thế kỷ qua, Tòa Thánh luôn giữ vững những lý lẽ hòa bình, và điều này thường làm phật lòng phe này hoặc phe kia đang lâm chiến. Lời kêu gọi của Giáo Hội chống bạo lực luôn có nguy cơ bị phê bình, hiểu lầm hoặc bị cáo là thiên vị. Nhưng đó chính là giá mà Tòa Thánh phải trả để góp phần vào việc thiết lập hòa bình.”

Về đề nghị gửi một lực lượng bảo hòa trấn giữ giữa Israel và Liban, ĐHY Sodano nhận định rằng giải phép này có thể là thích hợp, với điều kiện các lực lượng ấy phải có khả năng can thiệp. ”Lịch sử gần đây của một số lực lượng LHQ không gây phấn khởi lắm. Chỉ cần nghĩ đến sự ù lỳ bất động của các lực lượng ấy trong một số hoàn cảnh đau htương như tại bán đảo Balcan, Phi châu, Haiti hoặc tại Đông Timor. Ngay cả lực lượng Unifil của LHQ giữa Liban và Israel đã không ngăn cản được cuộc xung đột hiện nay”.

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhắc lại nguyên tắc: Cả trong trường hợp tự vệ chính đáng, không được phép đưa các thường dân vô tội vào trong cuộc chiến, và không bao giờ được vi phạm các luật lệ cơ bản về nhân đạo”.

Hôm 25-7-2006, không lực Israel đã dội bom làm thiệt mạng 4 quan sát viên thuộc lực lượng Unifil của LHQ tại miền nam Liban. Ông Tổng thư ký LHQ bày tỏ kinh hoàng, lên án hành động này và yêu cầu thủ tướng Olmert của Israel cho mở cuộc điều tra về vụ này.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Roma, chính phủ Liban ước lượng thiệt hại trong 2 tuần do các cuộc oanh kích của Israel gây cho nước này lên tới 2 tỷ 70 triệu mỹ kim (Apic, CNS 25-7-2006)(Radio Vatican)